Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/7/2022

Chi tiết bài viết Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 27/7/2022

  1. Vấn đề về thuế

1. Báo Tiền phong (27/7) có bài “Bỏ khung giá đất: Đưa giá đất về giá trị thực”; Đại đoàn kết (27/7) có bài “Tăng thuế đất để trị sốt đất” cho biết: Bỏ khung giá đất được các chuyên gia nhìn nhận là một bước tiến để giúp xác định giá đất sát với thị trường. Việc bỏ khung giá đất mới chỉ “cởi trói” một phần, phần tiếp theo cần phải bỏ cả bảng giá đất, thay vào đó là bản đồ giá trị đất đai. Nói về kinh nghiệm xác định giá đất trên thế giới, GS Đặng Hùng Võ nêu ví dụ ở Nhật Bản, họ dùng bản đồ đường phố, phố nào giá bao nhiêu thì theo dõi theo giá thị trường trên các hợp đồng, rất đơn giản. Bảng giá đất hiện nay chỉ quy định vị trí 1, 2, 3 so với giá trị cao nhất và thấp nhất trong khu vực đó. Trong khi bản đồ giá trị đất đai có vị trí từng khu vực, chấm vào đâu sẽ ra giá trị ở  khu vực đó, không sai lệch được. Tuy nhiên, việc lập bản đồ phải khảo sát, thu thập giá thị trường,… nên cần từng bước chuyển lên bản đồ giá trị đất đai.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định, khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào thực tế tại địa phương, được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất. Bảng giá đất điều chỉnh cao không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất. Do cơ chế này nên bảng giá đất của các địa phương thường chỉ bằng 30-50% so với giá đất trên thị trường. Để Nghị quyết 18 sớm đi vào thực tiễn, ông Châu kiến nghị bỏ khung giá đất và giao toàn bộ thẩm quyền, trách nhiệm cho cấp tỉnh. Các địa phương sẽ không lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

2. Báo Tiền phong (27/7) có tin “Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dầu khí xuống 20%” cho biết: Ngày 26/7, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam tổ chức tọa đàm, cho ý kiến về Luật Dầu khí sửa đổi dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có thêm chính sách để thu hút đầu tư tư nhân trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Ông Phong đề xuất nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu lên gấp đôi để tránh xảy ra câu chuyện “mua đất giá rẻ”.  

3. Báo Đại đoàn kết (27/7) có bài“Tiếp tục giải tỏa gánh nặng thuế, phí xăng dầu” cho biết: Theo chỉ đạo mới nhất từ Văn phòng Chính phủ, trước ngày 30/7, Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ các phương án giảm thuế với xăng dầu. Như vậy, giá xăng kỳ vọng được giảm thêm, góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giá thành sản phẩm, cùng đó là kiềm chế lạm phát…

Hiện, Bộ Tài chính vẫn đang nỗ lực đề xuất các giải pháp nhằm ổn định giá xăng dầu trong nước, qua đó hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cũng như Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi và lên phương án để thời gian tới sẽ trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng nếu giá dầu vẫn ở mức cao.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây tiếp tục giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho Bộ Tài chính là trước ngày 30/7.

4. Báo Lao động (27/7) có bài “Chống thất thu thuế từ kinh doanh số xuyên biên giới” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, các nhà cung cấp nền tảng kinh doanh số nước ngoài đã kê khai, nộp thuế trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế như: Facebook nộp 2.071 tỷ đồng; Google nộp 2.034 tỷ đồng; Microsoft nộp 692 tỷ đồng. Các nền tảng đang phát triển mạnh như tiktok, Netflix đã nộp số thuế lần lượt là 34,5 tỷ đồng và 7,8 tỷ đồng… Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu khủng của các nền tảng này, số tiền thuế chưa tương xứng với tốc độ phát triển, còn thất thu cho NSNN.

Để công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số mang lại hiệu quả, chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử.

Vấn đề thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới là bài toán đau đầu với cơ quan quản lý trong thời gian dài. Một chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, số thuế thu được chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng. Với mô hình hoạt động xuyên biên giới, không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, việc quản lý, giám sát, thu thập thông tin số liệu rất khó khăn, khiến việc kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế.

5. Báo Thanh niên (27/7) có bài “Khu liên hợp Mỹ Đình nợ thuế, tuyển VN  bị ảnh hưởng” đưa tin: Không có gì khả quan về khoản nợ thuế cực lớn của Khu liên hợp thể thao quốc gia. Thường xuyên thuê sân Mỹ Đình, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có thể sẽ phải tính đến phương án khác cho tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022.

