Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/6/2022

Điểm báo ngày 06/6/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Đầu tư (4/6) có bài “Chủ tịch Quốc hội: Cần bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023”, báo Người lao động (4/6) có bài “Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức”, báo Kinh tế&Đô thị (4/6) có bài “Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức”.... cùng nhiều báo cho biết: Ngày 4/6, tại Phiên họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách T.Ư năm 2021.

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

Tiếp đó, các Ủy viên UBTVQH đã tập trung phân tích phương án phân bổ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi do Chính phủ trình; nêu ra một số vấn đề cần lưu ý với Chính phủ trong sử dụng nguồn kinh phí này.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư giải trình một số vấn đề được UBTVQH đưa ra.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ UBTVQH cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021. UBTVQH đồng tình với phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi do Chính phủ trình, trong đó có khoản bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất bên cạnh việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, thì cần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 1-7 hàng năm.

2. Báo Đầu tư chứng khoán (6-12/6) có bài “Cách bán bảo hiểm sẽ phải thay đổi” cho biết: Trong phiên họp thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, hầu hết đại biểu Quốc hội đều có ý kiến về việc xem xét sửa đổi các điều khoản theo hướng bảo vệ tối đa lợi ích của người mua bảo hiểm.

Theo ông Bùi Xuân Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam việc quy định bắt buộc phải có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ sẽ buộc nhân viên tư vấn bảo hiểm phải giải thích chi tiết và cụ thể các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, đồng thời buộc khách hàng lắng nghe và hiểu rõ hơn những quy tắc, điều khoản này. Khi khách hàng đã hiểu và nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình thì định kiến “bảo hiểm mua dễ khó đòi” cũng sẽ nhạt dần.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đề xuất, cần quy định rõ thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm, bởi khi xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của hành vi này thì sẽ là cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.

3. Báo Người lao động (6/6) có bài “Quốc hội chất vấn 4 nhóm vấn đề nóng” cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp – phát triển nông thôn; tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải. Trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ tập trung trả lời chất vấn các nội dung: hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; giải pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng đến thị trường; tình hình triển khai, giải pháp đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước,…

Nhiều ĐBQH bày tỏ kỳ vọng các vấn đề nóng hiện nay trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ được giải đáp thỏa đáng tại phiên chất vấn.

II. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo VnExpress (5/6) có bài “Đề xuất mua bán nhà đất phải thanh toán qua ngân hàng”, VOV (5/6) có bài “Kiến nghị chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng”, báo Công lý (5/6) có bài “Kiến nghị chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng”, báo Dân Trí (5/6) có bài “Bộ Tài chính nêu cách chặn bán nhà "2 giá", báo Lao Động (5/6) có bài “Bộ Tài chính đề xuất giao dịch mua-bán bất động sản phải trả qua ngân hàng”, báo Thanh Niên (6/6) có bài “Thanh toán qua ngân hàng, có ‘siết’ được kê khai 2 giá” … cùng nhiều báo cho biết: Đây là một trong các giải pháp Bộ Tài chính đề xuất với các cấp có thẩm quyền để quản lý thuế với hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiệu quả trong thời gian tới.

Việc thực hiện giao dịch qua ngân hàng, theo Bộ Tài chính, giúp minh bạch kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ quản lý giao dịch tài sản, bất động sản và quản lý thuế nói riêng. Ngoài bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát các quy định về chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ.

Báo Thanh Niên dẫn ý kiến của luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty luật S&P cho biết, đề xuất giao dịch BĐS phải qua ngân hàng là cần thiết bởi tình trạng giao dịch 2 giá đã diễn ra từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa. Tuy nhiên, dù giải pháp sử dụng hệ thống NH để kiểm soát giao dịch BĐS đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả song không dễ dàng thực hiện ở VN bởi nhu cầu sử dụng tiền mặt trong dân còn rất lớn. Chưa kể người dân một số vùng miền chưa đủ điều kiện để tiếp cận, sử dụng phương thức thanh toán online qua hệ thống NH. Theo luật sư Cường, giải pháp tối ưu nhất là nhà nước đưa ra một bảng giá đất sát với giá thị trường, căn cứ vào đó người dân khai giá bán để đóng thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản cũng như thuế trước bạ. Điều này cũng sẽ tạo ra sự công bằng, công khai minh bạch trong việc áp giá đền bù, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện và các tranh chấp phát sinh.

