Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 31/5/2022

Điểm báo ngày 31/5/2022

I. Vấn đề thuế

1. Hà Nội mới (31/5) có bài “Đẩy mạnh tuyên truyền về quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản” cho biết: Thời gian qua, tình trạng kê khai giá chuyển nhượng bất động sản không chính xác, đầy đủ khá phổ biến, gây thất thu ngân sách nhà nước. Cục Thuế thành phố Hà Nội xác định, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế và các pháp luật liên quan nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

Thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế và các pháp luật liên quan, bảo đảm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế và tạo sự đồng thuận của xã hội và cả hệ thống chính trị. Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng khuyến nghị người nộp thuế nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về thuế và các pháp luật có liên quan khi kê khai giá mua bán chuyển nhượng trên hợp đồng công chứng và khi kê khai nghĩa vụ về thuế, phí phải nộp.

2. Báo Đại đoàn kết (31/5) có bài “Đánh thuế bất động sản: Tạo cơ hội để người dân tiếp cận nhà ở” cho biết: Theo khuyến nghị của ngân hàng thế giới, Việt Nam cần phải tăng ngân sách, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Và giải pháp đánh thuế tài sản bất động sản và đất đai cũng như các biện pháp khai thác giá trị đất đai khác đang được đề xuất.

Giới chuyên gia cũng cho rằng thuế tài sản bất động sản nên tiếp tục và kế thừa một số sắc thuế đã có như thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp… để xây dựng và phát triển cho thuế tài sản là nhà và đất tại Việt Nam.

Theo đó, thuế tài sản bất động sản cần đánh thuế trên cả đất và công trình trên đất (nhà). Trong đó, đối với đất thì phát triển từ thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ngoài ra, thuế tài sản cần đánh trên nhà và các công trình trên đất để đảm bảo tính đồng bộ giữa vị trí nhà và đất cũng như giá trị nhà và đất.

Đặc biệt, khi xây dựng thuế tài sản cũng cần quan tâm đến tình trạng sử dụng đất để thiết kế mức thuế khác nhau như tỷ lệ thuế của đất bỏ hoang hóa, đất chưa sử dụng hoặc đất của các dự án chậm tiến độ phải chịu mức thuế suất cao. Điều này giúp hạn chế việc lãng phí tài nguyên đất cũng như đầu cơ và chậm thực hiện nghĩa vụ để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.

3. Hà Nội mới (31/5) có bài “Tăng cường quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh” cho biết: UBND Tp. Hà Nội ngày 30/5 ban hành Văn bản số 1633/UBND-KTTH về việc tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Theo đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới tới các hộ, cá nhân kinh doanh bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền bảo đảm người nộp thuế hiểu, đồng thuận và thực hiện tốt chính sách mới.

UBND thành phố cũng yêu cầu, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế rà soát địa bàn để quản lý đối tượng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội đồng tư vấn thuế, tư vấn cho cơ quan thuế để xác định doanh thu, tiền thuế khoán hằng năm sát thực tế của hộ, cá nhân kinh doanh…

4. Báo Tuổi trẻ (31/5) có bài “Nhiều nước giảm thuế, kìm giá” cho biết: Ngày 30/5, hãng tin Reuters cho biết, giá dầu Brent tăng lên mức 120 USD/thùng trong khi giá dầu trên thị trường Mỹ ở ngưỡng 116 USD/thùng. Để giảm gánh nặng hóa đơn cho người dân, nhiều quốc gia ở phương Tây đã áp dụng nhiều chính sách tiêu tốn hàng tỷ USD từ khống chế mức tăng giá, giảm thuế và trợ giá nhiên liệu cho đến phát tiền cho người dân.

Tại Mỹ, để hỗ trợ người dân, bang Michigan thông qua khoản giảm thuế nhiên liệu tạm thời đến tháng 9/2022, New York ngừng một số khoản thuế nhiên liệu đến cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá việc giảm thuế xăng dầu được cho là có lợi cho các công ty hơn là người dân vì nó thúc đẩy tiêu thụ năng lượng nhiều hơn và tạo ra vòng lặp khiến giá tiếp tục tăng.

Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cũng đề xuất phải mạnh tay dùng thuế, phí để kìm giá xăng dầu và cả giá gas nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐHKTQD, hiện đã có chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nếu giá đầu vào quá cao. Giảm thuế, nguồn thu ngân sách giảm nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận để kiềm chế lạm phát. Quốc hội cần có ý kiến về chính sách thuế, ví dụ đưa ra cơ chế điều hành thuế linh hoạt, không nên ấn định thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt để Chính phủ được phép điều hành linh hoạt, tăng giảm trong biên độ đó.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội thì cho rằng, nếu đến khung nào đó vượt khả năng kiểm soát giá thì Chính phủ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp tới Quốc hội để có thể kiểm soát giá cả và lạm phát. Khi giá thế giới tác động tới giá trong nước vượt quá mức kiểm soát lạm phát 4%, tác động lớn đến nền kinh tế thì chúng ta cần chủ động hơn, đó là giảm thuế, phí.

