Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/4/2022

Điểm báo ngày 12/4/2022

I. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán

1. Bản tin Thời sự 19h – VTV1 (11/4) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn về “Đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh”. Trả lời phỏng vấn của VTV, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết: Thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp mặc dù mới hình thành và phát triển nhưng đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Cho đến nay quy mô thị trường chứng khoán đạt hơn 92% GDP. Cùng với sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, theo đánh giá của các tổ chức cũng như chuyên gia quốc tế thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng đã phát sinh những rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường, đã có những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố một số vụ án liên quan đến vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

"Tuy nhiên có thể khẳng định rằng đây là những sự việc đơn lẻ, không phản ánh bức tranh chung của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cũng không ảnh hưởng tới sự phát triển chung của thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp", Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nói.

Cũng theo Thứ trưởng, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan để sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn. Hướng tới lành mạnh, công khai, minh bạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như thực hiện chủ trương chung của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và giao dịch dân sự để đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh và kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

2. Chiều 8/4, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng phát đi thông tin báo chí về việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tăng cường quản lý giám sát để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, hiệu quả. Nhiều báo đưa tin về nội dung này như: Tuoitre.vn (8/4) có tin “Bộ Tài chính siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp”Zing (9/4) có tin “Bộ Tài chính muốn siết phát hành trái phiếu sau vụ Tân Hoàng Minh”; Diễn đàn doanh nghiệp (9/4) có tin “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Hà Nội mới (8/4) có tin “Tăng cường quản lý, giám sát để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Dangcongsan.vn (8/4) có tin “Siết chặt quản lý giám sát để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn”; Lao động (8/4) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục giám sát chặt trái phiếu doanh nghiệp”.

Các báo cho biết: Sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành với 10.030 tỉ đồng trái phiếu do che giấu thông tin, ngày 8/4, Bộ Tài chính chính thức lên tiếng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong thông cáo gửi cơ quan báo chí, bộ cho biết tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 153 năm 2020 theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp trong thời gian tới.

Một số chính sách đang đề xuất bao gồm: Thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.

3. Báo Công an nhân dân (12/4) có bài “Ngăn chặn những quả bom trái phiếu nổ chậm”; Người lao động (9/4) có bài “Ngăn bom trái phiếu doanh nghiệp: Sửa luật, siết quản lý để lành mạnh thị trường”; Diễn đàn doanh nghiệp (8/4) có bài “Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Lao động (12/4) có bài “Cần thêm nguồn lực để giám sát trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Nhận xét về thị trường TPDN của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) - nhận định, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của thị trường rất mạnh mẽ, nhưng nền tảng cơ sở lại chưa kịp đáp ứng. Nếu “lỗ hổng” thị trường không được vá lấp kịp thời thì tình trạng che giấu, công bố thông tin sai sự thật trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ như trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua sẽ còn tiếp diễn. Đồng thời khuyến nghị cùng với nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý, cần cải thiện kiến thức, kỹ năng của tất cả các thành viên tham gia thị trường TPDN.

Về vấn đề nâng cao kỹ năng của các bên tham gia thị trường, không chỉ các chuyên gia mà chính cơ quan quản lý là Bộ Tài chính cũng thường xuyên cảnh báo rủi ro và đưa ra các khuyến nghị đối với từng đối tượng tham gia theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” bao gồm nhà đầu tư, đối với các DN huy động TPDN, các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trao đổi với PV Lao động, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Phó Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường ĐH kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết ý kiến về quan điểm có nên cần một tổ chức riêng để giám sát TPDN. Đồng thời cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp lý liên quan đến TPDN, doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu phải minh bạch các thông tin với sự giám sát của Ủy ban chứng khoán, quy trách nhiệm cho công ty kiểm toán độc lập trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp…

4. Báo Thời báo Ngân hàng (11.4) có tin “Thanh tra, kiểm tra giám sát các TCTD đầu tư trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững và hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tuân thủ quy định pháp luật, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, các hoạt động phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn; có chế tài cảnh báo sớm, quản lý rủi ro và xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trước ngày 30/4/2022…

