Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 09/6/2022

Điểm báo ngày 09/6/2022

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

Ngày 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã đăng đàn trả lời chất vấn. Nhiều báo đưa tin nội dung này: Nhân dân (9/6) có bài “Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, bảo đảm an toàn giao dịch ngân hàng”; Quân đội nhân dân (9/6) có bài “Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Lành mạnh hóa thị trường tài chính, bất động sản, tín dụng”; Pháp luật Việt Nam (9/6) có bài “Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội: Chống thất thoát trong cổ phần hóa và quản lý đất đai”; Hà nội mới (9/6) có bài “Ngày làm việc thứ mười ba, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng”; Lao động có bài “Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc”; VnExpress có bài “Bộ trưởng Tài chính: 'Đã nỗ lực cảnh báo rủi ro trái phiếu doanh nghiệp'”; Sài gòn giải phóng (8, 9/6) có bài “Khẩn trương đề xuất giải pháp bình ổn giá xăng, dầu” “Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nghiên cứu điều chỉnh thuế đối với xăng dầu”, Tuổi trẻ (8, 9/6) có bài “Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Vẫn cần nhà nước can thiệp để giảm giá xăng dầu”, “Giảm thuế xăng dầu vẫn phải… chờ!”; Đại đoàn kết (9/6) có bài “Giá đất không sát thị trường: Tài sản Nhà nước sẽ chuyển thành tài sản tư nhân”, Người lao động (9/6) có bài “Gỡ vướng cổ phần hóa, quản chặt cho vay qua app”, Lao động (9/6) có bài “Tăng năng lực nền kinh tế, chống thất thu, kiềm chế lạm phát”, zingnews.vn (8/6) có bài “Bộ trưởng Tài chính: Không siết trái phiếu doanh nghiệp”, Báo điện tử Vnexpress (8/6) có bài “Cổ phần hoá doanh nghiệp 'tắc' vì đất đai”, vov.vn (8/6) có bài “Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp….

Đánh giá về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính các báo cho biết, không chỉ dồn dập đặt câu hỏi chất vấn mà số đại biểu dồn dập giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khá lớn, 9 đại biểu, cũng nhiều nhất trong số 3 Bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn lần này. Tuy nhiên, với bản lĩnh và kinh nghiệm nghị trường dày dặn, nên trong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước hôm qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã rất “tự tin và bình tĩnh”, trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tài chính là lĩnh vực đa ngành, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. “Cơ bản, Bộ trưởng đã rất bình tĩnh, tự tin, dù có lúc nhiều đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận dồn dập. Tuy mới trả lời lần đầu nhưng do đã có kinh nghiệm nghị trường dày dặn nên rất bình tĩnh, tự tin” - Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Đối với các nhóm vấn đề Bộ trưởng trả lời, các báo phản ánh:

- Liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, các báo cho biết: Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến trách nhiệm, giải pháp trong quản lý, điều hành khi để xảy ra một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định Bộ Tài chính đã nỗ lực và đã ngăn chặn, xử lý được một số sai phạm liên quan đến thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ năm 2021, Bộ Tài chính đã ra 5 thông cáo báo chí về vấn đề rủi ro với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trả lời nhiều cơ quan thông tấn báo chí để cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán. Qua thanh tra, Bộ Tài chính đã chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ với số tiền hơn 29 tỷ đồng để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

Cũng theo Bộ trưởng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, vừa qua, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều biện pháp: cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ chứng khoán phát sinh, lên xuống đột ngột của các cổ phiếu, đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập kênh riêng để quản lý... Bộ Tài chính đang Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

- Về các câu hỏi liên quan tới thất thoát đất đai, vốn khi chuyển đổi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trả lời chất vấn, Bộ trưởng thừa nhận việc sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là “nút thắt” trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ trưởng Phớc nguyên nhân chủ yếu là do trong phương án ban đầu được UBND các tỉnh, thành phê duyệt thì là đất thuê. Tuy nhiên, doanh nghiệp nộp tiền một lần thuê đất 50 năm. Đến khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần hóa thì lại xin phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất với giá không sát giá thị trường. Điều này tạo ra sự thất thoát khi tài sản của Nhà nước chuyển qua tài sản của tư nhân. Đây cũng là vấn đề, nút thắt. Bộ trưởng cho biết, nếu các đại biểu Quốc hội đồng ý thì sẽ sửa lại theo quy định theo hướng là doanh nghiệp sử dụng đất đai theo đúng mục đích đã được phê duyệt.

