Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/6/2022

Điểm báo ngày 28/6/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Về thuế xăng dầu

- Báo Tiền phong (28/6) có bài “Đề xuất bỏ thuế TTĐB trong xăng, dầu: Giảm thu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ dân, doanh nghiệp” cho biết: Hiện nay, xăng dầu đang phải gánh nhiều sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, TTĐB, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường (BVMT). Cơ quan chức năng cho rằng, nếu bỏ thuế TTĐB đánh lên xăng dầu sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Tuy nhiên, dự toán ngân sách cho thấy, phần thu thuế TTĐB từ xăng dầu trong tổng nguồn thu ngân sách chỉ như “muối bỏ bể”.

TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, khoản thuế TTĐB với xăng dầu không hợp lý, cần bãi bỏ. Khi bỏ thuế TTĐB, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2022 (như tính toán của Bộ Tài chính) nhưng nếu không thu lại sẽ góp phần kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ thuế TTĐB với xăng dầu sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng quá cao, cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc đến việc giảm thuế TTĐB hay thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc giảm thuế cần phải cân nhắc kỹ, xin ý kiến Quốc hội và phải tính toán đồng bộ các giải pháp, chứ không chỉ tính đến việc giảm thuế mỗi khi giá xăng dầu tăng cao. Theo dự báo của Bộ Công Thương, giá bình quân xăng dầu cả năm 2022 sẽ ở mức 130 - 140 USD/thùng, nên chúng ta phải chủ động các phương án từ sớm, từ xa, chứ không thể mỗi khi giá xăng dầu tăng cao lại ép giảm thuế. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng thu từ nguồn thu khác như thu thuế hoạt động thương mại điện tử, ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

- Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh (28/6) có bài “Muốn kiềm chế lạm phát thì phải hạ giá xăng dầu” cho biết: Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM,TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong cơ cấu giá xăng hiện nay, một phần không nhỏ là các loại thuế, phần còn lại là chi phí và lợi nhuận của đơn vị kinh doanh. Nếu coi lạm phát là vấn đề của nền kinh tế và chống lạm phát là mục tiêu thì Quốc hội (QH) cần quyết liệt miễn, giảm thuế với mức đủ lớn. Qua đó thể hiện Nhà nước chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo niềm tin về tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.

Cũng theo ông Cung, việc miễn, giảm thuế xăng dầu làm ngân sách hụt thu một khoản đáng kể, do đó có thể làm tăng bội chi ngân sách. Tuy vậy, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng và cắt giảm một số khoản chi chưa thật cần thiết là giải pháp khả thi hơn nhiều. “Nhưng nếu QH và Chính phủ xác định giá xăng tăng cao làm tăng lạm phát, có nguy cơ gây bất ổn vĩ mô… thì Chính phủ nên trình và QH nhanh chóng thông qua việc sửa đổi một số điều, khoản của các luật thuế liên quan để miễn, giảm các loại thuế đối với xăng dầu. Hoặc QH giao cho Chính phủ thẩm quyền chủ động miễn, giảm các loại thuế nói trên phù hợp với biến động thị trường” – ông Cung nói.

2. Báo Dân Việt (27/6) có bài “Giảm thuế giá trị gia tăng tạo "cú hích" đến tiêu dùng, sản xuất kinh doanh” cho biết: Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, đã tác động tích cực đến thị trường, tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng; kích thích tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt khó do hệ lụy của dịch Covid-19.

Ông Ngô Duy Hiến, Phó Giám đốc siêu thị CoopMart Việt Trì khẳng định, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% có độ bao phủ, tác động rất rộng; đặc biệt góp phần kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn.

Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Thọ Đỗ Trọng Bồng phân tích, thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Khi giảm thuế giá trị gia tăng thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền, tiết kiệm được chi tiêu. Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế sẽ giúp đạt mục tiêu vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất - kinh doanh, từ phía tiêu dùng và vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

II. Vấn đề về quản lý giá

3. Báo Lao động (28/6) có bài “Một mùa hè khắc nghiệt với doanh nghiệp du lịch” cho biết: Nhiều DN du lịch đang gặp “khó chồng khó” khi giá xăng tăng chóng mặt. Trường hợp, nếu DN không đẩy giá combo, tour du lịch kỳ nghỉ hè thì sẽ phải bù lỗ chi phí vận hành. Đa số các doanh nghiệp đều mong mỏi Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó.

