Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 19/7/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 19/7/2022

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. VnExpress (18/7) có tin “Chính phủ yêu cầu sớm báo cáo phương án giảm thuế xăng dầu”; Zingnews (18/7) có tin “Chính phủ yêu cầu khẩn trương báo cáo phương án giảm thuế xăng dầu”; Baochinhphu.vn (18/7) có tin “Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo phương án điều chỉnh, giảm thuế xăng dầu”; VTCnews (18/7) có tin “Chính phủ yêu cầu khẩn trương báo cáo phương án giảm thuế xăng dầu” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 85 về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6. Theo đó, tại nghị quyết này Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo Chính phủ, cấp có thẩm quyền về phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế đối với xăng dầu theo quy định.

Trong cơ cấu giá bán lẻ hiện nay, mỗi lít xăng, dầu đang phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng. Thuế bảo vệ môi trường sau hai lần giảm, hiện đã về mức sàn trong khung thuế suất, tổng cộng giảm 3.000 đồng với xăng, 1.500-1.700 đồng với dầu.

Bộ Tài chính tháng trước cho biết đã báo cáo Thủ tướng việc giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu. Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo giá tại cuộc họp hồi đầu tháng này cũng giục cơ quan quản lý nhanh chóng tính toán giảm các loại thuế trên.

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế là cửa hẹp duy nhất để hạ nhiệt giá nhiên liệu trong nước, và không nên chờ tới tháng 10 - kỳ họp cuối năm của Quốc hội, mới trình giảm các loại thuế này.

II. Vấn đề về quản lý giá

2. Báo Tuổi trẻ (19/7) có tin “Giá xăng có cơ hội giảm sâu 4.000 đồng/lít?”; Thanh niên (19/7) có bài “Xăng dầu sẽ giảm giá mạnh?” cho biết: Trong kỳ điều hành vào ngày 21/7 nhiều khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm sâu, có thể đến 4.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, chiều 18/7, trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo công ty đầu mối xăng dầu phía nam cho biết có thể cơ quan quản lý tại kỳ này tiếp tục trích quỹ bình ổn đối với xăng 950 đồng/lít, dầu trích 500 đồng/lít như kỳ trước. Theo đó, mức giảm có thể trên mốc 1.000 đồng/lít, khó giảm mạnh đến 3.000 đồng/lít như kỳ trước.

Thực tế, việc giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng liên bộ lại trích cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức khá cao, khiến mức giảm của giá xăng dầu không đúng thực tế. PGS-TS Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) bình luận đó là cách “dập hỏa lại tiết kiệm nước”. Để chống lại sự lan tỏa của lạm phát, cần phải làm mọi cách để giảm thật nhanh giá xăng dầu. Không tìm các nguồn bổ sung cho việc chi quỹ thì thôi, cơ quan quản lý lại đang làm ngược lại, trích lập quỹ liên tục ở vùng giá cao. PGS-TS Phạm Thế Anh cũng là người phản đối việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu với cách thức lấy tiền của người dân ứng trước đưa vào quỹ rồi trả lại vào các kỳ điều hành sau nếu giá xăng dầu thế giới tăng.

Mục tiêu của quỹ nhằm giảm biến động giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới biến động. Thế nhưng, từ năm 2020 đến nay, quỹ này hầu như không có tác dụng nữa trước sự biến động không ngừng của giá nhiên liệu thế giới.

Giả sử giá xăng tại lần điều chỉnh này giảm sâu 3.000 đồng/lít, xăng về mốc 26.000 đồng/lít, nền kinh tế sẽ có gì thay đổi? PGS-TS Định Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định giá cước vận tải sẽ giảm. Theo chuyên gia này, có nhiều tín hiệu để tin rằng, giá xăng dầu thế giới sẽ giữ mức ổn định tương đối trong thời gian tới, dầu thô ở mức trên dưới 100 USD/thùng, xăng từ 110 - 120 USD/thùng. Nếu duy trì mức giá xăng như đã nói trên sang tháng 8, tháng 9, mặt bằng giá cả phải được thiết lập lại, lúc đó, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, chuẩn bị tăng tốc cho quý cuối năm.

3. Báo Lao động (19/7) có bài “Giá hàng hóa, thực phẩm vẫn tiếp tục tăng mạnh” cho biết: Trong 1 tuần trở lại đây, giá thực phẩm, rau xanh, hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh đang liên tục được điều chỉnh tăng, mặc dù giá xăng vừa được liên Bộ Tài chính và Công Thương điều chỉnh giảm mạnh tới hơn 3.000 đồng/lít.