5. Báo Pháp luật Việt Nam (06/6) có bài “Sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán: Lo ngại tăng gánh nặng chi phí” cho biết: VCCI cho rằng các quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán chưa rõ ràng về căn cứ pháp lý, chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn TMĐT và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho sàn TMĐT.

Trong văn bản gửi VPCP, VCCI cho rằng sàn TMĐT là một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng, trách nhiệm về chất lượng, thông tin, quảng cáo về sản phẩm… thuộc về người bán. Do đó, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán theo hướng sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán cho cơ quan thuế.

6. Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (6/6) có bài “Chi cục Thuế thua kiện người dân” cho biết: Ra thông báo nộp tiền sử dụng đất không đúng, Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thua kiện người dân và phải hủy thông báo đã ban hành. Cụ thể, theo tòa, năm 1987, gia đình bà Lê Thị Lan (phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột) làm nhà ở, sinh sống ổn định trên đất từ đó đến nay và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhà đất từ năm 1993.

Trong quá trình sử dụng đất, gia đình bà Lan không bị xử phạt hành chính hoặc có các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 84/2007 ngày 25-5-2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai. Tại thời điểm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, diện tích đất của gia đình bà Lan không có tranh chấp, phù hợp quy hoạch đất ở, đã được UBND phường Ea Tam xác nhận ngày 27-3-2009.

Như vậy, thửa đất của gia đình bà Lan thuộc trường hợp không có các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 nhưng đã được sử dụng ổn định, không có tranh chấp từ trước ngày 15-10-1993, phù hợp với quy hoạch đất đã được xét duyệt nên được cấp giấy chứng nhận và không phải nộp tiền SDĐ theo quy định của Luật Đất đai.

Cũng theo tòa, việc Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột ban hành thông báo nộp tiền SDĐ ngày 19-4-2010, trong đó có nội dung nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình bà Lan khi Nhà nước công nhận quyền SDĐ là 100% với 300 m2 đất ở với số tiền hơn 229 triệu đồng là không đúng quy định của pháp luật. Do đó, HĐXX đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lan, tuyên hủy thông báo nộp tiền SDĐ ngày 19-4-2010 của Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột.

III. Vấn đề về chính sách thuế

7. Báo Tuổi Trẻ (4/6) có bài “Giá xăng tại VN chỉ 20.000 đồng/lít, nếu bỏ thuế”, báo Người lao động (4/6) có bài “Khó nhập xăng giá rẻ từ Malaysia”, báo Sài Gòn giải phóng (4/6) có bài “Nếu không có thuế và phí, giá xăng khoảng 20.000 đồng/lít”… các báo cho biết: Trước thông tin một số báo nêu về việc giá xăng tại Malaysia chỉ ở mức 13.000 đồng/lít, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã cung cấp thêm thông tin, cho hay ​đây là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu, song nước này không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước.

Chính phủ Malaysia có chính sách trợ giá đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước cho người dân. Hiện, Chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM tương đương 0,4 USD cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM tương đương 0,45 USD cho mỗi lít dầu diesel.

Còn tại Việt Nam, trong cơ cấu giá xăng hiện nay thì các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy, nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa. Ngay cả người nước ngoài tại Malaysia cũng phải mua xăng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của Malaysia cũng được bán theo giá thị trường chung của khu vực.

8. Báo Tuổi Trẻ (6/6) có bài “Giá xăng chưa cao, đâu vội giảm thuế!?” cho biết: Nhiều ĐBQH và cử tri đề nghị phải chủ động giảm biểu thuế để kìm giá xăng dầu nhưng lãnh đạo Bộ Tài chính và Công thương sẽ cân nhắc, tiếp tục rà soát, đề xuất. Ai cũng sợ lạm phát. Muốn kiểm soát lạm phát phải có kịch bản. Giá xăng đã tăng gấp đôi so với năm 2020 và tăng hơn 30% kể từ đầu năm, liệu “cân nhắc, rà soát, đề xuất” có kịp chủ động kìm đà tăng của giá cả? Xăng dầu đã đội đỉnh, có quá nhiều câu hỏi “tại sao” về giá xăng dầu cần lời giải đáp. Trong đó:

