Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/7/2022

Điểm báo ngày 05/7/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Quân đội nhân dân (5/7) có bài “Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách”, Báo Thanh tra (5/7) có bài “Thủ tướng ra thông điệp chính: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Hà Nội mới (5/7) có bài “Phấn đấu GDP năm 2022 đạt 7%, tạo động lực cho năm 2023”, Tiền phong (5/7) có bài “Thủ tướng yêu cầu không gây khó cho học sinh, phụ huynh”, Nhân dân (5/7) có bài “Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Lao động (5/7) có bài “Kiểm soát lạm phát, phấn đấu tăng trưởng 7% năm 2022”, bnews.vn (4/7) có bài “Thủ tướng: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay”, Người lao động (5/7) có bài “Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Sài gòn giải phóng (5/7) có bài “Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn”, Tuổi trẻ (5/7) có bài “Yêu cầu quản lý chặt giá cả, chống đầu cơ, găm hàng”. Các báo cho biết: Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm, kinh tế có bước phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra, trong đó, GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ - cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Bộ KH-ĐT cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9%, quý 4 tăng 5,5%. Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 9% và quý 4 tăng 6,3%.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả. Bộ Tài chính chủ động rà soát, đề xuất cắt giảm phù hợp các loại thuế, phí, lệ phí; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh các loại thuế, phí đối với xăng dầu (giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt). Bảo đảm phát triển ổn định lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Các bộ, cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường, giá cả, chuẩn bị các phương án, kịch bản điều hành phù hợp; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả; tăng cường phòng, chống buôn lậu và tình trạng găm hàng, đầu cơ, tăng giá. Bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng (xăng dầu, điện, than).

Về vấn đề học phí, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động để trình các cấp có thẩm quyền theo hướng giảm khó khăn cho phụ huynh và học sinh, phù hợp tình hình và điều kiện của đất nước tại thời điểm hiện nay.

II. Vấn đề về thuế, phí

2. Báo Tuổi trẻ (4/7) có tin “Thứ trưởng Bộ Tài chính: Ngân sách giảm thêm 7.000 tỉ đồng khi tiếp tục giảm thuế môi trường”; Pháp luật Việt Nam (5/7) có bài “Ổn định giá xăng dầu, giải quyết vấn đề thiếu trang thiết bị y tế”; Sài Gòn giải phóng (5/7) có bài “Tiếp tục có chính sách điều chỉnh để ổn định giá xăng dầu trong nước ​”; Thể thao & Văn hóa (4/7) có tin “Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Sẽ giảm thu ngân sách thêm 7.000 tỷ đồng từ việc tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”; Tin tức (4/7) có tin “Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp về chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu”; Tiền phong (4/7) có tin “Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sớm nhất” và nhiều báo khác cho biết: Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 diễn ra chiều ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, ngay trong ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình báo cáo UBTVQH cho ý kiến và thông qua Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; cho phép điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu với mức giảm 1.000 đồng, đưa mức thuế về mức sàn và đề nghị UBTVQH quyết sớm nhất để có thể áp dụng. Theo thẩm quyền, Bộ Tài chính chỉ đề nghị quyết định được ở mức sàn.

Theo ước tính, chính sách này nếu được quyết từ ngày 1-8-2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thuế bảo vệ môi trường cộng với giá trị gia tăng vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Cùng với việc đang triển khai 2 nghị quyết của UBTVQH đối với giảm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm đến nay trên mặt hàng xăng dầu, giảm 25.538 tỷ đồng thì tổng thu ngân sách nhà nước khi thực hiện tất cả các giải pháp sẽ ước giảm thu khoảng 32.538 tỷ đồng trong năm 2022.