5. Báo Lao động (31/5) có bài “Trục lợi chính sách nhà ở xã hội tại Bắc Ninh: Nguy cơ thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế” đưa tin: Từ phản ánh của báo Lao động, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan xác minh, làm rõ. Kết quả kiểm tra phát hiện hàng loạt vi phạm chính sách nhà ở xã hội, trong đó có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng như bán sai đối tượng, bán chênh giá, kê khai thuế chưa chính xác, không xuất hóa đơn đầy đủ theo quy định,…

Trong đó, tại 2 dự án nhà ở xã hội là Cao Nguyên 3 và Môi trường Xanh, xuất hiện tình trạng bán chênh giá so với giá phê duyệt từ khoảng 100-200 triệu đồng. Trao đổi với báo Lao động, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, với số tiền chênh hàng trăm triệu đồng/căn hộ không được đưa vào hợp đồng mua bán, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh đã gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Số lượng căn hộ tại cả 2 dự án này là 929 căn, như vậy số tiền thuế bị thất thu có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

II. Vấn đề về hải quan

6. Báo Tiền phong (31/5) tiếp tục có bài về “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng” kỳ 7: “Hải quan tổng rà soát, C03 vào cuộc” cho biết: Sau các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan (TCHQ) vừa yêu cầu tất cả các cục rà soát hoạt động cấp phép nhập khẩu (NK), thu thuế ô tô biếu tặng từ năm 2016 đến hết tháng 5/2022. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng-kinh tế-buôn lậu (C03) - Bộ Công an cũng đã làm việc với Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

Ngày 25/5, Bộ Tài chính đã họp khẩn với TCHQ, Tổng cục Thuế, Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế về vấn đề này. Trên cơ sở báo cáo của các bên, lãnh đạo Bộ Tài chính giao các đơn vị liên quan phối hợp cơ quan thuế nội địa, các đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp), hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) để xác minh các hồ sơ cấp giấy phép NK, tạm NK.

Bộ Tài chính giao TCHQ chủ trì, phối hợp Tổng cục Thuế thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân NK ô tô không nhằm thương mại theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Bộ Tài chính cũng giao TCHQ khẩn trương hoàn thành rà soát pháp luật và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư 143 (2015/TT-BTC) để kịp thời đề xuất biện pháp cụ thể, khả thi, phù hợp với quy định pháp luật nhằm quản lý ô tô NK, tạm NK không nhằm mục đích thương mại…

Trả lời phóng viên Tiền Phong ngày 30/5 và 1 lần trước đó, Tổng cục phó Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh (người từng ký công văn hỏa tốc gửi TCHQ ngày 14/2/2022 đề nghị cung cấp thông tin để chỉ đạo các cục thuế tỉnh, thành phố phối hợp rà soát, thu thuế thu nhập đối với DN, tổ chức, cá nhân có NK xe biếu tặng) nói rằng không nắm được thông tin, cũng không nhớ chính văn bản do mình từng ký. Phóng viên đã gọi điện nhiều lần cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn để hỏi về vấn đề này.

Các dấu hiệu lách luật, trục lợi từ NK ô tô biếu tặng từng được Tiền Phong phản ánh trong nhiều loạt bài hồi năm 2016. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát báo cáo. Bộ Tài chính sau đó có báo cáo cho biết, từ 1/1 đến 30/9/2016, có hơn 1.000 xe được NK theo diện quà biếu, tặng, tương đương số thuế DN khai báo hơn 1.500 tỷ đồng. Bài báo còn cho biết, nhiều lãnh đạo thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan (TCHQ) thời kỳ đó, về sau được điều chuyển đi làm lãnh đạo nhiều cục khác như Cục Hải quan Hà Nội, Hà Nam Ninh, Nghệ An…

* Về vấn đề báo nêu, đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục theo dõi và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ.

