Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 30/01/2024

Điểm báo ngày 30/01/2024

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Thanh niên (30/1) có tin “Chính phủ bàn sửa luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”; Kinh tế & Đô thị (30/1) có tin “Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi”; Lao động (29/1) có tin “Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi”; Tuổi trẻ (29/1) có tin “Thủ tướng: Cần kiểm soát quyền lực trong xây dựng luật”; Người lao động (30/1) có tin “Tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực” cho biết: Ngày 29/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 1. Cho ý kiến về đề nghị xây dựng luật Thuế TNDN (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, DN khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, xác định đối tượng áp dụng các chính sách thuế phù hợp với từng loại DN, các cơ quan, đơn vị công lập, thực hiện nhiệm vụ chính trị; chính sách ưu đãi; chế tài chống thất thu thuế; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Cắt giảm, đơn giản hóa tối đa TTHC không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Thanh niên (30/1) có bài “Xử lý xe hợp đồng trá hình, chặn thất thu thuế ra sao?” cho biết: Theo quy định, xe khách được cấp phù hiệu xe hợp đồng phải đáp ứng nhiều tiêu chí, đặc biệt hình thức hoạt động như đón trả khách đúng nơi quy định, có danh sách hành khách, không bán vé thu tiền,…Mỗi ngày, các xe khách núp bóng xe hợp đồng chở hàng ngàn lượt khách nhưng hầu hết đều không bán vé cho hành khách theo quy định mà tài xế thu tiền mặt hoặc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nhiều người đặt nghi vấn liệu các nhà xe hợp đồng trá hình có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay không? Cơ quan nhà nước quản lý, thu thuế đối với các công ty có xe khách núp bóng xe hợp đồng như thế nào?

3. Dân Việt (29/1) có bài “Phổ biến chính sách thuế toàn diện nhờ quyết liệt chuyển đổi số” cho biết: Việc lựa chọn 19 ứng dụng do các Cục Thuế tự nghiên cứu xây dựng phát triển đã đánh dấu bước tiến dài trong tiến trình chuyển đổi số công tác quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2023, ngành Thuế đã triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh; Vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý HĐĐT dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường quản lý thuế, quản lý hóa đơn, kiểm soát, kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận trong hoàn thuế, phát hiện nhanh các trường hợp gian lận; Triển khai số hóa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ máy tính tiền, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu…

III. Vấn đề về hải quan

4. Báo Tiền phong (29/1) đưa tin “Hai ‘ông trùm’ xăng dầu bị dừng thủ tục hải quan”; VOV (29/1) đưa tin “Dừng thủ tục hải quan với doanh nghiệp xăng dầu Hải Hà và Xuyên Việt Oil”; VTC.vn (29/1) đưa tin “Hai ‘ông trùm’ xăng dầu bị dừng thủ tục hải quan”; Sài Gòn giải phóng (30/1) đưa tin “Dừng làm thủ tục hải quan với 2 đầu mối xăng dầu”; Đầu tư (30/1) đưa tin “Hải Hà Petro, Xuyên Việt Oil bị dừng thông quan xuất nhập khẩu xăng dầu”; Người lao động (30/1) đưa tin “Hai doanh nghiệp xăng dầu bị dừng thủ tục hải quan”; Công an nhân dân (29/1) đưa tin “Hai doanh nghiệp xăng dầu lớn bị dừng thủ tục hải quan”; VnExpress (29/1) đưa tin “Hải Hà Petro và Xuyên Việt Oil bị dừng thông quan xăng dầu” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các Cục Hải quan dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Theo Tổng cục Hải quan, 2 DN này đã bị Bộ Công thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại 2 DN này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục XNK, tạm nhập tái xuất, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế xăng dầu.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, do không nộp số tiền trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu và sử dụng tiền Quỹ bình ổn giá trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 317 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hôm 4/1, Hải Hà Petro đã sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của DN. Đồng thời, DN này kê khai thiếu, nợ thuế BVMT hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, đã nhiều lần đốc thúc Hải Hà Petro nộp thuế bảo vệ môi trường, thậm chí phong toả hoá đơn, tài khoản của doanh nghiệp này. Trong khi đó, Xuyên Việt Oil vốn là "ông lớn" trong ngành xăng dầu, bị Bộ Công thương thu hồi giấy phép từ tháng 8/2023, và hàng loạt lãnh đạo của doanh nghiệp này đã bị khởi tố vì tội trốn thuế.

IV. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Đại đoàn kết (30/1) có bài “Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán” cho biết: Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cho biết, năm 2024, UBCKNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tại Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Đặc biệt sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi tung tin đồn thất thiệt trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, làm chủ và tăng cường ứng dụng KHCN vào quản lý TTCK.

Riêng về vấn đề nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu lớn TTCK Việt Nam. Trong thời gian qua, UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, các tổ chức xếp hạng quốc tế và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp, tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam.

6. Báo Lao động (30/1) có bài “Thị trường chứng khoán sẽ duy trì đà tăng điểm” cho biết: TTCK vừa trải qua một tuần giao dịch khá trầm lắng khi chỉ số ghi nhận mức giảm nhẹ với độ biến động thấp. Tuy nhiên, đáng chú ý là thị trường đã có phiên cuối tuần trước tăng điểm trở lại với biên độ được giữ nguyên cho đến hết phiên. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp và một vài nhóm midcap có nhịp tăng giá với độ rộng tương đối lớn, cho thấy lượng cung bán ra không nhiều và chỉ cần lực cầu nhỏ để có thể đẩy giá lên. Nhịp chùng lại của TTCK được các chuyên gia nhìn nhận là diễn biến cần thiết của một xu hướng tăng bền vững, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã tăng 10% sau 1 tháng và là một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, thông thường những phiên giao dịch sát kỳ nghỉ Tết sẽ không có biến động mạnh, nhiều khả năng sự giằng co tích lũy theo hướng tăng dần đi kèm với thanh khoản thấp và sự phân hóa rõ nét sẽ chiếm ưu thế trong tuần giao dịch tới.

V. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Pháp luật Việt Nam (30/1) có bài “Giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu?” cho biết: Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, trong đó việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu được nhiều người quan tâm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có biện pháp để Quỹ hoạt động minh bạch; việc trích lập Quỹ phải theo quy tắc rõ ràng, ví dụ mức biến động ngưỡng nào mới được trích lập, sử dụng Quỹ; phải thu về một đầu mối quản lý tập trung, tránh trường hợp nhiều cơ quan tham gia quản lý, có thể dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng như kiến nghị của TTCP. Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng cần có cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người tiêu dùng.

8. Báo Pháp luật Việt Nam (30/1) có tin “CPI tháng 1/2024 tăng so với tháng trước”; Hà Nội mới (30/1) có tin “Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,31%”, VOV, Vietnamplus (30/1) có tin “CPI tăng 0,31% trong tháng đầu tiên của năm 2024”; Vietnamnet (29/1) có tin “Giá điện, giá gạo khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng đầu năm tăng 0,31%”; Sài Gòn giải phóng (29/1) có tin “lạm phát cơ bản tăng 2,72%”; Pháp luật TPHCM (29/1) có tin “Giá điện, giá gạo ...đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng nhẹ” cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng này tăng 3,37%; lạm phát cơ bản tăng 2,72%.

Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 1/2024 tăng 0,31% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, CPI tháng 1 tăng 3,37%. Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 1 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00