Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 04/5/2022

Điểm báo ngày 04/5/2022

I. Vấn đề về quản lý thuế

1. Báo Lao Động (4/5) có bài “Bêu tên” nhà cung cấp nước ngoài chưa nộp thuế tại Việt Nam” cho biết: Mới đây, Tổng cục Thuế đã có văn bản đề nghị các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam hoàn tất việc đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế phát sinh quý I/2022. Sau ngày 30/4, Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) sẽ lập danh sách các NCCNN chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và thông báo trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế và các kênh thông tin truyền thông khác.

Vấn đề thu thuế từ các nền tảng xuyên biên giới là bài toán đau đầu với cơ quan quản lý. Một chuyên gia tài chính cho rằng, với mô hình hoạt động xuyên biên giới, không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, việc quản lý, giám sát, thu thập thông tin số liệu rất khó khăn, khiến việc kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Cục trưởng Cục DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, bản chất cần phải nắm được các dữ liệu phát sinh từ trong nước. “Đối với doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào trong nước, người dân trả tiền sử dụng dịch vụ. Chúng ta có thông tin để nắm được. Người nước ngoài nhưng thu nhập có được là từ trong nước. Ngoài ra, chúng ta cũng có cơ quan thuế nước ngoài để hợp tác” – ông Nguyễn Văn Phụng nói. Tuy vậy, đại diện Cục Thuế Doanh nghiệp lớn cũng nhấn mạnh, cơ quan thuế các nước cũng có những nguyên tắc riêng và không phải khi nào cũng sẵn sàng hợp tác.

2. Báo Lao Động (4/5) có bài “Loay hoay chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản” cho biết: Hàng trăm nghìn giao dịch mỗi năm vẫn tìm cách lách luật để trốn thuế, tuy nhiên suốt thời gian dài chỉ có vài vụ bị khởi tố. Gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường rà soát, phối hợp với các cơ quan điều tra để ngăn chặn hành vi này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các biện pháp mang tính hành chính, chưa đủ răn đe.

Chuyên gia về thuế TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, muốn chứng minh hành vi trốn thuế thì các cơ quan chức năng phải có bằng chứng cho thấy NNT có giao dịch, thỏa thuận khác với giá và thỏa thuận trong hợp đồng công chứng. Việc này không dễ dàng, mất thời gian vì hằng ngày có hàng nghìn giao dịch nên rất khó kiểm soát.

Bộ Tài chính đang rà soát các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý về hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh cần tăng cường công tác triển khai chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

II. Vấn đề về chính sách thuế

3. Báo Công an nhân dân (4/5) có tin “Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp gỡ vướng về giảm thuế VAT” cho biết: Việc giảm thuế VAT từ 10% về 8% nhằm hỗ trợ DN phục hồi sau dịch Covid-19, tuy nhiên, quy định cùng một đơn hàng, doanh nghiệp phải chia 2-3 hóa đơn cho mỗi loại hàng hóa được giảm thuế đang khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí.

Trước bất cập trên, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 được gộp vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP theo thủ tục rút gọn. Hiện, hồ sơ đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế VAT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này.

4. Báo Tienphong.vn (1/5) có bài “Lý do Bộ Tài chính bác kiến nghị giảm thuế của hàng không”, Báo điện tử Người lao động (29/40 có bài “Ngành hàng không tiếp tục xin miễn giảm thuế, Bộ Tài chính nói gì?” cho biết: Một số hãng hàng không kiến nghị miễn thuế TNDN cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% và điều chỉnh giảm mức thuế NK đối với nhiên liệu hàng không từ mức 7% xuống 0%. Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính dẫn ra nhiều chính sách ưu đãi mà ngành này đã được hưởng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

So với nhiều ngành sản xuất khác thì đối với ngành hàng không bên cạnh được hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung còn được áp dụng chính sách hỗ trợ về giảm mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay ngay từ khi thời điểm dịch bệnh bùng phát.

5. Báo Baotintuc.vn (3/5) có bài “Doanh nghiệp ‘tăng tốc’ hoạt động nhờ chính sách giảm thuế” thông tin: Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), hoạt động kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ tháng 4/2022 đã giúp số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay, với 15.000 doanh nghiệp. Nếu tính doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp tham gia thị trường tháng 4/2022 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, kể từ ngày 1/2/2022 đến 31/12/2022, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% của cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Mức thuế GTGT mới đối với các mặt hàng thuộc nhóm được giảm là 8%.

6. Báo Tuổi trẻ (4/5) có tin “Chính phủ giao nghiên cứu thu thuế nhà” cho biết: Theo chỉ đạo mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành trong chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, với các loại thuế liên quan đến tài sản, ngành thuế tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế với nhà nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả.

