Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/6/2022

Điểm báo ngày 01/6/2022

I. Vấn đề thuế

1. Báo Lao động (1/6) có bài “Facebook thu nộp 5% thuế VAT tại Việt Nam từ 1/6” cho biết: Mới đây, trang hỗ trợ doanh nghiệp của Meta-công ty mẹ của Facebook đưa ra thông báo, từ ngày 1/6, quảng cáo trên Facebook sẽ phải chịu thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT). Mức phí này sẽ được áp dụng cho mọi quảng cáo của nền tảng, không phân biệt nhà quảng cáo doanh nghiệp hoặc cá nhân. Đây được coi là động thái nằm trong quá trình tuân thủ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Đại diện một công ty chuyên lĩnh vực quảng cáo cho biết, trước khi có quyết định thu phí VAT từ 1/6, các doanh nghiệp phải tự đăng ký mã số thuế nhà thầu nước ngoài cho facebook, tự nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho facebook, tự nộp thuế VAT, nên với thông tin này, nhà quảng cáo sẽ tiết kiệm được các khâu và thời gian hơn so với trước.

Thông tin Facebook thu thêm 5% VAT cũng gây xôn xao trong giới chạy quảng cáo trên mạng xã hội, bởi khi cộng thêm thuế VAT thì chi phí chạy quảng cáo sẽ tăng lên đôi chút. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo một khía cạnh khác, khi đã tính thuế VAT, Facebook sẽ nộp thuế và hoạt động dưới sự bảo vệ của pháp luật ở Việt Nam….

II. Vấn đề về hải quan

2. Báo Công an nhân dân (1/6) có tin “Hải quan rà soát hoạt động của các tổ chức nhận ô tô biếu, tặng” cho biết: Tổng cục Hải quan chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin về tình hình hoạt động của tổ chức nhận quà biếu, tặng là xe ô tô và thực hiện xác minh tại địa chỉ đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức) hoặc địa chỉ ghi trên đơn đề nghị (đối với cá nhân). Trường hợp có dấu hiệu bất thường thì từ chối cấp giấy phép nhập khẩu. Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện báo cáo và gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu về Tổng cục để xác minh đối với các trường hợp nghi vấn. Khi xem xét hồ sơ phát hiện các dấu hiệu bất thường khác phải xác minh làm rõ trước khi chấp nhận hay từ chối cấp phép…

III. Vấn đề về quản lý giá

3. Báo Công lý (1/6) có bài “Cần sớm có biện pháp giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát”, Tiền Phong (01/6) có bài “Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phát”, Báo Quân đội nhân dân (1/6) có bài “Giải áp lực lạm phát” cho biết: Hàng loạt hàng hóa tăng giá, nhất là mặt hàng thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế như xăng dầu đã khiến nguy cơ lạm phát tăng cao. Tăng nguồn cung hàng hóa, giảm một số loại thuế để giảm giá đầu vào sản xuất là giải pháp được cho là cần ưu tiên hàng đầu.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 49,9% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm. Bình quân 5 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,2%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu tăng.

Trong báo cáo kinh tế thường niên 2022 vừa được công bố, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần đặc biệt chú ý nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Tình trạng lạm phát hiện nay còn thấp ở trong nước là do một phần nhu cầu tiêu dùng thấp.

Các chuyên gia từ VEPR kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là thời điểm cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá xăng dầu, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, từ đầu năm đến nay, giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam. Cùng với đó, nền kinh tế phục hồi sau đại dịch đã kéo theo giá cả tăng, trong đó có giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao đã tác động lên lạm phát.

Để tạo điều kiện cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn, từ đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã giãn thu một số loại thuế (thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp trong nước), tiền thuê đất (khoảng 135.000 tỷ đồng). Thời gian giãn hoãn 3- 9 tháng/tùy theo loại thuế, tiền thuê đất. Đây được xem như khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho DN.

