Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 14/4/2022

Điểm báo ngày 14/4/2022

I. Vấn đề về chứng khoán

1. VnExpress (13/4); CafeF (13/4) và nhiều báo khác có tin “Chứng khoán ngày 13/4 tăng gần 22 điểm sau 3 phiên giảm” cho biết: VN-Index tăng lại gần 22 điểm trong phiên 13/4, sau chuỗi ba phiên giảm mạnh, khi sắc xanh chiếm áp đảo, nhiều nhóm cổ phiếu bật cao. Các nhóm bị bán tháo trong ba phiên trước như bất động sản, đầu cơ, những nhóm bị ảnh hưởng bởi tin đồn, đều bật cao. Nhóm vốn hóa lớn cũng duy trì sắc xanh. Mặc dù thị trường tăng cao, thanh khoản không quá đột biến. Sàn HOSE ghi nhận giá trị giao dịch hơn 22.000 tỷ đồng, tương đương phiên hôm qua. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 8.900 tỷ. Đây là mức tăng sau chuỗi 3 ngày VN-Index giảm điểm liên tiếp 67 điểm chỉ trong 3 phiên giao dịch. 

Trước đó, trong phiên ngày 12/4,  99 cổ phiếu "nằm sàn" phiên 12/4, vốn hoá bốc hơi hơn 105.600 tỷ đồng. Nếu tính 3 phiên gần đây, vốn hoá HOSE đã bốc hơi 265.700 tỷ đồng, tương ứng 11,5 tỷ USD. Nguyên nhân lớn nhất của đợt giảm điểm sốc của VN-Index đó là tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng sau những thông tin bắt giữ những lãnh đạo doanh nghiệp gần đây. Thứ hai, các biện pháp nhằm lành mạnh hoá thị trường được cho là tích cực về trung và dài hạn cho sự phát triển của thị trường chứng khoán…

UBCKNN nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ được cho "đặc sản riêng có" so với nhiều thị trường khu vực, như: kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh; UBCKNN khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối tượng tung tin đồn và phát tán tin giả, chứng khoán Việt Nam còn nhiều “đặc sản”, nhà đầu tư cần bình tĩnh.

Dragon Capital vừa công bố báo cáo thị trường, dự báo Top 80 cổ phiếu danh mục quỹ lựa chọn sẽ tăng trưởng 23%, dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nội địa và sự miễn nhiễm với xung đột Nga - Ukraine. Giá cổ phiếu cũng sẽ dần phản ánh tăng trưởng lợi nhuận khi định giá P/E chỉ ở mức 11-12x. Rủi ro đến từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn có thể đạt từ 7% trở lên trong năm 2022. 

2. Báo Công an nhân dân (14/4) có tin “55 tổ chức, cá nhân bị phạt do vi phạm chứng khoán” cho biết: Theo Bộ Tài chính trong công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, công ty đại chúng và tổ chức kiểm toán được chấp thuận, từ đầu năm đến nay, UBCKNN đã ra quyết định xử phạt, đăng công khai đối với 55 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 6.841 triệu đồng.

3. Báo Tuổi trẻ (14/4) có chùm bài “Chặn ngay tin giả thao túng chứng khoán”, “Nhà đầu tư cá nhân: “con mồi” của tin đồn”“Cần xử mạnh để răn đe” cho biết: Chỉ trong vòng một tuần nay, nhà đầu tư chứng khoán đã phải hứng chịu hàng loạt tin đồn thất thiệt, tâm lý lo sợ bao trùm, phản ứng bằng việc đồng loạt lệnh bán khiến giá cổ phiếu bị lao dốc mạnh.

Ông Bùi Văn Huy – Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) – nhận định tin đồn hay tin giả là một phần của thị trường chứng khoán, bởi lẽ có sự bất cân xứng thông tin nhất định của các đối tượng tham gia thị trường, có những đối tượng nhà đầu tư có lợi thế thông tin hoặc có những đối tượng cố tình tung những tin đồn thất thiệt với những mục đích riêng. Nhà đầu tư cá nhân rất thiệt thòi, hạn chế về thông tin và thực sự cũng có những thông tin không có cơ sở để phân tích tính hợp lý của nó. Do đó, các cơ quan quản lý nên có những chế tài xử lý mạnh tay các đối tượng tung ra các tin đồn không đúng sự thật, gây thiệt hại đến nhà đầu tư. Thêm vào đó, các luồng thông tin chính thống cần làm tốt vai trò của mình hơn, lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, để là các kênh thông tin đáng tham khảo, giúp nhà đầu tư vững tâm hơn khi xuất hiện các tin đồn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á cho rằng: “Thị trường chứng khoán ở nước nào cũng có mảng đục nhưng cần kiểm soát để việc làm trong sạch thị trường không chỉ nằm ở hô hào, từ đó giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và phục vụ tốt nhiệm vụ huy động vốn cho nền kinh tế”. Ông Tuấn cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm xử lý nghiêm việc đưa tin thất thiệt để bảo vệ nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết.

