Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 20/7/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 20/7/2022

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Quân đội nhân dân (20/7) có bài “Xăng, dầu tiếp tục chờ giảm thuế” cho biết: Xăng, dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu. Việc bình ổn giá xăng, dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Thời gian qua, các giải pháp, công cụ điều tiết giá xăng, dầu đã được cơ quan điều hành sử dụng linh hoạt, tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn neo ở mức cao. Dư địa để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu tại nước ta hiện vẫn có thể trông chờ vào thuế, phí, việc lựa chọn "hy sinh" ngân sách tạm thời để hỗ trợ nền kinh tế là hoàn toàn cần thiết. Từ đầu năm đến nay, xăng, dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm.

Giá xăng, dầu tăng không chỉ gây khó khăn với người dân, doanh nghiệp mà còn tạo sức ép lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhìn rộng ra thế giới cũng thấy, để ứng phó với giá nhiên liệu tăng cao trong nửa năm qua, hầu hết các quốc gia đều thực hiện các chính sách thuế, phí để kiểm soát giá mặt hàng này. Điển hình như Hà Lan đã giảm 12% thuế VAT xuống còn 9%; giảm 21% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, dầu đồng thời tăng khoản trợ cấp năng lượng một lần cho các gia đình có thu nhập thấp lên gấp 4 lần, từ 200 euro lên 800 euro; Thái Lan giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng, sử dụng quỹ dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít; Hàn Quốc giảm 20% thuế với xăng, dầu diesel và LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng)...

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm phân tích, hiện có 3 sắc thuế đối với xăng, dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) đang đánh vào phần trăm (%) của giá bán lẻ xăng, dầu trên thị trường. Do đó, nếu giảm được các sắc thuế này thì giá xăng, dầu sẽ giảm được nhiều.

Nhìn ở góc độ khác, việc đồng loạt giảm các loại thuế xăng, dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách giảm đáng kể. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân khuyến cáo, đừng chỉ nhìn một chiều rằng khi giảm thuế thì nguồn thu giảm, cần nhìn theo hướng lâu dài hơn là khi nền kinh tế được tiếp sức thông qua việc giảm chi phí đầu vào, các ngành sản xuất khởi sắc, tiêu dùng gia tăng thì nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT với hàng hóa... hoàn toàn có thể bù đắp được hụt thu, thậm chí có lợi hơn.

Liên quan tới việc tiếp tục có phương án điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT đối với xăng, dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung. Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm VAT đối với xăng và dầu; mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

II. Vấn đề về quản lý giá

2. Báo Công an nhân dân (20/7) có bài “Đã đến lúc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu” cho biết: Sau nhiều áp lực từ dư luận, tại Dự thảo tờ trình Luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định về lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (QBOG). Đề xuất này hầu hết nhận được sự đồng tình từ dư luận, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao và QBOG không phát huy được tác dụng điều tiết của mình.

Việc bỏ QBOG xăng dầu đã được dư luận và các chuyên gia đề xuất từ lâu nên việc Bộ Tài chính đưa vào dự thảo Luật Giá chỉ là tiếp thu ý kiến, theo PGS.TS Ngô Trí Long, việc dự thảo Luật Giá đề xuất bỏ QBOG cần cân nhắc lợi hại nhưng là việc nên làm sớm.

Với chủ thể thứ 2 là khách hàng, việc trích quỹ là điều không ai mong muốn, vì thực chất, quỹ là “cấu” từ tiền trong túi họ. Khi giá xăng tăng cao, số tiền đã trích được chi ra để trừ vào giá xăng nhằm bình ổn giá. Tuy nhiên, việc trích quỹ và chi quỹ vô hình trung “cào bằng”, vì có những khách hàng là doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều xăng dầu vào thời điểm trích quỹ, nhưng đến thời điểm chi quỹ, thì do tính chất thời vụ, họ lại không sử dụng nhiều nhiên liệu. Như vậy, họ sẽ bị thiệt và cũng chẳng mặn mà, vui vẻ gì khi phải trích quỹ.

