Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 04/7/2022

Điểm báo ngày 04/7/2022

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Thanh niên, Tiền Phong, Sài gòn giải phóng, Nhân dân, Pháp Luật Việt Nam, Người lao động (3, 4/7) có bài “Trình Quốc hội Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu” cho biết: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm nay (3.7) đã ký Nghị quyết của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31.12.2022 như sau: Xăng: giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel: giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít. Dầu mazút, dầu nhờn: giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mỡ nhờn: giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7.2022 và có hiệu lực từ ngày 1.8 thì ước giảm thu ngân sách là khoảng 7.000 tỉ đồng.

2. Báo Thanh niên (4/7) có bài “Đừng coi xăng dầu là “gà đẻ trứng vàng”, Tuổi trẻ (4/7) có bài “Giảm giá xăng không thể đợi đến tháng 10” cho biết: Bộ Tài chính cho hay sẽ trình Chính phủ giảm thuế VAT với xăng dầu và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng để báo cáo Quốc hội tại phiên họp tháng 10-2022 hoặc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội. Quy trình sẽ là Bộ Tài chính trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp gần nhất (tháng 10-2022). Nếu muốn sớm hơn, cần phải triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường để xem xét, quyết định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, bày tỏ rất hoan nghênh khi Bộ Tài chính đã sớm đưa ra kiến nghị giảm các loại thuế trong giá xăng dầu, đồng cảm với doanh nghiệp.

“Với hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần tính đến việc kiến nghị triệu tập kỳ họp bất thường vì chúng tôi không thể đợi đến tháng 10, mà giá cứ liên tục tăng thì nhiều nguy cơ xảy ra khi gánh nặng chi phí rất lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp” - ông Hiệp kiến nghị mức giảm thuế với xăng có thể 50% nhưng với dầu do không áp thuế tiêu thụ đặc biệt nên có thể tính toán để giảm tối đa thuế VAT.

Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho hay doanh nghiệp trong ngành vận tải mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng có giải pháp điều chỉnh thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu. “Nếu để đến tháng 10 mới điều chỉnh thì tác động và hậu quả để lại cho nền kinh tế, vận tải có thể rất trầm trọng. Với mức giá cả như hiện nay, tối thiểu cũng phải giảm 50% thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt” - ông Quyền nói.

Bài viết trên Báo Thanh niên đặt vấn đề: Nếu coi xăng dầu là “cái gì” sẽ quyết định rất lớn. Nếu coi xăng dầu là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách, thì quan trọng nhất là thu càng nhiều càng tốt. Nhìn lại rõ ràng, giá xăng dầu tăng như vũ bão vừa qua, ngân sách có lợi nhiều nhất. Thế nhưng, khi nói đến giảm thuế cho xăng dầu, Bộ Tài chính lại chỉ đề cập đến phần ngân sách bị hụt đi bao nhiêu mà không tính toán cân đối với khoản bội thu từ dầu thô bù lại. Có lẽ vì thế, các đề xuất giảm thuế, phí cho xăng dầu từ đầu năm đến nay được Bộ Tài chính đưa ra hết sức chậm trễ. Sau khi lần nữa mãi, cuối tuần trước, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế TTĐB, thuế GTGT với xăng dầu nhưng không đề xuất giải pháp thực hiện sớm. Trong khi Bộ Tài chính thừa biết, việc thay đổi mức thuế là thẩm quyền của Quốc hội và không ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết khi Quốc hội không họp. Mà đợi Quốc hội họp, nghĩa là phải chờ thêm 3 tháng nữa. 3 tháng là quãng thời gian rất dài, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân đã chạm ngưỡng giới hạn.