5. Báo Tiền phong (12/4) có bài “Chứng khoán “vượt bão” cách nào?”; Thời báo Ngân hàng (11/4) có bài “Lành mạnh hóa TTCK” cho biết: Chỉ trong nửa tháng, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục “hấp thụ” tin tức tiêu cực, và gần nhất là tin đồn vô căn cứ về việc sẽ có thêm các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục vướng vòng lao lý. VN-Index mất hơn 2% chỉ trong 1 tuần, giao dịch ảm đảm. Trong khi đó, tình hình kinh tế vĩ mô ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động doanh nghiệp trên đà hồi phục... những yếu tố này liệu có thể phá “ngưỡng cản” tâm lý của nhà đầu tư?

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, TTCK được ví là thị trường của thông tin, của lòng tin. Vì thế, khi các thông tin liên quan xuất hiện, thì ít nhiều sẽ có tác động tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư theo chiều hướng cả tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên, TTCK hiện tại vẫn tích cực nhờ yếu tố nền tảng, vì vậy nhà đầu tư nên bình tĩnh.

Ông Dũng nhận định, dù có những biến động vì yếu tố khách quan, nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt. Quý I/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế quý I đạt mức khá 5,03%, tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.

Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh…

Để đảm bảo thị trường thêm lành mạnh, trong sạch, hiện các bộ, ngành đơn vị có liên quan đã và đang triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã quyết liệt tăng cường quản lý, giám sát, thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động và liên tiếp đưa ra cảnh báo đối với các NĐT, nhằm giúp thị trường phát triển an toàn, bền vững.

Cùng với đó, đại diện UBCKNN cho biết, việc giám sát TTCK luôn được đảm bảo tại các đơn vị chức năng, 2 Sở GDCK, các giao dịch bất thường của cổ phiếu luôn được theo dõi rất chặt chẽ. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân nhất là các dấu hiệu thực hiện hành vi thao túng thị trường, đơn vị sẽ kiểm tra đột xuất.

6. Baochinhphu.vn (12/4) có bài “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”; Sài Gòn giải phóng (12/4) có bài “Xử lý nghiêm hành vi gây mất an ninh, an toàn thị trường chứng khoán”; Tuổi Trẻ (12/4) đưa tin “Thủ tướng chỉ đạo ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”; Thanh Niên (12/4) đưa tin “Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp”; Nhân Dân (12/4) có tin “Thực hiện các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp” và  nhiều báo cho biết: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ: Công an; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

II. Vấn đề chính sách thuế

7. Đại đoàn kết (9/4) có bài “Luật thuế TNCN đã lạc hậu” cho biết: Biểu lũy tiến quá dày, mức giảm trừ gia cảnh dù tăng nhưng vẫn chậm so với diễn biến của giá cả thực tế…là những bất cập chính được các chuyên gia chỉ ra trong thực hiện thuế TNCN.

Thời gian vừa qua nhiều ý kiến đều cho rằng, thuế TNCN hiện nay chưa thực sự công bằng đối với người làm công ăn lương, ưu ái đối với người nước ngoài đang làm việc tại VN. Một số ý kiến cho rằng thuế TNCN đang áp dụng đã lỗi thời cần phải sửa đổi cho phù hợp. Cụ thể, người làm công ăn lương đang phải đóng thuế TNCN với mức cao nhất lên 35% thì với những cá nhân có thu nhập từ các mạng xã hội như Facebook, Youtube…chỉ phải đóng thuế TNCN ở mức 2%.

Nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là “lạc hậu, vô cảm”, nhất là trong bối cảnh kinh tế vừa qua đã tăng trưởng nhiều so với mức điều chỉnh này. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, Thuế TNCN tính với người thu nhập cao song nên theo hướng người dân cần được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chi phí hợp lý cần được tính tới để giảm trừ cho người dân như tiền nhà, nuôi con ăn học, chăm lo bố mẹ không có lương hưu…

Bên cạnh đó, cũng có phân tích rằng, biểu thuế TNCN lũy tiến 7 bậc với mức thuế cao nhất lên đến 35% hiện nay không còn phù hợp. Do đây là biểu thuế đánh vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động, nhưng mức thuế suất cao nhất hiện tại lại cao gần gấp đôi so với thuế TNDN. Các chuyên gia cho rằng biểu thuế này nên giảm còn càng ít bậc càng tốt nhưng phải xác định đúng ngưỡng thu nhập chịu thuế.