Còn với chủ thể điều tiết là Nhà nước, QBOG là một công cụ để kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát cả trực tiếp và gián tiếp. Nó sẽ thực sự là một công cụ hiệu quả nếu QBOG xăng dầu thể hiện đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nó là làm cho giá xăng ổn định quanh một mức trung bình nào đó, không bị tăng quá sốc hoặc không giảm quá mạnh. Nếu làm tốt sẽ không gây ra cú sốc cho nền kinh tế mỗi khi thị trường có biến động lớn, còn về mặt dài hạn, nó không làm giảm chi phí xăng dầu cho người tiêu dùng. “Với cách điều hành giá 10 ngày như hiện nay, hoặc 15 ngày trước đó, việc duy trì QBOG là rất cần thiết, vì nó giúp cho Nhà nước điều tiết giá xăng dầu. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ Công thương đã đề xuất sẽ thực hiện rút ngắn kỳ điều hành xăng dầu xuống 2-3 ngày, nghĩa là để giá biến động theo thị trường thì việc duy trì QBOG là không cần thiết”, ông Long phân tích.

Được biết, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng nhiều lần kiến nghị bỏ QBOG để hoạt động theo cơ chế thị trường. Mặt khác, khi bỏ QBOG, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối. Bởi vậy, đề xuất của Bộ Tài chính được cho là hợp tình, hợp lý trong thời điểm này. Khi giá đầu vào hạ nhiệt, giá cả hàng hóa cũng dự báo sẽ được giảm theo, giữ cho mục tiêu lạm phát 4%/năm hoàn toàn có thể đạt được.

III. Vấn đề về quản lý thuế

3. Dangcongsan.vn (19/7) có tin “Thu thuế thương mại điện tử đã đạt 5.432 tỷ đồng” cho biết: Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thuế, tính từ năm 2018 đến ngày 29/6/2022, số thu đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ đã đạt 5.432 tỷ đồng. Tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, con số của nhóm này đạt gần 760 tỷ đồng, bằng 48% số thu năm 2021. Nguyên nhân là do thực hiện quy định mới tại Luật Quản lý thuế số 38, một số nhà cung cấp nước ngoài đã chủ động kê khai, nộp thuế trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dẫn đến số thu từ cơ chế khai thay, nộp thay thuế nhà thầu giảm. Tiêu biểu có một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook là 2.071 tỷ đồng, Google là 2.034 tỷ đồng, Microsoft là 692 tỷ đồng...

IV. Vấn đề về hải quan

4. Báo Pháp luật Việt Nam (20/7) có bài “Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật sẽ được Hải quan hỗ trợ” cho biết: Ngày 15/7, Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định về chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Trong giai đoạn đầu triển khai chương trình thí điểm (2 năm kể từ khi ban hành quyết định), sẽ tập trung vào nhóm doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu tại 6 Cục Hải quan (Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai) nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch, sau đó sẽ triển khai mở rộng đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm này sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi, hỗ trợ, hướng dẫn miễn phí về các nội dung liên quan đến lĩnh vực áp dụng quản lý rủi ro, tuân thủ pháp luật hải quan và thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh.

V. Vấn đề về quản lý công sản

5. Báo Sài Gòn Giải phóng (20/7) có bài “Khai thác sử dụng tài sản công: Muốn hiệu quả, phải gỡ nút thắt” cho biết: Theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) có nhu cầu sử dụng tài sản công (TSC) vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để cung cấp dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho xã hội, góp phần nâng cao tự chủ tài chính thì phải lập đề án trình chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố xem xét, phê duyệt. Thế nhưng, trên thực tế, việc lập đề án gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng TSC.

Liên đoàn Lao động TPHCM thống kê 22 ĐVSNCL có nhu cầu sử dụng TSC vào mục đích cho thuê. Tuy nhiên rất nhiều đơn vị đang bị vướng thủ tục, trả về để các đơn vị bổ sung, hoàn thiện.

