Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 21/7/2022

Điểm báo ngày 21/7/2022

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Báo Tiền phong (21/7) có bài “Thu ngân sách tăng: Nên chia sẻ gánh nặng với dân và DN” cho biết: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ đã giúp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm bội thu. Các chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính cần tiếp tục giảm mạnh nhiều loại thuế, phí trong ngắn hạn để chia sẻ gánh nặng với người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng.

Nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch đã giúp ngân sách 6 tháng đầu năm “bội thu” đạt 941,3 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 747,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Dù Nhà nước đã thực hiện chính sách miễn giảm thuế lớn nhất từ trước tới nay (miễn giảm 120.000 tỷ đồng tiền thuế, phí) nhưng thu ngân sách vẫn tăng tới 230.000 tỷ đồng so với dự toán. Số tăng ngân sách gần gấp đôi so với khoản tiền miễn giảm cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong nửa cuối năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, chính sách thuế và trình cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. “Thu ngân sách nhà nước phải căn cứ vào sức khoẻ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không tăng sản lượng, không phát triển sẽ không thu được ngân sách. Trong khi đó, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn trước bão giá. Doanh nghiệp khó khăn vì giá hàng hóa đầu vào tăng cao, đầu tư xây dựng cơ bản không có lãi, vận tải thua lỗ. Chúng ta phải tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ nền kinh tế ổn định, phát triển”, Bộ trưởng Phớc đặt yêu cầu cho cán bộ ngành Tài chính.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong lúc nền kinh tế suy giảm, đời sống người dân khó khăn, chính sách hữu hiệu nhất của Nhà nước là giảm thuế. Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao đã góp phần giúp thu ngân sách đạt gần 70% kế hoạch. Số thu ngân sách tăng gần gấp đôi số tiền miễn giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp cho thấy, bước đầu yên tâm về nguồn lực tài chính. Triển vọng phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm còn tiếp tục tăng. Khi nguồn thu dồi dào, Nhà nước nên mạnh dạn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng ảnh hưởng lớn tới người dân.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), thu ngân sách nhà nước nửa đầu năm tăng 230.000 tỷ đồng, đủ để giúp thực hiện gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp và dự phòng rủi ro. Khi đã yên tâm về nguồn thu, cơ quan chức năng cần tính toán giải pháp hỗ trợ nhóm yếu thế như người nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Nguồn thu ngân sách dồi dào, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cơ quan chức năng cần sớm giảm giá xăng dầu thông qua giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng.

II. Vấn đề về quản lý giá

2. Báo Lao Động (21/7) có bài “Giá xăng sẽ về mốc 25.000 đồng/lít?”; Tiền phong (21/7) có tin “Ngày mai, giá xăng trong nước có thể giảm xuống 26.000 đồng/lít” cho biết: Sau thời gian dài neo giữ ở mức cao, ngày 19/7, giá xăng RON92 nhập khẩu từ Singapore đã có mức giảm rất mạnh xuống 108 USD/thùng trong khi xăng RON95 xuống còn 112 USD/thùng. Mức giá này tương đương giá nhập khẩu vào tuần cuối tháng 2/2022, thời điểm giá bán xăng ở mức 26.000 đồng/lít.

Giá xăng thế giới giảm mạnh khiến người dân, doanh nghiệp kỳ vọng giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ có đợt giảm giá mạnh lần thứ ba liên tiếp sau khi Thuế Bảo vệ môi trường đã được giảm về 0 từ ngày 11/7.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, một số đầu mối xăng dầu dự báo giá xăng có thể về mốc 26.000 đồng/lít, thậm chí xăng RON92 được dự đoán sẽ giảm về 25.000 đồng/lít nhờ không phải chịu thuế Bảo vệ môi trường và giá thế giới đang giảm mạnh.

- Cũng liên quan đến giá xăng dầu, báo Thanh niên (21/7) có tin“Không trích lập Quỹ bình ổn, giá xăng dầu sẽ giảm mạnh”; Báo Sài gòn giải phóng (21/7) có bài “Nếu không trích lập quỹ: Giá xăng có thể còn 25.000 đồng/lít” cho biết: Nếu không trích lập Quỹ bình ổn giá (BOG) trong kỳ điều hành giá mới chiều nay (21/7), giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm khoảng từ 930 - 1.580 đồng/lít dầu và từ 2.600 - 3.200 đồng/lít xăng. Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Quỹ BOG vốn được xem là một trong những “van điều tiết” giá xăng dầu nhưng trước tình trạng giá nhiên liệu liên tục tăng cao, quỹ này đã âm cả nghìn tỉ đồng và không có tác dụng nữa. Thế nên, mới đây, tại dự thảo luật Giá sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ Quỹ BOG và để xăng dầu được điều tiết theo giá thị trường.

Trước đó, nhiều lần Hiệp hội Xăng dầu VN cũng kiến nghị bỏ Quỹ BOG để hoạt động theo cơ chế thị trường. Quan trọng là phải bảo đảm tính minh bạch công khai trong điều hành giá, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối…

III. Vấn đề về quản lý thuế

3. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (20/7) có tin “Ngành thuế đột phá cải cách hành chính” cho biết: Với 92,4 điểm, thuế là nhóm thủ tục hành chính (TTHC) có điểm số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) cao nhất trong 9 nhóm được khảo sát năm 2021. Báo cáo cải cách hành chính 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, cải cách hành chính luôn được Bộ Tài chính coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ mạnh mẽ cho phục hồi sau đại dịch Covid-19.