Trao đổi với báo chí, bà Tạ Thị Lan Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DNNVV (Tổng cục Thuế) cho biết, cần phải sửa luật và việc này đã được UBTVQH đưa vào chương trình sửa đổi các luật thuế bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay.

8. Báo Lao động (12/4) có bài “Đến lúc thay đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn?” cho biết: Dù đã 5 lần thay đổi Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng đồ uống có cồn nhưng các chuyên gia cho rằng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Chính vì vậy, một số đề xuất có thể áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay cho thuế tương đối đang áp dụng hiện nay.

Bà Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) cho hay, mặc dù từ năm 2010-2018, Thuế TTĐB đối với rượu/bia được điều chỉnh liên tục tăng nhưng tỉ lệ người lạm dụng rượu bia vẫn tăng cao trong khi tỉ lệ người không sử dụng giảm. Đáng lưu ý, trong 8,3 lít cồn nguyên chất/người/năm tiêu thụ giai đoạn 2015-2017, lượng rượu, bia tiêu thụ không chính thức ước tính lên đến 5,2 lít/người/năm, chiếm 63,85% tổng lượng rượu, bia tiêu thụ.

Chuyên gia thuế, TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, con số lượng rượu phi chính thức đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam thể hiện sự chưa công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nếu nhà nước cứ tăng tiền thuế đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính thì họ càng bị kiệt sức. Nếu tăng thuế tức sản phẩm phải tăng giá, song song với việc này người tiêu dùng lại chọn mua sản phẩm giá rẻ trên thị trường.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần tăng cường hiệu quả quản lý đối với khu vực đồ uống có cồn phi chính thức và kết hợp nhiều giải pháp chính sách khác ngoài thuế để hạn chế lạm dụng đồ uống có cồn một cách hiệu quả.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  Nguyễn Hoa Cương cho biết, để phù hợp với tình hình của Việt Nam, nhóm nghiên cứu CIEM đã tiến hành kiểm chứng hiệu quả của phương pháp đánh thuế hỗn hợp và có sự điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh Việt Nam. Phương pháp thuế hỗn hợp hoàn toàn giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về mặt ngân sách Nhà nước.

III. Vấn đề về quản lý thuế

9. Báo Tiền phong (12/4) có tin “Đề xuất bỏ quy định tách riêng hóa đơn để giảm thuế VAT” cho biết: Việc giảm Thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% nhằm hỗ trợ DN phục hồi sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng một đơn hàng, DN phải chia 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế. Quy định này khiến DN phát sinh chi phí.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất với ngành thuế để DN lập chung hóa đơn cho cả 2 loại hàng (được giảm thuế và không giảm thuế). Sau đó, DN lập hóa đơn điều chỉnh cho hàng hóa giảm thuế.

Cùng quan điểm, Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) đề xuất, cơ quan chức năng xem xét thay đổi hình thức hóa đơn để cho phép có thể triển khai nhiều mức thuế VAT trên cùng một hóa đơn. Điều này giúp giảm bớt thủ tục xuất hóa đơn mà không ảnh hưởng đến số thuế DN phải nộp và lợi ích cho khách hàng.

Trước ý kiến của DN, các cục thuế đề xuất, nếu DN sử dụng hóa đơn có thể hiện thuế suất khác nhau trên cùng một hóa đơn, có thể viết chung hóa đơn cho 1 loại hàng hóa với các thuế suất khác nhau.

10. Thời báo Ngân hàng (11/4) có bài “Hóa giải nỗi lo thất thu thuế kinh doanh qua mạng” cho biết: Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế cùng một loạt cơ chế, chính sách về kinh doanh qua mạng đã và đang đi vào cuộc sống được kỳ vọng sẽ giúp hóa giải nỗi lo thất thu thuế kinh doanh qua mạng tại VN.

