Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/7/2022

Chi tiết bài viết Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 28/7/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Thanh niên (28/7) có bài “Người làm công ăn lương “oằn mình” đóng thuế” cho biết: Thu nhập sụt giảm trong khi giá hàng hóa liên tục tăng khiến nhiều người phải chật vật nhưng mức đóng thuế thu nhập cá nhân vẫn như trước.

Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN với các mức thuế suất và cách tính khác nhau, trong đó duy nhất thu nhập từ tiền lương, tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần (thuế 5-35%), còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần. Vì vậy, ngay trong sắc thuế TNCN đã có nhiều quy định chưa công bằng cho người nộp thuế.

Theo TS.Lê Đạt Chí, Phó Khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), nguồn thu từ người làm công ăn lương chiếm đa số trong thuế TNCN. Từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp, hộ gia đình đều có nhiều chính sách hỗ trợ khi khó khăn vì đại dịch Covid-19 như giãn thuế, giảm thuế. Hiện nay, các đối tượng này vẫn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ, trong đó tiếp tục được gia hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT, thuế TTĐB, tiền thuê đất, thuế TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh…. nhưng người làm công ăn lương nộp thuế TNCN hoàn toàn không được đề cập đến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm lương, giảm thu nhập của người lao động. Những đối tượng đang phải đóng thuế TNCN bậc 1, bậc 2 hiện nay thực tế cũng mới chỉ đủ sống. Giá hàng hóa tăng cao sẽ khiến họ bị ảnh hưởng nặng nề. Cần có chính sách hỗ trợ đối tượng này và sớm điều chỉnh thuế suất thuế TNCN cho phù hợp.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật Minh Đăng Quang cũng cho rằng, lương của các doanh nghiệp chi trả không giảm nhưng mức chi tăng quá cao khiến các gia đình không còn tiền để dành. Tỷ lệ lạm phát công bố không cao do Tổng cục Thống kê tính toán với 752 loại hàng hóa và dịch vụ nhưng trong đó đại đa số người tiêu dùng chỉ sử dụng khoảng 20 mặt hàng thì đều tăng vọt. Chính phủ nên đề xuất giảm 30% thuế TNCN cho người lao động hiện nay như áp dụng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Về dài hạn, phải xem xét sửa đổi lại biểu thuế cũng như nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cao hơn để phù hợp tình hình kinh tế xã hội.

II. Vấn đề về quản lý giá

2. Báo Người lao động (27/7) có bài “Xăng dầu lãi khủng trên khốn khó của người dân” cho biết: Trong thời gian giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ tìm cách giảm thuế để giảm giá, hạn chế tác động đến nền kinh tế thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lãi cả ngàn tỉ đồng. Điển hình, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR, đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Quảng Ngãi) công bố báo cáo tài chính với mức lãi tăng vọt. Doanh thu nhiều, lãi nhiều là bình thường, nhưng tỉ lệ lãi trên doanh thu trong quý II lên đến 20% quả là điều "không tưởng" với bất cứ doanh nghiệp ngành nào trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh phải đối mặt với khó khăn chồng chất.

Nên nhớ, khoảng thời gian doanh nghiệp đạt mức lãi khủng chính là giai đoạn giá xăng dầu tăng vùn vụt làm chao đảo thị trường, tác động tiêu cực đến hàng loạt ngành sản xuất - kinh doanh từ vận tải, tiêu dùng đến công nghiệp, thực phẩm... Ngay ngành nông nghiệp cũng bị "vạ lây" khi giá phân bón tăng cao, giá xăng dầu dùng cho máy móc nông nghiệp, vận chuyển "ngoạm" vào vốn sản xuất. Có thông tin cho rằng thời gian trước, một số doanh nghiệp nhập được dầu tồn kho giá rẻ nên lợi nhuận "vụt" tăng. Dự kiến đến quý III, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp ngành này sẽ rớt trở lại. Tuy vậy, dù lý giải kiểu gì thì cũng không giải tỏa được ấm ức của người tiêu dùng.

Với tầm quan trọng của loại nhiên liệu này, bắt buộc cần có những chính sách quản lý phù hợp nhằm bảo toàn sự cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mặt hàng càng thiết yếu càng cần sự kiểm soát chặt chẽ. Một số quốc gia thậm chí còn hy sinh lợi nhuận hoặc chấp nhận lỗ trong kinh doanh xăng dầu để bảo đảm hoặc tăng quyền lợi của người dân. Còn Việt Nam thì sao? Lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu không thể mang ra cân đo đong đếm với những thiệt hại mà giá xăng dầu đã gây ra đối với đời sống kinh tế - xã hội.

