Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/02/2024

Điểm báo ngày 27/02/2024

I. Vấn đề về quản lý thuế

1. Báo Quân đội nhân dân (27/2) có tin “Đẩy mạnh hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền” cho biết: Hiện nay, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được áp dụng đối với người nộp thuế hoạt động trong 5 lĩnh vực ngành nghề: Kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; bán lẻ hàng hóa (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng); bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch...); kinh doanh vàng, bạc. Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn Hà Nội có 6.066 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền và được cơ quan thuế chấp nhận, với số lượng hóa đơn đã xuất là 15.332.447 hóa đơn.

Cộng đồng DN đánh giá, việc triển khai thực hiện HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền tạo nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian cho người bán và khách hàng. Việc xuất HĐĐT được thực hiện trong bất cứ thời gian nào do hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế chính là HĐĐT có mã của cơ quan thuế theo quy định. Ngoài ra, người nộp thuế cũng chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót do HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày chứ không phải gửi từng hóa đơn như loại hóa đơn có mã thông thường trước đây.

2. Báo Pháp luật Việt Nam (27/2) có tin “Hoàn thiện quy định về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung” thông tin: Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để xin ý kiến các thành viên tham gia xây dựng nghị định. Theo đó dự thảo Nghị định đang trong quá trình xin ý kiến các đơn vị thành viên tham gia xây dựng để khẩn trương hoàn thiện trình Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành, và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

II. Vấn đề về chính sách thuế

3. Báo Người lao động (27/2) đưa tin “Phát triển dệt may theo kinh tế tuần hoàn” cho biết: Từ nay đến năm 2030, ngành dệt may đang có định hướng chiến lược chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam bình quân sẽ tăng từ 5%-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030. Dự báo đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 68-70 tỉ USD.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, cần giảm thuế TNDN cho các DN dệt may đầu tư vào kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, có gói tín dụng ưu đãi theo 2 phương án: Thứ nhất, thông qua các ngân hàng thương mại, cho vay với lãi suất ưu đãi, tương đương lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án, các hạng mục kinh tế tuần hoàn, kinh tế tái tạo. Thứ hai, hình thành một chương trình tín dụng mới bằng việc cho vay kinh tế tuần hoàn đối với các doanh nghiệp dệt may và mở rộng cho các doanh nghiệp da giày. Chính phủ hằng năm cân đối riêng nguồn vốn tín dụng cho chương trình này. Cuối cùng, cần có các bước triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của các doanh nghiệp dệt may để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư các dự án kinh tế tuần hoàn.

III. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Tiền phong (27/2) có tin “Vì sao không xem xét trách nhiệm hình sự cựu tổng giám đốc HOSE?”; Dân trí (27/2) có tin “Lý do cựu Tổng Giám đốc HoSE "thoát án" trong vụ Trịnh Văn Quyết”; Vietnamnet (27/2) có tin “Lý do cựu chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng không bị xử lý hình sự”; Dân Việt (26/2) có tin “Cựu Tổng giám đốc HoSE - người từng bị cách chức liên quan gì trong vụ ông Trịnh Văn Quyết?” cho biết: Trong vụ án “Thao túng TTCK, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn FLC”, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định có vi phạm xảy ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). 11 cá nhân từng là cán bộ, lãnh đạo của HoSE đã bị điều tra, trong đó 5 người bị khởi tố, đề nghị truy tố, 6 người còn lại không bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự. Một trong 6 người có ông Trần Văn Dũng (cựu Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, kiêm Chủ tịch Hội đồng niêm yết).

Tại cơ quan điều tra, ông Trần Văn Dũng khai do tin tưởng vào chuyên môn cấp dưới, ý kiến đồng ý chấp thuận của các thành viên trong Hội đồng niêm yết, thực hiện theo Nghị quyết của HĐQT để ký ban hành quyết định niêm yết cho Công ty CP Xây dựng Faros khi không đủ điều kiện niêm yết.