3. Báo Tuổi trẻ (2/7) có bài “Giảm thuế xăng dầu, chờ đến tháng 10?” phỏng vấn các chuyên gia và đại biểu quốc hội xung quanh việc giảm thuế để ngăn chặn đà tăng giá xăng dầu. Trả lời câu hỏi nếu tổ chức kỳ họp bất thường xem xét giảm các loại thuế đối với xăng dầu thì kỳ họp đó sẽ được tổ chức như thế nào, Ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH cho biết, theo quy định, trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu Quốc hội họp bất thường. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định có triệu tập một kỳ họp bất thường. Với vấn đề cần thiết và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế như thế này cũng nên xem xét tổ chức phiên họp bất thường ngắn, có thể trong một ngày để Quốc hội quyết định việc giảm thuế. Cái đấy là cần thiết cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu QH TPHCM); đại biểu QH Hoàng Văn Cường (Hà Nội); TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cũng cho rằng, để sớm hạ nhiệt giá xăng dầu, có thể triệu tập cuộc họp QH bất thường trực tuyến để quyết việc giảm thuế như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt… thay vì chờ đến kỳ họp QH vào cuối năm.

4. Báo Thanh niên (2/7) có bài “Còn dư địa để giảm thuế cho xăng dầu” cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, thu từ dầu thô ước đạt hơn 34.000 tỉ đồng, tăng hơn 80% so cùng kỳ. Các nhà phân tích cho rằng đây là cơ sở quan trọng để giảm ngay các loại thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, giúp hạ nhiệt giá càng sớm càng tốt.

Khi bàn chuyện giảm thuế phí đánh vào xăng dầu, ngành tài chính thường lưỡng lự, cân nhắc tính toán rất kỹ vì lo hụt thu ngân sách. Nhưng việc giá xăng dầu vẫn ở mức cao như hiện nay, đang tác động đến cả nền sản xuất kinh doanh, đến đời sống doanh nghiệp, người dân. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính dẫn thông tin về việc 50% số tàu đánh cá phải nằm bờ, tương đương 50.000 tàu đánh cá không ra khơi vì giá dầu quá cao, càng ra khơi càng lỗ lã rồi hàng loạt tài xế taxi cũng rời bỏ nghề vì không “gồng” nổi giá xăng dầu.

Từ đề xuất của Bộ Tài chính về giảm các loại thuế đánh vào giá xăng dầu và công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy con số thặng dư thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm nay, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng cần công khai dự toán thu ngân sách phần thuế, phí nói chung và với mặt hàng xăng dầu nói riêng. Trên cơ sở đó, tính toán thâm hụt thu ngân sách nhà nước cho các kịch bản tính toán giảm thuế TTĐB, thuế VAT, thuế BVMT… dựa theo số thu dự toán từ đầu. Lúc lập dự toán thu từ ngân sách vào tháng 10.2021, dự kiến giá dầu thô xuất khẩu giá 60 USD/thùng, nay giá dầu thô tại nhiều thời điểm đã cao gấp đôi. Giả sử giảm mạnh thuế TTĐB, thuế BVMT… xuống kịch khung, ngân sách có thiếu hụt đôi chút so với dự toán cũng không đáng kể. Theo tính toán của Bộ Tài chính là hụt thu 10.000 tỉ đồng, nhưng khoản thu từ giá nhiên liệu tăng mạnh như phân tích trên có thể bù lại.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần tính rõ số hụt thu ngân sách nếu giảm thuế đánh vào xăng dầu dựa trên số thu hiện nay. Nếu giảm thu thì ngân sách bị ảnh hưởng thế nào và kích thích cho nền kinh tế ra làm sao? Bởi trong thực tế, số thu ngân sách từ dầu đang vượt dự toán. Những đánh giá này cần phải được tính toán và khoa học hơn, thay vì giảm thuế xăng dầu nhỏ giọt hay giảm tràn lan, sẽ không hiệu quả.

5. Báo Công an nhân dân (4/7) có bài “Giảm thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu”; Công Thương (30/6) có bài “Cách nào hạ nhiệt giá xăng dầu” cho biết: Giá xăng dầu từ đầu năm 2022 đến nay liên tục được điều chỉnh tăng vừa tác động làm tăng giá sản phẩm đầu vào, vừa làm tăng giá sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Trong những tháng cuối năm, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng gây áp lực tăng giá cao và ngấm vào nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho rằng, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần có các chính sách để ổn định giá xăng dầu, vì đây là nguyên vật liệu đầu vào của các ngành sản xuất và kiềm chế lạm phát ở mức cho phép. Theo đó, cần nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Cần rà soát, xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất, các nút thắt của các nhà máy lọc dầu để có chính sách quản lý hỗ trợ, tháo gỡ nút thắt cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho người dân và DN trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao.