4. Diễn đàn doanh nghiệp (20/7) có bài “Phụ phí nhìn từ “câu chuyện Grab”” cho biết: Ngày 6/7, Grab thông báo thu phụ phí nắng nóng. Ngày 11/7, Bộ Công thương ra Công văn số 785, yêu cầu Grab cung cấp thông tin làm rõ các loại phí và phụ phí trước ngày 18/7.

Chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp, PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, doanh nghiệp thu phụ phí nắng nóng là vấn đề chưa có trong tiền lệ. Giải quyết thấu đáo vấn đề trên có thể “mở đường” cho thị trường phát triển.

Theo ông Long, Grab không lách luật vì nếu lách luật thì cơ quan quản lý hoàn toàn có thể tuýt còi. Chúng ta hoàn toàn có thể xử lý vấn đề này bằng luật. Hiện nay, phí và lệ phí do Bộ Tài chính quản lý. Bộ Tài chính, Sở Tài chính, Sở GTVT các địa phương có trách nhiệm kiểm tra việc thu phí này.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật, cho rằng nếu Grab vì tài xế của mình thì nên có những chính sách phúc lợi khác, bởi việc thu phụ phí nắng nóng không có quy định nào cho phép và nó cũng không thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ…

5. Báo Pháp luật Việt Nam (21/7)  có bài “Khoanh nợ thuế hàng chục nghìn tỷ đồng: Chưa có hướng dẫn quản lý” cho biết: Năm 2020 tổng số khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tại các địa phương 24.987 tỷ đồng, trong đó có 23.434 tỷ đồng tiền khoanh nợ. Tuy nhiên, Tổng cục Thuế vẫn chưa có hướng dẫn việc theo dõi khoản khoanh nợ này.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố Báo cáo kiểm toán (BCKT) năm 2021. Liên quan đến số liệu nợ thuế do cơ quan thuế quản lý, BCKT cho biết, tổng số nợ đến 31/12/2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% so với năm 2019. Qua kiểm toán cho thấy 53/63 địa phương có dư nợ có khả năng thu tăng; 60/63 địa phương có mức dư nợ khó thu giảm; 19/45 Cục Thuế được kiểm toán tổng hợp chưa đầy đủ số liệu nợ đọng thuế 2.230 tỷ đồng…

“Phần lớn các Cục Thuế chưa hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao về thu nợ thuế trong năm 2020. Một số cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế chưa đầy đủ, kịp thời; phân loại nợ chưa đúng quy định” – ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) lưu ý.

Dẫn báo cáo của Tổng cục Thuế về việc thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội, KTNN cho biết, năm 2020 tổng số khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tại các địa phương là 24.987 tỷ đồng. (xóa nợ 1.553 tỷ đồng; khoanh nợ 23.434 tỷ đồng ).

Theo KTNN, số khoanh nợ thuế đã được các Cục thuế địa phương điều chỉnh giảm trên báo cáo nợ thuế mẫu 02/QLN đến 31.12.2020 và theo dõi trên một mục danh sách các quyết định khoanh nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Tuy nhiên, khoản 3 Điều 84 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định “Cơ quan quản lý thuế tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ được khoanh và phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi tiền thuế nợ khi người nộp thuế có khả năng nộp thuế hoặc thực hiện xóa nợ theo quy định tại Điều 85 của Luật này”. Nhưng theo ông Vũ Ngọc Tuấn thì quy trình quản lý nợ thuế tại Quyết định 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 chưa sửa đổi cho phù hợp với Luật Quản lý thuế năm 2019. Tức là chưa có hướng dẫn việc theo dõi khoản khoanh nợ này.

IV. Vấn đề về hải quan

6. Báo Hà Nội mới (21/7) có tin “Hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về hải quan” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa ban hành chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu không vi phạm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đáp ứng đủ thời gian hoạt động và số tờ khai đăng ký thì mức độ tuân thủ của doanh nghiệp sẽ được hệ thống đánh giá theo hướng tốt hơn và tiến đến mức độ doanh nghiệp tuân thủ (mức độ 3) và tuân thủ cao (mức độ 2).

V. Vấn đề về tài chính ngân hàng

7. Ngày 20/7, Văn phòng Bộ phát đi thông tin báo chí về việc tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Xung quanh nội dung này nhiều báo đưa tin bài phản ánh như: Thanh niên (21/7) có tin “Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra thị trường trái phiếu phiếu doanh nghiệp”,  Công an nhân dân (21/7) có tin “Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra trái phiếu doanh nghiệp trước ngày 31/7”, Báo điện tử Vietnamnet (20/7) có bài “Xuất hiện hành vi phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất thường, Bộ chỉ đạo khẩn”, Báo Lao động (20/7) có bài “Bộ Tài chính: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn nhiều rủi ro”, baodauthau.vn (20/7) có bài “Đẩy mạnh thanh tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, danviet.vn (20/7) có bài “Tiếp tục giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, Sài gòn giải phóng (21/7) có tin "Đẩy mạnh thanh kiểm tra thị trường trái phiếu", tienphong.vn (20/7) có bài “Bộ Tài chính: Xuất hiện nhiều hành vi phát hành trái phiếu bất thường”, vneconomy.vn (20/7) có bài “Tiếp tục quản chặt doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường trong phát hành trái phiếu”. Các báo cho biết: Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 7048/BTC- yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, việc phát hành TPDN đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỉ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỉ đồng). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường TPDN.

Theo đó, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan sớm trình lại Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7.

8. Báo Diễn đàn doanh nghiệp (20/7) có bài “Phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Ngoài áp lực lạm phát, nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều áp lực khác về suy giảm các kênh đầu tư: trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00