Tại sao Malaysia trợ giá để có giá 13000 đồng/lít xăng hay Đức miễn thuế nhiên liệu trong 3 tháng? Tại Việt Nam, mỗi lít xăng vẫn cõng trên 30% thuế, phí, đẩy giá lên trên 31000 đồng/lít, dù có giảm được 2000 đồng lít thuế bảo vệ môi trường. Từ tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định nếu giá xăng dầu tăng cao, sẽ tiếp tục dùng công cụ thuế, phí, vậy giá bao nhiêu mới là cao?

Tại sao Bộ trưởng Bộ Tài chính lại bày tỏ lo lắng giảm thuế, xăng dầu sẽ chảy sang Lào, Campuchia? Chúng ta có bộ máy chống buôn lậu lại lo vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Công thương lo lắng ép giá xăng dầu xuống thấp sẽ thiệt hại cho nền kinh tế, sợ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, thao túng tiền tệ,… trong khi các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu đã có giải pháp. Chúng ta không bù lỗ xăng dầu, chỉ là giảm thuế. Việc giảm thuế không phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, vậy nói thiệt hại có hợp lý?

Và đến nay, nhiều người chưa tâm phục, khẩu phục việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng tương tự như rượu, bia, thuốc lá,… trong khi với hàng chục triệu dân đô thị, xăng là “máu” để lưu thông…

9. Báo Tuổi Trẻ (4/6) có bài “Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đang tiếp tục nghiên cứu để giảm thuế xăng dầu”, báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (4/6) có bài “Thứ trưởng Bộ Tài chính nói về vấn đề giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng”, báo điện tử VTV (4/6) có bài “Thứ trưởng Bộ Tài chính: Thuế xăng dầu Việt Nam ở mức trung bình thấp”, các báo cho biết: Chiều 4-6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022, lãnh đạo hai bộ Tài chính và Công thương đã thông tin về điều hành giá xăng dầu trong bối cảnh giá tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Với các biện pháp giảm thuế để giảm giá xăng, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho hay Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành sửa đổi nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12%. Việc này nhằm giúp đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu.

Với câu hỏi có dư địa để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT với xăng dầu hay không, theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, pháp luật không có quy định về miễn giảm thuế với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi mức thuế này ở Việt Nam hiện vào loại thấp so với thế giới.  

10. Báo Sài Gòn giải phóng (6/6) có tin “Đề xuất thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón”, Vietnamplus (4/6) đưa tin “Bộ Tài chính: Thống nhất thuế xuất khẩu phân bón để ổn định thị trường”, Thời báo ngân hàng (6/6) có tin “Dự kiến áp thuế xuất khẩu 5% đối với phân bón”, các báo cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về hồ sơ xây dựng dự án Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong đó, dự kiến trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế suất xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón (trừ mặt hàng phân bón hữu cơ), không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.  Việc thống nhất áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu với phân bón nhằm góp phần hạ giá trong nước, ổn định nguồn cung.

IV. Vấn đề về chứng khoán

11. Báo Người lao động (6/6) có bài “Thị trường chứng khoán tốt lên từng ngày”; cho biết: Thị trường chứng khoán đang đón nhận nhiều thông tin tích cực, tạo động lực hồi phục sau cú lao dốc vừa qua. Theo giới phân tích, việc cơ quan chức năng xử lý hàng loạt lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp niêm yết vi phạm thao túng chứng khoán, thổi giá cổ phiếu… đã giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn ngoại đã mua ròng trở lại trên thị trường trong tuần qua (từ ngày 30/5-3/6) với giá trị 2.127 tỷ đồng; khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng 208 tỷ đồng.

Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi vừa yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống giao dịch KRX, tạo điều kiện để triển khai sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều tiện ích mới như giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng, giao dịch trong ngày,…

Tại nghị trường Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định thị trường chứng khoán đang rất tốt. Dù thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng Bộ Tài chính tin tưởng thị trường này vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định để thực hiện minh bạch hơn, tốt hơn, bịt lỗ hổng trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó là sửa đổi Luật Chứng khoán.