Theo bà Oanh, cần xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Cần xem xét nó như một mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để đánh các sắc thuế phù hợp, điều chỉnh một số loại thuế để tác động kích thích tích cực đến sản xuất trong nước.

Theo TCTK, trong các loại thuế trong xăng dầu, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu thuộc thầm quyền của Thủ tướng Chính phủ, việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, để đảm bảo tính kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đề xuất sớm điều chỉnh 2 loại thuế này là cần thiết. Đối với thuế TTĐB, việc thực hiện điều chỉnh thuế suất thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên cần nhiều thời gian và khó có thể áp dụng ngay trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn nên sẽ có độ trễ nhất định.

6. Báo Người lao động (2/7) có bài “Mỏi mòn ngóng thuế xăng dầu giảm” cho biết: Giá xăng dầu vừa giảm nhẹ nhờ hiệu ứng giảm giá dầu thô trên thị trường thế giới, còn công cụ điều hành giá được mong chờ nhất là thuế thì vẫn chưa thể sớm thông qua và áp dụng do phải qua nhiều quy trình.

Thực tế, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập trên thị trường đối với hầu hết mọi loại hàng hóa kể từ khi giá bán lẻ xăng dầu liên tiếp phá vỡ kỷ lục cũ và đứng ở mức cao nhất trong lịch sử. Không chỉ nhóm doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều nhiên liệu mà đời sống của người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, người nghèo và người có thu nhập thấp, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù lương tối thiểu vùng chính thức tăng thêm 6% kể từ ngày 1-7 song mức tăng này được đánh giá là "chẳng thấm vào đâu".

Trong bối cảnh giá xăng dầu đứng ở mức cao kéo dài gây tác động không tốt đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, Chính phủ, Quốc hội đều nhận định việc giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng này là rất cần thiết. Bộ Tài chính cũng có động thái tích cực khi mới đây đã báo cáo Thủ tướng đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng nhiên liệu.

Tuy vậy, việc thay đổi thuế suất các sắc thuế phải qua nhiều quy trình và do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất hoặc ít nhất là Chính phủ quyết định (ví dụ thuế nhập khẩu xăng dầu - PV). Đây chính là điểm nghẽn khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước không dễ hạ nhiệt dù đòi hỏi giảm giá đã đến mức rất cấp bách.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt như hiện nay, "van" chính sách còn lại và gần như duy nhất có thể sử dụng là thuế. Ông Long nêu rõ ngoài thuế BVMT, mỗi lít xăng dầu còn chịu 10% thuế nhập khẩu; riêng xăng RON95 gánh 10% thuế TTĐB và xăng E5 RON95 là 8%; thuế GTGT với các mặt hàng là 10%. Như vậy, dư địa để giảm thuế xăng dầu còn rất nhiều. Vừa qua, việc giảm thuế BVMT chưa thấm vào đâu so với mức tăng mạnh của giá bán lẻ mặt hàng này. Việc xem xét giảm loại thuế gián thu, như thuế TTĐB và thuế GTGT, sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt hơn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, dù có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

7. Lao động (2/7) có bài “Giải quyết hồ sơ nhà đất chậm do tính thuế chuyển nhượng chưa rõ ràng” phản ánh: Lâu nay, người dân thường chuyển nhượng nhà đất theo giá thị trường ở mức cao, nhưng khi khai với cơ quan thuế lại báo giá thấp nhằm giảm số thuế phải nộp. Sau khi ngành thuế siết lại việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản, tình trạng kê khai hai giá khi mua bán nhà đất đã giảm, ngân sách nhà nước tăng thu hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, song điều này cũng khiến khối lượng công việc của cơ quan thuế tăng lên rất nhiều, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ bị chậm trễ.

