Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 18/7/2022

Điểm báo ngày 18/7/2022

I. Vấn đề về kinh tế vĩ mô

1. Báo Nhân dân (17/7) có bài “Đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô” cho biết: Áp lực lạm phát trong sáu tháng cuối năm 2022 với nền kinh tế Việt Nam rất lớn, đòi hỏi các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ và điều hành giá cả, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 thì việc xây dựng kịch bản ứng phó với những biến động trên thị trường tài chính rất quan trọng. Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát…

Hiện tại, nhiều nước đang phải đối diện với lạm phát lên tới 200-300%, và với nền kinh tế có độ mở khá lớn như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc. Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), trong vài năm gần đây, lãi suất tín dụng hạ thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển vào bất động sản ở nhiều địa phương, mặc dù thanh khoản thấp. Đồng thời, sau các quyết định kiểm tra chặt chẽ hoạt động của thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán có nhiều biến động và chỉ số chứng khoán sụt giảm 21% cũng tạo sự lo lắng. Cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống xấu có thể ảnh hưởng đến thị trường.

2. Báo Pháp luật Việt Nam (18/7) có bài “Kiềm chế lạm phát: Quan trọng nhất là bình ổn giá xăng dầu”; Báo Đại đoàn kết (18/7) có bài “Tìm cách hóa giải áp lực lạm phát” cho biết: Giá xăng dầu thế giới tăng cao làm giá mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng tới 1,87 điểm phần trăm. Theo các chuyên gia, để kiềm chế lạm phát, quan trọng nhất là bình ổn giá xăng dầu.

Dẫn dự báo của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, TS Cấn Văn Lực cho rằng, đỉnh của giá dầu là 115 USD/thùng. Nếu tính bình quân giá dầu của năm nay sẽ là 104 USD/thùng (tăng 46,5%), còn khoảng cách xa so với dự toán ban đầu của NSNN là  60 USD/thùng. Một số ý kiến cho rằng, lấy một phần ngân sách phụ trội để bù giá xăng dầu nhưng ông Lực cho rằng cần bàn thêm. Bây giờ chống lạm phát là phải bình ổn giá xăng dầu tốt nhất có thể. Một số chuyên gia cũng cho rằng, vừa qua, thuế BVMT đã được giảm nhưng Chính phủ cần chủ động xem xét, đề xuất cắt giảm các loại thuế khác để giảm giá xăng dầu.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương), Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát, sử dụng các công cụ thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá xăng dầu, trong đó không loại trừ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này trong bối cảnh thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35% cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu – tức là người tiêu dùng hiện phải trả gần 12.000 đồng tiền thuế, phí với mỗi lít xăng dầu.

Liên quan đến vấn đề thuế đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10, Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

II. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

3. Báo Quân đội nhân dân online (16/7) có bài “Cần sớm “gỡ khó” cho máy mượn, máy đặt tại các bệnh viện công” cho biết: Không chấp nhận việc các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn hoặc đặt trang thiết bị để cơ sở y tế công sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh (KCB) là quan điểm của Bộ Tài chính. Lý do bộ này đưa ra là: Pháp luật hiện hành về quản lý và sử dụng tài sản công không có quy định cho phép các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập được mượn tài sản để sử dụng, đặc biệt là đơn vị cung cấp dịch vụ công. Mặt khác, nếu các cơ sở KCB mượn hoặc cho các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy thì sẽ bị phụ thuộc vào đơn vị cho mượn, đặt máy. Bộ Tài chính đề nghị những máy đặt, máy mượn này phải chuyển sang hình thức mua hoặc cho bệnh viện thuê để phù hợp với quy định về quản lý và sử dụng tài sản công.

Vấn đề trên đang làm nóng dư luận, khiến không chỉ các bệnh viện công mà tất cả người bệnh đều lo lắng. Thực tế, hầu hết các bệnh viện đều mượn hoặc cho các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất đặt máy xét nghiệm từ nhiều năm qua theo chủ trương xã hội hóa y tế.