12. Các báo: Tuổi trẻ (6/6) có bài “Giữ Việt Nam là “vịnh tránh bão””; Báo Tuổi trẻ (6/6) có bài “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Hoàn thiện chính sách để phát triển thị trường vốn và bất động sản”; Lao động (5/5) có bài “Khai mạc diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”; Người lao động (6/6) có bài “Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” và nhiều báo khác đưa tin về Diễn đàn kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 5/6 tại TP HCM.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng cần có sự đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của thị trường vốn và thị trường bất động sản để có các giải pháp phát triển phù hợp, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Ở góc độ thị trường vốn, ông Phạm Hồng Sơn - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính - cũng cho biết ban này sẽ nghiên cứu các báo cáo của Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật chứng khoán, bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Với giao dịch trái phiếu, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đang sửa đổi trong phạm vi chức năng của mình về các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với việc sửa đổi ở cấp cao hơn là Nghị định 153 thì Bộ Tài chính cũng có thể cân nhắc yêu cầu phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng cần có định mức tín nhiệm.

V. Vấn đề về hải quan

13. Báo Pháp luật Việt Nam (6/6) có bài “Doanh nghiệp than phiền quy định “đo đạc từng lóng gỗ” cho biết: Cty TNHH MTV Anh - Pháp - Việt (Diễn Châu, Nghệ An) than phiền quy định yêu cầu kiểm tra chi tiết 100% lô hàng thuộc Danh mục CITES đang là một rào cản mà DN khó có thể vượt qua để hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) như bình thường.

Trước đó, nhằm tăng cường kiểm soát với hàng hóa XNK nằm trong Danh mục CITES, ngày 08/2/2022, Tổng cục Hải quan (TCHQ) ban hành Văn bản 383/TCHQ-GSQL hướng dẫn. Một số DN hoạt động XNK lĩnh vực gỗ cho rằng văn bản hướng dẫn trên có nhiều điểm chưa phù hợp, vô tình trở thành rào cản, gây khó khăn với hoạt động kinh doanh bình thường của DN.

Bà Nguyễn Thị Hoan, GĐ Cty TNHH MTV Anh - Pháp - Việt (huyện Diễn Châu) cho rằng mặt hàng nằm trong danh mục CITES phải quản lý chặt chẽ về khối lượng, trọng lượng là cần thiết; nhưng quy định đưa ra cũng cần thực tế và tránh tình trạng gây khó khăn cho DN. Việc Văn bản 383/TCHQ-GSQL hướng dẫn các Cục Hải quan kiểm tra chi tiết 100% lô hàng thuộc Danh mục CITES đang là một rào cản mà DN XNK gỗ không thể vượt qua để hoạt động như bình thường.

Bà Hoan nói thực tế nhiều DN nhập khẩu qua nhiều năm, gỗ tồn đọng khá lớn, trong quá trình lưu giữ phải bảo quản, phun khử côn trùng, xáo trộn vị trí các lô hàng theo kích cỡ các lóng gỗ; nên việc xác định chính xác các lóng gỗ trong cùng một lô hàng nhập khẩu trước đó theo bản kê chi tiết như yêu cầu của TCHQ là “không thể thực hiện”.

            “Quy định hiện nay như một “vòng kim cô” treo trên đầu DN, lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp sợ bị quy là vi phạm pháp luật Hải quan do sai số đo đạc chiều dài hay đường kính lóng gỗ, đo ở gốc hay ngọn. Chúng tôi nhập khẩu đúng quy định, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, không gian lận về thuế. Việc tìm được đối tác mua hàng đã khó, nhưng với quy định trên thì có thể không được làm thủ tục hải quan để xuất khẩu”, bà Hoan nói.

14. Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (6/6) có bài “Cựu cán bộ hải quan hùn tiền buôn lậu đường” cho biết: Ngày 6-6, TAND tỉnh An Giang mở phiên toà xét xử cựu cán bộ hải quan tỉnh An Giang cùng bốn bị cáo khác về tội buôn lậu. Các bị cáo gồm Bùi Quốc Việt (49 tuổi, cựu cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang), Lê Toàn Trung (36 tuổi), Nguyễn Thúy Oanh (33 tuổi, vợ Trung, ngụ TP Cần Thơ), Trần Văn Sỉ (50 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) và Nguyễn Hồng Cường (41 tuổi, ngụ TP Cần Thơ). Tổng cộng cả ba đã bắt tay thực hiện hai vụ vận chuyển 180 tấn đường nhập lậu, giá trị hàng hóa là hơn 2 tỉ đồng.