3. Vietnamnet (28/7) có bài “Xăng liên tục giảm giá và chuyện 'kỳ quặc' đang xảy ra ngoài chợ” phản ánh: Gần 1 tháng trôi qua, giá xăng dầu đã giảm sau 3 kỳ điều chỉnh nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn không giảm, thậm chí tăng. Đặc biệt, thịt heo có những biến động giá khó hiểu trên thị trường. Do giá tăng cao nên hàng hóa không dễ bán, khiến nhiều tiểu thương “ế ẩm”….

4. Báo Tiền Phong (28/7) có các bài “Lạm phát ngóc đầu”,“Cách nào ghìm lạm phát cuối năm”, “Lo buộc bụng vì giá cao” cho biết: Đến nay, nhiều mặt hàng trong nước đã “trèo” lên một mặt bằng giá mới với dấu hiệu khó “quay đầu” kể cả khi giá xăng dầu đã giảm mạnh. Dân thắt chặt chi tiêu vì lo ngại giá xăng dầu đã giảm mà giá hàng hóa vẫn chưa “quay đầu”. Giới chuyên gia nhận định, nếu không kiểm soát tốt, lạm phát vẫn là mối lo lớn vào cuối năm.

Theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), CPI 2,44% chưa phản ánh đúng thực tế, bởi giá nhiều loại hàng hóa tăng khá mạnh.

TS Lê Quốc Phương đưa ra 2 dự báo về kịch bản kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Ở kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn cung hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm dồi dào, không gây biến động lớn về giá thì CPI 6 tháng cuối năm không tăng mạnh, sẽ dưới 4%.

Ở kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, kinh tế Việt Nam phục hồi kéo theo cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao thì CPI 6 tháng cuối năm có thể tăng cao hơn 6 tháng đầu năm và CPI cả năm sẽ vượt 4%.

Ông Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính chỉ ra, từ đầu năm tới nay, do giá nguyên liệu đầu vào của hàng loạt mặt hàng gia tăng, thiết lập mặt bằng mới. Giá xăng trong nước đã giảm nhưng cần độ trễ để giá hàng hoá giảm theo.

III. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

5. Báo Lao động (28/7) có bài “Thị trường bất động sản đang thiếu “nhạc trưởng” dẫn dắt”’ cho biết: Chỉ mới đi qua nửa đầu năm, không ít các vấn đề nảy sinh về quy hoạch, các chính sách điều tiết tác động khiến sự hồi phục của thị trường bất động sản (BĐS) có phần chững lại. Nếu không có bàn tay của “nhạc trưởng”, thị trường khó có thể bền vững. Tương tự, thị trường trái phiếu BĐS cũng phát triển tương đối nhanh trong khoảng 3 năm gần đây. Chính phủ trước đó cũng có định hướng phát triển thị trường này nhằm đa dạng hóa nguồn vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, đảm bảo lành mạnh hóa thị trường trái phiếu là việc cần làm nhưng giải pháp phải xử lý khắc phục những điểm yếu của thị trường là việc gấp hơn bao giờ hết. Chỉ khi khắc phục được điểm yếu nhanh chóng thì mới có thể biến trái phiếu từ quả bom nổ chậm thành một vũ khí mạnh của doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn này để tiếp tục phát triển.

6. Báo Người lao động (28/7) có bài “Doanh nghiệp thận trọng khi phát hành trái phiếu” cho biết: Trao đổi với phóng viên Báo Người lao động, cố vấn tài chính của một công ty bất động sản lớn ở TP HCM nhận định ngoài nguyên nhân từ những vụ lùm xùm về trái phiếu DN xảy ra vào đầu năm 2022, kênh huy động vốn bằng trái phiếu DN sụt giảm mạnh vì cơ quan quản lý liên tục thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán từng làm tư vấn phát hành trái phiếu DN. Vì vậy, các công ty chứng khoán thời gian gần đây rất thận trọng khi tham mưu cho DN phát hành trái phiếu, ngay cả DN có ý định phát hành cũng dè dặt khiến cho kênh huy động vốn này có phần chậm lại.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00