4. Báo Sài Gòn giải phóng (14/4) có bài “Đầu tư chứng khoán: Tỉnh táo trước tin giả, tin đồn” cho biết: TTCK đang có biến động khá mạnh trong những phiên gần đây. Bên cạnh yếu tố tâm lý thận trọng, nhiều NĐT đang bị tác động không nhỏ từ các tin giả, tin đồn trên mạng XH. Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), NĐT cần theo dõi các thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

Sắp tới, UBCKNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường; đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng công bố thông tin trên thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.

Trong bối cảnh đó, NĐT cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình thế giới, trong nước, sản xuất kinh doanh của từng DN. Bên cạnh đó, để tránh thiệt hại trong giao dịch trước tin giả, tin đồn, NĐT cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn dẫn đến sai lầm trong đầu tư.

II. Vấn đề về tài chính ngân hàng

5. Báo Thanh niên (14/4) có bài “Khơi trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Diễn đàn doanh nghiệp (14/4) có bài “Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp”“Cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng việc Chính phủ tăng cường giám sát, thanh tra lại hoạt động phát hành hay sử dụng vốn từ TPDN là để giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới. TPDN cần có sự chọn lọc, chất lượng tốt chứ không phải DN nào muốn đều có thể phát hành. Cơ quan quản lý nhà nước cần hoạch định lại thị trường an toàn hơn, chẳng hạn minh bạch thông tin tài chính DN và các quy định xoay quanh việc bảo lãnh phát hành, tài sản đảm bảo.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng nhà nước), hiện nay nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không cần biết quá nhiều về thông tin thị trường, mà chỉ dựa vào đại lý ngân hàng, công ty Quỹ, hay công ty chứng khoán đứng ra làm đại lý phân phối trái phiếu. Vì thế, câu chuyện “mập mờ đánh lận con đen” làm cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ hiểu lầm, điều này cần phải chấn chỉnh sớm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính cho biết, đến nay Việt Nam chỉ là một thị trường mới mở, còn rất sơ khai, trong khi thị trường ở Mỹ đã trưởng thành từ lâu và vấn đề thao túng dù đã từng xảy ra nhưng là rất hiếm. Nếu chúng ta không kiên quyết và mạnh mẽ cải tổ thị trường nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng còn rất lỏng lẻo thì chuyện như Tân Hoàng Minh sẽ còn lặp lại.

III. Vấn đề về quản lý thuế

6. Báo Lao động (14/4) có bài “Truy thuế dòng tiền chảy qua cổng thanh toán quốc tế” cho biết: Thực hiện đề án quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, Tổng cục thuế vừa yêu cầu các cục thuế tăng cường quản lý, chống thất thu thuế với thương mại điện tử, siết chặt quản lý dòng tiền qua cổng thanh toán quốc tế (trong đó có Paypal).

Cụ thể, để ngăn ngừa các giao dịch trên cổng thanh toán quốc tế (trong đó có liên quan đến Paypal) không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam (như thanh toán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam...), Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam, Văn phòng đại diện các tổ chức thẻ quốc tế tại Việt Nam phối hợp, trao đổi, nghiên cứu các biện pháp nhận diện giao dịch liên quan Paypal đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam, với mục tiêu quản lý và cung cấp theo quy định pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) đề xuất, có thể thành lập trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao thuộc Tổng cục Thuế, hoặc giao bổ sung chức năng này cho Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) để làm đầu mối triển khai hệ thống phần mềm quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại.

Trong đó, công nghệ thông tin là nòng cốt gắn với các công nghệ hiện đại khác để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế, như xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên Internet làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế; phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại (vật lý, sinh học…) để phát hiện.

7. Báo Người lao động (14/4) có bài “Sớm gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp” cho biết: Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022. Dự kiến, nghị định sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4-2022.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022 được gia hạn khoảng hơn 125.000 tỉ đồng. Với số tiền này, theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, có thể xem đây là khoản vay không tính lãi cho DN trong khoảng thời gian nhất định để sản xuất - kinh doanh. DN đã trải qua hơn 2 năm dịch Covid-19 với rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là nguồn vốn. Do đó, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp DN có thêm nguồn lực để đầu tư cho trang thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất. Khi có thêm nguồn lực tài chính, DN sẽ chủ động hơn trong các phương án kinh doanh.

