Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 07/7/2022

Điểm báo ngày 07/7/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Chương trình Thời sự 19h phát trên VTV1 đưa tin “Bàn cách gỡ vướng trong mua sắm thuốc, vật tư y tế”, Chương trình Bản tin tài chính kinh doanh tối 6/7, sáng 7/7 đưa tin “Gỡ vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế”Vietnam+ (6/7) có bài “Bàn cách gỡ vướng mắc liên quan đến hoạt động mua vật tư y tế”, baotintuc.vn (6/7) có bài “Gỡ vướng mua sắm thuốc, vật tư y tế”, plo.vn (6/7) có bài “Bộ Tài chính làm việc với Bộ Y tế để gỡ vướng mắc trong mua sắm thuốc”, Báo điện tử Chính phủ (7/7) có bài “Bộ Tài chính phối hợp gỡ vướng cho mua sắm thuốc, vật tư y tế”. Các báo cho biết: Chiều 6/7, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Bộ Y tế và các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; một số bệnh viện Trung ương và địa phương để rà soát các vướng mắc trong các quy định hiện hành và đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, do Bộ Tài chính chủ trì ban hành hoặc chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính đó là “hết sức chia sẻ với Bộ Y tế”, 2 bộ sẽ cùng vào cuộc để sửa đổi một số quy định có liên quan, vướng ở thông tư, nghị định nào thì sửa ở thông tư, nghị định đó. Trên cơ sở rà soát, sẽ hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền ban hành cũng như ban hành các quy định thuộc thẩm quyền của 2 bộ.

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã nghe những vướng mắc từ thực tế ở một số bệnh viện lớn, sở y tế một số địa phương trong quá trình thực hiện như vấn đề đấu thấu mua sắm, giá...

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã ghi nhận các nội dung vướng mắc và đề xuất giải pháp của các đơn vị liên quan đến thẩm quyền của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, với các nội dung vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế khẩn trương tháo gỡ và hướng dẫn các Bệnh viên và Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

Đối  với các nội dung vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và liên quan đến các bộ, ngành khác, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo cụ thể các vướng mắc và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ Tài chính sẽ đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình triển khai thực hiện.

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

2. Bản tin thời sự trên VTV1 lúc 12h, Bản tin Tài chính kinh doanh phát trên VTV1 lúc 12h (6/7) có tin “Chốt giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu”, Tuổi trẻ (7/7) có bài “Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'chốt' giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu về mức sàn”“Chủ tịch Quốc hội nhắc thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng, dầu”, Chinhphu.vn, Quân đội nhân dân, Sức khỏe & đời sống, Thanh niên, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Nhân dân, Công an nhân dân, Lao Động (6, 7/7) có bài ““Chốt” giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ 11.7” cho biết: Sáng 6/7, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ đây là mức giảm “kịch khung” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội. Về thời điểm có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất nhanh nhất đến ngày 22-7-2022 để kịp ban hành nghị định hướng dẫn và triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11-7-2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo (vào ngày 15-7-2022).

Vì vậy, Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước theo thẩm quyền, trong đó đặc biệt là các biện pháp điều chỉnh về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mà cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách nêu rõ một số ý kiến cho rằng, với tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của nhiều quốc gia trên thế giới thì việc đề xuất giảm thuế là không thực sự thuyết phục.

Bởi nếu thuế chỉ chiếm tỉ trọng thấp trong giá bán thì việc giảm thuế có thể không thực sự tác động lớn đến việc giảm giá bán xăng dầu, không đạt được mục tiêu đặt ra trong điều chỉnh chính sách thuế, song lại ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ hơn về nội dung này.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về dự thảo nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), trong đó dự kiến giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ mức 20% xuống 12%.

Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN này sẽ là một hỗ trợ tích cực, góp phần làm giảm giá xăng trên thị trường trong nước bên cạnh các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định để ban hành và kịp thời đưa vào áp dụng trước khi tiếp tục trình Quốc hội các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như dự kiến.

3. Báo Tiền phong (7/7) có bài “Khắc khoải chờ” cho biết: Giá xăng dầu liên tiếp tăng, xô đổ mọi kỷ lục khiến doanh nghệp và người dân rơi vào cảnh “trăm dâu đổ đầu tằm”. Để gượng dậy sau Covid-19, người dân, doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi giá dầu thế giới giảm, giải pháp hạ nhiệt giá xăng dầu từ cơ quan chức năng. Sau khi thuế BVMT cấu thành trong giá xăng giảm, doanh nghiệp mong ngóng kết quả của việc Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng với xăng dầu. Nếu có thể giảm 2 loại thuế này, giá xăng dầu sẽ giảm và đó như giải pháp góp phần tiếp sức cho cộng đồng DN phần nào bớt khó khăn. Đặc biệt, ngoài hỗ trợ DN, giải pháp này có thể giúp giúp người tiêu dùng, nhất là công nhân nghèo, người thu nhập thấp bớt gánh nặng “cơm áo”.

