Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 12/5/2022

Điểm báo ngày 12/5/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Sài Gòn giải phóng (12/5) có bài “Gói kích thích kinh tế giải ngân quá chậm”; VnExpress (11/5) có tin “Gói phục hồi kinh tế bị chê giải ngân chậm”; Thanh niên (11/5) có tin “Sốt ruột vì gói hỗ trợ kinh tế 347.000 tỉ đồng giải ngân chậm”; Tuổi trẻ (11/5) có tin “Chủ tịch Quốc hội lo lắng việc giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỉ đồng rất chậm”; Thanh tra (11/5) có tin “Lo ngại tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế quy mô 347 nghìn tỷ đồng “rất chậm””; Baochinhphu.vn (11/5) có tin “Triển khai gói 350.000 tỷ đồng - Khó khăn chủ yếu tập trung ở phần đầu tư công”; Lao động (11/5) có tin “Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỉ đồng rất chậm” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 11/5, UBTVQH đã khai mạc phiên họp thứ 11. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tỏ ra sốt ruột vì đã gần nửa năm 2022 trôi qua mà tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng vẫn rất chậm. Người đứng đầu Quốc hội nêu rõ, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ được giải ngân trong 2 năm 2022-2023. “Nếu hết năm 2023 không giải ngân được sẽ trình Quốc hội dừng lại vì nếu cứ chuyển nguồn thì không đúng là gói kích thích kinh tế nữa”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình kỹ trước Quốc hội về việc chậm trễ điều hòa vốn vì “cơ chế đặc thù cũng cho hết rồi, không hiểu lý do vì sao chậm, cần phải báo cáo rõ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cùng quan điểm: “Tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 còn hạn chế. Về căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bỏ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm”.

II. Vấn đề về chứng khoán

2. Baochinhphu.vn (10/5) có bài “Phát triển thị trường chứng khoán bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” cho biết: Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, TTCK có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn để phát triển kinh tế. Sự phát triển nhanh của thị trường cũng đã phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán…

Để phát triển TTCK ngày càng minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp để quản  lý, phát  triển thị trường. Một là, hoàn thiện công tác tổ chức, điều hành thị trường. Hai là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK. Ba là, phát triển nhà đầu tư thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp... Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, tiếp tục mở rộng phạm vi và tần suất giám sát, thanh, kiểm tra. Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác điều hành và quản lý giám sát TTCK, thị trường trái phiếu với thị trường tiền tệ…

III. Vấn đề về tài chính ngân hàng

3. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (11/5) có bài “Tài sản đảm bảo khó bảo đảm trái phiếu” cho biết: Dự thảo lần 5 Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 đưa ra quy định về tài sản đảm bảo, khiến các doanh nghiệp lo lắng khó đáp ứng và khó có cơ hội huy động vốn.

Một chuyên gia dẫn chứng từ câu chuyện của Tân Hoàng Minh để thấy việc doanh nghiệp có tài sản (không phải để đảm bảo cho chính lô trái phiếu đã phát hành và đã bị hủy), nhưng một khi doanh nghiệp “có chuyện”, muốn xử lý tài sản để hoàn tiền cho nhà đầu tư, thì cũng không dễ xử lý được ngay.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với tài sản đảm bảo là cổ phiếu; song nếu rủi ro phát lộ, thì giá cổ phiếu cũng sẽ bốc hơi giá trị, không thể đảm bảo rủi ro.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo, dự án BOT, có tổng vốn đầu tư thường lớn, nhưng giá trị tài sản đảm bảo chính là tài sản hình thành trong tương lai. Dòng tiền thu được rất nhỏ giọt và kéo dài, khó đảm bảo trái phiếu.

Ngoài ra, một luật sư lưu ý thêm, nếu một doanh nghiệp đã bị tòa mở thủ tục phá sản, nhiều hoạt động liên quan đến chuyển nhượng tài sản hoặc thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ… đều bị cấm.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng thay vì siết quá chặt và quá chú trọng đến các điều kiện phát hành trái phiếu, điều kiện về tài sản đảm bảo, việc làm sao để minh bạch thông tin và tạo tính chuyên nghiệp trong đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp mới là điều kiện cần.

IV. Vấn đề về chính sách thuế

4. Báo Đại đoàn kết (12/5) có bài “Gia hạn thuế, tiền thuê đất: Thêm trợ lực để doanh nghiệp phục hồi”; Pháp luật Việt Nam (12/5) có bài “Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022: Thu ngân sách có giảm?” cho biết: Bộ Tài chính vừa chính thức có Tờ trình số 98/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, Thuế TNDN, Thuế TNCN và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022. Đây được đánh giá là động lực giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực để hồi phục trong bối cảnh bình thường mới.

Theo TS Nguyễn Đình Chiến – Phó trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), chính sách này giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn tài chính để giải quyết các khó khăn trong thời gian trước mắt, từ đó có thể ổn định và phát triển trong tương lai. Đối với ngân sách nhà nước, chính sách gia hạn nộp thuế sẽ không làm giảm thu trong năm 2022 vì số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn sẽ được nộp đủ trước ngày 31/12/2022.

