Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 22/7/2022

Điểm báo ngày 22/7/2022

I. Vấn đề về dự trữ nhà nước

1. Báo Tuổi trẻ (21/7) có tin “Khởi tố 8 lãnh đạo, cán bộ Cục Dự trữ nhà nước khu vực Thái Bình”; Vietnamnet (21/7) có tin “Bắt 8 lãnh đạo và cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình”; Dân trí (21/7) có tin “Khởi tố 8 cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình”; VnExpress (21/7) có tin “Cục trưởng Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình bị bắt”; Thanh niên có tin “Khởi tố 8 cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình” và rất nhiều bài báo khác cho biết: Ngày 21-7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình tống đạt quyết định khởi tố đối với 8 lãnh đạo và cán bộ Cục DTNN khu vực Thái Bình để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cụ thể các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm Lê Văn Sáu (58 tuổi, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Thái Bình), Vũ Văn Tại (58 tuổi, Phó cục trưởng Cục DTNN khu vực Thái Bình), Mai Lâm Hoàn (44 tuổi, Trưởng phòng tài chính kế toán Cục DTNN khu vực Thái Bình), Phạm Văn Dân (60 tuổi, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ huyện Vũ Thư) và Bùi Xuân Cường (54 tuổi, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ huyện Đông Hưng).

Có 3 bị can áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú gồm Đặng Huy Tuân (50 tuổi, Trưởng phòng kỹ thuật bảo quản), Phạm Văn Đông (55 tuổi, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ huyện Tiền Hải) và Phạm Ngọc Nam (54 tuổi, Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ huyện Hưng Hà).

*** Liên quan tới vụ việc trên, ngay sau khi nắm bắt thông tin, Văn phòng đã có Tờ trình Bộ và có văn bản số 7130/BTC-VP đề nghị Tổng cục DTNN báo cáo Bộ sự việc trên trước 19h00, ngày 21/7/2022. Trên cơ sở đó, Văn phòng Bộ phối hợp với Tổng cục DTNN đã phát đi Thông tin báo chí.

Nhiều báo đã đưa tin về nội dung này như: Lao động (21/7) có tin “Bộ Tài chính: Không dung túng sai phạm tại Cục Dự trữ Nhà nước KV Thái Bình”; Thanh niên (22/7) có tin “Cán bộ Cục Dự trữ nhà nước Thái Bình bị khởi tố, Bộ Tài chính chỉ đạo nóng”; Vietnamnet (21/7) có tin “Tám cán bộ Cục dự trữ Nhà nước bị bắt, Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn”; VTV.vn (22/7) có tin “Bộ Tài chính: Không bao che, dung túng sai phạm tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình”; Pháp luật Việt Nam (21/7) có tin “Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước Thái Bình bị bắt, Bộ Tài chính chỉ đạo gấp”; VTC.vn (21/7) có tin “Khởi tố cán bộ Cục dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình: Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn”; Người lao động (21/7) có tin “Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình bị khởi tố: Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn” và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Ngay sau khi sơ bộ nắm bắt thông tin, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Tổng cục DTNN yêu cầu triển khai báo cáo Lãnh đạo Bộ vụ việc xảy ra tại Cục DTNN khu vực Thái Bình. Bộ Tài chính cũng yêu cầu, trên cơ sở phân cấp về quản lý cán bộ, Tổng cục DTNN thực hiện công tác cán bộ đối với 08 công chức đã bị Công an tỉnh Thái Bình tống đạt quyết định khởi tố vào chiều 21/7/2022 đảm bảo đúng quy định của pháp luật; Rà soát, sắp xếp, bố trí công chức lãnh đạo nhằm khẩn trương ổn định tình hình, đảm bảo hoạt động thường xuyên và liên tục của Cục DTNN khu vực Thái Bình.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổng cục DTNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình để thực hiện đúng các quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các sai phạm của các công chức trong khi thực thi công vụ, kiên quyết không bao che, dung túng cho các hành vi sai phạm.