Nay, Bộ Tài chính đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam không thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với những dịch vụ, xét nghiệm thực hiện trên máy đặt, máy mượn thì quyền lợi của hàng triệu người bệnh sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Không những thế, các bệnh viện công sẽ không có đủ máy xét nghiệm phục vụ việc KCB. Nhiều lãnh đạo bệnh viện khẳng định, kể cả vài năm sau các bệnh viện công cũng khó có đủ máy xét nghiệm, vì chi phí để mua những loại máy này rất đắt (mỗi chiếc từ hàng trăm triệu đến vài chục tỷ đồng, tùy loại) trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, thủ tục mua bán máy lại vô cùng phức tạp, mất rất nhiều thời gian.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Hiện bệnh viện tuyến cuối ở phía Nam này đang sử dụng 80% hệ thống máy xét nghiệm là máy mượn, máy đặt của các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất. Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng nhiều bệnh viện khác và UBND một số tỉnh, thành phố đã phải gửi công văn khẩn tới Bộ Y tế và BHXH Việt Nam để kiến nghị xem xét lại quy định không cho thanh toán BHYT đối với những dịch vụ KCB sử dụng máy đặt, máy mượn.

Vấn đề khiến rất nhiều ý kiến phản biện nữa là: Nếu Nhà nước mua các loại máy xét nghiệm cho các bệnh viện công thì cũng không dùng được bao lâu, bởi những máy này nhanh lỗi thời, lạc hậu. Thực tế hầu hết những máy mà các bệnh viện công được đầu tư từ vài năm trước hiện đang phải “đắp chiếu”…

Bài báo cho rằng, nếu pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép các cơ sở y tế công lập được mượn tài sản để sử dụng phục vụ KCB thì cần phải nghiên cứu để chỉnh sửa, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Nhiều chuyên gia y tế hiến kế, để khắc phục bất hợp lý “bệnh viện công lập không được dùng máy đặt, máy mượn của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất”; đồng thời tránh những tiêu cực có thể phát sinh từ việc này, các cơ quan chức năng chỉ cần ban hành quy định: Cơ sở y tế tổ chức đấu thầu rộng rãi vật tư xét nghiệm (gồm cả hóa chất và máy kèm theo) trong thời hạn 5 năm (đủ thời gian khấu hao máy).

III. Vấn đề về quản lý giá

4. Tuổi trẻ (15/7) có tin “Vi phạm tại Đảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính gây hậu quả rất nghiêm trọng”; Vietnamnet (15/7) có tin “Ba lãnh đạo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính vi phạm đến mức phải kỷ luật”; Express (15/7) có tin “Cục trưởng Quản lý giá vi phạm 'gây hậu quả rất nghiêm trọng”; Zingnews có tin “Nhiều cán bộ ở Bộ Tài chính dính sai phạm thẩm định giá kit xét nghiệm”; Pháp luật TPHCM (15/7) có tin “Vi phạm ‘rất nghiêm trọng’ về giá kit test COVID-19 tại Bộ Tài chính”; VnEconomy có tin “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hàng loạt cán bộ trong đó có Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)”; Đại đoàn kết có tin “Hiệp thương giá kit xét nghiệm Covid-19: Có trách nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính”; Đảng cộng sản có tin “Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nhiều cán bộ”; Tiền phong có tin “Vi phạm hiệp thương giá kit xét nghiệm Covid-19: Hậu quả “rất nghiêm trọng”, thiệt hại rất lớn” và nhiều bài báo khác cho biết: Trong hai ngày 13 và 14-7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 17. Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Đảng ủy Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để Cục Quản lý giá và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương đối với mặt hàng kit xét nghiệm COVID-19, trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, công tác thẩm định và bình ổn giá.

Trách nhiệm đối với những vi phạm nêu trên thuộc về các ông: Nguyễn Anh Tuấn, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, bí thư Đảng ủy, cục trưởng; Đặng Công Khôi, phó bí thư Đảng ủy, phó cục trưởng; Nguyễn Văn Truyền, phó cục trưởng, nguyên phó bí thư Đảng ủy Cục Quản lý giá.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách nhà nước và nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm nêu trên còn có trách nhiệm của Ban cán sự đảng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số tổ chức, cá nhân của Bộ Tài chính.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, Đảng ủy Cục Quản lý giá tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm; Ban cán sự đảng phối hợp với Đảng ủy bộ chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, thi hành kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan.

