Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/7/2022

Điểm báo ngày 15/7/2022

I. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

1. Báo Tuổi trẻ (15/7) có bài “'Xốc' lại thị trường bất động sản”; Thanh niên (15/7) có bài “Không siết tín dụng bất hợp lý”; Thanh niên (14/7) có bài “Bộ Tài chính: Thanh tra trọng tâm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu”; Sài Gòn giải phóng (15/7) có bài “Phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”; Tiền phong (15/7) có bài “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không siết tín dụng BĐS bất hợp lý”; Tiền phong (14/7) có bài “Bộ Tài chính đưa ra giải pháp gì để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu?”; Chinhphu.vn (14/7) có bài “Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp hỗ trợ thị trường BĐS”; Công an nhân dân (15/7) có bài “Tháo gỡ các “điểm nghẽn” để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và nhiều báo khác đưa tin về Hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS).

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp BĐS đã lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Hiện nay dư nợ trái phiếu doanh nghiệp BĐS mới tương đương khoảng 18,6% so với dư nợ tín dụng BĐS của các ngân hàng thương mại, rủi ro có sự liên thông tác động qua lại giữa các thị trường cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Để vừa phát triển thị trường TPDN, vừa khuyến khích các DN BĐS huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các DN phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện Dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153/2020. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS trên TTCK, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS; các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ; các doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo.

II. Vấn đề về quản lý thuế

2. Thời báo Ngân hàng (15/7) có tin “Thu từ thuế thu nhập cá nhân đạt 88.084 tỷ đồng” cho biết: Theo thông tin từ Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và cá nhân (Tổng cục Thuế), trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thuế thu thuế thu nhập cá nhân đạt 88.084 tỷ đồng, tương đương 74,5% dự toán, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.

3. Báo Lao động (15/7) có bài “Vẫn canh cánh nỗi lo giá nhiên liệu” thông tin: Nhiều chuyên gia nhận định, nhà điều hành cần phải có kịch bản ứng phó với những biến động tiêu cực của giá dầu thế giới. Trong đó, lý tưởng nhất là khi giá dầu thế giới giảm thì phải nhanh chóng có phương án giảm thuế TTĐB và thuế NK. Không ít DN, người dân cũng đang trông chờ sự bình ổn giá cả trên thị trường để họ an tâm hoạt động, sản xuất.

Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết, giá xăng giảm với các động thái điều hành giảm thuế của Chính phủ là hết sức phấn khởi, bởi sẽ giúp DN nói chung và ngành vận tải nói riêng giảm chi phí sản xuất, vận hành. Tuy vậy, diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn khó dự đoán. Trong khi đó, ở trong nước, dư địa giảm giá vẫn còn. Chính phủ, các bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường bình ổn, chi phí giảm, DN tăng sức cạnh tranh.

III. Vấn đề về ngân sách nhà nước

4. Báo Pháp luật Việt Nam (15/7) có tin“Đề xuất bố trí ngân sách hỗ trợ cho ngư dân” cho biết: Bộ Công Thương vừa có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.

Bộ Công Thương đề nghị, dùng tiền từ NSNN bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022 (đối với loại xăng dầu ngư dân sử dụng) để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân khôi phục trở lại hoạt động vươn khơi, bám biển. Bộ Công thương cho rằng, dùng biện pháp này sẽ khuyến khích việc khôi phục hoạt động của các tàu đánh bắt thủy, hải sản hơn so với việc hỗ trợ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá đang ngừng hoạt động như đề xuất của Bộ NN&PTNT. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách đến hết năm 2022.

IV. Vấn đề về chứng khoán

5. Thời báo Ngân hàng (15/7) có tin “Nhà đầu tư chứng khoán sẽ được mua bán cổ phiếu sớm hơn 1 ngày” cho biết: Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa có văn bản gửi các thành viên lưu ký về việc chuẩn bị hệ thống để triển khai áp dụng việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán chứng khoán có chu kỳ thanh toán T+2. Theo nội dung dự thảo Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán VSD đang trình UBCKNN xem xét, phê duyệt, thời gian đề xuất bắt đầu áp dụng từ thứ 2 ngày 29/8/2022.

V. Vấn đề về vốn ODA

6. Báo Sài Gòn giải phóng (15/7) có bài “Chữa căn bệnh chậm giải ngân vốn ODA” cho biết: Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch được giao. Đây là kết quả khá khiêm tốn sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng giải ngân chậm kéo dài dai dẳng, nhưng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Bởi, cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau nhưng có Bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao nhưng lại có nơi giải ngân thấp, thậm chí có địa phương chưa giải ngân được đồng nào.

Để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án; kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai và giải ngân; điều chuyển kế hoạch vốn giữa dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với dự án không có khả năng hoàn thành theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn. Theo các chuyên gia, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai hiệu quả giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân, đặc biệt với các dự án kết thúc; điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay; kiểm soát chi, giải ngân, xử lý đơn rút vốn của nhà tài trợ…

VI. Vấn đề về bảo hiểm

7. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (14/7) có bài “Luật kinh doanh bảo hiểm: Không gian nào dành cho Insurtech?” cho biết: Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 vừa được Quốc hội thông qua đã dành không gian riêng cho việc chuyển đổi số của ngành bảo hiểm, trong đó có Insurtech (công nghệ bảo hiểm). Theo đó, Luật này dành hai điều quy định nguyên tắc của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (điều 12,13). Hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng cũng được quy định tại điều 14 của luật. Đồng thời, lần đầu tiên vấn đề cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được luật hóa làm tiền đề xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ cho Insurtech tại điều 11.

Tác giả cho rằng, việc luật hóa các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bảo hiểm là một sự cải cách đáng ghi nhận, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn của thị tường. Tuy vậy, chỉ với bốn điều luật thì chưa đủ để kiến tạo nên không gian phát triển dành cho Insurtech.

VII. Vấn đề khác

8. Thời báo Ngân hàng (15/7) có bài “Hướng tới kỷ niệm 75 ngày thương binh liệt sỹ: Dấu ấn Ban Tài mậu khu 5” đã điểm lại quá trình ra đời và những dấu ấn trong hoạt động của Ban Tài mậu Khu 5, góp phần bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng hóa do Trung ương chi viện cho Khu 5. Trong điều kiện cam go, Ban Tài mậu tổ chức mạng lưới hậu cần, xây dựng và mở rộng mạng lưới mậu dịch, khai thông nguồn hàng từ vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm; mở các cửa khẩu, tổ chức các chợ ở vùng nông thôn mới giải phón để thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ kháng chiến…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00