Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 20/6/2022

Điểm báo ngày 20/6/2022

I. Vấn đề về giá xăng

1. Báo Người lao động (20/6) có tin “Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu”; Tuổi trẻ (19/6) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng”; Đại đoàn kết (18/6) có tin “Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu”; Thanh niên (20/6) có tin “Đề xuất giảm 1.000 đồng/lít thuế môi trường xăng, dầu”; Người lao động (19/6) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm kịch sàn thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu còn 300-1.000 đồng”; Vietnamplus (19/6) có tin “Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn”; Baochinhphu.vn (19/6) có tin “Đề xuất giảm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng” và nhiều báo khác. Các báo cho biết: Để góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Thuế BVMT với xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Dầu mazut, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/kg.

Bộ Tài chính cho rằng trường hợp nghị quyết được UBTVQH ban hành trong tháng 7 thì mức thuế đề xuất nêu trên được áp dụng kể từ ngày 1-8 cho đến hết năm nay.

2. Báo Pháp luật Việt Nam (18/6) có bài ““Nóng” chuyện bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu”; Tuổi trẻ (18/6) có bài “Giải nỗi oan quỹ bình ổn giá xăng dầu”; Đại đoàn kết (19/6) có bài “Đã đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Mới đây, Bộ Tài chính triển khai lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế nêu quan điểm trong thời gian qua, đồng thời trên một số diễn đàn, người dân cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Tuy nhiên, từ phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Thắng Hải khẳng định: “Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm. Tôi cũng nói nhiều lần, bỏ quỹ này, nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét”.

Trước câu chuyện này, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ những quan điểm trái chiều. PGS.TS Phạm Thế Anh đồng tình với quan điểm rằng nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu, vì tác động của quỹ này không làm giảm giá xăng.

Liên quan đến việc đề xuất bỏ Quỹ BOG trong Luật Giá (sửa đổi), Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, lập quỹ BOG chỉ là một biện pháp quy định tại Điều 17 Luật giá. Về nguyên tắc khi phát sinh trường hợp BOG phải triển khai ngay các biện pháp để ổn định. Vì vậy, biện pháp lập Quỹ để thực hiện BOG này không còn phù hợp. Tại dự thảo Luật Giá gửi lấy ý kiến rộng rãi đã đề xuất bỏ biện pháp lập Quỹ và gắn với đó đề nghị có thể xem xét bỏ Quỹ BOG xăng dầu để giá trong nước có thể tiệm cận hơn với giá thế giới.

Về ý kiến đề xuất nên tăng cường dự trữ xăng dầu vừa đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần kiềm chế khi giá tăng cao, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho rằng, việc dự trữ xăng dầu cần tiềm lực rất lớn và Liên bộ Tài chính – Công thương đã nghiên cứu để tăng mức dự trữ xăng dầu của Nhà nước, cùng với đó là dự trữ của các doanh nghiệp.

3. Báo Tiền phong (18/6) có bài “Bộ Công Thương: Ủng hộ giảm thuế để giảm giá xăng dầu” cho biết: Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm thuế cũng như áp dụng các biện pháp để hỗ trợ kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Trước các câu hỏi về việc xem xét vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng như quan điểm về tiếp tục giảm thuế để giữ giá xăng dầu trong nước không tăng sốc, ông Hải cho rằng, Bộ Công thương có quan điểm rất rõ về việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng như các loại thuế khác cấu thành nên giá xăng. Giảm thuế bảo vệ môi trường thì dễ nhưng với thuế nhập khẩu thì không dễ như vậy.

“Quan điểm của tôi là bỏ Quỹ Bình ổn giá để giá vận hành “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” theo giá thế giới. Bộ Công Thương cũng từng đề xuất về việc này. Tuy nhiên, trong điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố. Phải lường trước được tác động của việc bỏ quỹ. Để giữ giá xăng dầu cũng có thể tính tới phương án giảm tác động tăng giá thông qua giảm thuế hoặc hỗ trợ an sinh cho người nghèo và tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Hải nói.

4. Báo Lao động (20/6) có bài “Xăng dầu lo thiếu nguồn cung: Chưa phải sử dụng đến nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia” cho biết: Giá xăng dầu tăng cao kỷ lục và hiện nhà máy Lọc hóa dầu Nghị Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh trong quý II/2022. Bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ này lên 1 tháng từ nay đến 2025, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay và đang lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề án này.

Từ khi có quy định dự trữ quốc gia xăng dầu, đến nay vẫn chưa phải dùng tới nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia, nguồn dự trữ thương mại cũng đã đủ dùng rồi. Thế cho nên, nói chỉ dự trữ được 5-7 ngày, mọi người lo lắng, nhưng quả thực, nguồn này vẫn chưa phải dùng đến, không thiếu nguồn. Song về lâu dài vẫn phải nâng nguồn dự trữ này lên. Ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật bản… nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia cũng là một loại tài sản.

II. Vấn đề về hải quan

5. Báo Tiền phong (20/6) có bài “Tiếp bài bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Vì sao siêu xe biếu tặng lọt cửa hẹp?” cho biết: Để xảy ra tình trạng trục lợi siêu xe biếu tặng, theo tìm hiểu của PV, có sự “hững hờ” liên thông giữa ngành Hải quan và Thuế. Đã đến lúc cần chấn chỉnh lại công tác trong lĩnh vực này nhằm tránh nhóm lợi ích trục lợi. Thêm nữa, nhóm PV vừa phát hiện một mắt xích đáng ngờ liên quan.