5. Báo Thời báo Ngân hàng (18/7) có bài “Hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá” cho biết: Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa phối hợp với Tổ chức quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về thẩm định giá. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trình Chính phủ hồ sơ sửa đổi Luật Giá với 9 nhóm chính sách, trong đó có 3 nhóm chính sách liên quan đến thẩm định giá. Tính đến hết tháng 6/2022 cả nước có 431 doanh nghiệp được cấp mã giấy chứng nhận, trong đó chỉ có hơn 300 doanh nghiệp đủ điều kiện và đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

6. Báo Tuổi trẻ (16/7) có tin “Cần bổ sung vào diện đăng ký giá và phụ phí” thông tin: Trả lời Tuổi Trẻ về việc hãng xe công nghệ thu thêm phụ phí, lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải - cơ quan quản lý chuyên ngành. Cũng theo vị này, Luật giá không quy định doanh nghiệp phải kê khai, đăng ký phụ phí cước vận tải xe công nghệ với cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ. Trong đó, một số loại phí không có cơ sở như mới đây Grab đẻ thêm phí "thời tiết nắng nóng gay gắt". Bộ Tài chính đang sửa đổi Luật giá lần này cần bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp đối với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số. Với vận tải hành khách xe công nghệ, các hãng công nghệ Grab, Be, Gojek... cần phải kê khai, niêm yết, công khai giá cước, phụ phí để cơ quan quản lý giám sát và người tiêu dùng biết.

IV. Vấn đề về chính sách thuế

7. Báo Tuổi trẻ (16/7) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế nhập khẩu xăng”; Thanh niên (16/7) có tin “Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 10%”; Công an nhân dân (16/7) có bài “Đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng”; Baochinhphu.vn (15/7) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng”; Hà Nội mới (17/7) có tin “Đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu mặt hàng xăng động cơ, không pha chì”; Pháp luật Việt Nam (15/7) có tin “Bộ Tài chính đề xuất giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng”; Thời báo Ngân hàng (18/7) có tin “Đề xuất giảm 10% thuế MFN với xăng” và nhiều báo khác cho biết: Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định về dự án Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Cùng với việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xuống mức sàn, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất Chính phủ giảm từ 20% xuống còn 10% thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng (thay vì mức 12% như đề xuất trước đó).

Theo Bộ Tài chính, với việc tỷ trọng xăng E5RON92 và xăng RON95 nhập khẩu chỉ chiếm tương ứng 14,36% và 31,7% lượng xăng tiêu thụ trong nước (tính theo số liệu quý 2/2022) và hiện nay xăng đang được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN xuống 10% tuy có thể góp phần giảm giá xăng trong nước nhưng cũng chỉ ở mức thấp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sẽ có tác động lớn tới sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nhập khẩu xăng từ nhiều quốc gia khác, qua đó thúc đẩy tính cạnh tranh để giảm giá mặt hàng này.

V. Vấn đề về ngân sách nhà nước

8. Baochinhphu.vn (17/7) có tin “Công khai báo cáo ngân sách 6 tháng đầu năm 2022”; Dangcongsan.vn (15/7) có tin “Công khai báo cáo ngân sách dành cho công dân 6 tháng đầu năm”; Sức khỏe & Đời sống (17/7) có tin “Công khai báo cáo ngân sách 6 tháng đầu năm 2022”; Pháp luật Việt Nam (18/7) có tin “Thu từ dầu thô tăng 87,2% so với cùng kỳ năm 2021” cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thông tin về quá trình điều hành dự toán ngân sách nhà nước trong năm, Bộ Tài chính biên soạn và công khai Báo cáo ngân sách dành cho công dân 6 tháng đầu năm 2022 với các thông tin ngắn gọn, dễ hiểu, kết hợp biểu đồ, đồ họa.