- Trả lời câu hỏi của đại biểu về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, hiện nay không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp. Bởi trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn rất hiệu quả cùng với các ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp vào sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc huy động này phải đúng pháp luật, phải minh bạch và không được lợi dụng việc huy động này để sử dụng tiền sai mục đích, đưa tiền này vào bất động sản hay các mục đích khác mà không đóng góp cho nền kinh tế. Hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp khoảng 15% GDP, tức là đang ở trong khoảng cho phép.

Bộ trưởng cho biết, so với các nước xung quanh, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam huy động đang ở mức thấp nhất và đang có dư địa để thực hiện. Theo Bộ trưởng cùng với các giải pháp hoàn thiện Nghị định 153, tới đây Bộ sẽ đề xuất với Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện phát hành, như doanh nghiệp phải có lãi, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, mục đích phát hành…

- Liên quan tới vấn đề giá xăng dầu, tại phiên chất vấn, những yêu cầu về kiểm soát giá cả hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nóng như xăng dầu, sách giáo khoa, được các đại biểu nêu ra với hai tư lệnh ngành tài chính - ngân hàng, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến thuế phí để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước bình ổn, nên đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích là giảm được giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy sức cạnh tranh và giải quyết được lao động, thu được thuế thông qua giá trị gia tăng của nền kinh tế, VAT và thu nhập doanh nghiệp ở mặt hàng khác. Do đó, việc giảm thuế là phương án được tính đến nhưng cần "đánh giá tác động".

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc có giảm thuế với giá xăng dầu hay không đều thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Đơn cử, thuế môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, đã được cơ quan này chấp thuận giảm 2.000 đồng/lít. Nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng thuế môi trường trong xăng dầu sẽ do Quốc hội quyết. Tương tự, việc giảm các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay đã yêu cầu các bộ ngành có liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả và các giải pháp điều hành giá, bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các bộ ngành liên quan cũng được yêu cầu đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất các loại thuế đang áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này. Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.

- Về vấn đề định giá sách giáo khoa, kiến nghị đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá, Bộ trưởng cho biết, việc có được đưa vào hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội. Còn đề xuất là việc của các bộ tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ sẽ tham mưu cho Quốc hội. Quốc hội quyết định có đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá hay không, có nghĩa là có đưa vào luật giá hay không. Hiện nay, luật giá đang sửa, theo lộ trình các kỳ họp tới sẽ bàn về luật giá. 

Về phía Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục đã buổi trao đổi và làm việc. Bộ sẽ thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa đề xuất đưa sách giáo khoa vào luật giá. Còn được quyết định hay không là do Quốc hội…

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Báo Lao động (9/6) có bài “Khó thu thuế triệt để khi mua bán nhà qua ngân hàng” cho biết: Nhằm tránh thất thu thuế mua bán nhà đất, Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng. Đề xuất này được cho là động thái mạnh mẽ vào cuộc quản lý thuế, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, so với thực tế đề xuất này có nhiều điểm bất hợp lý, không khả quan, thậm chí còn dễ lách.

Chia sẻ với báo Lao động, ông Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên Trường ĐH kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, việc chống thất thu thuế trong giao dịch bất động sản nếu chỉ triển khai vài biện pháp chắp vá thì khó giải quyết được vấn đề. Việc thất thu ngân sách lớn nhất là khi không thể quản lý được giá trong giao dịch. Do cơ sở dữ liệu về giá của nhà nước cũng chưa có hoặc chưa cập nhật nên khó xác định được đâu là giá thị trường.