4. Báo Thanh niên (7/7) có tin “Bộ GTVT đề xuất giảm nhiều loại thuế, phí”; Pháp luật Việt Nam (7/7) có tin “Kiến nghị giảm phí, lệ phí lĩnh vực giao thông vận tải”; Người lao động (7/7) có tin “Kiến nghị giảm 10%-30% phí sử dụng đường bộ” cho biết: Ngày 6/7, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh nhiều loại phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn do chi phí xăng, dầu tăng cao. Bộ GTVT kiến nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa; thời gian đến hết năm 2022.

Lĩnh vực hàng hải, kiến nghị giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa; thời gian giảm từ tháng 8-12/2022.

Lĩnh vực hàng không, giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay. Giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay; thời gian hết 2022…

5. Báo Thanh niên (7/7) có tin “2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp thuế”; Người lao động (7/7) có tin “Hướng xử lý 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền” cho biết: Ngày 6/7 là hạn cuối cùng 2 doanh nghiệp trúng đấu giá khu đất tại Thủ Thiêm sẽ phải hoàn tất thủ tục đóng thuế vào NSNN, ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, đến 18h cùng ngày, 2 doanh nghiệp gồm công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp thuế.

Trường hợp hết ngày 6/7, 2 doanh nghiệp này không nộp số tiền 8.000 tỷ đồng cùng tiền chậm nộp hơn 200 tỷ đồng, coi như hợp đồng trúng thầu 2 lô đất bị hủy và doanh nghiệp mất cọc 319,2 tỷ đồng.

6. Công an nhân dân (7/7) có tin “Cơ quan thuế ứng trực 24/7 để giải quyết hóa đơn điện tử” cho biết: Bộ Tài chính cho biết đến ngày 30/6, trên cả nước có 851.372 tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh, đạt 100% tổng số tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh đang sử dụng hóa đơn có nhu cầu đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Để đáp ứng nhu cầu công việc, cơ quan thuế sẽ ứng trực 24/7 để xử lý những sự cố phát sinh trong quá trình triển khai hóa đơn điện tử, đồng thời ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào phân tích, đối soát dữ liệu hóa đơn điện tử, quản lý, phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế…

7. Hà Nội mới (7/7) có tin “Cục Thuế Hà Nội công khai 593 đơn vị nợ thuế” thông tin: Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công khai lần đầu 593 tổ chức, cá nhân nợ thuế, với tổng số nợ hơn 138 tỷ đồng. Cụ thể, tính tới ngày 30-4-2022, có 522 tổ chức, cá nhân nợ thuế, phí công khai lần đầu, với số tiền 115,621 tỷ đồng; 7 tổ chức, cá nhân nợ nghĩa vụ liên quan đến đất công khai lần đầu với số tiền 19,645 tỷ đồng; 64 người nộp thuế nợ khó thu công khai lần đầu với số tiền hơn 3 tỷ đồng.

III. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Tiền phong (7/7) có bài “Chứng khoán phải minh bạch, xử nghiêm sai phạm” cho biết: Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, TTCK Việt Nam đã trải qua một giai đoạn phát triển nhanh và đi kèm với đó là các hành vi vi phạm trên thị trường cũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện hơn. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu ngành chứng khoán cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát TTCK, trong đó, cần nêu rõ thông điệp là xử lý các sai phạm một cách nghiêm minh. “UBCKN và các Sở giao dịch chứng khoán cần phối hợp xây dựng hệ thống, quy trình giám sát thật chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả, vừa đảm bảo tốt cho công tác quản lý thị trường, vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

IV. Vấn đề về quản lý công sản

9. Báo Tiền phong (7/7) có bài “Sử dụng tài sản, nhà đất công ở Hà Nội: Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng” cho biết: HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ, nhiều đơn vị thuê nhà của thành phố nhưng chưa ký hợp đồng thuê nhà theo quy định. Có những đơn vị không ký hợp đồng và không trả tiền thuê nhà. Nhiều địa điểm nhà chuyên dùng đã hết thời hạn hợp đồng thuê nhà, đất đến nay chưa được đơn vị quản lý nhà ký lại, gia hạn thuê. Nhiều địa điểm, nhiều diện tích sử dụng không đúng quy định.