III. Vấn đề về quản lý giá

7. Thanh niên (31/5) có bài “Kiểm soát đà tăng của giá xăng”, Người lao động (31/5) có bài “Giá xăng dự báo tiếp tục tăng” cho biết: Trả lời Thanh Niên chiều 30.5, một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu tại TP.HCM tính toán giá xăng tại kỳ điều hành tới sẽ tăng mức cao nhất khoảng 700 - 800 đồng/lít, lên sát mốc 32.000 đồng/lít.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại cho rằng khó có biện pháp nào lúc này có thể kiềm chế giá xăng dầu theo kiểu “nhanh, gọn, lẹ” được. Trong điều hành giá, cần thiết có biện pháp khẩn cấp để kiềm chế đà tăng. Song với mặt hàng xăng dầu lại rất khó bởi dư địa để giảm giá như chúng ta đề cập lâu nay là thuế, thường phải được Thường vụ Quốc hội thông qua. Các bộ quản lý sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá thì nay quỹ đã âm rồi, không còn tác dụng nhiều nữa để hạ nhiệt giá xăng.

Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho biết dư địa điều hành giá xăng dầu vẫn còn, nhưng phải đánh đổi giữa việc giảm thu ngân sách và kiểm soát đà tăng của giá xăng. Đó là giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường.

Ông Vũ Vinh Phú nhận định các nước đẩy mạnh giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt với giá xăng dầu, VN có thể áp dụng bằng biện pháp khẩn và trình Quốc hội như giải pháp tạm thời. Còn ông Ngô Trí Long đề cập đến quỹ an sinh xã hội hỗ trợ vào giá xăng như một số nước làm và Quốc hội cũng đề cập. Tuy nhiên, quỹ an sinh hỗ trợ giá xăng cũng chỉ áp dụng cho một số đối tượng khó khăn nào đó, không thể cho toàn xã hội. Trong khi cả nền kinh tế đang cần có giá xăng dầu không tăng vũ bão như hiện nay, nên giải pháp phù hợp nhất lúc này chỉ là công cụ thuế.

8. Tiền phong (31/5) có bài “Nên coi SGK là hàng hóa đặc biệt” cho biết: Các chuyên gia cho rằng, việc định giá sách giáo khoa (SGK) phải có sự kết hợp Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính để đảm bảo chất lượng và giá bán phù hợp.

Trước đó, năm 2021, Bộ GD&ĐT đã có kiến nghị đưa SGK vào danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý về giá.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Giá sửa đổi. Đối với kiến nghị của Bộ GD&ĐT đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tổng quát ưu nhược điểm của đề xuất này khi xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật Giá. Sau khi có dự thảo cụ thể, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi để nhận ý kiến góp ý của người dân, cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, dự kiến, ngày 2/6 tới, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ họp về sửa đổi Luật Giá.

Trước đó, năm 2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Giá (sửa đổi) với xây dựng nhiều chính sách.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Đề nghị Nhà nước quy định giá tối đa với mặt hàng SGK cực kỳ khó. Có 3 điểm khó ở các khâu: biên tập, in ấn và phát hành. Khâu in ấn và phát hành, cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, khâu quản lý nội dung biên soạn, cùng một bài viết, mỗi đơn vị trả chi phí khác nhau. Để Nhà nước quy định khung giá cho việc biên soạn cực kỳ khó và bản thân Bộ Tài chính không đủ năng lực. Bộ Tài chính định giá cách nào ở khâu biên tập, không lẽ tính theo trang bởi hàm lượng chất lượng trí tuệ khác nhau”, ông Long đặt vấn đề.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phát hành sách giáo khoa tuân theo kinh tế thị trường nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển giáo dục. “Chúng ta cần có những bộ sách chuẩn và được Nhà nước hỗ trợ, quản lý giá cả, khống chế giá, đảm bảo việc phổ cập tốt. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục”, ông Thịnh kiến nghị.

IV. Vấn đề về bảo hiểm

9. Báo Tiền phong (31/5) có bài “Hy vọng về bảo hiểm chìm theo tàu 67” cho biết: Để đóng được tàu cá 67 trên chục tỷ đồng, mỗi chủ tàu đã phải thế chấp sổ đỏ của gia đình và người thân để vay vốn ngân hàng. Tàu cháy, không được đền bù, cơ ngơi nhiều ngư dân cũng “chìm dần” theo những chiếc tàu bị nạn.

Ông Lê Bá Kỷ, Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết, địa phương có 29 tàu cá đóng theo Nghị định 67, trong đó có 8 tàu bị cháy có mua bảo hiểm của 2 công ty bảo hiểm nhưng chưa được bồi thường. Lý do phía bảo hiểm đưa ra là tàu đánh bắt ở vùng lộng, ngoài phạm vi cho phép; thiết bị giám sát hành trình không hoạt động; máy trưởng trên tàu thiếu chứng chỉ. Sau khi bị từ chối bồi thường, một số chủ tàu bị nạn cho rằng, tàu bị cháy ở vùng lộng, chưa kịp ra khơi là do đang trong quá trình di chuyển chứ không phải bị cháy khi đang đánh bắt hải sản ở vùng lộng. Ngoài ra, quá trình mua bảo hiểm, ngư dân không nắm được hết các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm khi bị thiệt hại.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho hay, cuối năm 2019, Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An dừng bán bảo hiểm cho các tàu cá trên địa bàn vì thấy rủi ro quá lớn. Sau khi Công ty Bảo hiểm PJICO Nghệ An dừng bán thì ngư dân có quyền mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm khác. Khi ngư dân gặp nạn trên biển, họ làm đầy đủ hồ sơ để xin cơ quan bảo hiểm bồi thường thì gần như các công ty bảo hiểm viện lý do để từ chối chi trả.