Tiến sỹ Bùi Duy Tùng – Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT đưa ra đề xuất về phía cơ quan quản lý nên có biện pháp hạ nhiệt giá xăng bằng giải pháp tạm thời như giảm các loại thuế (thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt). Đặc biệt, không nên trợ giá xăng dầu vì đây là một giải pháp không tối ưu, nên giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết để cân đối lại ngân sách.

4. Báo Người lao động (28/6) có bài “Tàu cá nằm bờ hàng loạt” cho biết: Hiện số tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40 – 55% do xăng dầu tăng giá, số tàu không thường xuyên hiện diện trên các vùng biển đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tại Quảng Bình, Kiên Giang, Bình Định, Khánh Hòa… hiện chỉ còn một số ít tàu hành nghề. Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết hiện tỉnh đã kiến nghị nhiều chính sách cho ngư dân hơn như tăng chuyến biển được hỗ trợ, tăng kinh phí hỗ trợ để khuyến khích ngư dân vươn khơi. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn cần bộ, ngành, Chính phủ và Quốc hội thông qua.

5. báo Người lao động (28/6) có tin “Kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn sách giáo khoa” cho biết: Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết thứ 3 Quốc hội khóa XV. Quốc hội yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá khi sửa Luật Giá.

III. Vấn đề về chứng khoán

6. Báo Tiền phong (28/6) có bài “Chứng khoán qua thời ăn xổi” cho biết: Hành trình 15 năm leo đỉnh lên mốc 1.550 điểm của VN-Index bị xóa sạch chỉ trong 6 tháng đầu năm. Chỉ số chính bốc hơi hơn 20% trong thời gian ngắn, kéo nhà đầu tư vào tình cảnh thua lỗ. Dù không có số liệu thống kê nào đo đếm được số lãi, lỗ của nhà đầu tư thời gian qua nhưng soi vào các diễn đàn chứng khoán hàng ngày có thể thấy, tỷ lệ người thua lỗ đang nhiều hơn cả. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư thua lỗ chứng khoán cơ sở tìm sang phái sinh để gỡ gạc. Thanh khoản phái sinh tăng vọt, xác lập kỷ lục mới.

Ở mỗi giai đoạn thị trường biến động, chuyên gia cho rằng, dù xu hướng lên hay xuống thì điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần chú trọng quản lý rủi ro danh mục. Nhà đầu tư cần quan tâm yếu tố cơ bản, nền tảng và triển vọng doanh nghiệp để lựa chọn cổ phiếu. Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xu hướng ngắn và trung hạn của thị trường vẫn còn đà giảm, có thể kéo VN-Index xuống 1.100 điểm.

7. Báo Tiền phong (28/6) có bài “Dòng tiền quay lưng” cho biết: Kể từ đầu năm 2022, những sự kiện tiêu cực như vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh hay bối cảnh lạm phát tăng cao,… khiến thị trường chứng khoán quốc tế và trong nước hứng chịu cú sốc mạnh. Hơn 2 tháng nay, chứng khoán đã giảm quá sâu. Theo thống kê từ VietstockFinance, có khoảng 500 cổ phiếu trên cả 3 sàn thậm chí giảm thấp hơn mức ghi nhận ở vùng đáy tháng 3/2021. Giá cổ phiếu giảm mạnh, nhiều mã về lại vùng giá thấp, có mã rớt đến 70% giá trị.

Cuối tuần trước, MSCI công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán thế giới, trong đó, Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi. Đáng chú ý, 9 tiêu chí định lượng về thị trường của Việt Nam bị gắn nhãn (-), tức chưa đáp ứng yêu cầu…. Liên thông tất cả các thông tin trên cho thấy dòng tiền dường như đang rời bỏ chứng khoán. Sự rời bỏ của nhà đầu tư hay chính xác là sự rời bỏ của đồng tiền phải chăng đã khiến chứng khoán đang bị quay lưng?

IV. Vấn đề khác

8. Báo Tiền Phong (28/6) có bài “Thường trực Ban Bí thư: Vụ siêu xe biếu tặng là điển hình của lách luật, trốn thuế” cho biết: Chiều 27/6, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP Đà Nẵng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, cũng như các vụ án, vụ việc nổi cộm thời gian qua.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00