Các địa điểm nhà chuyên dùng, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị bỏ trống trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng, nguy hiểm. Điều này cho thấy việc điều tiết, trách nhiệm quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và việc khai thác, kinh doanh của Cty Quản lý nhà chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Đáng chú ý, số nợ tiền thuê nhà phải thu về ngân sách nhà nước lớn và có chiều hướng tăng nhanh. Nhiều địa điểm, diện tích không thu được tiền cho thuê nhà, đất. HĐND thành phố Hà Nội dẫn báo cáo của Sở Xây dựng cho biết, đối với quỹ nhà chuyên dùng, số nợ phải thu đến thời điểm hiện tại là hơn 415 tỷ đồng. Với diện tích kinh doanh tầng 1 toà chung cư tái định cư, số nợ còn phải thu là hơn 70 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi hơn 39 tỷ đồng…

V. Vấn đề về quản lý giá

10. Báo Lao động (7/7) có bài “Xăng dầu, giá cả tăng mạnh nhưng CPI chỉ tăng 2,44%: Tại sao?” cho biết: Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12.2022 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức tăng của giá xăng dầu trong nửa đầu năm 2022, tác động đến việc tăng giá tiêu dùng thì mức tăng CPI phải cao hơn. Việc này lý giải ra sao?

PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính phân tích: “CPI bình quân 6 tháng dầu năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu như giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, giá gas tăng 25,92%, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5%, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào… cùng nhiều nhóm hàng tăng giá khác”.

Như vậy với mức tăng gần 52%, xăng dầu là mặt hàng tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm. Thế nhưng tác động của mức tăng này vào chỉ số CPI thấp. Lý do quyền số (tỉ trọng của mặt hàng đó trong tổng chi tiêu) của xăng dầu được xếp vào nhóm hàng hóa và dịch vụ khác trong rổ hàng hóa với tỉ trọng chỉ là 3,53%. Nói cách khác, dù xăng dầu có tăng 52% thì chỉ đóng góp 1,83 điểm % trong CPI.

Hiện nay, để tính quyền số phục vụ tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2020-2025, Tổng cục Thống kê đã thực hiện thu thập thông tin tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng từ cuộc “khảo sát mức sống dân cư và điều tra quyền số chỉ số giá tiêu dùng năm 2018” tại 63 địa phương trong 4 kỳ điều tra nhằm loại trừ yếu tố mùa vụ.

Đáng chú ý quyền số của tất cả các nhóm hàng hóa đều thay đổi. Theo đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là 33,56% (giảm 2,56%) là mức giảm mạnh nhất và thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi nhóm nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng lại tăng ở mức 18,82% (tăng 3,09% so với giai đoạn trước). Nhóm hàng hóa dịch vụ khác (trong đó có xăng dầu) chỉ tăng 0,23%.

Nếu đối chiếu về sự tăng rất mạnh từ xăng dầu và mặt hàng thiết yếu trong 6 tháng đầu năm 2022 để đối chiếu với chỉ số CPI thì rõ ràng là một khoảng chênh lệch lớn. Nhưng, như đã nói ở trên quyền số hay tỉ trọng của xăng dầu và dịch vụ khác chỉ chiếm có 3,35% nên khi quy ra CPI cho thấy tác động không nhiều.

Chỉ số giá tiêu dùng là một trong những số liệu được các nhà kinh tế, giới phân tích, nhà đầu tư và người lao động quan tâm nhiều nhất. Trong đó, chỉ số CPI được lấy làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế TNCN, giảm trừ gia cảnh. CPI cũng là cơ sở để cơ quan chức năng tính toán nâng lương cơ sở, nâng lương tối thiểu vùng. Bởi vậy, nếu cách tính CPI không chính xác hoặc không sát với thực tế mức tăng của giá cả thị trường thì việc ban hành các chính sách (dùng CPI làm cơ sở) sẽ không hiệu quả thực tế.

11. Báo Quân đội nhân dân (7/7) có bài “Hóa giải áp lực lạm phát” phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về lạm phát. Theo bà Hương, lạm phát đang được kiểm soát, tuy nhiên, nếu không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng, dầu tăng cao sẽ gây hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác. Để ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát ở mức cho phép, cần nâng cao khả năng tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước. Rà soát, đánh giá lại năng lực sản xuất của các nhà máy lọc dầu. Ngoài ra, cần xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí xăng, dầu phù hợp với thực tế sử dụng sản phẩm này ở Việt Nam. Hiện nay, xăng dầu đang phải chịu 4 loại thuế: nhập khẩu, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt. Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện giảm thuế. Như vậy, cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng, dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn….

VI. Vấn đề về thanh tra

12. Công an nhân dân (7/7) có tin “Kiến nghị xử lý tài chính trên 21.192 tỷ đồng”, Hà Nội mới (7/7) có tin “Thanh tra ngành Tài chính kiến nghị xử lý hơn 21.192 tỷ đồng” cho biết: Trong 6 tháng năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng thuộc Bộ đã thực hiện 28.350 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 438.563 hồ sơ khai thuế; kiến nghị xử lý tài chính hơn 21.192 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp là 4.124,4 tỷ đồng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00