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: Trong 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát vẫn ở mức an toàn bởi “chỗ dựa” chính để kiểm soát lạm phát trong thời gian qua chính là mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào và ổn định. Nhưng nay giá xăng dầu đang là tác nhân chính gây ra lạm phát trên toàn cầu. Ở Việt Nam, lạm phát đang được kiểm soát nhưng nếu không có giải pháp quyết liệt thì giá xăng dầu tăng cao sẽ gây ra hiệu ứng domino đến mặt bằng giá cả hàng hóa khác. Cần chấp nhận một khoản thiếu hụt trong ngắn hạn nguồn thu ngân sách từ việc giảm thuế với xăng dầu để hỗ trợ chi phí đầu vào cho DN, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

4. Báo Đại đoàn kết (19/7) có bài “Làm cách nào kéo giá xăng dầu xuống?” cho biết: Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó có kiến nghị bỏ Quỹ BOG xăng dầu. Nhiều ý kiến cho rằng sau khi đã điều chỉnh thuế BVMT với xăng dầu ở mức “kịch khung”, thì vẫn có thể hạ tiếp một số sắc thuế khác với mặt hàng này.

Theo Thứ trưởng Tài chính Tạ Anh Tuấn, sẽ kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Vì vậy, trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính xin ý kiến các bên liên quan về phương thức BOG, trong đó sẽ bỏ quy định về lập quỹ BOG, từ đó sẽ xem xét lại Quỹ BOG xăng dầu.

Trong một diễn biến khác, nỗ lực kéo giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế NK ưu đãi (MFN) với mặt hàng xăng dầu từ 20% xuống 10%. Bộ Tài chính đang tổng hợp ý kiến tham gia của bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ xem xét ban hành.

III. Vấn đề về quản lý thuế

5. Báo Hà Nội mới (19/7) có bài “Phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách” cho biết: Trong 6 tháng năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn thủ đô do cơ quan thuế quản lý thu đạt 59,5% dự toán. Với kết quả trên, những tháng còn lại của năm, Cục Thuế TP Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm.

IV. Vấn đề về chế độ kế toán, kiểm toán

6. Báo Tuổi trẻ (19/7) có bài ““Sao kê” để nhẹ lòng từ thiện”; Tuổi trẻ (18/7) có tin “Từ ngày 1-9, kêu gọi và phân phối nguồn từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch” cho biết: Thông tư số 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện vừa được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/9/2022. Trước đó, nghị định số 93/2021/NĐ-CP đã quy định khuyến khích cá nhân quyên góp, huy động làm từ thiện minh bạch, giải trình rõ ràng. Những người điều hành các quỹ thiện nguyện, hoạt động xã hội đã thở phào, nhẹ người với những hành lang pháp lý sẽ bảo vệ và trợ giúp họ rất nhiều này.

Hàng lang pháp lý với những quy định rõ ràng, cụ thể sẽ trợ giúp rất nhiều cho người làm thiện nguyện trước giờ vốn chỉ dựa vào chính tấm lòng mình. Chỉ tấm lòng thôi sẽ có lúc bị nhầm lẫn, bị lợi dụng, bị nghi ngờ, bị phá hoại. Những quy định pháp lý sẽ bảo vệ cho sự tử tế, yêu thương của người đóng góp, sự cống hiến minh bạch, ngay thẳng của người tổ chức, sự cam kết sử dụng hiệu quả món quà của người nhận. Sẽ không còn thói quen cho – nhận theo cảm tính tức thời nhưng sau đó để lại những khúc mắc, bận lòng. Việc từ thiện rồi cũng sẽ dần đi vào chuyên nghiệp như công tác xã hội.

V. Vấn đề về DNNN

7. Sài Gòn giải phóng (19/7) có bài “Chậm cổ phấn hóa vì…đất” cho biết: Thời gian qua, Chính phủ liên tục hướng dẫn, tháo gỡ, yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Thế nhưng trong 4 năm qua, tại TPHCM – địa phương có nhiều doanh nghiệp nhà nước, hoạt động cổ phần hóa vẫn ì ạch. Đã vậy, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác chuyên đổi, cập nhật tên thành công ty “cổ phần” khiến hoạt động của các doanh nghiệp đình trệ, nguyên nhân là không xác định được phương án sử dụng đất. Lâu nay, có nhiều cán bộ phải chịu trách nhiệm hình sự do vi phạm liên quan đến đất đai, khiến không ít cán bộ mang tâm lý e ngại.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00