Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 13/5/2022

Điểm báo ngày 13/5/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Bnews – TTXVN (12/5) có bài “Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ ”; Báo Bình Định (12/5) có tin “ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Phù Cát”; Đại biểu Nhân dân (12/5) có tin “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp xúc cử tri tại huyện Tây Sơn, Bình Định” cho biết: Sáng 12/5, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV tại huyện Tây Sơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định; Tỉnh ủy viên, Phó Trường đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh dự cuộc tiếp xúc.

Thông tin trước cử tri huyện Tây Sơn về tình hình ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cũng như của toàn ngành Tài chính, năm 2021, thu ngân sách nhà nước đã tăng 16% dự toán, tăng 225 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương tăng 53 nghìn tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng để đầu tư trở lại, nhất là các dự án đầu tư có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch Covid-19 và không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, ngày 11.1.2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2022) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Trả lời cử tri về kiến nghị nâng mức lương cơ bản 1.490.000 đồng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Hội đồng tiền lương Quốc gia trước đó đã quyết định nâng lương cơ bản từ 1.7.2021. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến những kế hoạch của đất nước, do đó Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thực hiện cải cách tiền lương - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin thêm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, mặc dù đã hoãn thời điểm thi hành cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1.7.2022 cho đến khi có văn bản mới hướng dẫn nhưng vào thời điểm cuối năm 2021, ngày 13.11.2021 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời điểm hiện nay, rất cần sự chia sẻ của khối lao động trong và ngoài nhà nước ở bối cảnh còn nhiều khó khăn này.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng chia sẻ với bà con cử tri trong thời điểm hiện nay, lạm phát thế giới tăng cao, việc nhập khẩu nhiều nhiên, nguyên vật liệu đã ảnh hưởng tới giá cả và đời sống của bà con. Về phía Bộ Tài chính, Bộ tiếp tục tham mưu Chính phủ điều hành phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cần phải xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp tục gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của bà con.

Nhân dịp này, Công ty Vietlott cũng trao phần quà trị giá 5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng trường tiểu học Vĩnh An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

II. Vấn đề Quốc hội quan tâm

2. Thời báo Ngân hàng (13/5) có bài “Lo chậm triển khai chính sách hỗ trợ” cho biết: Ngày 11/5, UBTVQH đã khai mạc phiên họp thứ 11 để cho ý kiến đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; tình hình triển khai kế hoạch năm 2022. Tại phiên họp, các thành viên của UBTVQH tỏ ra khá sốt ruột về sự chậm trễ trong việc triển khai Nghị quyết 43 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KTXH.

Đặc biệt chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2022 được đánh giá là chính sách đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả DN và người dân. Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn vướng mắc trong việc rà soát, đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế VAT cũng như việc xuất hóa đơn thuế VAT.

Vì vậy, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn DN và tập huấn cho cán bộ thuế cơ sở để chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ làm rõ hiệu quả phân bổ nguồn ngân sách cho phòng chống dịch bởi báo cáo thẩm tra của 2 Ủy ban đều mới nói đến chuyện có bao nhiêu tiền, còn hiệu quả như thế nào cho đến nay chưa có đánh giá. Một lĩnh vực khác, theo Phó Chủ tịch QH, đó là CPH, thoái vốn DNNN đã được đề cập rất nhiều năm là quá chậm và không hoàn thành kế hoạch.

Về đầu tư công, ông cho biết, tới đây chúng ta sẽ tăng tỷ trọng cho đầu tư công bằng cả đầu tư ngân sách, đầu tư công trung hạn và cả gói hỗ trợ cho các công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế như thế nào và khả năng giải ngân…

