Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/4/2022

Điểm báo ngày 26/4/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Công an nhân dân (26/4) có bài “Tạo chuyển biến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Lao động (26/4) có bài “Chỉ rõ việc làm được, chưa làm được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Người lao động (26/4) có tin “Nhiều vụ việc gây lãng phí, thất thoát”; Đại đoàn kết (26/4) có bài “Vụ Việt Á làm thất thoát tài sản công, gây bức xúc nhân dân”… các báo cho biết: Ngày 25/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Về quản lý, điều hành NSNN, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2021 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra…

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội…

Thẩm tra báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định, mua sắm vượt quá nhu cầu… gây lãng phí NSNN. Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ cho biết, năm nay đang thực hiện giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Do tác động của dịch bệnh, lúc đầu hụt thu lớn nhưng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng dần với dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, báo cáo của Chính phủ cho thấy tiết kiệm chi hơn 70.000 tỷ đồng là con số rất lớn, song đề nghị nêu chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng.

2. Báo VnExpress (25/4) có bài “Bộ trưởng Tài chính: Đã nhiều lần cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp”; báo Tiền Phong (25/4) có bài “Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Đã cảnh báo nhiều lần rủi ro trái phiếu doanh nghiệp” và bài “Sửa quy định để ‘siết’ việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp”; báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (26/4) có bài “Bộ Tài chính đã cảnh báo 'lỗ hổng' trái phiếu doanh nghiệp”… cùng nhiều báo cho biết: Ngày 25/4, nêu ý kiến tại phiên họp của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định 2021 là năm thị trường TPDN tăng trưởng “rất nóng”. Ông đề nghị xác minh thông tin báo chí nêu năm 2021, huy động TPDN đến hơn 700.000 tỉ đồng, trong đó 44% liên quan tới lĩnh vực bất động sản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, gần đây có tình trạng đi vay để đảo nợ, cùng với đó là tác động của dịch Covid-19 nên doanh nghiệp không có dòng tiền để trả. “Vì vậy, có những doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ, nhưng dự án chưa đầy đủ cơ sở pháp lý thì lấy đâu mà bán. Mặc khác, dù có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không khi mà (doanh nghiệp) đang vướng vào các sai phạm” – Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị phải giám sát việc này.

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đang tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Theo Bộ trưởng, khi Luật Chứng khoán và Nghị định 153 ra đời, chúng ta rất muốn tiếp cận với điều kiện thế giới. Tuy nhiên, sau khi ban hành lại thể hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm trong thực tiễn nên cần phải siết lại. “Chúng tôi đã nhận ra sự sơ hở này. Khi tôi về làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi quan sát thấy vấn đề này có lỗ hổng. Tôi yêu cầu cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng, đã ra nhiều thông cáo báo chí và đã có các cuộc trao đổi trên VTV, đồng thời có các diễn đàn báo chí, các báo chí đăng tin về những rủi ro đối với phát hành thị trường trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết. Bộ trưởng cũng khẳng định thời gian tới phải sửa quy định pháp luật liên quan đến việc quy định chào bán, phát hành TPDN.

II. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

3. Báo Tuổi Trẻ (26/4) có bài “Trái phiếu doanh nghiệp: Hiểu đúng mới mua” và bài “Thận trọng với tư vấn hợp đồng hợp tác đầu tư” cho biết: Trong khi nhiều nhà đầu tư đang chờ Tân Hoàng Minh trả lại tiền đã mua trái phiếu của Tập đoàn này thì việc hiểu rõ từng loại TPDN có thể giúp nhà đầu tư tránh được những sự việc đáng tiếc. Cùng với đó, theo các chuyên gia trong ngành, cần có biện pháp mạnh hơn để kiểm soát chất lượng hàng hóa của người bán lẫn người mua để “chợ” trái phiếu sáng (minh bạch thông tin) và sang (mang lại lợi nhuận cho trái chủ, nguồn vốn cho doanh nghiệp).

Trong bài viết “Thận trọng với tư vấn hợp đồng hợp tác đầu tư”, báo Tuổi Trẻ cho biết trong khi sự việc của Tân Hoàng Minh chưa đến hồi kết thì gần đây xuất hiện hàng loạt kiểu mời gọi “hợp tác” mà nếu thiếu kinh nghiệm, rất có thể “nhà đầu tư” sẽ gặp bất lợi sau này. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng hợp đồng hợp tác đầu tư không được quy định bởi Luật Chứng khoán mà bằng Luật dân sự. Do đó, nhà đầu tư tham gia sản phẩm này phải hết sức cân nhắc, thận trọng.

III. Vấn đề về chứng khoán

4. Chương trình Thời sự 19h trên VTV (25/4) đưa tin “Vn-Index giảm mạnh gần 70 điểm””; báo Tiền Phong (26/4) đưa tin “Chứng khoán giảm mạnh về mốc 1310 điểm”; báo Tuổi Trẻ (26/4) có bài “Chứng khoán rớt, lạnh cả người”, các báo cho biết: Chứng khoán giảm sâu hơn 68 điểm, vốn hóa sàn TP.HCM bị “bốc hơi” hơn 270.800 tỉ đồng chỉ trong một phiên 25/4. Tài khoản của nhiều nhà đầu tư “cháy đỏ”, lỗ nặng.

