Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/4/2022

Điểm báo ngày 13/4/2022

I. Vấn đề về tài chính ngân hàng

1. Báo Đại đoàn kết (13/4) có bài “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Càng minh bạch, rủi ro càng thấp”; Lao động (13/4) có bài “Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp: Thu hẹp mục đích, chặn chuyển nhượng vốn lòng vòng” cho biết: Bộ Tài chính đang đề xuất thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành. Đây là một trong nhiều quy định gây chú ý trong Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính hoàn thiện gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát sinh những rủi ro mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đối với các nhà đầu tư cần phải hiểu, mình là nhà đầu tư chứng khoán và đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để thị trường TPDN có nền tảng phát triển ổn định, việc trước tiên cần phải minh bạch, càng minh bạch, rủi ro càng thấp. Thứ hai là phải nghiêm túc thực hiện luật lệ, như vậy sẽ giảm rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư. Thứ ba là phải có thị trường TPDN thứ cấp, để tăng tính thanh khoản của trái phiếu, để dù nhà đầu tư có mua trái phiếu 15 năm thì vẫn bán được bất cứ lúc nào.

II. Vấn đề về chứng khoán

2. Báo Thanh niên (13/4) có tin “Bộ Chính trị yêu cầu khắc phục sơ hở trong đấu giá đất đai, chứng khoán” cho biết: Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương rà soát khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…

3. Báo Thanh niên (13/4) có tin “Lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư” cho biết: Chỉ trong chưa đầy 1 tuần, TTCK đã chứng kiến những biến động hết sức khó lường. Điều gì đang xảy ra phía sau tấm bảng điện tử ngập tràn sắc đỏ và cuộc tháo chạy của NĐT?

Một trong những nguyên nhân khiến NĐT mất niềm tin vào thị trường nằm ở sự thiếu minh bạch, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin. NĐT nhỏ lẻ không chỉ bị lừa dối thông tin mà còn bị chèn ép trong việc tham gia vào thị trường. Có lẽ chỉ ở VN mới có việc các công ty chứng khoán vừa quản lý tài khoản, tư vấn lại vừa thoải mái đầu tư chứng khoán. Hành vi “vừa đá bong vừa thổi còi” này khiến NĐT vô cùng bức xúc.

- Liên quan tới vấn đề này, cũng trên Báo Thanh niên (13/4) có bài “Nên làm gì để tránh rủi ro?” cho biết: Bên cạnh những giải pháp mạnh tay của cơ quan quản lý với các NĐT, việc “đua” theo cổ phiếu đầu cơ và trái phiếu lãi suất cao của DN mờ ám, thiếu minh bạch luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Để tránh rủi ro khi đầu tư vào TPDN, các chuyên gia khuyến cáo NĐT đặc biết chú ý tới việc bảo lãnh phát hành. Với thị trường cổ phiếu, theo các chuyên gia chứng khoán, điều quan trọng là NĐT cần phải hiểu về mã cổ phiếu mà mình định mua, DN có uy tín, thương hiệu và kết quả kinh doanh có tăng trưởng tốt hay không. Đặc biệt, báo cáo tài chính thông tin phải minh bạch.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng khuyến cáo, đối với các NĐT cần phải hiểu biết mình là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. NĐT cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn trong việc mua trái phiếu. NĐT cũng cần đặc biệt lưu ý, quy định hiện hành chỉ cho phép NĐT chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện thanh kiểm tra để xử lý nghiêm minh những hành vi lách luật này.

4. Báo Hà Nội mới (13/4) có tin “Trong sạch hóa” thị trường chứng khoán, bất động sản” cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của TTCK, BĐS thời gian qua, mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, ngành quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhằm làm ổn định, lành mạnh hoạt động ở những lĩnh vực này. Đông đảo dư luận bày tỏ sự đồng tình, coi đây là biện pháp mạnh nhằm “trong sạch hóa” môi trường kinh doanh chứng khoán, BĐS nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung, tạo đà cho sự phục hồi, phát triển sau dịch bệnh Covid-19.

III. Vấn đề về quản lý thuế

5. Báo Đại đoàn kết (13/4) có tin “Sàn thương mại điện tử: Ai là người nộp thuế?”; Thời báo Ngân hàng (13/4) có tin “Quy định nộp thuế cần tạo công bằng, minh bạch” cho biết: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ của Bộ Tài chính. Theo VCCI, Điều 1.2 Dự thảo quy định các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn có nhiều điểm chưa hợp lý.

Bên cạnh đó VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ quy định yêu cầu các sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán kê khai, nộp thuế thay về: căn cứ phát sinh trách nhiệm đại diện.

