Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 07/6/2022

Điểm báo ngày 07/6/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Tuổi Trẻ (7/6) có bài “Hôm nay Quốc hội bắt đầu chất vấn”, báo Tiền Phong (7/6) đưa tin “Hôm nay, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan”, báo Đại đoàn kết (7/6) có bài “Chất vấn và trả lời chất vấn: Trực diện với những vấn đề nóng”, các báo cho biết: Từ hôm nay 7-6, Quốc hội sẽ mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Trong đó, ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời về công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát, hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng.

2. Báo Tuổi Trẻ (7/6) có bài “Đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội: Quá chậm rồi, phải làm nhanh”, báo Tiền Phong (7/6) có bài “Quốc hội thảo luận các đại dự án giao thông: Không lấy nguồn cải cách tiền lương để làm đường”, các báo cho biết: Ngày 6-6, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 Hà Nội đã quá chậm, lẽ ra phải đầu tư từ lâu.

Vì vậy vấn đề cần quan tâm là làm sao nhanh chóng hoàn thành thủ tục, bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo đúng tiến độ, nhanh đưa các tuyến đường vào khai thác.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trình tờ trình cho biết 2 dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và được dự kiến đầu tư giai đoạn 2011 - 2022.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhất là sự hạn chế nguồn lực nên chưa triển khai được. Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết đầu tư 2 dự án này.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng Việt Nam nằm trong số 30 nền kinh tế có chất lượng giao thông kém nhất trên thế giới. So với các nước trong khu vực, ít có nước nào có chiều dài đường cao tốc thấp như nước ta. Trong đó điểm nghẽn lớn nhất về giao thông lại nằm ở TP.HCM và Hà Nội. Do đó ông Lộc cho rằng: "Việc làm 2 dự án đường vành đai là rất cần thiết và cấp bách".

Mặc dù tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, cấp bách đầu tư 2 dự án đường vành đai 3 TP.HCM và đường vành đai 4 Hà Nội nhưng nhiều đại biểu cũng băn khoăn đến việc bố trí nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và đảm bảo tiến độ của các dự án.

Tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, sẽ đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện các dự án này. Bộ trưởng đề nghị Bộ GTVT phải tính đến quy hoạch dài hơn, với tầm nhìn dài hạn khi làm các dự án giao thông, đồng thời khắc phục những tồn tại, tập trung triển khai nhanh dự án để sớm bàn giao và đưa vào sử dụng.

II. Vấn đề về quản lý thuế

3. Báo Công an nhân dân (7/6) đưa tin “Khoảng 6,5 – 7 tỷ hóa đơn sử dụng mỗi năm” cho biết: Theo thống kê của Tổng cục Thuế, số lượng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là hơn 318 triệu hóa đơn. Hiện, trên cả nước đã có 764.314 doanh nghiệp (chiếm 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi số sử dụng HĐĐT. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khi toàn bộ người nộp thuế sử dụng HĐĐT, số HĐĐT trong một năm dự kiến là 6,5 – 7 tỷ hóa đơn, trung bình 1 tháng 400-500 triệu HĐĐT được sử dụng.

4. Báo Hà nội mới (7/6) có bài “Ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng” cho biết: Vừa qua, trong công tác quản lý thuế, các cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng, như: Một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng…

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, mục đích của các đối tượng là hợp thức hóa các khoản chi tiêu bất hợp lý của doanh nghiệp để đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý nhằm được hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hành vi này diễn ra khá nghiêm trọng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự bất bình đẳng, bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Để từng bước ngăn chặn và phấn đấu chấm dứt tình trạng gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thống nhất toàn ngành triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao. Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo quy trình hoàn thuế thay thế Quy trình hoàn thuế hiện hành.

Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải cho biết, dự thảo quy trình hướng dẫn rõ và cụ thể hơn đối với bước tiếp nhận hồ sơ qua giao dịch điện tử, bảo đảm điện tử hóa một cách tối đa các bước công việc cần thực hiện; danh mục hóa các trạng thái hồ sơ hoàn thuế, mã lỗi, phân công xử lý, giải quyết hồ sơ hoàn thuế…, từ đó hỗ trợ cho công tác giải quyết hoàn thuế.

Với các giải pháp trên, cùng việc ngành Thuế đang đẩy mạnh triển khai HĐĐT trên toàn quốc, tin rằng tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ sớm được ngăn chặn.

III. Vấn đề về chính sách thuế, phí

5. Báo Thanh tra (7/6) có bài “Thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM: Bài 2: Bộ Tài chính đề nghị TP HCM sửa đổi việc thu phí hạ tầng cảng biển” cho biết: Liên quan đến việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2681/BTC-CST ngày 17/3/2021, Công văn số 6665/BTC-CST ngày 21/6/2021, Công văn số 2784/BTC-CST ngày 25/3/2022 gửi UBND TP HCM. Tại các công văn đã nêu nội dung, việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu tờ khai tại TP HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử. Tại Điều Luật Phí và lệ phí quy định, mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Đề nghị UBND TP HCM xem xét trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tính hợp lý của Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND (nhất là quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP HCM và mở tờ khai tại các địa phương khác để điều chỉnh mức phí đảm bảo bình đẳng) và rà soát nội dung Hiệp định Vận tải đường thủy Việt Nam – Campuchia để điều chỉnh Nghị quyết thu phí đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng quyền, nghĩa vụ, phù hợp quy định.

Trước đó, Cục Hải quan Bình Dương kiến nghị, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, cạnh tranh công bằng, không phân biệt địa giới hành chính và phát triển trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo, định hướng để mức thu phí hạ tầng cảng biển của doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại TP HCM hoặc ngoài TP HCM là bằng nhau.