Theo Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 và Nghị định số 151 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật này, các ĐVSNCL có nhu cầu sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuế, liên doanh, liên kết phải lập đề án theo mẫu số 2/TSC-ĐA ban hành kèm nghị định. Hầu hết các đề án mà Sở Tài chính TPHCM trả về để bổ sung, điều chỉnh là do không đáp ứng đủ tiêu chí theo mẫu số 2/TSC-ĐA. Vì vậy, các ĐVSNCL rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể từ các sở, ban ngành liên quan ngay từ giai đoạn ban đầu lập đề án.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, TPHCM đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, TPHCM kiến nghị cần thiết sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế. Trong thời gian chờ, TPHCM kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ xem xét, cho phép việc “Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn và Chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức phê duyệt đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại ĐVSNCL” theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

VI. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

6. Báo Tuổi trẻ (20/7) có bài “Vốn vào bất động sản: Ai siết hay thị trường tự siết?” cho biết: Nếu như giai đoạn 2021 từ tăng nóng thường được sử dụng khi miêu tả thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì sang năm 2022, tình hình có phần ảm đạm. Theo ông Đinh Minh Trí, chuyên gia công ty chứng khoán Mirae Asset, nguyên nhân có nhiều, như: suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến chính sách thắt chặt tiền tệ; nhà đầu tư có xu hướng tìm về các tài sản an toàn thay vì kênh chứng khoán như cổ phiếu hay trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thận trọng hơn sau sự việc của Tân Hoàng Minh. Cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp phát hành cũng rà soát kỹ càng hơn vì trách nhiệm, còn người mua thì sợ không an toàn, rủi ro.

Cũng chỉ ra các nguyên nhân trên song GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh, Trường Đại học kinh tế TP HCM, trong lúc tin tức về thị trường trái phiếu không mấy tươi sáng xuất hiện, nhà đầu tư cũng tìm cách đáo hạn, rút tiền trước, khiến những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng làm ăn chân chính bị liên lụy…

VII. Vấn đề về DNNN

7. Lao động (20/7) có bài “Cổ phần hóa DNNN: Đừng chỉ vì đất vàng, đất kim cương” cho biết: Việc không ít nhà đầu tư chỉ quan tâm đến đất vàng, đất kim cương khi một doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa là một thực tế khiến tiến trình cổ phần hóa tại không ít doanh nghiệp nhà nước kém thực chất và thậm chí ì ạch suốt nhiều năm qua.

Từ thực tế trên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp ông Nguyễn Hồng Long cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, đặc biệt quy định chặt chẽ, siết chặt việc quản lý các loại đất, phát huy hiệu quả sử dụng đất. Việc thuê đất một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị doanh nghiệp mới tháo gỡ được điểm nghẽ lớn, đẩy nhanh cổ phần hóa. Mà muốn đưa ra phải có văn bản quy phạm pháp luật, nếu không không ai dám làm.

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) mới đây cho biết cũng đề nghị sửa đổi Luật Đất đai theo hướng các doanh nghiệp khi chuyển sang cổ phần hóa thì chỉ được áp dụng hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; không được thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa.

VIII. Vấn đề về chế độ kế toán, kiểm toán

8. Báo Đại đoàn kết (20/7) có bài “Minh bạch hoạt động từ thiện” cho biết: Từ ngày 1/9, hoạt động kêu gọi và phân phối nguồn từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch. Đó là một trong những nội dung được nêu tại Thông tư 41 vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Thông tư quy định cụ thể hoạt động từ thiện với tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, đều phải mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định.

IX. Vấn đề về giá dịch vụ y tế

9. Báo Người lao động (20/7) có bài “Bệnh viện công muốn tính đúng viện phí” cho biết: Hiện viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn nên nhiều bệnh viện đề xuất điều chỉnh giá.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00