3. Báo Dân Trí (8/6) có bài “Quốc Cường Gia Lai bị truy thu thuế” cho biết: Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) vừa công bố nhận được quyết định của Cục Thuế tỉnh Gia Lai vào ngày 6/6 về kết quả thanh tra thuế giai đoạn 2019-2020. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai bị truy thu thuế 1,4 tỷ đồng, phải nộp bổ sung tiền chậm nộp, tiền phạt hành chính gần 900 triệu đồng.

4. Vietnam Finance (9/6) có bài “Lộ diện nhiều ‘đại gia’ nợ thuế khủng hàng trăm tỷ đồng ở Nghệ An” cho biết: Cục Thuế tỉnh Nghệ An vừa có thông báo về việc các doanh nghiệp có số nợ lớn đưa lên phương tiện thông tin đại chúng. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn có 218 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền nợ hơn 858,55 tỷ đồng. Trong số đó, có những doanh nghiệp nợ thuế “chây ì” nhiều năm với con số “khủng” lên đến hàng trăm tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại Minh Khang (có địa chỉ tại số 9-11E, đường Trần Phú, phường 4, quận 5, TP. HCM) là doanh nghiệp đứng đầu danh sách nợ thuế với số tiền nợ lên đến hơn 300,3 tỷ đồng.

III. Vấn đề về kho bạc

5. Báo Đại biểu nhân dân (8/6) có bài “Giao dịch trực tiếp tại kho bạc chỉ còn 0,4%” cho biết: Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa yêu cầu các đơn vị KBNN tỉnh, thành phố, sở giao dịch tăng cường hơn nữa trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ cam kết chi, kiểm soát chi trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc. Theo đó, KBNN đề nghị Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố, Sở giao dịch chỉ đạo, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc tiếp tục tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng ngân sách hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các hồ sơ, chứng từ (đủ điều kiện gửi và nhận qua dịch vụ công trực tuyến theo quy định), bắt buộc đơn vị sử dụng ngân sách phải sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong việc giao nhận hồ sơ cam kết chi ngân sách, hồ sơ kiểm soát chi ngân sách đúng quy định hiện hành. Trường hợp bất khả kháng, đơn vị sử dụng ngân sách không thể thực hiện gửi hồ sơ, chứng từ qua dịch vụ công trực tuyến, KBNN nơi giao dịch yêu cầu đơn vị sử dụng ngân sách gửi văn bản đề nghị được gửi hồ sơ, chứng từ giấy đến KBNN.

Theo báo cáo từ KBNN, hiện chỉ còn khoảng 0,4% số lượng giao dịch trực tiếp tại Kho bạc do điều kiện hạ tầng và đường truyền internet từ phía đơn vị sử dụng ngân sách một số thời điểm không đảm bảo tốc độ để truyền dữ liệu sang Kho bạc…

IV. Vấn đề quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính

6. Báo Công an nhân dân (9/6) có bài “Thúc đẩy pháp lý dự án và thị trường vốn” cho biết: Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, đóng góp của ngành xây dựng và BĐS trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11%. Trong đó, đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%. Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp chung vào sự phát triển, thị trường vốn, thị trường BĐS vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được phân tích, làm rõ để khắc phục trong thời gian tới…

Theo đó, việc huy động vốn của DN BĐS thông qua phát hành TPDN tiềm ẩn rủi ro cho cả thị trường tài chính, thị trường vốn và thị trường BĐS do việc phát hành TPDN lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN BĐS. Hiệu quả sử dụng vốn thấp và thị trường BĐS không thuận lợi cũng khiến dòng tiền trả nợ TPDN đến hạn của DN khó khăn. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường BĐS lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.

7. Báo Tiền Phong (9/6) có bài “Trái phiếu BĐS vàng thau lẫn lộn” cho biết: Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp BĐS thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu. Kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao DN BĐS tồn tại? Ngoài ra, trái phiếu “rác” trong lĩnh vực BĐS làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của DN. Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các DN để có thể cởi trói cho DN phát hành trái phiếu lành mạnh.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00