Ông Học chia sẻ, mấy năm qua, ngư dân khốn khó vì sản lượng đánh bắt sụt giảm, giá dầu và chi phí đi biển quá cao khiến tàu bị thua lỗ triền miên, trong khi sự hỗ trợ từ Nhà nước lại thấp, nếu gặp thêm rủi ro cháy tàu nữa thì họ thực sự kiệt sức. Nhiều ngư dân dù đã mua bảo hiểm nhưng chủ quan, không hiểu biết hết về các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nên khi xảy ra rủi ro, họ bị từ chối bồi thường. Ban chỉ đạo chương trình tàu 67 tỉnh Nghệ An đã nhiều lần nhắc nhở phía công ty bảo hiểm, đối với những trường hợp có kết luận của cơ quan chức năng phải nhanh chóng bồi thường cho tàu cá mua bảo hiểm theo Nghị định 67 không may gặp sự cố rủi ro.

“Bộ Tài chính cần xem xét, có chính sách giãn nợ, tính toán lại thời gian trả nợ của ngư dân vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67. Ngân hàng Nhà nước xem xét thay đổi cách thức tính tiền trả nợ cho ngư dân trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngư trường khai thác mất mùa. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại cho vay đang giữ sổ đỏ của chủ tàu vay vốn và các cá nhân tham gia góp vốn với chủ tàu. Để tạo điều kiện cho chủ tàu thế chấp sỏ đỏ vay vốn lưu động phục vụ hoạt động của tàu cá, đề nghị phía ngân hàng xem xét hoàn trả lại sổ đỏ theo tiến độ trả nợ của ngư dân”, ông Học đề xuất.

- Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiền phong (31/5) còn có bài “Hơn một nửa số tàu 67 ở Nghệ An thua lỗ” cho biết: Nghệ An có 104 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 với tổng công suất là 83.832 CV, trong đó có 90 tàu vật liệu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ thép và 5 tàu vỏ composite. Trong tổng số vốn được các ngân hàng thương mại cho vay theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67 là 860 tỷ đồng. Trong số 104 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 chỉ có 35 tàu hoạt động hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng cam kết với dư nợ hơn 143 tỷ đồng. Số tàu hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết là 5 tàu với dư nợ trên 44 tỷ đồng. Số tàu chuyển nợ xấu lên tới 60 tàu với dư nợ hơn 418 tỷ đồng.

Đến nay, do nhiều nguyên nhân, rất nhiều ngư dân vay tiền đóng tàu cá làm ăn thua lỗ, bị phát mãi tài sản, trắng tay hoặc ngập trong nợ nần. Ông Trần Như Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ Anh cho biết, Nghị định 67 đã tạo ra bước đột phá về công suất, công nghệ, phương thức khai thác hải sản, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất lợi dẫn tới 60/104 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 chuyển sang nhóm nợ xấu (chiếm 57,69%).

*Về nội dung này, đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm theo dõi tình hình và kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ.

V. Vấn đề xếp hạng tín nhiệm quốc gia

10. Báo Đại đoàn kết (31/5) có bài “Nâng hạng tín nhiệm quốc gia: Tăng niềm tin của các nhà đầu tư” cho biết: Ngày 26/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (S&P) nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. S&P dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023. Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, việc nâng hạng tín nhiệm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế, góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển với chi phí hợp lý. Đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, việc nâng hạng tín nhiệm góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài. Đối với quốc gia, góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

11. Báo Lao động (31/5) có bài “Kinh tế khởi sắc, tăng trưởng GDP 2022 dự báo trên 7%” cho biết: Từ các số liệu từ Tổng cục Thống kê thông báo, 5 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 ở mức 7%.

Theo Bộ Tài chính, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Cùng với đó, S&P dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5%-7% từ năm 2023.

VI. Vấn đề về ngân sách

12. Hà Nội mới (31/5) có tin “Thu ngân sách nhà nước đạt 57,1% dự toán” cho biết: Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 126,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng năm 2022 đạt hơn 806 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 646 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% dự toán năm và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 202. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 5 ước đạt 128,1 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 589,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00