Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 06/7/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 06/7/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Thanh niên (6/7) có tin “Thường vụ Quốc hội họp bất thường về giảm thuế môi trường xăng, dầu”; VnEconomy (6/7) có tin “Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường bàn về giảm thuế xăng dầu”; Tuổi trẻ (6/7) có tin “Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp về giảm thuế xăng dầu”; Tiền phong (5/7) có tin “Thường vụ Quốc hội họp bất thường xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu”; Lao động (5/7) có tin “Ngày mai, Thường vụ Quốc hội xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu”; Pháp luật Việt Nam (6/7) có tin “Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét về giảm thuế môi trường với xăng, dầu” và nhiều báo khác cho biết: Dự kiến hôm nay (6/7) Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bất thường xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12 năm nay.

Trước đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12 năm nay. Cụ thể, xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít còn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống 300 đồng/kg. Nếu được Thường vụ Quốc hội thông qua, mức giảm thuế bảo vệ môi trường lần tiếp theo này sẽ được áp dụng từ 1-8-2022.

2. Báo Hà Nội mới (6/7) có bài “Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản” cho biết: Trước tình trạng nhiều người dân khai 2 giá để trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa, xử lý và đạt được kết quả khả quan. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trên, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong thời gian tới.

3. Báo Công lý (6/7) có bài “Tăng cường quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số” cho biết: Ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. HCM cho hay, Cục thuế vừa xử lý 38 người có thu nhập từ Google với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp lên đến 169 tỷ đồng. Trong đó một người có thu nhập “khủng” từ Google nhưng “quên” nộp thuế đã bị Chi cục Thuế khu vực quận 7 – Nhà bè truy thu và phạt 31 tỉ đồng. Ngoài ra cơ quan thuế xử lý 3 doanh nghiệp với số thuế xử lý truy thu, phạt và tiền chậm nộp là 327 triệu đồng. Các trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình trong rất nhiều trường hợp bị cơ quan thuế phát hiện và truy thu thuế.

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số, đại diện Cục thuế Tp.HCM cho hay, với các doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn, Cục thuế Tp.HCM đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận động khách hàng phải thực hiện đúng quy định về thuế, đồng thời thanh tra các sàn thương mại điện tử này.

Hiện nay liên quan đến hành vi trốn thuế, tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người nộp thuế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

4. Báo Quân đội nhân dân (6/7) có bài “Chuyển đổi số trong nộp thuế” đưa tin: Nhằm hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi nhất và góp phần thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử. Theo đó, người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế thông qua ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động. Tính đến hết ngày 31/5/2022, số lượng doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 97,9%; nhiều địa phương triển khai đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90%, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, tất cả địa phương triển khai giai đoạn 2 đều đạt tỷ lệ hoàn thành trên 90%, nhiều tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ hoàn thành ở mức 99%.

5. Tienphong.vn (5/7) có bài “Phó Cục trưởng Thuế Khánh Hoà bị khởi tố, Bộ Tài chính nói gì?” cho biết: Ngày 5/7, Bộ Tài chính cho biết, liên quan đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại khu đất số 1 đường Trần Hưng Đạo, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa, đã bị đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra.

“Sau khi tiến hành điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa có căn cứ xác định hành vi của bị can Trần Sỹ Quân đã gây thất thoát, lãng phí với tài sản của Nhà nước với số tiền 62,6 tỷ đồng. Vì vậy, cơ quan điều tra quyết định khởi tố ông Trần Sỹ Quân với tội danh: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo quy định tại khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự”, Bộ Tài chính cho biết.

6. Báo Lao động (6/7) có bài “Khu LHTTQG Mỹ Đình giải bài toán tài khoản bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế” cho biết: Hiện tại, các đơn vị liên quan vẫn đang làm việc để tháo gỡ khó khăn trong việc tài khoản của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Khu liên hợp) bị Cục Thuế TP Hà Nội phong tỏa do chậm trả tiền thuế theo đúng trách nhiệm và nghĩa vụ. Trao đổi mới nhất, ông Nguyễn Trọng Hổ, Giám đốc Khu liên hợp cho biết, sau khi có văn bản của Cục Thuế TP Hà Nội gửi về việc thực hiện cưỡng chế bằng hình thức ngưng sử dụng hóa đơn và mã số thuế do chậm trả nợ tiền thuế, đơn vị này đã có văn bản gửi lãnh đạo Bộ VH-TT-DL và Tổng cục Thể dục - Thể thao. Bởi Khu liên hợp là đơn vị trực thuộc nên việc giải quyết sẽ phải theo các cấp lãnh đạo xử lý. Nếu tài khoản bị phong tỏa, cũng phải có sự vào cuộc của cấp quản lý cao hơn.

Bài toán giải quyết ra sao việc thu hồi nợ thuế vẫn là bài toán chưa giải quyết rốt ráo nhất. Khoản nợ thuế cũng đã xác định được trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan theo các giai đoạn quản lý nhưng trên thực tế, số tiền thuế hơn 800 tỷ đồng là con số ngoài khả năng giải quyết của ban quản lý hiện tại. Việc phong tỏa tài khoản là để cơ quan quản lý thuế của Hà Nội muốn chốt lại để cấp quản lý sớm xử lý, tránh gây tồn đọng lâu dài và không ảnh hưởng đến hoạt động của Khu liên hợp.

II. Vấn đề về quản lý giá

7. Chinhphu.vn (5/7) có bài “Lạm phát năm 2022: Sức ép lớn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát”, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Kinh tế & đô thị (6/7) có bài “Lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát”, VOV (6/7) có bài “Lạm phát năm 2022 có “ghìm cương” quanh mức 4%?” cho biết: Dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn. Để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sức ép là hiện hữu cần có những giải pháp đồng bộ để đạt kiểm soát lạm phát.

Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022...

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00