Tại phiên chất vấn của UBTVQH mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua các năm ngành thuế đã thu thông qua các tổ chức tại VN gần 5.000 tỷ đồng, trong đó nhiều DN lớn đã nộp thuế như Facebook, Google, Microsoft…Mặc dù, số thuế thu được từ các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới đang có chiều hướng tăng lên, nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, con số này vẫn chưa tương xứng với doanh thu và lợi nhuận của các DN này tại nước ta.

Vừa qua, Tổng cục Thuế đã cho ra mắt Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài, từ đây các nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp thuế ở bất cứ nơi đâu chỉ cần có địa chỉ email và thiết bị kết nối internet. Cổng TTĐT này sẽ khắc phục được hạn chế của phương thức truyền thống. Theo các chuyên gia, giải pháp này đã đúng, kịp thời nhưng vẫn chưa ddur để có thể hóa giải nỗi lo thất thu thuế kinh doanh qua mạng.

Cùng với việc liên thông dữ liệu quốc gia, VN cũng tích cực kết hợp cùng cơ quan thuế quốc tế, bởi lẽ việc chuyển giá, “né thuế” của các tập đoàn đa quốc gia là câu chuyện toàn cầu, muốn giải quyết thì cần có sự phối hợp giữa các nước.

11. Báo Hà Nội mới (12/4) có bài “Ngăn chặn hành vi “khai gian” giá chuyển nhượng BĐS” cho biết: Cục Thuế HN dự kiến sẽ thành lập BCĐ Quản lý hoạt động, chuyển nhượng BĐS nhằm ngăn chặn hành vi “khai gian” giá chuyển nhượng, chống thất thu NSNN, thống nhất nội dung và các bước tuyên truyền, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Cục Thuế sẽ thường xuyên kiểm tra giám sát việc triển khai tại các chi cục thuế.

IV. Vấn đề về NSNN

12. Báo Người lao động (11/4) có tin “Sử dụng hiệu quả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi” cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện 310/CĐ-TTg ngày 10/4/2022 gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Công điện nêu rõ, để phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi (nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư), chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, bố trí cho đầu tư các công trình, dự án của địa phương phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; gửi kết quả phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương năm 2021 để thực hiện đầu tư các công trình, dự án cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 5 năm 2022 để tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2022.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 877/VPCP-KTTH ngày 29 tháng 3 năm 2022, bảo đảm đúng quy định, tiến độ theo yêu cầu.

V. Vấn đề về quản lý giá

13. Báo Pháp luật Việt Nam (08/4) có bài “Giá xăng dầu “leo thang”: Làm gì để hạn chế tình trạng “tát nước theo mưa”?” cho biết: Mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định trong tuần qua, song nhiều nhận định cho thấy giá vẫn có xu hướng tăng và tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu để trục lợi đang ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, diễn biến tăng giá của giá xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến giá các hàng hóa, dịch vụ có xăng dầu là yếu tố đầu vào, nhất là giá cước vận tải hàng hóa và qua đó tác động gián tiếp nhất định đến các hàng hóa, dịch vụ khác. Tuy nhiên,cục bộ tại một số địa bàn, với một số mặt hàng vẫn có thể sẽ phát sinh tình trạng lợi dụng diễn biến của giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, “tát nước theo mưa”.

Tại tọa đàm “Nhân diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022”, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đề xuất Chính phủ giữ giá dầu ở mức 22-23.000 đồng/lít cho đến cuối tháng 6 năm nay. Quyết sách này sẽ giúp ngành giao thông vận tải phục hồi, yên tâm sản xuất, làm kinh tế không bị đứt gãy do ngừng giao thông vận tải; ngân sách thâm hụt bao nhiêu sẽ được bù lại từ nguồn thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguồn cung liên quan tới hoạt động vận tải… Đây là giải pháp tránh khủng hoảng kinh tế do giá dầu mà nhiều nước đã áp dụng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00