Quan điểm xây dựng chính sách thuế là theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ xác định rõ đối tượng chịu thuế tài sản, số thuế phải nộp, đồng bộ với quy định về đất đai và quy định của pháp luật có liên quan. Riêng với đất nông nghiệp, chính sách sẽ tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 để góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

III. Vấn đề về hải quan

7. Báo Vov.vn (3/5) có bài “Ngành Hải quan tiếp tục tìm giải pháp gỡ khó về chi phí xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp” thông tin: Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không đã tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch. Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phải đối mặt với rất nhiều thách thức do chi phí hoạt động tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Cục Hải quan thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Cụ thể: ban hành Quyết định số 2318 về “Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Cát Lái” với ba giải pháp: Xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan hải quan - Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn - doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp tham gia đề án…

8. Báo Bnews.vn (3/5) có bài “Giải pháp nào chống thất thu ngân sách nhà nước?” cho biết: Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN những tháng cuối năm 2022. Ngành hải quan tăng cường chống thất thu qua giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, KTSTQ, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại....TCHQ cũng thực hiện nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; đồng hành, giải đáp, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế… cho cộng đồng doanh nghiệp.

IV. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

9. Báo Tiền phong (4/5) có bài “Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu vay vốn: Nỗi lo trái chủ lớn dần” cho biết: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trong quý I/2022, các DN BĐS dẫn đầu về giá trị phát hành TPDN, với tổng giá trị phát hành trái phiếu BĐS khoảng 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,3% tổng giá trị phát hành TPDN trên thị trường. Bộ Xây dựng nhận định, với số lượng phát hành quy mô lớn như thế, lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường, nhà đầu tư. Vừa qua, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo siết chặt hoạt động của các đơn vị kiểm toán, thẩm định giá trong quá trình phát hành trái phiếu. Vì vậy, trái chủ phải lưu tâm vấn đề thẩm định giá.

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, những vụ việc vừa qua, đặc biệt là Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do giấu thông tin đã bộc lộ bất cập, đặc biệt cơ chế chính sách bị lợi dụng. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp BĐS kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xây dựng lộ trình từng bước kiểm soát hiệu quả hoạt động phát hành TPDN phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nước ta, có thể áp dụng kể từ đầu năm 2023 để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hoạt động đầu tư kinh doanh, huy động vốn.

10. Báo Sài Gòn Giải phóng (4/5) có bài “Quản lý chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ” thông tin: Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 14-4, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong quý 1-2022 ước đạt khoảng 56.674 tỷ đồng, tăng khoảng gần 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ phát hành riêng lẻ chiếm gần 85%.

Liên quan đến TPDN, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính công bố, cho thấy các điều kiện phát hành, mục đích phát hành TPDN sẽ được quản lý chặt. Cụ thể, nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành và phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế chuyển vốn giữa các doanh nghiệp, dự thảo cũng quy định doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn.

11. Báo Hà Nội mới (4/5) có bài “Phát triển đồng bộ thị trường vốn” cho biết: Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ TPDN nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. Bên cạnh đó, chưa có thị trường TPDN chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân.

Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, NHNN kiến nghị Chính phủ phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh...) theo hướng tập trung hiện đại hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, giảm áp lực đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

V. Vấn đề về quản lý giá

12. Báo Thanh niên (4/5) có bài “Giá sách giáo khoa mới cao đột biến, vì sao?” cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa mới cao đột biến. Trong đó, một nguyên nhân mà Bộ GD-ĐT và các nhà xuất bản không nói đến, là có thêm quá nhiều đầu sách bắt buộc so với chương trình cũ.

Trước khi phát hành, việc các nhà xuất bản công bố có thêm SGK chương trình mới như sách thể dục, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp…dư luận đã phản ứng và cho rằng những sách này là không cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT và các nhà biên soạn chương trình SGK vẫn cho rằng môn học bắt buộc thì phải có sách kèm theo.

Tại phiên họp thứ 10, UBTVQH đã cho ý kiến về chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2023. Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51 năm 2017 Quốc hội khóa XIV của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một trong 4 chuyên đề sẽ được Quốc hội, UBTVQH giám sát vào năm 2023. Đây cũng là chuyên đề có số phiếu lựa chọn cần giám sát cao nhất.

VI. Vấn đề về đầu tư công

13. Báo Chinhphu.vn (3/5) đưa tin “Thủ tướng thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, báo Lao Động (3/5) đưa tin “Thành lập 6 Tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công”, các báo cho biết: Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%). Trong đó, Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước.

Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan TW và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00