Một cán bộ ở Chi cục thuế TP. Thủ Đức cho biết, để tính đúng giá trị kê khai trong hợp đồng mua bán bất động sản, cơ quan thuế dựa vào 3 nguồn dữ liệu chính gồm lịch sử giao dịch được kê khai trong thời gian gần nhất; số hồ sơ đã kê khai và nộp tại cơ quan thuế của các bất động sản có vị trí tương đồng; tra cứu giá phê duyệt của UBND thành phố đối với các dự án, hoặc giá đền bù thực tế của Nhà nước, giá trên các website giao dịch… Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều người dân thì không phải chi cục thuế nào cũng làm giống nhau ở cách “xác định giá đúng” nên việc giải quyết hồ sơ bị kéo dài.

8. Công an nhân dân (2/7) có bài “Kinh tế phục hồi tạo đà tích cực cho thu ngân sách” thông tin: Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục.

Nhờ kinh tế phục hồi, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách toàn ngành Thuế quản lý ước đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 66% so với dự toán pháp lệnh, bằng 117,6% so với cùng kỳ. Về công tác thanh kiểm tra, trong 6 tháng, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện được 20.720 cuộc thanh tra, kiểm tra với 276.726 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 13.900 tỷ đồng, trong đó số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra gần 3.900 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 640 tỷ đồng và giảm lỗ 9.400 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác thu ngân sách của ngành Thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, đến thời điểm 30/6, tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng dự toán thu năm 2022 là 11,3%; trong đó, tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2022 là 5,8%.

9. Báo Thanh niên (4/7) có tin “Thu thuế Google, Facebook…hơn 5.432 tỷ đồng” cho biết: Theo Tổng cục Thuế, số thu từ hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 29/6/2022 đạt 5.432 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, có một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.071 tỷ đồng, Google 2.034 tỷ đồng, Microsoft là 692 tỷ đồng.

Để chống thất thu thuế, cơ quan thuế đã thực hiện thu thập từ các hoạt động xuyên biên giới và thực hiện xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 782 tỷ đồng (lũy kế từ năm 2018 đến tháng 5/2022), trong đó, 5 tháng đầu năm thu đạt 220 tỷ đồng. Một số Cục Thuế có số thu lớn như Hà Nội khoảng 358 tỷ đồng, TPHCM khoảng 146 tỷ đồng, Đà Nẵng khoảng 67 tỷ đồng. Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin,…

10. Báo Thanh niên (4/7) có bài “Khu liên hợp Mỹ Đình nguy cơ bị tịch thu tài sản” cho biết: Như báo Thanh niên nhiều lần đưa tin, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Khu liên hợp) từ năm 2009-2018. Trong đó, số tiên vi phạm là gần 777 tỷ đồng, trong đó có 658 tỷ đồng tiền thuê đất chưa nộp và chậm nộp….

Khi các cá nhân, tập thể liên quan sai phạm đang bị điều tra, khu liên hợp đang rơi vào tình trạng “quýt làm cam chịu”. Ngân quỹ đã hoàn toàn kiệt quệ, lãnh đạo khu liên hợp đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, nói rõ việc truy thu tiền thuê đất, khu liên hợp không thể thực hiện được và đơn vị này đề nghị Tổng cục TDTT báo cáo Bộ VH-TT-DL thống nhất với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội trình Chính phủ cho phép khu liên hợp miễn truy thu nộp tiền thuê đất cho nhà nước. Công văn này đã không được cơ quan thuế chấp nhận. Mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn bởi số tiền nợ của khu liên hợp tới thời điểm này lên tới hơn 849 tỷ đồng. Không chỉ bị cưỡng chế hóa đơn, khu liên hợp còn có nguy cơ bị cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản do đã quá thời hạn hơn 1 tháng kể từ khi thông báo, cơ quan thuế chưa nhận được đầy đủ thông tin liên quan đến những tài sản mà khu liên hợp này đang sở hữu….

