Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 11/5/2022

Điểm báo ngày 11/5/2022

I. Vấn đề về thị trường chứng khoán

1. Báo Hà Nội mới (11/5) có tin “Thực hiện nghiêm việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán” cho biết: UBCKNN đã có văn bản yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán tuân thủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

2. Thời báo Ngân hàng (11/5) có tin “Phát triển thị trường vốn an toàn, bền vững, lành mạnh” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt thực hiện nghiêm túc đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường…

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng tài khoản tạm thu tại các NHTM để thực hiện thu phí, lệ phí nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

II. Vấn đề về chính sách thuế

3. VnEconomy.vn (10/5) có tin “Lo tác động tiêu cực, Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM xem xét lại việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển”; Đầu tư online (10/5) có tin “Lần thứ tư Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM sửa quy định về thu phí hạ tầng cảng biển”; Công luận (10/5) có tin “Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM xem xét lại việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển” cho biết: Trong Công văn số 3978/BTC-CST gửi UBND TP.HCM ngày 6/5 vừa qua, Bộ Tài chính chính thức đề nghị UBND TP.HCM báo cáo HĐND TP.HCM sửa đổi Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM (thu phí hạ tầng cảng biển).

Mục tiêu là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền và nghĩa vụ, phù hợp với quy định. Đây là công văn thứ tư của Bộ Tài chính gửi UBND TP.HCM liên quan đến nội dung có tính phân biệt đối xử trong quy định về thu phí hạ tầng cảng biển.

III. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Tiền phong (11/5) có bài “Mua bán nhà đất: Chậm, tắc do đâu?” cho biết: Người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất mòn mỏi chờ 3-4 tháng mới có được sổ đỏ vì cơ quan thuế xác định giá trị chuyển nhượng quá lâu. Không chỉ ở TP.HCM, tình trạng người dân bị yêu cầu khai lại giá, làm khó dễ khi chuyển nhượng bất động sản cũng diễn ra ở Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai…

Theo ông Thân Thiết Sơn, Phó chi cục Thuế TP Thủ Đức, với quy định mới của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, cán bộ thuế phải xác định giá phù hợp và thuyết phục người dân khai đúng nên khối lượng công việc rất lớn. Với hồ sơ không phải xem xét điều chỉnh giá, cơ quan này giải quyết trong 5 ngày. Tuy nhiên, nếu mức chuyển nhượng với giá thấp hơn giá giao dịch thực tế, cơ quan thuế phải gửi giấy mời người dân lên xem xét lại. Trong 15 ngày, người dân không trả lời, cơ quan thuế mới trả hồ sơ cho văn phòng đăng ký đất đai đề nghị người nộp bổ sung. Dù phân công 15 cán bộ chuyên xử lý hồ sơ nhà đất, Chi cục Thuế TP Thủ Đức vẫn gặp tình trạng quá tải thủ tục nhà đất ở địa bàn.

Ông Thái Minh Giao, Phó Cục Thuế TP.HCM khẳng định, từ giữa tháng 4, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi các chi cục thuế, nghiêm cấm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế như trả hồ sơ, mời người nộp thuế giải trình mà không nêu rõ lý do… Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM nhìn nhận, việc xác định chính xác giá giao dịch nhà đất trên thực tế là rất khó, trong khi khung giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Do vậy, Cục Thuế TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM sớm ban hành bảng giá đất tối thiểu để áp dụng chung, giúp cán bộ dễ xác định giá cũng như thuyết phục người dân. Đồng thời, cần sớm có hướng dẫn chung để xử lý hồ sơ khai không đúng giá giao dịch thông thường. 

5. Báo Tuổi trẻ (11/5) có bài “Chịu thua nạn bán xe 2 giá!” cho biết: Trên thị trường, hàng loạt mẫu xe như Huyndai SantaFe, Creta, Ford Ranger và đặc biệt là các dòng Toyota như Raize, Veloz, Cross… đang bị các đại lý bán chênh giá hoặc chơi chiêu bán kèm phụ kiện với giá hàng chục triệu đồng để nhanh chóng nhận được xe. Không chỉ ô tô, thị trường xe máy bị chênh giá rầm rộ hơn. Từ tháng 4 đến đầu tháng 5-2022, nhiều khách hàng phản ánh nhiều mẫu xe Honda đang bị đại lý “ăn” hai đầu. Theo đó, nhiều mẫu xe máy hút khách đã bị các đại lý tăng giá bán so với giá đề xuất của nhà sản xuất, trong đó xe máy Honda bị kê giá nhiều nhất, lên hơn 10 triệu đồng/chiếc.

Ông Quốc Bình – quản trị viên mạng xã hội OFFB dẫn chứng số liệu doanh số bán hàng của Honda Việt Nam trong tháng 3 với 180.000 xe máy các loại, với mẫu Vision chiếm gần 26% (tương đương trên 46.000 chiếc). Nếu tạm tính mỗi xe Vision được bán chênh 10 triệu đồng thì số tiền mà khách hàng bị “móc thêm” trong tháng qua hơn 460 tỉ đồng với chỉ riêng Honda Vision.

Như vậy, không chỉ bản thân khách hàng chịu thiệt mà ngay Nhà nước cũng bị thất thu thuế đáng kể khi lệ phí trước bạ vẫn được tính 2-5% giá trị xe do hãng đề xuất thay vì áp theo giá bán thực tế; thuế GTGT cũng tương tự. Số tiền chênh lệch do các đại lý tự đặt ra coi như không hề chịu một khoản thuế, phí nào.

TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng, tình trạng bán xe máy kê khai hai giá đã tồn tại cả 20 năm nay, không chỉ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà cả xe nhập khẩu. Ngành thuế biết được thực tế này vì từ năm 2009, Tổng cục Thuế đã có công văn yêu cầu cục thuế các địa phương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại các cửa hàng, đại lý bán xe máy trên địa bàn, đảm bảo thu thuế sát theo giá bán.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy suốt nhiều năm qua cơ quan thuế có vẻ bó tay với tình trạng kê hai giá khi bán xe máy của các đại lý bán xe Honda. Để ngăn chặn tình trạng này, có thể sửa cách tính thuế xe máy sang thu thuế tuyệt đối thay vì theo tỉ lệ phần trăm. Đơn cử xe có giá 40 triệu đồng thì mức thuế phải nộp 3 hay 4 triệu đồng. Xe có giá 70 triệu đồng thì thuế là 8 triệu đồng…. Với cách áp thuế tuyệt đối này, các đại lý xe Honda sẽ không lo chuyện kê khai sai giá bán nữa mà ngân sách cũng không bị thất thoát thuế.

IV. Vấn đề về hải quan

6. Báo Pháp luật Việt Nam (11/5) có bài “Ngành Hải quan tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu”; Quân đội nhân dân (11/5) có tin “Ngăn chặn vi phạm trong nhập khẩu xăng dầu”; Hà Nội mới (10/5) có bài “Ngành Hải quan tăng cường đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu”; Tin tức (10/5) có bài “Ngành hải quan tăng cường chống buôn lậu xăng dầu, vật tư y tế” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có văn bản số 1604/TCHQ-ĐTCB yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Vụ Thanh tra – Kiểm tra về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh xăng dầu và nhập khẩu mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, xây dựng kế hoạch triển khai nắm tình hình, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu, mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên tất cả các tuyến, đặc biệt các cửa khẩu đường bộ, đường biển và vùng biển. Bên cạnh đó, tăng cường thu thập thông tin, cập nhật tình hình biến động giá xăng dầu, vật tư y tế nhằm hỗ trợ công tác thông quan hàng hóa kịp thời, đúng quy định, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.

7. Báo Công an nhân dân (11/5) có bài “Ngăn chặn hiệu quả hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua biên giới” cho biết: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, các địa phương đặc biệt là những cơ quan chuyên trách như Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… được triển khai thường xuyên và hiệu quả nhiều vụ việc, vụ án, chuyên án lớn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành thành viên, lực lượng chức năng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động công tác nắm tình hình, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.

V. Vấn đề NSNN

8. Báo Sài Gòn giải phóng (11/5) có bài “TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù” cho biết: Ngày 10/5, HĐND TPHCM tổ chức giám sát UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết 25 của HĐND TPHCM.

Trong số các kiến nghị, UBND TPHCM đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định thay thế nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Cụ thể, TPHCM kiến nghị được phép chủ động quyết định việc bổ sung tổng mức vốn và danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo nguyên tắc bảo đảm không tăng mức bội chi ngân sách địa phương, không làm phát sinh nợ đọng cơ bản. Đồng thời cho phép TPHCM lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án trọng điểm quy mô lớn không phải thông qua đấu thầu. Cho phép thí điểm xã hội hóa đầu tư công viên, trường học, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao trong các khu đô thị mới. 

Ngân sách TP được hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TPHCM quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TPHCM làm đại diện chủ sở hữu. Thành phố sử dụng nguồn này và ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của Thành phố. Ngân sách Trung ương không bổ sung cho ngân sách TPHCM 10.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, TPHCM kiến nghị tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết 21% các khoản thu phân chia cho ngân sách TPHCM cho giai đoạn 2023-2025.

VI. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Tuổi trẻ (11/5) có tin “Giá xăng có thể lại lên ngưỡng 30.000 – 32.000 đồng/lít”; Lao động (10/5) có tin “Giá xăng có thể "đội" ngưỡng 30.000-32.000 đồng/lít vào chiều mai?”; Quân đội nhân dân online (10/5) có tin “Giá xăng liệu sẽ tăng tiếp, vượt mốc 30.000 đồng/lít vào ngày mai, 11-5?” cho biết: Ngày 11/5, Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước kỳ điều chỉnh ngày 11/5 tăng rất mạnh.

Hiện giá trong nước đang âm so với giá thế giới khoảng 1.900 - 2.100 đồng/lít với xăng RON 95 và 1.700 - 1.900 đồng/lít với xăng E5 RON 92. Còn dầu diesel đang âm khoảng 1.400 - 1.700 đồng/lít. Vị này nhận định mức tăng giá bán lẻ sẽ khoảng 70% giá lỗ khi can thiệp bằng việc điều hành quỹ. Như vậy, dù cơ quan điều hành có thể tăng ít hơn nhưng vẫn ở mức cao. Với mức tăng như dự báo, giá xăng RON 95 sẽ tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, còn nếu tăng bù 100% mức lỗ, thì có thể tăng lên 32.000 đồng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc. Tuy nhiên, thực tế vừa qua lại cho thấy khi giá dầu thế giới tăng, doanh nghiệp cũng phải "mạnh tay" chi quỹ. Khi giá giảm, người tiêu dùng lại không được mua giá thấp ngay, bởi vì cơ quan điều hành còn phải trích vào quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước đó, chưa kể là có dư để còn chi cho những lúc giá dầu thế giới tăng cao.

Ông Thịnh cũng cho rằng, liên Bộ Công Thương - Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. “Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát với thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi”.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00