Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/7/2022

Điểm báo ngày 08/7/2022

I. Vấn đề nổi bật

1. Chiều ngày 7/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Nhiều báo đài ngày 7-8/7 đưa tin về nội dung này như: Truyền hình VTV; Truyền hình VTC; Truyền hình Quốc hội; Cổng TTĐT Chính phủ; Nhân dân; Quân đội nhân dân; Lao động; Tiền phong; Vietnamplus; Kinh tế & Đô thị; Vietnamnet; Dân Việt; Pháp luật TPHCM; VOV; Tin tức; Ban Tin trong nước - TTXVN; VnExpress; VnEconomy; Zingnews và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố ngày 7/7, thu ngân sách Nhà nước trong sáu tháng của năm ước đạt 941 nghìn tỷ đồng, gần bằng 67% dự toán. Trong số đó, thu nội địa đạt 64%, thu từ dầu thô đạt 126%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 79% dự toán. Theo phân cấp, thu ngân sách trung ương đạt 66% và thu ngân sách địa phương xấp xỉ 67% dự toán. Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá: Trong năm 2021 dịch bệnh diễn ra rất phức tạp nhưng nhiệm vụ thu ngân sách vẫn được hoàn thành, vượt 64% so với dự toán và đạt kết quả rất tốt so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục phát huy kết quả của năm 2021 với mức tăng trưởng 6,42%, thu ngân sách đã đạt hơn 66%, tăng trưởng xuất khẩu trên 17%, xuất siêu gần 1 tỷ USD... Đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Bộ trưởng cho biết, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong gói kích cầu và các chính sách miễn, giảm, giãn thuế khác ước khoảng 64 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay tất cả các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đã tăng lên trên 88 nghìn tỷ đồng. Ngày 6/7, Thường vụ Quốc hội quyết định giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và như vậy sẽ giảm thêm 7 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đang trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, các chính sách này nếu được thông qua ước sẽ giảm thêm 35 nghìn tỷ đồng. Như vậy tổng mức giảm có thể lên tới 126 nghìn tỷ đồng. “Đây là mức giảm thuế lớn nhất từ trước đến nay”, Bộ trưởng Tài chính nói. Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm thuế, làm thế nào để cân đối được tài khóa, đảm bảo chi và thu ngân sách - đó là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành Tài chính.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, chưa bao giờ chỉ trong 6 tháng đầu năm ngành tài chính triển khai nhiều chính sách tài khóa đến vậy. Bộ Tài chính đã vào cuộc rất chủ động, tích cực, dành nhiều thời gian để nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng lưu ý, mặc dù các kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2022 là rất tích cực, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài, đòi hòi chúng ta phải tập trung theo dõi, đánh giá, để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Mục tiêu nhất quán là phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, không để xảy ra những cú sốc cho nền kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được chủ quan với những kết quả đạt được, mà tất cả các cấp, các ngành, trong đó có ngành tài chính, các bộ ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời ứng phó với những diễn biến rất nhanh chóng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra như: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 trên 6,5%, kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sắp tới…

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng cường phân tích, dự báo các kịch bản tăng trưởng, từ đó đưa ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao.

II. Vấn đề về thuế

2. Thanh niên (8/7) có bài “Tiếp tục giảm thuế cho xăng dầu”, Báo Đại đoàn kết (8/7) có bài “Giảm kịch khung” cho biết: Theo kết quả tại cuộc họp bất thường ngày 6.7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu như đề nghị của Chính phủ và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 11.7 (kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới). Như vậy, đề xuất giảm các loại thế như tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT) đánh vào mặt hàng xăng dầu không được đưa vào trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết lần này.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, chia sẻ giảm thuế là tín hiệu đáng mừng, mang tính khích lệ rất lớn, cho thấy nhà nước đã quan tâm đến khó khăn chung của doanh nghiệp (DN) vận tải cũng như tất cả ngành nghề. Xăng dầu giảm được chừng nào, DN đỡ khổ chừng ấy. Tuy nhiên, để mức giảm 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu có thể đủ tác động kéo giảm giá cước vận tải thì chắc chắn không thể.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc giảm các loại thuế đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay rất quan trọng và cần thiết. Thuế BVMT đã hạ kịch khung, hy vọng những sắc thuế còn lại cũng sẽ được cơ quan chức năng sớm tính toán theo hướng giảm kịch khung.

3. Báo Sài Gòn giải phóng (8/7) có bài “Vụ Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nợ gần 850 tỷ đồng: Có nguy cơ bán sân vận động Mỹ Đình để trả nợ” cho biết: Tới thời điểm này, Cục Thuế TP Hà Nội công bố Khu liên hợp nợ gần 850 tỷ đồng (có thể còn tăng). Đến ngày 29/6, Khu liên hợp đã nộp vào NSNN 47 tỷ đồng. Cơ quan thuế TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy trình, quy định trong quản lý nợ và cưỡng chế thuế…. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thu hồi khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, giải pháp mà Cục Thuế TP áp dụng có hiệu quả?