Lật lại hồ sơ, nhóm PV phát hiện 1 mắt xích dường như có liên quan tới vụ việc từ nhiều năm trước và liên quan tới xe NK diện biếu tặng giống như loạt bài Tiền phong vừa đăng.

Theo tìm hiểu của PV, cứ mỗi lần được báo chí phản ánh về những bất thường trong NK xe biếu tặng, lãnh đạo Bộ Tài chính, TCHQ lại ra công văn, yêu cầu các cục chấn chỉnh, rà soát, báo cáo, xử lý cán bộ công chức sai phạm (nếu có). Thế nhưng, thực tế cho thấy, dù bên trên chỉ đạo nóng như vậy nhưng bên dưới lại có tình trạng bất nhất. Thậm chí một số cục báo cáo đã chấn chỉnh công chức, nhưng hầu như không có trường hợp nào bị xử lý nghiêm.

Đáng nói nhất, dù cùng thuộc Bộ Tài chính, nhưng sự liên thông giữa ngành Thuế và Hải quan có nhiều vấn đề. Nhiều Cục Thuế địa phương cho biết, không nhận được đầy đủ hồ sơ danh sách DN NK xe biếu tặng từ phía hải quan nên việc thu thuế gặp không ít vướng mắc.

Mấy tháng qua, PV nhiều lần liên hệ các đơn vị như Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nam để hỏi về việc chia sẻ dữ liệu, hồ sơ nhằm giám sát, thu thuế nội địa với xe biếu tặng, nếu có mua bán nhưng đều nhận được câu trả lời: “Vẫn đang rà soát, chưa có báo cáo”. Nhìn chung không riêng vị việc này, những vụ việc khác, báo chí rất khó khăn khi tác nghiệp tại “lãnh địa” này. Đặc biệt, trao đổi với Tiền phong, một số Cục Thuế thông tin, có tình trạng DN được biếu tặng xe, NK xong đã bỏ địa chỉ kinh doanh nên đến nay không thu được thuế thu nhập bất thường.

III. Vấn đề về quản lý thuế

6. Báo Pháp luật Việt Nam online (19/6) có tin “Đình chỉ công tác Phó Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa để phục vụ điều tra” cho biết: Liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa đã bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra.

7. Báo Người lao động online (20/6) có tin “Cục Thuế Kon Tum nói gì về cán bộ thuế nghi say xỉn, "mày - tao" với người dân?” cho biết: Ngày 20/6, Cục Thuế tỉnh Kon Tum cho biết đã có báo cáo kết quả xác minh thông tin "Cán bộ thuế nghi say xỉn, "mày - tao" với dân". Báo cáo này đã được gửi Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Kon Tum, vị này phải xin ý kiến từ Tổng cục Thuế mới có thể thông tin chính thức cho báo chí.

Theo vị này, người bị tố say xỉn, xưng hô "mày - tao" với người dân là ông T.V.H, Phó Đội trưởng Đội Quản lý thuế liên xã - thị trấn huyện Kon Rẫy, thuộc Chi cục Thuế khu vực số 1 tỉnh Kon Tum. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy hôm 8-6, ông T.V.H - đang trong thời gian nghỉ phép - đã sử dụng rượu bia, khi quay về cơ quan để lấy áo khoác thì gặp một người dân đến làm việc. Sau đó, giữa hai bên xảy ra lời qua tiếng lại và người dân này quay clip để phản ánh.

8. Báo Quân đội nhân dân (20/6) có tin “Tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước” cho biết: Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thuế Hà Nội, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội do cơ quan Thuế quản lý thu ước 6 tháng đầu năm 2022 thực hiện được 164.875 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong thời gian này, Cục Thuế TP Hà Nội hoàn thành 6.197 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 40% kế hoạch được giao. Tổng số xử lý qua thanh tra, kiểm tra ước thực hiện 2.755 tỷ đồng, trong đó giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ là 259 tỷ đồng; giảm lỗ 1.258 tỷ đồng; tổng thuế truy thu, truy hoàn và phạt là 1.237 tỷ đồng.

IV. Vấn đề về quản lý giá

9. Báo Pháp luật Việt Nam (18/6) có bài “Lý do Luật Giá cần phải sửa đổi” cho biết: Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Tuy nhiên, sau 9 năm thi hành Luật bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế cần phải sửa đổi.

Theo Bộ Tài chính, nội dung một số Điều, Khoản tại Luật giá còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; hoặc một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc hiện đã có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật.

Cụ thể, đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định cụ thể tại Luật để thể hiện rõ quan điểm trong công tác quản lý, điều hành giá, công khai, minh bạch, tránh sự lạm dụng phát sinh các trường hợp chưa thật sự cần thiết, tuy nhiên trong thực tiễn hiện đã phát sinh tồn tại, hạn chế.

Về phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả chưa cao khi có phát sinh biến động giá của những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với đời sống nhân dân và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, khó khăn trong việc quyết định triển khai bình ổn giá…

V. Vấn đề về đầu tư công

10. Báo Nhân dân (20/6) có bài “Nhận diện điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Trong hoạt động đầu tư công, đổi mới thể chế là khâu then chốt nhưng công tác chỉ đạo, điều hành lại là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó đạt tỉ lệ giải ngân cao.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00