6. Báo Công an nhân dân (7/6) đưa tin “Đề xuất giảm 8% thuế nhập khẩu để ‘ghìm cương’ giá xăng” cho biết: Để chặn đà tăng giá xăng dầu, bên cạnh việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm 8% thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng động cơ không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% nhằm góp phần chặn đà tăng giá xăng.

Về điều hành giá, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến xăng dầu thế giới và làm tốt công tác dự báo, tiếp tục cân đối sử dụng công cụ tài chính là Quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để hạn chế trường hợp tăng đột biến về giá. Ngoài ra, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

IV. Vấn đề về hải quan

7. Báo Pháp luật Việt Nam (7/6) có bài “Doanh nghiệp than phiền quy định ‘đo đạc từng lóng gỗ’: Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm tra sự việc PLVN phản ánh” cho biết: Ngày 6/6/2022, Bộ Tài chính có văn bản 5167/BTC-VP gửi Tổng cục Hải quan; yêu cầu khẩn trương xem xét, giải quyết những vấn đề DN phản ánh liên quan đến thủ tục hải quan đối với mặt hàng gỗ nhập khẩu được đăng tải trên báo Pháp luật Việt Nam.

Văn bản cho biết: Ngày 6/6/2022, Pháp luật Việt Nam có bài viết “DN than phiền quy định ‘đo đạc từng lóng gỗ” phản ánh một số vấn đề về quy định kiểm tra thực tế hàng hóa với mặt hàng gỗ nhập khẩu. Về việc này, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan khẩn trương xem xét, giải quyết những vấn đề DN phản ánh tại bài viết nêu trên; đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của DN. Báo cáo kết quả giải quyết về Bộ trước 8/6/2022.

V. Vấn đề về giá

8. Báo Hà nội mới (7/6) có bài “Tập trung kiềm chế lạm phát”, Đại đoàn kết (7/6) có bài “Kiểm soát lạm phát: Cần chính sách linh hoạt”, báo Thanh niên (7/6) có bài “Giá tăng, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng”, các báo cho biết: Xác định đúng nguyên nhân, nắm tình hình và thực thi linh hoạt các giải pháp để tập trung kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong cả năm 2022 đang là nhiệm vụ “nóng”, thu hút sự quan tâm và cả lo ngại trước xu hướng chỉ số này tăng cao ngày càng rõ rệt hơn. Các chuyên gia khuyến nghị nên có giải pháp kiềm chế giá xăng, dầu, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu, vốn đã tăng giá liên tiếp trong thời gian qua. Khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%. Trong khi đó, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%, nên chắc chắn áp lực lạm phát là khó tránh.

Riêng xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, nên giá mặt hàng này tăng tác động mạnh đến chi phí sản xuất và giá tiêu dùng, rủi ro lạm phát là không thể tránh khỏi. Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ nằm trong khoảng 4-4,5%.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc giữ lạm phát dưới 4% trong năm 2022 là rất khó khăn. Thuế môi trường đối với xăng, dầu giảm 50% và một số chính sách khác nhằm hạn chế những biến động không có lợi chưa đủ sức để kéo giảm giá xăng, dầu cũng như giá các hàng hóa thiết yếu khác, đang hình thành một mức cao hơn trên thị trường. Vì vậy, nên tận dụng dư địa giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và cả thuế môi trường đối với xăng, dầu để kiềm chế đà tăng của mặt hàng này.

9. Báo Lao động (7/6) có bài “Sai phạm trong thẩm định giá: Có sự móc ngoặc, thông đồng với khách hàng để làm sai lệch kết quả” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đã liên tục có động thái mạnh tay với các vi phạm trong thẩm định giá. Cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá và công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

Đáng chú ý Bộ Tài chính đã chỉ ra những nguyên nhân của sai phạm trong thẩm định giá. Đó là việc hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ; thông tin thị trường ít công khai và minh bạch… Bên cạnh đó là do vi phạm đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá. “Nhất là việc móc ngoặc, thông đồng với khách hàng thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá, cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá dịch vụ, cắt giảm quy trình thẩm định giá giảm chi phí thực hiện…” – Bộ Tài chính nhận định.

Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Tp. Hà Nội) cho biết, việc thẩm định giá không đảm bảo chính xác gây nên những hậu quả lớn, thậm chí thất thu cho ngân sách nhà nước trong một số trường hợp định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước.

VI. Vấn đề về ngân sách nhà nước

10. Báo Nhân dân (7/6) có bài “Ổn định số thu ngân sách nhà nước” cho biết: Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu NSNN tháng 5 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 99.100 tỷ đồng, bằng 8,4% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 672.878 tỷ đồng, bằng 57,3% so với dự toán pháp lệnh, tăng 16,5% so cùng kỳ năm 2021. Có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (hơn 45%).

Đáng chú ý là các khoản thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh đều đạt mức tăng trưởng khá, với mức đạt 54,7% so với dự toán, tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực DNNN ước đạt 50,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 50,6%; khu vực và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 60,4%. Toàn ngành có 44/63 địa phương có mức tăng trưởng khá đạt hơn 50%.

VII. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

11. Báo Lao động (7/6) có bài “Phát hành trái phiếu DN gấp 47 lần vốn chủ sở hữu” cho biết: Theo Bộ Tài chính, hàng loạt DN bất động sản có tỉ lệ và khối lượng phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu – là đáng báo động. Điều này gây nên tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà cho cả hệ thống tài chính tiền tệ.

Đề cập đến kế hoạch triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu DN trong năm 2022, Bộ Tài chính chỉ rõ, đầu tiên là rà soát, hoàn thiện khung pháp lý. Theo đó, trên cơ sở tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và thành viên thị trường, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 về hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ nhằm hạn chế những rủi ro trên thị trường.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00