 Với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo của Bộ Công thương, số thu ngân sách từ việc tăng giá cũng như tăng lượng trong năm 2022, tăng ngân sách nhà nước khoảng 9.100 tỷ đồng. Như vậy trong thu ngân sách do giá dầu tăng từ nhập khẩu xăng dầu vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng, trong khi đó, riêng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, giảm thu ngân sách giảm hơn 32.500 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngoài những giải pháp trên, Bộ Tài chính cũng chủ động các giải pháp, phương án khác nữa đối với chính sách thuế với mặt hàng xăng dầu, bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt. Bộ Tài chính đang nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ vào diễn biến thực tế của giá xăng dầu trên thế giới và diễn biến giá xăng dầu ở Việt Nam ở từng thời điểm. Từ nay đến cuối năm sẽ báo cáo cấp thẩm quyền có những động thái hoặc chính sách điều chỉnh cho phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước và hỗ trợ cho phát triển kinh tế, xã hội cho cả nước.

3. Báo Người lao động (5/7) có tin “Đề nghị tiếp tục giảm thuế BVMT với xăng dầu”; Đại đoàn kết (5/7) có tin “Đề xuất giảm thuế bảo vệ xăng dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn” đưa tin: Ngày 4/7, Bộ Tài chính cho biết thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Tờ trình số 244/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế BVMT với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ mức 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu  nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít.

Trước đó, từ ngày 1/4, xăng, dầu đã được giảm thuế BVMT lần thứ nhất theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 của UBTVQH, giúp giá các mặt hàng này giảm 0,59% so với tháng 3. Tuy nhiên, sau khi giảm thuế BVMT, giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng cao. 

4. Tiền phong (5/7) có bài “Hạ nhiệt giá xăng dầu: Cần giảm nhiều loại thuế, tăng dự trữ” cho biết: Nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã và đang đề xuất giảm nhiều loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó, Bộ công thương xây dựng phương án tăng nguồn dự trữ quốc gia với xăng dầu.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giá xăng dầu nói riêng và năng lượng nói chung sẽ tiếp tục tăng và ở mức cao trong thời gian dài. Nhà nước có thể giảm, thậm chí tạm thời miễn tất cả loại thuế gắn với xăng dầu. Việc giảm thuế, miễn thuế để giảm giá xăng dầu đang cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Một trong những giải pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu là bảo đảm nguồn cung. Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công thương), để đảm bảo an ninh năng lượng, Bộ đã xây dựng Đề án Nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia và sẽ sớm hoàn thiện, trình Chính phủ. Hiện cơ cấu dự trữ xăng dầu đến từ 3 nguồn: dự trữ trong sản xuất, dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia.

5. Người lao động (5/7) có tin “Đề xuất giảm phí đường bộ thêm 3 tháng”; Sài Gòn giải phóng (5/7) có tin “Đề xuất giảm phí sử dụng đường bộ cho xe kinh doanh vận tải thêm 3 tháng”; Tuổi trẻ (5/7) có tin “Kiến nghị tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ” cho biết: Ngày 4/7, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Bộ Tài chính xem xét, kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu xe khi đăng kiểm) như hiện nay thêm 3 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo đó, các doanh nghiệp hợp tác xã và các hộ kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được giảm mức thu phí đường bộ 30% với xe kinh doanh vận tải hành khách, giảm 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Trong thời gian áp dụng từ 12/8/2020 đến 30/6/2022, đã có 805.313 phương tiện được giảm phí đường bộ, tổng tiền ước khoảng 1.200 tỷ đồng. Vì vậy, cần thiết xem xét, kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ thêm 3 tháng.

6. Báo Thanh niên (5/7) có bài “Sân Mỹ Đình có thể sẽ bị đấu giá” cho biết: Cục thuế Hà Nội sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước đối với sai phạm của Khu liên hợp thể thao quốc gia nhưng tạm thời sẽ xuất hóa đơn lẻ cho đơn vị này. Theo số liệu của Cục thuế Hà Nội, tính đến ngày 29.6.2022, số tiền mà Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) đã nộp vào ngân sách nhà nước theo kết luận của Thanh tra Chính phủ là gần 47 tỉ đồng (trong khi tiền nợ thuế lên đến hơn 848 tỉ đồng - PV).