Theo Bộ Công an, hành vi của ông Dũng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Dũng là thực hiện theo ý kiến chấp thuận của các thành viên Hội đồng niêm yết và Nghị quyết của HĐQT, được quy định trong quy chế hoạt động của Hội đồng niêm yết và HĐQT. Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.

5. Tiền phong (27/) có tin “Chứng khoán tháng 3 sẽ ra sao?” cho biết: Công ty chứng khoán VN-Direct vừa đưa ra nhận định sau phiên biến động tuần qua. Hiện trên thị trường, một số ngân hàng vẫn tiếp tục hạ lãi suất huy động, trong khi tín dụng tháng 1 toàn hệ thống tăng trưởng âm do hiệu ứng đầu năm. Với nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng chỉ tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.

Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường vẫn chưa thể đánh mất xu thế tăng ngắn hạn khi chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20 và vùng 1.190-1.200 điểm sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường. Do đó, nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán tháo cổ phiếu mà nên quan sát diễn biến cung cầu thị trường ở vùng hỗ trợ 1.190-1.200 điểm. Đồng thời, nhà đầu tư cũng chưa nên mở vị thế mua mới khi thị trường vừa trải qua một phiên biến động mạnh và cần tìm vùng cân bằng trở lại.

IV. Vấn đề về bảo hiểm                     

6. Báo Tuổi trẻ (27/2) có bài “Tăng minh bạch với bảo hiểm” cho biết: Nhằm lấy lại niềm tin của khách hàng sau những thông tin tiêu cực về bảo hiểm, trong năm 2024, nhiều DNBH đã tập trung đầu tư chuyển đổi số nhằm tăng minh bạch thông tin, kết nối với khách hàng tốt hơn và rút ngắn quy trình bồi thường. Bài báo dẫn nhiều ý kiến cho rằng, số hóa là cần thiết song điều quan trọng không kém là phải kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý triệt để các dấu hiệu bất thường ở toàn bộ khâu liên quan đến thẩm định cấp mới hợp đồng bảo hiểm, công tác phòng chống rửa tiền, pháp chế,…

Tại cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức đầu năm 2024 của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, bên cạnh kế hoạch thanh tra, thời gian tới, Bộ Tài chính cũng tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng rõ ràng, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.

V. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

7. Báo Công an nhân dân (27/2) có bài“Tiền tỷ công đức đi đâu?. Bài 1: Công đức, giải hạn: Thu bộn tiền” cho biết: Đến hẹn lại lên, vào dịp đầu năm, người dân khắp muôn nơi đổ về đình, đền, chùa, phủ để làm lễ, mong một năm sức khỏe, phát đạt. Ngay từ mùng 1 Tết, nhiều nơi đã thu tiền làm lễ cúng sao, giải hạn nhưng biến tướng thành lễ cầu an. Vì vậy, cùng với việc công đức khi đi lễ chùa thì nhiều đền, chùa còn làm lễ cầu an để cúng sao, giải hạn cho người dân khắp muôn phương có nhu cầu. Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm, tiền tỷ chi cho niềm tin an tâm vẫn tái diễn. 

Điều dễ nhận thấy khi đến đền, chùa nào cũng bắt gặp hòm công đức bố trí ở khắp các ban. Việc đặt quá nhiều hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu tại nhiều di tích, đền chùa khiến du khách đặt quá nhiều tiền lẻ lộn xộn, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, gây sự phản cảm. Việc thu và sử dụng nguồn tiền công đức của du khách như thế nào sau mỗi mùa lễ hội, để tránh sự mập mờ, ở các nơi có sự công khai, minh bạch trong quản lý thu chi hay không còn là câu hỏi ngỏ.

VI. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Thanh niên (27/2) có bài “Hàng nghìn tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu khó thu hồi” thông tin: Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp gấp số tiền doanh nghiệp (DN) này nợ Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng dầu về ngân sách với số tiền nợ quỹ và lãi phạt chậm nộp khoảng 612 tỉ đồng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00