Theo ông Hưng, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, chính sách cần xử lý đồng thời 3 hướng: Giảm tác động của chi phí đẩy, thúc đẩy cung hàng hóa và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

4. Thanh niên (01/6) có bài “Giá xăng trong nước ở mức trung bình với thế giới?” cho biết: Theo Bộ Công thương, giá xăng trong nước trước thời điểm điều chỉnh giá chiều 1/6 là gần 30.000đ/lít, tương đương khoảng 1,3USD/lít, ở mức trung bình thế giới. Để giữ được ở mức này, Bộ Công thương cho rằng cơ quan điều hành đã linh hoạt nhiều để giữ giá xăng tăng thấp hơn mức tăng thế giới.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, việc so sánh giá xăng trong nước với giá các nước liệt kê của Bộ Công thương là không đúng. Bởi không thể so sánh giá cả ở VN với các nước khác như vậy. Mỗi quốc gia có mô hình, cấu trúc kinh tế, thể chế chính trị, mức độ tiêu dùng của người dân, thu nhập bình quân đầu người khác xa nhau.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cũng cho rằng, giá xăng VN ở mức trung bình cao của thế giới và cao hơn nhiều các quốc gia có khai thác dầu mỏ như VN, chẳng hạn như Malaisia, Indonesia, Mỹ…Thế nên các loại thuế như BVMT, GTGT, TTĐB…đều có thể cắt giảm bớt lúc này để giảm giá xăng dầu, giảm áp lực cho người dân.

TS. Bùi Trinh nhấn mạnh cần phải xem xét bỏ thuế TTĐB 10% đang áp dụng đối với xăng dầu vì đây là mặt hàng thiết yếu mà toàn dân đều sử dụng. Nên nhớ xăng dầu cũng phải chịu thuế GTGT như bao mặt hàng khác, nên thêm thuế TTĐB là thuế chồng thuế. Điều này được các chuyên gia đề cập trước đây như cơ quan quản lý vẫn “lơ”. Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tăng cao để duy trì được mục tiêu kiểm soát lạm phát thì phải bỏ các loại thuế TTĐB, thuế môi trường đối với xăng.

5. Người lao động (1/6) có tin “Bảo đảm nguồn cung khi giá xăng dầu liên tục vượt “đỉnh” cho biết: Cả nền kinh tế đang phải chịu ảnh hưởng bởi xăng dầu liên tục tăng giá, do đó Chính phủ cần tính toán các biện pháp để kìm đà tăng giá mặt hàng đặc biệt này.

Trao đổi với PV bên hành lang QH, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết khi tăng giá xăng dầu, người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng cả nền kinh tế đều phải chịu ảnh hưởng chung. Do đó, Chính phủ phải tính toán các biện pháp để kìm đà tăng giá xăng dầu. Về dư địa để kìm đà tăng giá, ông Cường đề cập đến công cụ thuế. Trong đó, thuế BVMT vẫn còn dư địa khi mới giảm 50%. Giảm các loại thuế trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng chúng ta phải chấp nhận để bình ổn giá. Có thể giảm thuế TTĐB nhưng cần xem xét cân nhắc kỹ vì loại thuế này liên quan tới điều tiết hành vi sử dụng các loại hàng hóa của người tiêu dùng.

IV. Vấn đề về DNNN

6. Báo Công lý (1/6) có bài “Cần làm rõ trách nhiệm” cho biết: Chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tồn tại năm nào Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội. Trong 5 năm (2016-2020) chúng ta chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch. Dù đã được quan tâm nhưng trong năm 2021 cũng chỉ có 4 doanh nghiệp cổ phần hóa. Điều này cho thấy, việc cổ phần hóa rất chậm.

Để góp phần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP, theo đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, UBND cấp tỉnh phải có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức.

V. Vấn đề về đầu tư công

7. Báo Tiền phong (1/6) có bài “Giải ngân đầu tư công chậm: Tiền kẹt vì đâu?” cho biết: Theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,3% kế hoạch, trong đó, có tới 41/51 Bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam giải ngân dưới 15% kế hoạch giao, thấp hơn bình quân cả nước. Những địa phương này đến nay chưa thực hiện giải ngân vốn ODA.

Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ liên tục có chỉ đạo và đã thành lập 6 đoàn công tác ở các Bộ, ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tổ công tác số 5 của Thủ tướng đã chỉ ra nhiều vướng mắc cản trở giải ngân: Thời gian hoàn thành các thủ tục bị kéo dài, khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng, nhân lực, giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến, vướng mắc giải phóng mặt bằng, công tác chỉ đạo, điều hành chưa tập trung, quyết liệt… lần lượt được nhắc đến.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00