Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/3/2024

Điểm báo ngày 01/3/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Đảng cộng sản Việt Nam (29/2) có bài “Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam” cho biết: Tại buổi làm việc với Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Trong chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính luôn tích cực ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong đó có Tập đoàn Samsung, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh đảm bảo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Bnews – Thông tấn xã Việt Nam (29/2) có bài “Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách thuế và hải quan”; Chinhphu.vn (29/2) có bài “Đối thoại với DN Hàn Quốc, gỡ vướng trong lĩnh vực thuế, hải quan”; VTV.vn (1/3) có bài “Gỡ vướng về thuế, hải quan cho doanh nghiệp Hàn Quốc”; Sài Gòn giải phóng (29/2) có bài “Doanh nghiệp FDI Hàn Quốc nộp 7 tỷ USD tiền thuế trong 5 năm”; Hà Nội mới (29/2) có bài “Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách thuế và hải quan”; Đại đoàn kết (1/3) có bài “Tiếp tục gỡ vướng thủ tục thuế, hải quan để thu hút đầu tư”; VnExpress (29/2) có bài “Doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh bị chậm hoàn thuế VAT”; Tiền phong (29/2) có bài “Doanh nghiệp Hàn Quốc nộp 175.000 tỷ đồng thuế, kiến nghị gỡ loạt chính sách” và một số báo khác.

Các báo cho biết, phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian qua Bộ đã tiếp nhận, xử lý hàng trăm văn bản kiến nghị của các DN Hàn Quốc. Trong đó đã đề xuất và ban hành nhiều giải pháp về thuế, phí để hỗ trợ DN nói chung và DN Hàn Quốc nói riêng. Giá trị chính sách hỗ trợ lớn khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng/năm và nhiều chính sách chưa có tiền lệ. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN…

Trao đổi tại Hội nghị, ông Choi Youngsam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, nhờ sự quan tâm hỗ trợ ngành thuế, hải quan những năm qua, các DN Hàn Quốc đã tạo được nền tảng kinh doanh tốt ở Việt Nam. Tuy vậy, các DN vẫn rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quan trọng là thuế, hải quan. Hội nghị đối thoại hôm nay là cơ hội quý báu để các cơ quan thuế, hải quan và DN Hàn Quốc chia sẻ các chính sách thuế hải quan, cùng giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các DN trong lĩnh vực này.

Tại Hội nghị đối thoại, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã giới thiệu những nội dung, kết quả chủ yếu về trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian vừa qua. Đồng thời, trực tiếp giải đáp chi tiết, thấu đáo những vướng mắc của DN liên quan đến lĩnh vực thuế và hải quan. Đối với những nội dung ý kiến liên quan đến quy định tại Luật, Nghị định,… vượt quá thẩm quyền, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan ghi nhận, khẩn trương tổng hợp và có báo cáo Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ.

3. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (1/3) có bài “Đôn đốc các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử” cho biết: Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị sơ kết triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế tiếp tục báo cáo, tham mưu UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương phối hợp với cơ quan thuế tổ chức thực hiện quản lý, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền trong thời gian tới. Đồng thời, kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp kinh doanh không xuất hóa đơn cho người mua theo đúng quy định của pháp luật thuế, tập trung vào các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền….

II. Vấn đề về chứng khoán

4. Báo Tiền phong (1/3) có bài “Thị trường chứng khoán: Còn cơ hội lớn để phát triển”; Đầu tư (1/3) có bài “Phát triển nội lực thị trường chứng khoán”; Thời báo Ngân hàng (1/3) có bài “Để TTCK thành kênh vốn quan trọng của nền kinh tế” cho biết: Các giải pháp để tăng số lượng hàng hóa cũng như tăng chất lượng các doanh nghiệp tham gia niêm yết sẽ phát triển nội lực của thị trường, kéo các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.

Đánh giá về vai trò huy động vốn của kênh chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, thị trường đã tạo ra nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Để vai trò kênh dẫn vốn của nền kinh tế được phát huy, cũng như tăng động lực phát triển nội lực, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là “hút” đầu tư gián tiếp nước ngoài, nâng hạng TTCK là mong mỏi của thành viên thị trường và cũng là câu chuyện “nóng” tại Hội nghị phát triển TTCK.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, năm 2024, Ủy ban sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài; đồng thời tăng cường kết nối, củng cố quan hệ hợp tác với các cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới. Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBCKNN đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

III. Vấn đề về tài sản công

5. Vietnamplus (29/2) có bài “Xây dựng đề án sáp nhập huyện, xã: Có phương án sắp xếp tài sản, trụ sở công” cho biết: Theo Bộ Tài chính, cùng với xây dựng đề án, sáp nhập huyện, xã phải xây phương án sắp xếp tài sản; đồng thời tạm dừng phê duyệt đầu tư mới, cải tạo trụ sở với huyện, xã có phương án sắp xếp.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin tại phiên họp của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay: Cuối năm 2023, Bộ Tài chính và các bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện, trong đó có nội dung về sắp xếp, xử lý tài sản nhà đất. Sau khi công điện ban hành, Bộ đã có công văn hướng dẫn cho cả 2 giai đoạn. Với giai đoạn 2019-2021, các bộ, ngành địa phương phải rà soát lại tình hình phê duyệt và thực hiện phương án sắp xếp.