Báo cáo cung cấp các thông tin cơ bản về tình hình kinh tế vĩ mô; tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, cơ cấu thu chi ngân sách nhà nước; các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2022. Bằng ngôn ngữ và hình thức thể hiện đơn giản, dễ hiểu thông qua các hình ảnh, bảng, biểu đồ, Báo cáo giúp người dân bình thường, ngay cả những người nắm ít kiến thức về tài chính - ngân sách đều có thể tiếp cận và nắm bắt được các thông tin cơ bản về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022.

Việc công khai Báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân là một trong những hình thức quan trọng mà Bộ Tài chính đang thường xuyên thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế. Báo cáo đang ngày càng được hoàn thiện theo hướng đa dạng về nội dung và hình thức, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và thời gian báo cáo, được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đánh giá cao.

VI. Vấn đề về chứng khoán

9. Báo Đại đoàn kết (17/7) có bài “Ứng phó với tin đồn chứng khoán” cho biết: Gần đây, tin giả, tin đồn lại xuất hiện trên thị trường chứng khoán khiến các cổ phiếu lớn, nhỏ cùng nhau lao dốc. Về nguyên nhân tin đồn thất thiệt vẫn ngang nhiên “oanh tạc” thị trường, nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thị trường tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng cực kỳ nhạy cảm. Khi xuất hiện những tin đồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của thị trường, tác động mạnh tới những tổ chức, cá nhân hứng chịu các tin đồn này, thậm chí cả các doanh nghiệp, ngân hàng liên quan tới họ. Thế nhưng hiện nay có thực tế là dù nhà đầu tư mát tiền nhưng không người tung tin nào bị xử lý hình sự và vẫn chưa ai chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho các tin đồn gây ra với nhà đầu tư.

Bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) cho biết: Một trong những nhiệm vụ được Ủy ban đưa ra là phối hợp với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường.

VII. Vấn đề về kho bạc nhà nước

10. Báo Thời báo Ngân hàng (18/7) có bài “Vì sao trái phiếu “ế”” cho biết: Tỷ lệ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 17,3% so với kế hoạch cả năm hơn 400.000 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng, áp lực phát hành sẽ dồn về nửa cuối năm, có thể tác động lên lãi suất thị trường trái phiếu.

Theo số liệu từ KBNN, trong 6 tháng đầu năm nay khối lượng TPCP phát hành thành công khoảng 69.087 tỷ đồng, đạt 17,3% so với kế hoạch cả năm. Lãi suất trái phiếu bình quân 2,45%/năm cao hơn mức 2,26%/năm cùng kỳ năm 2021, kỳ hạn trái phiếu bình quân 14,75% năm so với cùng kỳ năm ngoái là 12,19%/năm.

Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, diễn biến của thị trường TPCP trong 6 tháng đầu năm cho thấy người mua đang đòi hỏi mức lãi suất TPCP cao hơn so với mức mà bên báo đưa ra. Hiện nay, các NHTM vẫn nắm giữ trên 50% thị phần, số còn lại do các định chế tài chính có nguồn vốn dài hạn hơn nắm giữ.

Dữ liệu thị trường trái phiếu cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 3,24%, cao hơn Thái Lan 0,34% trong khi thấp hơn 4,01% so với Indonesia và 1,03% so với Malaysia. Khoảng cách giữa lãi suất TPCP Việt Nam và Mỹ nới rộng ở hầu hết các kỳ hạn (trừ kỳ hạn 20 năm trong tháng 6).

TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, kĩa suất TPCP của Việt Nam liên tục duy trì mức thấp hơn so với các nước, thậm chí thấp hơn cả TPCP Mỹ, là một hiện tượng cho thấy đang có tắc nghẽn trong sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước. Nguyên nhân sâu xa do giải ngân vốn đầu tư công trong các năm gần đây đều rất chậm dù có không ít dự án quy mô lớn được khởi công, trong khi đầu tư công là nguồn đầu ra lớn và quan trọng của vốn TPCP.

VIII. Vấn đề về hải quan

11. VTC.vn (17/7) có tin “Bắt nam thanh niên vận chuyển 10 bánh heroin, 18.000 viên ma túy tổng hợp” cho biết: Công an huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) vừa phối hợp với Cục Hải quan Điện Biên phá thành công chuyên án về ma túy, bắt giữ một đối tượng có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00