Tại văn bản góp ý này, VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của sàn thương mại điện tử quy định tại điều 1.7 của Dự thảo như: trách nhiệm về tính chính xác của mã số thuế, doanh thu bán hàng trực tuyến, bảo mật thông tin…

6. Báo Đầu tư online (12/4) có tin “Nghị định về gia hạn thuế: Sẽ triển khai ngay sau khi được ban hành” cho biết: Thời hạn nộp thuế tháng 3 và quý I/2022 đã cận kề khiến cộng đồng doanh nghiệp ngày càng mong ngóng Chính phủ sớm ban hành Nghị định về việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự thảo 2 nghị định trên đã hoàn thiện, chỉ chờ được Chính phủ ban hành là sẽ triển khai ngay, vì quy trình xây dựng được thực hiện theo thủ tục rút gọn.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022, sẽ gia hạn 6 tháng cho số thuế từ tháng 3 đến tháng 5 và quý I; gia hạn 5 tháng đối với số thuế của tháng 6 và quý II; gia hạn 4 tháng đối với số thuế của tháng 7 và gia hạn 3 tháng đối với số thuế của tháng 8. Nếu Chính phủ đồng ý với phương án giảm thuế này, thì tổng số thuế GTGT được gia hạn ước khoảng 53.300-54.300 tỷ đồng.

7. Báo Thời báo Ngân hàng (13/4) có tin “Tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế”; Công an nhân dân (13/4) có tin “Tăng truy vết dòng tiền qua các nền tảng thương mại điện tử” cho biết:  Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tổng cục Thuế yêu cầu thực hiện rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các công ty đang tổ chức hoạt động kinh doanh, phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử trong phạm vi địa bàn quản lý…

8. Báo Tuổi trẻ (13/4) có tin “Một doanh nghiệp bị cưỡng chế hơn 28 tỷ tiền thuế” cho biết: Ngày 12/4, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định cưỡng chế, trích tiền từ tài khoản đối với Công ty Cổng phần Bách Đạt An số tiền hơn 28 tỷ đồng do nợ thuế quá thời hạn.

9. Báo Tiền phong online (12/4) có tin “Sau khi bị miễn nhiệm, cựu Cục phó Cục thuế Bình Định xin nghỉ hưu trước tuổi”; Dân trí (12/4) có tin “Cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế mất chức vì đi chơi golf xin nghỉ hưu sớm”; Zingnews (12/4) có tin “Mất chức sau vụ chơi golf, nguyên phó Cục Thuế Bình Định xin nghỉ hưu”; Tuổi trẻ (12/4) có tin “Nguyên phó cục thuế chơi golf trong dịch COVID-19, xin nghỉ hưu trước tuổi”; Thanh niên (12/4) có tin “Bình Định: Nguyên phó cục thuế chơi golf trong dịch Covid-19 xin nghỉ hưu trước tuổi” và nhiều báo khác cho biết: Sau khi bị miễn nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định vì chơi golf giữa lúc có lệnh cấm, ông Nguyễn Công Thành đã làm đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Ngày 12/4, đại diện Cục Thuế tỉnh Bình Định xác nhận ông Nguyễn Công Thành (SN 1966) - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, hiện là công chức văn phòng của Cục Thuế tỉnh này - đã có đơn xin nghỉ hưu sớm. Ông Nguyễn Công Thành xin nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế, quy định tại điểm đ khoản 1 điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Bình Định, hiện đơn vị này đã báo cáo Tổng cục Thuế để xin ý kiến. Khi nào Tổng cục Thuế cho ý kiến thì giải quyết cho ông Thành nghỉ hưu theo đúng quy định.

IV. Vấn đề về hải quan

10. Báo Công an nhân dân (13/4) có tin “Rà soát pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” cho biết: Từ ngày 12-15/4, Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ tổ chức hội thảo rà soát pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hội thảo nhằm trao đổi để đưa ra các giải pháp tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa.

11. Báo Nhân dân (12/4), Tin tức (12/4) có tin “Cục Hải quan Hà Nam Ninh đối thoại với các doanh nghiệp” cho biết: Chiều 12/4, tại tỉnh Hà Nam, Cục Hải quan Hà Nam Ninh tổ chức Hội nghị Đối thoại hải quan - doanh nghiệp năm 2022 với sự tham gia của 180 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp đã đề nghị Cục Hải quan Hà Nam Ninh giải đáp các vướng mắc liên quan đến các vấn đề như: sử dụng camera giám sát và hàng rào ngăn cách khi dùng chung xưởng chế xuất sản phẩm; xử lý hàng phế liệu phế thải, vật tư dư thừa; kê khai hàng hoá của hàng hoá gia công, sản xuất xuất khẩu; thông báo hợp đồng gia công, khai báo số lượng nguyên vật liệu vượt quá giấy phép; mở tờ khai gia công, giao hàng nội địa của bên thứ ba…

Các ý kiến của doanh nghiệp đã được đại diện Cục Hải quan Hà Nam Ninh giải đáp cụ thể đối với từng vấn đề để doanh nghiệp nắm được và triển khai thực hiện vào quy trình làm thủ tục hải quan đối với các loại hình xuất nhập khẩu một cách hiệu quả.