Với giai đoạn 2023-2025, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, Bộ Tài chính đã tham gia ở các đề án gửi Bộ Nội vụ, đó là cùng với việc xây dựng đề án sắp xếp lại huyện, xã phải xây dựng ngay phương án, rút kinh nghiệm giai đoạn trước là phê duyệt đề án xong nhưng chưa có phương án sắp xếp nên chưa triển khai được phương án sắp xếp tài sản.

Về cơ chế, Bộ Tài chính được giao sửa Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ (quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công) và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Qua rà soát ý kiến các bộ, ngành địa phương, còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ đang phấn đấu cuối quý I, đầu quý II/2024 sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định. Về hướng dẫn thanh toán, quyết toán kinh phí, Bộ đã ban hành văn bản gửi các địa phương hướng dẫn. Tuy nhiên, qua phản ánh của Bộ Nội vụ, một số địa phương còn có phản ánh hướng dẫn chưa đầy đủ, chưa rõ. Bộ Tài chính sẽ làm việc để lắng nghe và trường hợp cần hướng dẫn thêm sẽ hướng dẫn.

Về kinh phí, theo Thứ trưởng Võ Thành Hưng, bước đầu dự kiến hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 500 triệu đồng/xã sáp nhập. Đây là nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lấy ở nguồn vốn chi đầu tư phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân là mục tiêu cuối cùng trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Tiền phong (29/2) đưa tin “9 nhóm hàng đẩy CPI tháng 2 tăng”, VTV.vn (29/2) đưa tin “Giá gạo đẩy CPI tháng 2 tăng 3,98%”, VOV.vn (29/2) đưa tin “Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2024 tăng do nhu cầu mua sắm Tết”, báo Hà Nội mới (1/3) đưa tin “Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,04%”, Vietnamplus (29/2) đưa tin “Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 năm 2024 tăng 1,04%”, báo Quân đội nhân dân (1/3) có tin “CPI tháng 2 tăng 1,04%; lạm phát tăng 0,49%” và nhiều báo khác đưa tin cho biết: Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tháng 2 có Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu...là nguyên nhân làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,84%. So với tháng trước, CPI tháng 2 tăng 1,04% (khu vực thành thị tăng 0,98%; khu vực nông thôn tăng 1,09%); trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá, 2 nhóm hàng giảm giá.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản tháng 2/2024 tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

7. Báo Tuổi trẻ (1/3) có tin “Tăng giá trần vé bay nội địa, ngành du lịch lo mất khách”, báo Tiền phong (1/3) đưa tin “Giá vé máy bay tăng từ hôm nay”, báo Người lao động (1/3) có tin “Tăng trần giá vé máy bay gây tác động ra sao” cho biết: Từ ngày 1/3, giá trần vé máy bay nội địa được điều chỉnh tăng khoảng 3,75%, thực hiện theo Thông tư số 34/2023 của Bộ GTVT về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, mức tăng thấp nhất là 50.000 đồng/vé và tăng cao nhất là 250.000 đồng/vé.

Nhiều công ty du lịch và lữ hành bày tỏ lo ngại các hãng bay sẽ tranh thủ nâng giá vé ngay dịp lễ 30/4 và cao điểm hè 2024, đẩy chi phí giá tour tăng cao, gây ảnh hưởng đến ngành du lịch bởi giá vé máy bay chiếm tỉ lệ đáng kể trong giá tour. Chỉ một thay đổi nhỏ trong giá vé máy bay cũng có thể làm du khách thay đổi kế hoạch đi hoặc không đi hoặc chuyển sang lựa chọn khác, thậm chí chuyển sang hướng đi du lịch nước ngoài.

8. Người lao động, Sài gòn giải phóng (1/3) có tin “Giá xăng tăng, giá dầu giảm nhẹ”, Vietnamnet (29/2) có tin “Giá xăng bật tăng trở lại, RON95 áp sát 24.000 đồng/lít”, Thanh niên (29/2) có tin “Giá xăng RON 95 lên gần 24.000 đồng/lít”, Dân trí (29/2) có tin “Giá xăng tăng trở lại” cho biết: Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ (29/2). Theo đó, giá xăng E5 tăng 280 đồng/lít, giá bán là 22.750 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 330 đồng/lít, giá bán là 23.920 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 140 đồng/lít, giá bán là 20.770 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm. Tại kỳ điều hành hôm nay, liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn đối với hầu hết các loại xăng dầu, trừ dầu mazut chi 300 đồng/lít.

Dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối đang ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây cơ quan điều hành ít sử dụng tới Quỹ. Tính đến ngày 22/2, Petrolimex ghi nhận số dư Quỹ bình ổn 3.063 tỷ đồng; Saigon Petro có số Quỹ bình ổn 327 tỷ đồng, Petimex có số dư Quỹ bình ổn 459 tỷ đồng...

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00