V. Vấn đề về quản lý thuế

5. Báo Tuổi trẻ (12/5) có bài “Siết thuế chuyển nhượng bất động sản: Bịt lỗ hổng để chống thất thoát thuế” “Siết thuế chuyển nhượng nhà đất: Lúng túng 'giá đúng', nhiều kiểu lách xuất hiện”; Tiền phong (12/5) có bài “Chống thất thu thuế bất động sản: Cách nào?” cho biết: Chỉ trong một thời gian ngắn siết lại việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản, có địa phương đã tăng thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, người dân và cán bộ thuế nhiều địa phương cho biết đang lúng túng với việc "xác định giá đúng". Nhiều người bán nhà đất thừa nhận đã khai chưa đúng, chấp nhận khai lại với giá cao hơn và số thuế phải nộp nhiều hơn, trong khi không ít người dân khẳng định đã khai giá đúng với giá thật nhưng cơ quan thuế vẫn trả hồ sơ hoặc bắt khai lại. Và đã xuất hiện nhiều kiểu lách để giải quyết hồ sơ nhanh, đồng thời làm giảm số thuế phải nộp.

Một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết: "Việc đấu tranh giải quyết các vấn đề kê khai giá chuyển nhượng thực tế còn gặp nhiều khó khăn và chậm, cũng như việc phối hợp với sở ngành, đơn vị có liên quan ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ theo quy định, dẫn đến tình trạng tồn đọng hồ sơ. Kiến nghị Tổng cục Thuế sớm ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể trình tự cách xử lý, trách nhiệm của cơ quan thuế trong trường hợp người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế".

TS. Phan Phương Nam, Phó Trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Có 2 giải pháp ngắn hạn và dài hạn cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Với giải pháp ngắn hạn, cần mạnh tay xử lý nghiêm các trường hợp khai sai giá. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì xử lý hình sự. Các chế tài đã được pháp luật thiết lập đầy đủ, nhưng trên thực tế cơ quan áp dụng vẫn chưa mạnh tay”.

Về lâu dài, cơ quan thuế cần khôi phục lại cách tính thuế chuyển quyền sử dụng BĐS như trước đây là đánh đúng vào thu nhập từ hoạt động này (nghĩa là lấy giá bán trừ giá mua và lấy thu nhập này nhân với thuế suất quy định). Cách tính này, sẽ làm cho các bên mua, bán bảo vệ mình và có thể tự kiểm soát lẫn nhau, giảm bớt tình trạng ghi giá mua, giá bán khác với giá thực tế giao dịch. Việc làm này không chỉ giúp chống thất thu trong thu thuế, mà còn giúp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai có thêm số liệu chính xác”, ông Nam nói.

VI. Vấn đề về quản lý giá

6. Ngày 11/5, Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Nhiều báo trong ngày 11-12/5 đưa tin, bài về nội dung này, như: Người lao động; Tuổi trẻ; Quân đội nhân dân; Thanh niên; Tiền phong; Lao động; Dân trí; VOV.vn; VietNamNet, Bnews; Giao thông; VTC.vn… Các báo cho biết: Tại kỳ điều chỉnh này các mặt hàng xăng đều tăng giá. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diezen tăng 1.120 đồng/lít, bán ra 26.650 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít. Riêng dầu madut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Cơ quan điều hành tiếp tục không chi Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu diesel. Mức chi quỹ với dầu hoả tăng lên 300 đồng một lít (kỳ trước là 0 đồng), dầu madut là 33 đồng (kỳ trước là 0 đồng). Mức trích quỹ bình ổn với xăng RON95, xăng E5 RON92 và dầu diesel là 100 đồng một lít. Dầu hoả, dầu madut không trích vào quỹ.

Hiện một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang âm Quỹ bình ổn. Như tại Petrolimex, doanh nghiệp chiếm khoảng 48% thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước, tới trước 15h ngày 11/5 đang âm 53 tỷ đồng Quỹ bình ổn xăng dầu.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động lớn trước những bất ổn địa chính trị và việc EU đưa ra đề xuất cấm vận với xăng dầu từ Nga, hay OPEC không tăng sản lượng như đề xuất của EU. Việc Mỹ công bố mua thêm 60 triệu thùng dầu thô bổ sung cho kho dự trữ khẩn cấp cũng khiến nguồn cung dầu khan hiếm hơn. Các yếu tố này đẩy giá xăng dầu thành phẩm tăng cao. So với tuần trước, giá xăng RON92 - loại dùng pha chế E5 RON92 tăng thêm gần 8,3% mỗi thùng, RON95 tăng 8,2%, dầu diesel 5%...

VII. Vấn đề về KBNN

7. Báo Hà Nội mới (12/5) có tin “Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi 286.682 tỷ đồng” cho biết: Theo Kho bạc Nhà nước, tính đến hết tháng 4/2022, toàn hệ thống KBNN đã kiểm soát 286.682 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 25,8% dự toán năm 2022 của NSNN qua Kho bạc Nhà nước (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).

Lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 là 96.854 tỷ đồng, bằng 18,7% kế hoạch năm 2022 (518.105,9 tỷ đồng). Toàn hệ thống luôn bảo đảm nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và của các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước bằng cả đồng nội tệ và ngoại tệ.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00