VTV cho biết, với những diễn biến của thị trường chứng khoán tại thời điểm này, hàng loạt các biện pháp đã được cơ quan quản lý triển khai. Ngay trong chiều ngày 25/4, đã có cuộc họp 3 bên giữa Bộ Tài chính, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước nhằm thống nhất rõ quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Trả lời phỏng vấn của VTV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Không hình sự hóa các quan hệ dân sự và kinh tế. Những vụ việc vừa qua là một tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại, hoạt động một cách ổn định và phát triển một cách minh bạch, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng. Chúng tôi khẳng định những tin đồn thất thiệt không phải do cơ quan nhà nước đưa ra làm thị trường chứng khoán rung lắc, giảm điểm. Đây là điều đáng tiếc. Chúng tôi cũng đưa ra những chính sách để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Kể cả với những doanh nghiệp có sai phạm chúng tôi cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động, từ đó giúp công ty phát triển trở lại”.

Trên báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định: “Thị trường tăng từ 700 điểm lên 1.500 điểm, bây giờ nếu giảm xuống 1.200 điểm là bình thường”. Ông Huy cho rằng, hai năm trước, hàng loạt kênh đầu tư khác đều bị bất lợi nên tiền vào kênh chứng khoán. Nay nhìn vào giá trị giao dịch chứng khoán gần đây, ông Huy cho hay dòng tiền bị rút ra âm thầm. Vì vậy, phiên giảm mạnh mang yếu tố phân bổ vốn, nhiều hơn là yếu tố “gọi ký quỹ” và “buôn bán giải chấp”. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang bị áp lực từ thị trường chứng khoán quốc tế.

TS Nguyễn Hữu Huân – trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định gần đây thị trường chứng khoán xảy ra các vụ thanh lọc. Khi các “đội lái” không dám lộng hành, dòng tiền đầu cơ cũng suy giảm. Tuy nhiên, về dài hạn việc thanh lọc sẽ tạo thị trường bền vững hơn, dòng tiền dần dần sẽ được dịch chuyển với một luật chơi mới, cổ phiếu có nền tảng tốt sẽ có môi trường để tăng trưởng.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, về dài hạn thị trường vẫn có khả năng tăng, nhưng xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường là giảm. Do đó nhà đầu tư cần bảo vệ tài khoản tốt nhất, tránh để rơi vào tình trạng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

5. Báo Người lao động (26/4) có bài “Chứng khoán vẫn tốt trong dài hạn” cho biết: Các chuyên gia nhìn nhận lúc này khó ai đoán được đáy của thị trường chứng khoán nhưng họ tin rằng sau những cú "sập" là những cú "hồi" và tăng trưởng. Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nói về dài hạn, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tốt, với mức sinh lời bình quân cao hơn gửi tiết kiệm từ 20%-30% và có tính thanh khoản cao.

"Chứng khoán Việt Nam cũng gặp 2 lần khủng hoảng nặng nhưng mức sinh lời bình quân giai đoạn 2000 - 2014 vẫn đạt khoảng 12%/năm. Ngay cả đợt điều chỉnh trong tháng 4-2022 này, nếu thị trường giảm về 1.200 điểm và phục hồi, mức tăng bình quân hằng năm vẫn là 12,56% - một mức tăng quá tốt so với thị trường các nước và so với gửi tiết kiệm" - TS Đinh Thế Hiển nói và cho rằng nếu nhà đầu tư không "lướt sóng" để kiếm lợi nhuận cao mà đầu tư vào những cổ phiếu nền tảng tốt hoặc phân bổ danh mục vào các quỹ mở thì vẫn tốt hơn gửi tiết kiệm.

IV. Vấn đề về chính sách thuế

6. Báo Đại đoàn kết (26/4) có bài “Tăng sức chống chịu cho nền kinh tế” cho biết: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế NK ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% xuống mức 12%. Đây là một nội dung được nhiều người chú ý trong dự thảo Nghị định về biểu thuế XNK ưu đãi của Bộ Tài chính.

Giới chuyên gia nhận định, việc giảm thuế NK ưu đãi với xăng động cơ, xăng không pha chì cũng không giúp nhiều cho việc giảm giá xăng do xăng NK theo thuế suất này chiếm tỉ trọng không nhiều trong tổng lượng xăng tiêu thụ của cả nước. Dẫu vậy đó cũng là dấu hiệu tích cực khi giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao và giá dầu thô trên thế giới cũng rất cao nhiều biến động.

V. Vấn đề về quản lý thuế

7. Báo Dân Trí (25/4) có bài “Đại tá Đinh Văn Nơi nói về việc điều tra vụ án một đại gia trốn thuế” cho biết: Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết cơ quan CSĐT đang mở rộng điều tra vụ Ngô Phú Cường (48 tuổi, ngụ  tại TP Long Xuyên) trốn thuế hơn 19 tỷ đồng.

Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, tình hình trốn thuế tài nguyên, khoáng sản diễn biến phức tạp, Công an tỉnh An Giang đang điều tra không chỉ liên quan đến vụ án của bị can Phú Cường, mà còn mở rộng làm rõ các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế. “Những doanh nghiệp, cá nhân có dấu hiệu trốn thuế, làm thất thoát tài nguyên Nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm”, Đại tá Đinh Văn Nơi khẳng định.

8. Báo Người lao động (22/4) có tin “Phát hiện 1 chủ kênh Youtube thu nhập 11 tỉ đồng chưa nộp thuế” cho biết: Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đang xác minh làm rõ dấu hiệu không kê khai và nộp thuế của chủ kênh Youtube T.C. TV, ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) để truy thu theo quy định của pháp luật. Làm việc với cơ quan Công an, chủ kênh Youtube T.C TV đã thừa nhận chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời cung cấp cho cơ quan Công an những giấy tờ liên quan đến việc thu nhập từ kênh Youtube và quảng cáo trong 4 năm (2018-2022) hơn 11 tỉ đồng.

Công an tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với cơ quan Thuế phối hợp cùng với các ngân hàng rà soát các trường hợp tương tự để thực hiện hiệu quả hơn trong vấn đề quản lý thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00