Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/3/2024

Điểm báo ngày 08/3/2024

I. Vấn đề nổi bật

1. Bản tin Thời sự 19h00 - VTV1 (7/3), Bản tin Tài chính kinh doanh 21h30 – VTV1 (7/3)  đưa tin “Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt - Hàn”; Truyền hình TTXVN (7/3) đưa tin “Thị trường tài chính Việt Nam thu hút giới đầu tư Hàn Quốc”; Baochinhphu.vn (7/3) có tin “Bộ Tài chính cam kết 'cùng thành công, chung thắng lợi' với các đối tác Hàn Quốc”; Nhân dân (7/3) có tin “Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc thu hút gần 300 doanh nghiệp tham gia”; Người lao động (7/3) có tin “Đoàn công tác Bộ Tài chính xúc tiến đầu tư chứng khoán ở Hàn Quốc”; Công an nhân dân (7/3) có tin “Bộ Tài chính cam kết “cùng thành công, chung thắng lợi” với các đối tác Hàn Quốc”; Đại biểu nhân dân (7/3) có tin “Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc”; Thời báo Ngân hàng (7/3) có tin “Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc”; Bnews (7/3) có tin “Thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam tới nhà đầu tư Hàn Quốc”; Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (7/3) có tin “UBCKNN ký kết hợp tác về tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật với Hàn Quốc”; Vietnamplus (7/3) có tin “Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030”; Mêkong – Asian (7/3) có tin “Hàn Quốc là quốc gia hàng đầu về đầu tư vào Việt Nam” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 7/3, tại Thủ đô Seoul - Hàn Quốc, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề "Việt Nam - Điểm đến đầu tư". Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì, cùng với bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo sở, ngành liên quan.

Hội nghị đã thu hút gần 300 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Việt Nam, bao gồm các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp của hai nước tham dự.

Tại sự kiện, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, bao gồm việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, phát triển toàn diện nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ. Nhằm thực hiện những mục tiêu này, Việt Nam cần huy động cả nội lực và ngoại lực, từ đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đến phát triển các thị trường vốn, thị trường chứng khoán, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bộ trưởng nhấn mạnh Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hàn Quốc hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, củng cố lòng tin của nhà đầu tư Hàn Quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Bộ Tài chính cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước, cùng tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại giữa 2 nước lên 150 tỉ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.

Tại Hội nghị, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Đầu tư Tài chính Hàn Quốc (KOFIA) đã ký Biên bản ghi nhớ về tư vấn, hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên.

2. Vietnamplus (7/3) có tin “Việt Nam và Australia ký biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính cho giai đoạn mới”; VOV (7/3) có tin “Tăng cường hợp tác tài chính giữa Việt Nam và Australia”; Thanh tra (7/3) có tin “Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia ký biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính”; Ngày mới (8/3) có tin “Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia” cho biết: Ngày 7/3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính-Việt Nam, Bùi Văn Khắng đã tham dự Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Australia, trong đó có Biên bản ghi nhớ hợp tác tài chính giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố Australia giai đoạn 2024-2028, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng đã có buổi tọa đàm cùng ông Andrew Leigh, Bộ trưởng phụ trách Cạnh tranh, Từ thiện và Ngân khố, kiêm Bộ trưởng phụ trách Việc làm-Australia. Tại đây, Thứ trưởng nhấn mạnh việc cần tăng cường và phát huy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam-Australia trên cơ sở đánh giá quan hệ hợp tác tài chính song phương đã và đang được thúc đẩy toàn diện.

II. Vấn đề về chính sách thuế

3. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (8/3) có bài “Có nên đánh thuế cho dễ quản lý” cho biết: Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2024 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2025. Trong đó, khoản 1, điều 9 của dự thảo luật quy định theo hướng sẽ đánh thuế với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế xuất 0% như trước.

Góp ý với Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm – cao hơn tăng trưởng GDP. Việt Nam đang nhập siêu dịch vụ ở mức hơn 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Kết quả này có được không thể không kể đến vai trò của chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.

Với lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước. Việc đề xuất của Bộ Tài chính, quả đúng là cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định dịch vụ xuất khẩu. Nhưng áp thuế cho dễ quản lý không phải là một giải pháp hiệu quả. Rõ nhất là áp thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuất khẩu cũng tương đương với một biện pháp hạn chế xuất khẩu bằng thuế quan. Điều này khiến dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam có giá cao hơn, kéo theo đó, cả năng lực cạnh tranh và xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài đều giảm.

III. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Công an nhân dân (8/3) có tin “Tăng cường quản lý thuế kinh doanh vàng”; Bnews  (7/3) có tin “Tăng quản lý thuế với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý”; Vietnamnet (7/3) có tin “Siết quản lý thuế với mua bán vàng”; Thanh niên (7/3) có tin “Giá vàng tăng 'nóng', siết quản lý thuế trong mua bán vàng”; Công Thương (7/3) có tin “Siết quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý”; Baochinhphu.vn (7/3) có tin “Tăng quản lý rủi ro trong quản lý thuế với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý” cho biết: Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu chú trọng công tác thanh tra kiểm tra việc sử dụng hóa đơn theo đúng quy định, trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Ngân hàng, Hải quan để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng bạc đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế. Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc đá quý có vi phạm về pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định.

5. Báo Thanh niên (8/3) có bài “Đảm bảo minh bạch trong kinh doanh xăng dầu” cho biết: Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh dứt khoát thu hồi giấy phép, nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử trong tháng 3.

Đến ngày 26/2, Bộ Tài chính cho biết, cả nước có khoảng 7.542 cây xăng trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo báo cáo của cơ quan thuế, nhiều địa phương đã có cửa hàng xăng dầu bán lẻ đầu tư và thực hiện hóa đơn điện tử xăng dầu đạt trên dưới 90%, thậm chí có địa phương đã áp dụng 100%. Đến nay vẫn còn gần 9.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa áp dụng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, đến cuối tháng 3 nếu không thực hiện sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

Nhiều bạn đọc cho rằng, nên đẩy nhanh việc thực hiện lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử tại cây xăng cho từng lần bán hàng để hạn chế tình trạng một số cây xăng kinh doanh gian lận. Bên cạnh việc ủng hộ biện pháp quản lý có thể giúp minh bạch thị trường bán lẻ xăng dầu, nhiều bạn đọc cũng đề nghị các cơ quan quản lý cần đảm bảo để việc áp dụng lộ trình hóa đơn điện tử không gây thêm gánh nặng chi phí cho DN. Nếu DN nào khó khăn, cơ quan thuế phải vào cuộc hỗ trợ ngay để đảm bảo các cây xăng áp dụng được hóa đơn bán lẻ điện tử…

IV. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (8/3) có bài “Bất cập bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư chứng khoán” cho biết: Thực tế một số vụ án về thao túng TTCK gần đây cho thấy, việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích của người bị hại, giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra vẫn còn bất cập.

Bài báo dẫn lời luật sư Tạ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật EMME LAW cho rằng, hiện nay, việc xác định giá trị khoản thu nhập bất chính được thực hiện theo Thông tư số 117/2020/TT-BTC. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại của nhà đầu tư phụ thuộc vào việc trưng cầu giám định theo quy định Thông tư số 40/2022/TT-BTC. Đáng nói, Thông tư số 40/2022/TT-BTC mặc dù có quy định giám định trong lĩnh vực tài chính là một lĩnh vực riêng đặc thù, nhưng lại chưa có bất kỳ quy định về quy trình riêng nào liên quan đến hoạt động giám định này, nhất là đối với thiệt hại do các giao dịch chứng khoán bị thao túng gây ra.

Chưa kể, đối với các khoản gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào bị thiệt hại cũng mong muốn đến cơ quan chức năng trình báo vì tâm lý ngại mất thời gian, sợ ảnh hưởng đến uy tín của bản thẩn…

Để bảo vệ quyền, lợi ích của nhà đầu tư liên quan đến bồi thường thiệt hại trong những vụ án về thao túng TTCK, luật sư Tạ Anh Tuấn khuyến nghị các cơ quan chức năng cần gấp rút nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp, chứng khoán… Trong đó, cần chú trọng hoàn thiện, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ các bên liên quan trong trường hợp có hành vi thao túng thị trường chứng khoán; ban hành quy định cụ thể về cơ sở, điều kiện, phương thức xác định thiệt hại trong vụ án hình sự với các thiệt hại do thao túng TTCK.