Bên cạnh việc sớm ban hành chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, kiến nghị các thủ tục, điều kiện để thực thi cần đơn giản, tạo thuận lợi cho DN khi làm hồ sơ để thụ hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

IV. Vấn đề về NSNN

8. Báo Quân đội nhân dân (14/4) có tin “Chi ngân sách đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”; Vietnamplus (13/4) có tin “Thu ngân sách nhà nước trong quý 1 năm nay đạt 34,35% dự toán”; Hà Nội mới (13/4) có tin “Thu ngân sách nhà nước đạt 34,35% dự toán”;Giao thông (13/4) có tin “Quý I, tiền trả nợ chiếm hơn 1/3 thu ngân sách”;  Dangcongsan.vn (13/4) có tin “Đã chi bổ sung 913 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân”; VTV.vn (13/4) có tin “Thu ngân sách hơn 460.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm” và nhiều báo khác cho biết: Thu ngân sách Nhà nước tháng 3 đạt 132.580 tỷ đồng. Lũy kế thu quý I/2022 đạt 460.600 tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nội địa 3 tháng đầu năm đạt 375.200 tỷ đồng (bằng 31,9% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021). Thu từ dầu thô đạt 14.700 tỷ đồng (bằng 52,3% dự toán, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2021). Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 70.600 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm (bằng 35,5% dự toán, tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2021).

Trong chiều ngược lại, tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm đạt 351.300 tỷ đồng (bằng 19,7% dự toán, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021). Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương 913 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. Trong quý I-2022, đã thực hiện phát hành 41,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,85 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.

V. Vấn đề về quản lý nợ

9. VnExpress (13/4) có tin “Năm nay Chính phủ trả nợ gần 14,6 tỷ USD”; Pháp luật Việt Nam (14/4) có tin “Năm 2022: Chính phủ sẽ trả nợ gần 336 nghìn tỷ đồng”; VTV.vn (13/4) có tin “Chính phủ dự kiến vay hơn 2 triệu tỷ đồng trong 3 năm”; Tuổi trẻ (13/4) có tin “Trong 3 năm tới Việt Nam vay hơn 2 triệu tỉ đồng, phải trả nợ 1,1 triệu tỉ”; Vietnamplus (13/4) có tin “Trong 3 năm tới Việt Nam vay hơn 2 triệu tỉ đồng, phải trả nợ 1,1 triệu tỉ”; Sài Gòn giải phóng có tin “Giai đoạn 2022-2024: Chính phủ vay tối đa khoảng 2.044.000 tỷ đồng” và nhiều báo khác cho biết: Theo kế hoạch vay, trả nợ công 2022 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 13/4, năm nay, Chính phủ vay tối đa 673.546 tỷ đồng (tương đương gần 29,3 tỷ USD). Mức vay này tăng hơn 159.240 tỷ đồng so với 2021.

96% khoản vay này dùng để cân đối cho ngân sách trung ương (646.849 tỷ đồng), khoản vay về cho vay lại là 26.697 tỷ đồng. Nguồn huy động vốn vay chủ yếu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành bằng ngoại tệ hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước...

Về trả nợ, Chính phủ sẽ trả khoảng 335.815 tỷ đồng trong năm nay, tương đương gần 14,6 tỷ USD. So với năm 2021 thì mức trả nợ năm nay thấp hơn khoảng 30.117 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ trực tiếp Chính phủ là 299.849 tỷ đồng (khoảng 13 tỷ USD), trả cho các dự án cho vay lại 35.966 tỷ (gần 1,6 tỷ USD).

Cũng theo quyết định của Chính phủ, tổng mức vay 3 năm tới (2022-2024) là hơn 2 triệu tỷ đồng. 96% trong số này là vay cho ngân sách trung ương, còn lại là vay về cho vay lại.

Tổng trả nợ Chính phủ 3 năm tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng, gồm trả nợ trực tiếp 971.000 tỷ và nợ vay lại 145.000 tỷ đồng. Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ được bảo lãnh không vượt tốc độ tăng GDP của năm trước và trong hạn mức Quốc hội phê duyệt. Hạn mức bội chi của chính quyền địa phương khoảng 0,3% GDP hàng năm.

VI. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Tuổi trẻ (14/4) có bài “Đừng ‘hắt hủi’ quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOG) là cần thiết bởi quỹ này được xem như “hồ điều tiết”, nhằm chống việc tăng sốc giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới liên tục leo thang, góp phần bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, không nên lạm dụng QBOG xăng dầu mà cần nâng cao tính dự báo, có thêm công cụ để kềm giá bền vững hơn như tăng dự trữ, giảm thuế phí…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00