Để kiểm soát việc sử dụng hóa đơn và thu tiền thuế nợ, phía cơ quan thuế cho phép khu liên hợp xuất hóa đơn lẻ theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Như vậy, các hợp đồng ký kết giữa khu liên hợp với một số DN có giá trị hàng tỉ đồng vẫn có thể được tiếp tục thực hiện để khu liên hợp có tiền trang trải các khoản chi hoạt động. Tuy nhiên, khoản nợ thuế hiện tại của khu liên hợp là cực lớn nên những hợp đồng này là không đủ.

Về vấn đề khác nghiêm trọng hơn là nếu trong vòng 1 năm tới (cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn từ tháng 6.2022 - 6.2023), khu liên hợp không thể trả hết số nợ thuế thì cơ quan thuế buộc phải áp dụng biện pháp tịch thu tài sản. Hiện tại cơ quan thuế đang tiến tới cưỡng chế bằng hình thức kê biên tài sản, trong đó có sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước. Đại diện khu liên hợp cho hay khả năng không trả được nợ thuế là rất cao vì mọi khoản thu nếu có của khu liên hợp là không thể đủ.

Có thể hiểu, trong trường hợp khu liên hợp bất lực chi trả, hai công trình thể thao lớn nhất của đơn vị này là sân Mỹ Đình và Cung thể thao dưới nước sẽ được đem ra đấu giá. Một lãnh đạo ngành thể thao chia sẻ Bộ VH-TT-DL cũng như Tổng cục TDTT đang rất bối rối chưa biết xử lý thế nào nếu tình huống trớ trêu này xảy ra. Nhưng cũng theo quan chức này, hai công trình trọng điểm của khu liên hợp là cơ sở vật chất thuộc quyền quản lý của nhà nước, không thể đấu giá. Do đó, ngành thể thao có thể sẽ phải xin ý kiến Quốc hội về vấn đề này.

7. Báo Pháp luật Việt Nam (5/7) có tin “Sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN” cho biết: Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2022-2027 (Hiệp định ATIGA), Việt Nam sẽ phải xóa bỏ thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong ASEAN với lộ trình dài nhất vào năm 2024.

III. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Công an nhân dân (5/7) có tin “Bộ Tài chính lên tiếng việc nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh vẫn chưa được nhận tiền”; Người lao động (4/7) có tin “Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh chưa được hoàn tiền: Bộ Tài chính nói gì?”; VOV (4/7) có tin “Nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh chưa được hoàn tiền, Bộ Tài chính nói gì?”; Lao động (4/7) có tin “Thông điệp nóng Bộ Tài chính gửi nhà đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh”; Vietnamnet (4/7) có tin “Bộ Tài chính lên tiếng về việc hoàn tiền trái phiếu Tân Hoàng Minh”; Tiền phong (4/7) có tin “Bộ Tài chính lên tiếng về việc hoàn tiền trái phiếu Tân Hoàng Minh”; Vietnamplus (4/7) có tin “Bộ Tài chính phản hồi kiến nghị về 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 4-7, Bộ Tài chính đã thông tin một số vấn đề liên quan đến vụ việc huỷ bỏ 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, xác định vụ việc liên quan đến trái phiếu Tân Hoàng Minh hiện đang thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra, UBCKNN đã thông báo trên trang thông tin điện tử của UBCKNN về việc các nhà đầu tư mua trái phiếu trong 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên hệ làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã có một số buổi tiếp công dân liên quan đến vụ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tại các buổi làm việc, đại diện Bộ Tài chính, UBCKNN đã tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, đề xuất của các nhà đầu tư trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, Bộ Tài chính, UBCKNN cũng đã nhận được các đơn kiến nghị của các nhà đầu tư mua trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến việc hoàn trả tiền mua trái phiếu cho các nhà đầu tư.

UBCKNN đã chuyển các đơn này đến Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

IV. Vấn đề về đầu tư công

9. Báo Đại đoàn kết (5/7) có bài “Tiếp tục thúc giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, hết quý II/2022, số vốn đầu tư công mới giải ngân đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (trên 29%). Trong số đó, vốn trong nước đạt 29,6% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%), vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%).

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00