7. Báo Tiền phong (8/3) có bài “Quản tiền ảo: Loay hoay đến bao giờ?” cho biết: Dù được giao nghiên cứu khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số nhưng Bộ Tài chính cho biết chưa có tiền lệ và rất khó thực hiện. Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không nhanh chóng có quy định, sẽ xảy ra “khoảng trống” quản lý tiền ảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TPHCM) cho rằng, dù rất khó nhưng việc quản lý tiền ảo là tất yếu. Việt Nam chưa công nhận tiền ảo nhưng người dân vẫn đầu tư, giao dịch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cơ quan chức năng nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế, công nhận tiền kỹ thuật số, tiền ảo là tài sản. Với đặc thù riêng biệt, việc công nhận tài sản đi kèm điều kiện bắt buộc như điều kiện của nhà cung cấp tiền kỹ thuật số phải được cho phép hoạt động tại Việt Nam. Sau khi công nhận là tài sản, cơ quan chức năng từng bước quy định cách thức giao dịch. Việc công nhận tiền kỹ thuật số là tài sản chưa có tiền lệ nhưng cơ quan chức năng cũng không nên quá thận trọng.

V. Vấn đề về kho bạc nhà nước

8. Báo Đầu tư (8/3) có bài “Ngân quỹ dù tồn dư lớn, vẫn phải phát hành trái phiếu Chính phủ” cho biết: Theo bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, từ năm 2019 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã thu về cho ngân sách nhà nước trên 23.000 tỷ đồng tiền lãi.

Mặc dù hiện nay, ngân quỹ nhà nước vẫn còn dồi dào nhưng để đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước với chi phí hợp lý, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước tiếp tục chủ động tham mưu với Bộ Tài chính các giải pháp triển khai công tác huy động vốn, trong đó có việc duy trì thị trường trái phiếu Chính phủ hoạt động thường xuyên, bền vững; góp phần quản lý nợ công an toàn và hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

VI. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Tuổi trẻ (8/3) có tin “Yêu cầu sửa đổi toàn diện các Nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu” cho biết: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chấp thuận cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu ngay trong quý II/2024.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, hiệp hội về việc sửa đổi các Nghị định kinh doanh xăng dầu. Các nội dung được góp ý sửa đổi có liên quan với các chủ thể tham gia thị trường, việc quản lý kinh doanh xăng dầu, cơ chế điều chỉnh giá, vận hành quỹ bình ổn giá xăng dầu…

10. Báo Người lao động (8/3) có tin “Giá xăng, dầu giảm, trích lập quỹ”; Vietnamnet (7/3) có tin “Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít”; Dân trí (7/3) có tin “Giá xăng giảm trước ngày 8/3”; Tuổi trẻ (7/3) có tin “Giá xăng dầu giảm nhẹ”; VOV (7/3) có tin “Giá xăng trong nước giảm từ 15h chiều nay 7/3”  cho biết: Ngày 7/3, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng giảm. Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 240 đồng/lít; giá xăng RON95 – III giảm 372 đồng/lít, giá dầu diesel giảm 302 đồng/lít; dầu hoả giảm 176 đồng/lít, riêng dầu mazut tăng 174 đồng/kg.

Trong lần điều chỉnh này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut 180CST 3.5S ở mức 300 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với các mặt hàng khác. Đồng thời, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Sau khi trích lập quỹ BOG, giá xăng dầu trên thị trường phổ biến ở mức sau: Giá xăng E5RON92 không cao hơn 22.512 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 23.557 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 20.471 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 20.609 đồng/lít; Giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.133 đồng/kg.

11. Báo Đầu tư (8/3) có bài “Không lo thiếu xăng dầu” cho biết: Nguồn cung xăng dầu sẽ được các doanh nghiệp đảm bảo, không để đứt gãy, kể cả trong thời gian Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần sớm điều chỉnh lại mức chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia phù hợp với thực tế, vì phí dự trữ quốc gia ban hành từ năm 2023, trải qua 21 năm mà chưa thay đổi. Đồng thời, xác định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu.

VII. Vấn đề khác

12. Báo Tuổi trẻ (8/3) có bài “Vụ hãng bay chiếm dụng tiền thu hộ: Ưu tiên hỗ trợ để thu hồi nợ” cho biết: Không chỉ chiếm dụng hàng nghìn tỷ đồng tiền thu hộ cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các hãng bay còn nợ các DN khác nhiều khoản tiền như xăng dầu, dịch vụ mặt đất như check-in; xe buýt chở hành khách, bốc xếp hành lý…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00