Theo quan điểm của một lãnh đạo khu liên hợp, khu liên hợp không phải doanh nghiệp tư nhân mà là đại diện quản lý tài sản cho nhà nước nên cơ quan thuế không thể thực hiện việc siết nợ cũng như kê biên tài sản vì đây là tài sản do nhà nước quản lý.

11. Công Thương (4/7) có bài “Sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, do thay đổi danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN từ phiên bản 2017 sang 2022, biểu thuế gồm 4 dòng hàng bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Theo cam kết, Việt nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Đáng chú ý, lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu có lộ trình giảm thuế riêng theo kết quả đàm phán trong ASEAN với lộ trình giảm thuế riêng theo kết quả đàm phát trong ASEAN và đã được ASEAN thông qua năm 2010. Theo đó, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024.

II. Vấn đề về hải quan

12. Báo Thanh niên (4/7) có tin “Ma túy qua cảng khu vực TP HCM bị phát hiện tăng hơn 47%” cho biết: Theo Cục Hải quan TP HCM, trong tháng 6, Cục Hải quan TP đã phát hiện, thu giữ hơn 38 kg ma túy các loại. Lũy kế đến hết tháng 6/2022, đã phát hiện và chủ trì bắt giữ 61 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất ma túy xuất và nhập khẩu trái phép qua các cửa khẩu TP HCM (tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021), thu giữ hơn 150 kg ma túy và tiền chất ma túy các loại (tăng 47,2% so với cùng kỳ năm 2021).

III. Vấn đề về chứng khoán

13. Báo Đầu tư chứng khoán (4/7) có bài “Mất tiền tỷ vì giao dịch T+0” cho biết: Lợi dụng tâm lý nhiều nhà đầu tư muốn gỡ lỗ trên thị trường chứng khoán cơ sở, một số đối tượng lừa đảo đã dựng lên sàn giao dịch ảo như StockX, dụ dỗ họ giao dịch T+0 với cam kết lãi suất hấp dẫn để chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, theo quy định, nhà đầu tư muốn thực hiện giao dịch chứng khoán phải thông qua công ty chứng khoán, nơi nhà đầu tư mở tài khoản. Công ty chứng khoán đó phải là thành viên của sở giao dịch chứng khoán. Đối với ứng dụng StockX, UBCKNN chưa bao giờ cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ mua bán chứng khoán cho nhà đầu tư. Hiện nay, giao dịch T+0 chưa được áp dụng, việc mời chào nhà đầu tư giao dịch T +0 hoặc đầu tư vào một số cổ phiếu sẽ đem lại tỷ lệ sinh lời rất cao như ứng dụng StockX là không có cơ sở. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia hội nhóm trên không gian mạng, tránh bị lôi kéo, dẫn tới thiệt hại không đáng có. Trước khi giao dịch, nhà đầu tư cần tìm hiểu, kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin dựa trên các thông tin chính thống của các cơ quan chức năng, từ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được cơ quan quản lý cấp phép.

IV. Vấn đề về quản lý giá

14. Báo Lao động (4/7) có bài “Doanh nghiệp khó chồng khó vì phí dịch vụ logistics tăng cao”, Tuổi trẻ (4/7) có tin “Ngành đồ uống chịu áp lực tăng giá tiếp”, Pháp luật Việt Nam (3/7) có bài “Chuyện bi hài thời xăng tăng giá”, Diễn đàn doanh nghiệp (1/7) có bài “Nghề cá khốn khổ vì giá xăng, dầu”, Thời báo ngân hàng (4/7) có bài “Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp mệt!”, Đại đoàn kết (4/7) có bài “Tài xế công nghệ, shipper lao đao vì giá xăng” cho biết: Năm 2022 được đánh giá là một năm giá xăng dầu tăng kỷ lục nhất trong 8 năm trở lại đây. Mỗi tháng, người dân như “ngồi trên đống lửa” hồi hộp chờ đợi bảng niêm yết mới cho giá xăng dầu. Mỗi khi dân tình hi vọng giá xăng đi xuống, thì một lần nữa, những con số lại được nâng lên thêm “nấc thang mới”. Tính từ đầu năm tới giờ, những lần giá xăng hạ thưa thớt đếm trên đầu ngón tay.

Ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun cho biết thời gian qua nhiều tài xế, doanh nghiệp taxi ở TPHCM phải gồng mình ứng phó với giá xăng dầu tăng cao. Hàng trăm tài xế, lái xe đã xin nghỉ việc cũng như việc doanh nghiệp taxi bị thua lỗ nhiều tháng. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, việc tăng giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó chồng khó. Dù các doanh nghiệp có chương trình hỗ trợ tài chính cho tài xế cũng như tăng giá cước để bù đắp chi phí nhưng về lâu dài, giá xăng tăng cao sẽ khiến vận tải hành khách bị bóp nghẹt. Vì vậy, giải pháp căn bản là giảm giá xăng, kéo giá cước giảm xuống để kích thích nhu cầu di chuyển.

Bài viết trên Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp phản ánh khoảng hơn 50% trong số 90.000 tàu cá cả nước đang phải nằm bờ do chi phí nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Ngư dân muốn vươn khơi bám biển, nhưng giá xăng, dầu đã trở thành gánh nặng quá lớn càng cố ra khơi càng lỗ.

Bài viết trên Thời báo ngân hàng thông tin giá các mặt hàng thiết yếu và nguyên vật liệu sản xuất của nhiều ngành hàng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, làm sao để giảm chi phí đầu vào là điều rất quan trọng để doanh nghiệp phục hồi, phát triển và có nguồn thu. Bên cạnh các giải pháp tổng thể để bình ổn giá xăng, dầu, giảm các loại thuế, phí… một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần những giải pháp chi tiết hơn nhằm hỗ trợ trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

15. Tuổi trẻ (2/7) có bài “Giá cả nóng, CPI lạnh”, Công Thương (4/7) có bài “Áp lực lạm phát vẫn lớn” cho biết: Lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 theo Tổng cục Thống kê chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng con số này chưa phản ánh hết sức nóng của tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Hơn nữa, con số tăng trưởng GDP và tăng lạm phát trong 6 tháng mâu thuẫn với nhau. GDP được tính toán theo giá hiện hành, giá cố định và có hàm ý rằng giá cả trong quý 2 giảm so với quý 1 là điều rất vô lý.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng gần 52%, riêng chi tiêu xăng dầu trực tiếp đã đẩy lạm phát lên khoảng 2% vì mọi đầu vào của hàng hóa đều liên quan tới xăng dầu.

 V. Vấn đề về đầu tư công

16. Đại đoàn kết (4/7) có bài “Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch được giao, sẽ công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bị phê bình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và trang tin điện tử của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định tiến độ giải ngân hiện quá chậm so với yêu cầu, mục tiêu của lãnh đạo Chính phủ giao từ đầu năm. Lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chứng trường hợp có nhà thầu hoạt động cầm chừng vì giá lên nhưng thực tế làm càng chậm, chi phí càng tăng, thì càng lỗ. “Do đó, các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, động viên các doanh nghiệp thi công nhanh; cần tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhanh chóng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, chống lạm phát” ông Phớc nói. Đồng thời cho rằng lãnh đạo, các địa phương phải phân công rõ, cử lãnh đạo tỉnh (ví dụ cấp phó) đôn đốc các sở, ngành thường xuyên giải quyết vướng mắc nhanh ngay tại hiện trường. Không để tồn tại tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

VI. Vấn đề về ngân sách nhà nước

17. Hà Nội mới (4/7) có bài “Tỉnh Đồng Nai thu ngân sách nhà nước đạt 60% kế hoạch năm” thông tin: Cục thuế tỉnh Đồng Nai thông tin, thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 23,2 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán pháp lệnh. So với dự toán có 14/16 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 45%). Đặc biệt, các khoản thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh đạt mức tăng trưởng khá, trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện gần 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt 46% dự toán, chiếm 8% tổng thu và tăng 1% so cùng kỳ; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện trên 7,6 nghìn tỷ đồng, đạt 56% dự toán…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00