Dưới góc nhìn của luật sư, luật sư Diệp Năng Bình (đoàn Luật sư TP HCM), chuyện bán đấu giá sân Mỹ Đình khó nhưng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, sân vận động quốc gia là bộ mặt quốc gia, do đó, có lẽ ngành thuế cũng xin ý kiến của Quốc hội trước vấn đề này.

Còn luật sư Lê Hằng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra sai phạm trong hoạt động quản lý, gây thất thoát cho nhà nước và việc này cần thực hiện sớm. Nếu có dấu hiệu hình sự cần truy cứu trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân có sai phạm để xử lý, tránh nhờn luật…

III. Vấn đề hải quan

4. Báo điện tử VnExpress (7/7) có bài “Trùm buôn lậu 200 triệu lít xăng mua chuộc hải quan thế nào?” thông tin: Ngày 7/7, hành vi của ông Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, quê Vĩnh Long) và Trần Ngọc Thanh được VKSND tỉnh Đồng Nai nêu trong cáo trạng vừa hoàn tất. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã đình chỉ điều tra đối với các bị can về hành vi Đưa hối lộ do chủ động khai báo trước khi bị phát giác.

Là người có vai trò cầm đầu đường dây, Hữu, Tứ cùng Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 70 người khác bị truy tố về tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự - khung hình phạt 12 đến 20 năm tù.

Liên quan đến vụ án, ông Ngô Văn Thụy (58 tuổi, cựu cán bộ Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị truy tố tội Nhận hối lộ theo khoản 3 Điều 354 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 15-20 năm tù. Bài báo thông tin khi biết đường dây buôn lậu xăng của mình bị phát hiện, ông Phan Thanh Hữu bàn với đồng phạm nhiều lần đến nhà cán bộ hải quan Ngô Văn Thụy đưa tiền để được bỏ qua.

IV. Vấn đề về chứng khoán

5. Báo Pháp luật Việt Nam (8/7) có tin “Đẩy mạnh giám sát thị trường chứng khoán”; Đại đoàn kết (8/7) có tin “Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường chứng khoán” cho biết: Những tháng cuối năm 2022, UBCKNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, công khai, minh bạch, tập trung giám sát với hoạt động huy động vốn và việc sử dụng vốn huy động đúng mục đích, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính,… thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh giám sát thị trường chứng khoán, kịp thời phát hiện các hành vi giao dịch có dấu hiệu bất thường. Báo điện tử VnExpress (7/7) có bài “Tiền vào chứng khoán xuống thấp nhất 20 tháng” cho biết: Tiền đổ vào chứng khoán xuống mức thấp nhất 20 tháng bất chấp chỉ số được cải thiện đáng kể. VN-Index giằng co mạnh, nhiều lần đảo chiều từ giảm thành tăng trong phiên và đóng cửa tại 1.166,48 điểm tính đến ngày 7/7/2022. Số lượng cổ phiếu tăng gần 250 mã, trong khi cổ phiếu giảm chỉ khoảng 180 mã.

Theo nhận định của chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán (từ T+2 thay vì đợi đến T+3 như hiện nay) cho thấy nỗ lực cải thiện thanh khoản của các cơ quan điều hành. Tuy nhiên, VDSC cho rằng trong ngắn hạn khó có thể đánh giá được hiệu quả của dự thảo này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh và tâm lý nhà đầu tư cá nhân còn nhiều e ngại.

6. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Số 27-2022) có bài “Mạn đàm về câu hỏi gần một thập kỷ: “Khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng?” cho biết: Như mọi năm, Việt Nam lại vắng bóng trong bảng xếp hạng thị trường mới nổi, tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên cùng với những nước như Sri Lanka, Bangladesk và Pakistan ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thế rồi truyền thông lại đặt ra câu hỏi khi nào thị trường Việt Nam được nâng hạng? Một số chuyên gia dự đoán sớm nhất là năm 2025. Bộ Tài  chính thì cho biết nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn của thị trường trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” và dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ được nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Không biết vô tình hay cố ý, chuyên gia về phía Bộ Tài chính đều đưa ra con số 2025. Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, đã mấy lần các chuyên gia và phía cơ quan quản lý đưa ra các cột mốc dự đoán và mục tiêu. Tất nhiên tất cả đều không thành hiện thực.

V. Vấn đề về giá

7. Báo Đại đoàn kết (8/7) có bài “Giá hàng hóa vẫn rập rình tăng”; Sài Gòn giải phóng (8/7) có tin “Ứng phó với biến động giá hàng hóa” cho biết: Theo nhận định của giới chuyên gia, nửa cuối năm 2022, nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát như căng thẳng chính trị tại một số khu vực, rủi ro lạm phát tăng cao… Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá, nhiều chuyên gia cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả, theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng để đẩy mạnh tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, để bình ổn giá những tháng cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt, cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

VI. Vấn đề về quản lý công sản

8. Thanh niên (8/7) có bài “Nhiều vi phạm trong quản lý nhà, đất công của Hà Nội”, Báo Tiền phong (8/7) có bài “Quản lý tài sản công tại Hà Nội: Nguy cơ lãng phí cả nghìn tỷ đồng” cho biết: Hàng loạt sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dụng, chậm thu tiền cho thuê nhà, đất công... là các vấn đề nóng được đại biểu HĐND TP.Hà Nội nêu tại phiên chất vấn hôm qua 7.7.

Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP đã ban hành các quyết định quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu. Liên quan gia hạn hợp đồng, vướng mắc khi luật Quản lý tài sản công ra đời, quy định phải tổ chức đấu giá cho thuê dẫn đến có vướng mắc về đấu giá. Các đơn vị thuê nhà nhiều năm phải tìm được nơi mới để chuyển đi. UBND TP đã tổng hợp vướng mắc, báo cáo Chính phủ.

VII. Vấn đề về tài chính ngân hàng

9. Báo Tiền phong (8/7) có tin “Nhiều tỉnh “cam kết” không sử dụng trẻ em quay số” cho biết: Nhiều địa phương đồng tình việc không để trẻ em quay số trúng thưởng và đã có các phương án thay đổi hình thức xổ số kiến thiết sau loạt bài phản ánh của Tiền phong. Một số tỉnh vẫn áp dụng quay số truyền thống nhưng người trên 18 tuổi sẽ thực hiện quay số. Một số công ty Xổ số kiến thiết cũng đã đề xuất với tỉnh triển khai mua máy quay số trúng thưởng tự động…

VIII. Vấn đề về DN có vốn Nhà nước

10. Báo điện tử Vietnamnet (7/7) có bài “Hàng nghìn tỷ vốn Nhà nước ở DN, làm sai kiểm toán cũng khó vào” thông tin: Phát biểu tại hội thảo Kiểm toán đối với DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ ngày 6/7, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, chỉ ra rằng, thực tế hoạt động của các DNNN dưới 50% vốn cho thấy DN không thuộc loại nào cả, không thuộc DNNN, không thuộc tư nhân, nó tốt hay xấu cũng không biết,... Tuy nhiên, vẫn phải kiểm toán vì nhiệm vụ của KTNN là kiểm toán toàn bộ hoạt động của DNNN do đều liên quan đến tài chính công và tài sản công. Nhưng khi KTNN triển khai kiểm toán các DN vốn Nhà nước dưới 50% đã cho thấy những hạn chế, tồn tại mà cơ quan này gặp phải.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI cho hay, do chưa được Luật hóa, cơ sở pháp lý còn yếu nên khi kiểm toán, mới thực hiện chủ yếu với Công ty mẹ. Các thành phần kinh tế cổ đông nhà nước lấy đó làm lý do để không hợp tác, hoặc hạn chế hợp tác. Bà dẫn chứng, trước đây KTNN có kế hoạch kiểm toán Vinamilk, vốn Nhà nước dưới 30%, khi có công văn yêu cầu kiểm toán họ có văn bản từ chối bởi thiếu những quy định cụ thể.

IX. Vấn đề khác

11. Báo điện tử Vietnamnet (7/7) có bài “Thanh tra Chính phủ “soi” Quỹ Bình ổn, quản lý giá xăng dầu””, Báo điện tử VnExpress (7/7) có bài “Thanh tra việc quản lý, điều hành giá xăng dầu”, Người lao động (8/7) có bài “Thanh tra Chính phủ đề nghị báo cáo về xăng dầu”, tienphong.vn (7/7) có bài “Thanh tra Chính phủ yêu cầu báo cáo về Quỹ bình ổn, cấp phép kinh doanh xăng dầu”, laodong.vn (7/7) có bài “Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo loạt vấn đề nóng liên quan đến xăng dầu”. Các báo cho biết: Thanh tra Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các thương nhân đầu mối xăng dầu về việc cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo về công tác lập và công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; quy hoạch phát triển hệ thống kho cảng xăng dầu đầu mối, kho xăng dầu dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước: các quy hoạch đã được phê duyệt, việc công khai, kết quả thực hiện quy hoạch, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân...

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng muốn nắm các thông tin về quỹ bình ổn giá xăng dầu (quy trình trích, sử dụng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân); việc niêm yết công khai, công tác kiểm tra, kiểm soát giá xăng dầu…

12. Báo điện tử Vietnamnet (7/7) có bài “Đề nghị dùng ngân sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân “bám biển”, Thanh niên (8/7) có bài “Chi ngân sách bù giá xăng dầu cho ngư dân”, Báo Sài Gòn giải phóng (8/7) có tin “Bộ Công thương đề xuất bù giá xăng dầu bằng ngân sách” thông tin: Trước thực trạng hơn 50% tàu đánh cá buộc phải nằm bờ vì không “gồng” nổi chi phí dầu tăng như vũ bão, mới đây, Bộ Công thương đã có đề xuất dùng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp giá xăng dầu cho ngư dân, giúp họ khôi phục sản xuất, bám biển.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00