Mới đây, chia sẻ với báo Thanh niên, cơ quan thuế khẳng định, sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn và báo cáo với cơ quan chủ quản của khu liên hợp để cùng đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế đối với đơn vị này. Ngày 26/7, một lãnh đạo khu liên hợp cho biết, khu liên hợp đang rất bế tắc, không biết cách giải quyết như thế nào vì cũng không được phép xuất hóa đơn lẻ do khoản nợ xấu quá lớn. Khu liên hợp mong muốn các bộ ngành, cơ quan có liên quan cùng hỗ trợ giải quyết nút thắt đang rất rối này.

6. Báo Hà Nội mới (27/7) có tin “Thu ngân sách 7 tháng đầu năm của Hà Nội tăng gần 25%” thông tin: Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, số thu ngân sách 7 tháng đầu năm của thành phố đạt hơn 167.679 tỷ đồng, bằng 59,5% dự toán, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (tăng 17,6%). Trong đó, đáng chú ý, số thu từ chứng khoán, bất động sản, ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, đơn vị sẽ tăng cường rà soát, quản lý chặt chẽ nguồn thu trên địa bàn, phát hiện những lĩnh vực thu, nguồn thu, nhóm ngành thu còn tiềm năng, rủi ro, tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo thu. Trong đó, tập trung quản lý thu ở lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách, phương pháp quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.

II. Vấn đề về hải quan

7. Báo Pháp luật Việt Nam (27/7) có bài “Chuẩn hóa tuyên truyền, phổ biến pháp luật hải quan” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quy chế tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người khai hải quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan nhằm giúp cho người khai hải quan, doanh nghiệp nắm bắt các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật thuế và pháp luật có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tính tự giác tuân thủ, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình.

III. Vấn đề về đầu tư công

8. Báo Đại đoàn kết (27/7) có tin“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp” cho biết: Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trên cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 34,47% kế hoạch của Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu ra. Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công.

IV. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Tiền phong (27/7) có tin “Bình ổn giá thịt lợn, không để gây thiếu hụt”; Thanh niên (27/7) có tin “Cần bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi”, qdnd.vn (26/7) có bài “Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu thịt lợn, bình ổn giá” cho biết: Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, TP theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá theo quy định; đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá lợn tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và gây áp lực lên lạm phát.

10. Báo Công lý (27/7) có bài “Sửa Luật Giá nhằm chống tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá” cho biết: Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đề xuất sửa đổi quy định nhằm tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động thẩm định giá. Việc sửa đổi một mặt đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực giá.

Theo ông Nguyễn Kim Đức, Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất nỗ lực trong việc sửa đổi những bất cập tồn tại của Luật Giá hiện hành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ nghề thẩm định giá, hạn chế việc thuê, cho mượn thẻ thẩm định viên về giá.

Việc quy định vốn điều lệ tối thiểu và số vốn góp của các cổ đông là thẩm định viên cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp thẩm định giá. Có ý kiến cho rằng, cần quy định vốn điều lệ nhằm góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp, thay vì phát triển về số lượng. Quy định như trên nhằm tạo điều kiện để phát triển nghề bền vững, có thể tăng mức vốn điều lệ hoặc quy định đối với vốn kinh doanh để quản lý tốt hơn số doanh nghiệp thẩm định giá.

V. Vấn đề về vốn ODA

11. Báo Lao động (27/7) có bài “3 vướng mắc của tuyến metro số 1 chờ Thủ tướng tháo gỡ” cho biết: Sáng 27/7, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thị sát nhà ga ngầm Bến Thành và Ba Son thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Có 3 vướng mắc của dự án metro số 1 sẽ được TP HCM kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ, gồm: Xin lùi thời gian hoàn thành đến cuối quý III/2023; bố trí đủ vốn ODA cấp phát còn thiếu và tạm ứng ngân sách cho công ty vận hành tuyến metro số 1 duy trì hoạt động.

Không chỉ chậm trễ hoàn thành, tuyến metro số 1 hiện còn vướng mắc về vốn ODA cấp phát. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA chiếm hơn 38.200 tỷ đồng, gồm hơn 14.333 tỷ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỷ đồng vốn vay lại. Đến nay, vốn ODA từ Trung ương cấp phát cho tuyến metro số 1 đã được giải ngân hơn 10.346, giá trị vốn còn lại chưa giải ngân là hơn 3.987 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cho dự án chỉ là 1.704,6 tỷ đồng (43% nhu cầu).

UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng bố trí bổ sung hệ số vốn ODA cấp phát còn thiếu là 2.283 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

VI. Vấn đề khác

12. Báo Tiền phong (27/7) có bài “Bộ Chính trị yêu cầu giảm ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức” cho biết: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Kết luận số 40 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Bộ Chính trị yêu cầu giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016-2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016-2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022-2026.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00