VI. Vấn đề về giá

15. Báo Đại đoàn kết (4/6) có bài “Giá cả tát nước theo xăng”, Thời báo ngân hàng có bài “Tìm giải pháp bình ổn thị trường xăng dầu” cho biết: Xăng dầu liên tục tăng giá đẩy giá hàng hóa bán lẻ trên thị trường gia tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý cho rằng, cần kiểm soát giá, tránh tình trạng tăng giá quá cao tạo áp lực lạm phát nền kinh tế. Theo TS. Trần Hoàng Ngân, xăng dầu tăng giá làm nhiều mặt hàng tiêu dùng khác tăng cao. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, nguy cơ lạm phát là khó tránh khỏi. Để giảm áp lực lạm phát, cần sớm triển khai giảm thuế, phí... Việc này cần triển khai nhanh tránh bệnh nặng phải dùng thuốc liều cao.

Thời báo ngân hàng cho biết, để tiếp tục đa dạng hóa nguồn cung, hiện Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, Bộ Tài chính đã xin ý kiến phương án giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng động cơ không pha chì từ 20% xuống còn 12%.

16. Thời báo ngân hàng (6/6) có bài “Quản lý chặt chẽ hơn dịch vụ thẩm định giá”, báo Lao động (4/6) có bài “Nóng các vụ tiêu cực đấu thầu mua sắm y tế, giáo dục, Bộ Tài chính nói gì?”, các báo cho biết: Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân của các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực thẩm định giá thời gian qua xuất phát từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Nhằm kịp thời ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra, Bộ Tài chính đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thẩm định giá. Bên cạnh đó, Bộ cũng tổ chức cập nhật kiến thức cho các thẩm định viên về giá hàng năm, trong đó củng cố đạo đức hành nghề thẩm định giá, đánh giá và nhận diện rủi ro, cập nhật những lỗi thường gặp trong quá trình thẩm định giá.

17. Thời báo ngân hàng (6/6) có bài “Hạ giá sách giáo khoa: Niềm mong mỏi của nhiều phụ huynh” cho biết: Bên cạnh học phí thì giá sách giáo khoa tăng cao đã khiến cho không ít phụ huynh lo lắng. Trước những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được nhà nước định giá và có chính sách trợ giá. Giải pháp này đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia.

VII. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

18. Báo Lao động (4/6) có bài “Nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn dồi dào” cho biết:  Số TPDN đáo hạn  trong 2 năm 2022-2023 ước khoảng 540.000 tỉ đồng và chiếm khoảng 36% số lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. “Hoạt động sản xuất kinh đoanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào – chuyên gia của SSI cho hay.

VIII. Vấn đề về tài chính ngân hàng

19. Báo Đại đoàn kết (6/6) có bài “Nới thời hạn trả thưởng xổ số từ 30 ngày lên 60 ngày”, báo Vietnamplus (4/6) có bài “Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy định về kinh doanh xổ số”, các báo cho biết: Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 30/2007/NĐ-CP ngày 01/03/2007 về kinh doanh xổ số và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 30/2007/NĐ-CP về kinh doanh xổ số.

Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định về hoạt động kinh doanh xổ số, Bộ Tài chính đã ban hành 7 Thông tư hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, theo đó khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh xổ số đã được ban hành đầy đủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra.

IX. Vấn đề khác

20. Đầu tư chứng khoán (6-12/6) có bài “Gói hỗ trợ lãi suất”: Chuyện cũ khó lặp lại” cho biết: Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. Theo Ts. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ lần này có hạn mức rõ ràng là 40.000 tỷ đồng và lãi suất được hỗ trợ là 2%/năm. Theo đó tổng mức tín dụng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vào khoảng 800.000 tỷ đồng.

Ông Nghĩa cho biết, trong cuộc trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp nhận thấy các doanh nghiệp mong muốn được trực tiếp quyết toán lãi suất hỗ trợ 2% với Bộ Tài chính thông qua tài khoản nộp thuế để vấn đề trở nên minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00