12. VnEconomy (13/4) có tin “Kiểm tra sau thông quan hơn 200 doanh nghiệp rủi ro cao theo 7 chuyên đề” cho biết: Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này giao các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với 202 doanh nghiệp theo 7 chuyên đề trong 6 tháng đầu năm 2022. Năm 2022, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và thực hiện chỉ các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong công tác quản lý, Tổng cục Hải quan quyết liệt triển khai hiệu quả các chuyên đề, các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác kiểm tra sau thông quan ngay từ những tháng đầu năm.

13. Báo Pháp luật Việt Nam (13/4) có tin “Chuẩn bị tổng kết thi hành Luật Hải quan năm 2014” cho biết: Ngày 12/4, Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị chức năng khối cơ quan Tổng cục Hải quan để thống nhất Kế hoạch triển khai và dự thảo Đề cương báo cáo tổng kết thi hành Luật Hải quan năm 2014.

V. Vấn đề về quản lý giá

14. Báo Nhân Dân (13/4) có tin “Giá xăng dầu giảm từ 830 đến 840 đồng/lít”; Tiền Phong (13/4) có tin “Giá xăng giảm 838 đồng/lít”; Quân đội nhân dân (13/4) có tin “Giá xăng giảm hơn 800 đồng/lít”; Sài Gòn giải phóng (13/4) có tin “Giá xăng dầu tiếp tục giảm”; Lao động (13/4) có bài “Có còn dư địa để giảm giá xăng dầu?”; Pháp luật Việt Nam (13/4) có tin “Giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục giảm” và nhiều báo khác cho biết: Từ 15h chiều ngày 12/4, xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 840 đồng/lít; dầu diesel giảm 700 đồng, dầu hỏa giảm 740 đồng/lít, riêng dầu mazut giữ nguyên giá.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 26.470 đồng/lít; RON 95 là 27.310 đồng/lít; dầu diesel 24.380 đồng/lít, dầu hỏa 23.020 đồng/lít.

Tại kỳ này, cơ quan điều hành trích lập quỹ bình ổn đối với xăng RON 95 là 550 đồng/lít, E5 RON 92 là 650 đồng/lít, dầu diesel là 500 đồng/lít, dầu hỏa là 350 đồng/lít. Việc chi quỹ bình ổn kỳ này chỉ áp dụng với dầu mazut là 481 đồng/lít.

Như vậy giá xăng đã có 3 lần giảm liên tiếp, giúp mặt hàng này hạ nhiệt hơn sau thời gian tăng nhanh và mạnh vừa qua.

Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Vinh Phú cho rằng, giá xăng dầu “hạ nhiệt” đã vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Nhiều dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8%-3,9%.

Đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính khẳng định, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu; rà soát, đánh giá hệ thống phân phối xăng dầu để có điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với thực tế trong nước. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bán bất hợp lý.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, để có dư địa tiếp tục giảm giá xăng, nhà chức trách cần kiểm soát tốt nguồn cung xăng dầu trên thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, “tát nước theo mưa” tăng giá ồ ạt…Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đã được giảm 50%, vẫn còn 50% nữa có thể sử dụng nếu diễn biến giá cả leo thang mạnh hơn. Ngoài ra, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng dầu là 10% vẫn còn nguyên chưa được sử dụng. Tuy nhiên, nếu giảm một cách nhanh chóng các loại thuế sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, cũng gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giảm thuế có thể được cân nhắc khi có bù đắp nguồn thu khác từ việc bán dầu thô, do được giá.

15. VnExpress (12/4) có tin “Standard Charted dự báo lạm phát Việt Nam vượt 4%” cho biết: Chartered dự báo lạm phát Việt Nam năm nay vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên cao hơn nữa trong năm kế tiếp- ở mức 5,5%. Các yếu tố về nguồn cung sẽ mang đến rủi ro làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là tình hình căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh dự báo kém lạc quan về lạm phát, Ngân hàng Standard Chartered đưa ra mức tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022 khi các chỉ số kinh tế đã có sự phục hồi trên diện rộng. Quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra mạnh mẽ hơn vào cuối quý II khi nhu cầu nội địa và lĩnh vực du lịch khởi sắc. Tuy nhiên vẫn có những rủi ro ngắn hạn liên quan đến sự phục hồi của lĩnh vực du lịch và rủi ro từ dịch bệnh.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00