III. Vấn đề về chính sách thuế

3. Thời báo Ngân hàng (13/5) có bài “Gia hạn thuế TTĐB: Tác động đến đâu?” cho biết: Giới chuyên môn đánh giá, đề xuất gia hạn thuế TTĐB đối với DN ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trị giá khoảng 20.000 tỷ đồng sẽ có tác động hỗ trợ cho sự phục hồi của các DN này trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để kỳ vọng một cú hích mạnh mẽ hay góp phần giảm giá xe thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, một chuyên gia đánh giá, các DN sản xuất ô tô trong nước sẽ có một khoản tiền được “tạm vay” với lãi suất 0% từ nhà nước để có dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh, đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho DN. Đề xuất của Bộ Tài chính nếu được thông qua sẽ có tác động tích cực đến DN sản xuất ô tô trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra, với số tiền được gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, đây chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho DN hay tới sức cầu của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra liệu việc gia hạn thuế TTĐB kéo dài như dự kiến đã đủ sức để DN phục hồi.

Về điều này, Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các chính sách gia hạn thuế thường sẽ kéo dài trong 1 năm tài chính để đảm bảo cân đối thu chi NSNN. Vì vậy, việc gia hạn thuế nên thực hiện theo lộ trình từng năm. Nếu sang năm sau, các DN vẫn khó khăn thì có thể tính toán để gia hạn tiếp.

IV. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Pháp luật Việt Nam (13/5) có tin “Gần 130 nghìn lượt tải, cài đặt và sử dụng dịch vụ eTax Mobile” cho biết: Tổng cục Thuế cho biết, sau hôm 21/3/2022, Tổng cục Thuế tổ chức Lễ Công bố Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế vào NSNN Việt Nam và triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (Etax Mobile 1.0), đến ngày 4/5/2022 đã có 129,4 nghìn lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng Etax Mobile, 45.866 tài khoản đăng ký giao dịch, 23.809 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 159 tỷ đồng.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

5. Zingnews (12/5) có tin “Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh lại kiến nghị Bộ Tài chính”; Người lao động online (12/5) có tin “Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh tiếp tục kiến nghị lên Bộ Tài chính” cho biết: Ngày 11-5, Bộ Tài chính tiếp tục có buổi tiếp công dân liên quan đến vụ việc phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo biên bản làm việc, về phía Bộ Tài chính, có 3 cán bộ đại diện Thanh tra Bộ. Về phía các nhà đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có 5 cá nhân đại diện tham gia buổi tiếp công dân của Bộ Tài chính. Đây là nhóm các nhà đầu tư có liên quan đến 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh đã bị huỷ bỏ hồi đầu tháng 4-2022 theo quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Ông Phạm Quang T., đại diện nhóm nhà đầu tư, cho biết không đồng ý với hướng dẫn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc các nhà đầu tư cần liên hệ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết việc hoàn tiền đầu tư bởi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mới là cơ quan ra quyết định huỷ bỏ 9 lô trái phiếu.

Cũng tại buổi làm việc, nhà đầu tư Đỗ Nhật A. cho rằng việc ban hành Quyết định huỷ bỏ 9 lô trái phiếu nhưng không nêu thời hạn trả tiền cho nhà đầu tư là chưa đúng với quy định tại Luật Chứng khoán. Theo vị này, nhà đầu tư mua trái phiếu vì tin tưởng có tài sản đảm bảo, thế chấp, tuy nhiên các công ty chứng khoán không xử lý tài sản đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết.

Một nhà đầu tư khác tại buổi làm việc đề nghị người đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục thực hiện nghĩa vụ vay, bán tài sản... để hoàn tiền cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của doanh nghiệp này.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán, Bộ Công an và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức thông tin cho các nhà đầu tư về phương án xử lý, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước đối với khoản tiền mà nhà đầu tư đã mua trái phiếu. Đại diện các nhà đầu tư cũng kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có một buổi làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh để làm rõ những vấn đề mà họ đề nghị được tháo gỡ.

Về phía Bộ Tài chính, tại buổi làm việc, đại diện Thanh tra Bộ cho biết tiếp nhận đầy đủ những kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư đối với Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời sẽ báo cáo kịp thời lên lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Thanh tra Bộ.

6. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (12/5) có bài “Phát hành trái phiếu: Trao quyền trước khi đòi hỏi nghĩa vụ” thông tin: Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI trong một thị trường bài bản thì doanh nghiệp phải giảm việc vay vốn của các tổ chức tín dụng, đồng thời tăng việc huy động vốn từ phát hành cổ phần, cổ phiếu và trái phiếu. Quyền phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đương nhiên phải đi cùng với nghĩa vụ, nhưng nếu phải hoàn thành trước quá nhiều nghĩa vụ thì sẽ có nguy cơ vô hiệu hóa quyền này.

Cần phải thiết kế chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh. Quyền huy động vốn chỉ cần kèm theo hai nghĩa vụ chính: Trước khi phát hành thì phải công khai, minh bạch đầy đủ thông tin cần thiết. Sau đó thì phải thực hiện nghĩa vụ tất yếu có vay có trả. Bất cứ lúc nào, nếu có gian lận, lừa dối và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì sẽ bị nghiêm trị và đã có đủ công cụ, chế tài pháp luật xử lý. Pháp luật của Nhà nước cũng giống như quyết định của nhà đầu tư, quan trọng nhất là phải biết cân bằng giữ lợi ích và rủi ro.

7. Báo Thanh tra (13/5) có bài ‘Đầu tư trái phiếu bất động sản: Đừng ham lãi suất, bỏ quên “sức khỏe” doanh nghiệp” thông tin: Khoảng 2 năm trở lại đây, việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo với những doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao nhưng sử dụng vốn không hiệu quả, có thể không hoàn trả được gốc và lãi cho nhà đầu tư, gây bất ổn cho thị trường.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh cũng cần có quy định chặt chẽ như: Đánh giá hạn mức tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, yêu cầu niêm yết trái phiếu theo quy định mới, chuẩn hóa lại điều kiện phát hành… Các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường. Kiểm soát chặt các quy định ngay từ bước gửi hồ sơ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm tạo sự ổn định, tăng tính minh bạch và bền vững của kênh huy động vốn này.

VI. Vấn đề về giá xăng

8. Chiều ngày 12/5, Văn phòng phối hợp với Cục Quản lý giá phát đi thông tin báo chí về số dư Quỹ BOG đến hết Quý I/2022. Nhiều báo đưa tin về nội dung này, như: Công an nhân dân (13/5); Baochinhphu.vn (12/5); Hà Nội mới  (12/5); Dangcongsan.vn (12/5); Thời báo Ngân hàng (12/5); VTV.vn (12/5); VTC.vn (12/5); Kiểm toán nhà nước (12/5); Công luận (12/5) và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Tiếp tục thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu theo quy định, Bộ Tài chính cho biết, số dư Quỹ Bình ổn giá (BOG) đến hết quý I/2022 (đến hết ngày 31/3) là âm 169,920 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng số trích Quỹ BOG trong quý I (từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/3) là 601,780 tỷ đồng. Tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý I (từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/3) là 1.671,421 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý I là 1,637 tỷ đồng. Lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý I là 499 triệu đồng. Số dư Quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2021 là 898,582 tỷ đồng.

9. Báo Lao động (13/5) có bài “Áp lục từ giá xăng tăng kỷ lục: Xem lại Quỹ bình ổn xăng dầu, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững” cho biết: Từ ngày 11/5, giá xăng chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, là mức cao kỷ lục. Giá xăng dầu tăng đã gây áp lực lớn đối với nhiều ngành nghề, tác động mạnh tới mặt bằng giá cả. Để đảm bảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh ohatj và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ Bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là thời điểm giá tăng sốc.

“Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Chính vì vậy, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh” – ông Thịnh nói.

Bài báo cũng dẫn lời TS Bùi Trinh – chuyên gia thống kê cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Nếu sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, từ đó tác động làm giảm GDP ở chu kỳ sản xuất tiếp theo khoảng 7,3%. Vì vậy, cùng với việc giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, cần tính toán lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, theo hướng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc bãi bỏ sắc thuế này với xăng.

VII. Vấn đề về hải quan

10. Dangcongsan.vn (12/5) có bài “Ngành Hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ” cho biết: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu được ngành Hải quan đặt ra là đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các bộ, ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00