Cũng ngay trong chiều ngày 21/7, Tổng cục DTNN đã khẩn trương thực hiện ban hành các Quyết định tạm đình chỉ chức vụ trong thời gian Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Thái Bình đang áp dụng biện pháp tạm giam đối với 3 công chức gồm:

Quyết định số 464/QĐ-TCDT, ngày 21/7/2022 về việc tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Lê Văn Sáu, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Thái Bình kể từ ngày 21/7/2022 đến ngày 16/11/2022;

Quyết định số 465/QĐ-TCDT, ngày 21/7/2022 về việc tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Vũ Văn Tại, Phó Cục trưởng Cục DTNN khu vực Thái Bình kể từ ngày 21/7/2022 đến ngày 16/11/2022;

Quyết định số 466/QĐ-TCDT, ngày 21/7/2022 về việc tạm đình chỉ chức vụ Kế toán trưởng đối với ông Mai Lâm Hoàn, Trưởng phòng Tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng kể từ ngày 21/7/2022 đến ngày 17/11/2022.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã ban hành các văn bản về công tác điều hành và thực hiện nhiệm vụ của Cục DTNN khu vực Thái Bình, cụ thể: Giao ông Trương Tuấn Thành, Phó Cục trưởng phụ trách, điều hành Cục DTNN khu vực Thái Bình trong thời gian ông Lê Văn Sáu bị tạm giam; Giao bà Phạm Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán phụ trách kế toán Cục DTNN khu vực Thái Bình trong thời gian ông Mai Lâm Hoàn bị tạm giam.

Tổng cục DTNN cũng đã có công văn 1148/TCDT-TCCB ngày 21/7/2022 chỉ đạo Cục DTNN khu vực Thái Bình  thực hiện các nội dung sau: Ban hành Quyết định theo phân cấp thẩm quyền tạm đình chỉ các chức vụ Trưởng phòng, Chi cục trưởng kể từ ngày 21/7/2022 đến khi có kết luận của Cơ quan điều tra đối với 06 công chức: Mai Lâm Hoàn, Bùi Xuân Cường, Phạm Văn Đông, Đặng Huy Tuân, Phạm Ngọc Nam, Phạm Văn Dân. Trong thời gian các công chức nêu trên bị tạm đình chỉ chức vụ, Cục DTNN khu vực Thái Bình phân công 01 đồng chí cấp phó của các Phòng, Chi cục để giao phụ trách, điều hành của Phòng, Chi cục đảm bảo mọi hoạt động của đơn vị được tiến hành bình thường, đúng quy định của pháp luật; Báo cáo Đảng ủy cơ quan cấp trên về sự việc xảy ra tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình để xem xét, xử lý theo quy định; Có biện pháp ổn định tâm lý đội ngũ công chức, người lao động Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình; tăng cường thực hiện nhiẹm vụ, quản lý tài sản,bảo đảm an toàn hàng hóa dẹ trữ quốc gia được giao.

Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an tỉnh Thái Bình để phục vụ công tác điều tra và xử lý vụ việc theo quy định.

II. Vấn đề về chính sách thuế

2. Báo Lao động (22/7) có bài “Đề xuất giảm thuế với doanh nghiệp vận tải: Gỡ khó cho sản xuất kinh doanh”; Đại đoàn kết (22/7) có tin “Đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vận tải nhẹ gánh thuế”, tienphong.vn (21/7) có tin “Giá xăng cao, Tổng cục Đường bộ đề xuất giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp vận tải” cho biết: Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất giảm thuế GTGT cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ DN vận tải. Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế cho DN vận tải là cần thiết, nhưng cần có trọng tâm và đi thẳng vào những vấn đề DN đang gặp khó khăn.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua khảo sát và báo cáo từ một số DN kinh doanh vận tải, ở điều kiện kinh doanh có lãi, chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành chiếm từ 35-45% (tuỳ loại hình vận tải). Hiện giá dầu diesel đã tăng 65%, nhưng giá cước vận tải vẫn không tăng trong khi giá nhiên liệu chiếm khoảng 50-60% giá thành. Điều này khiến các DN càng hoạt động càng lỗ nếu không tăng giá cước vận tải. Theo thống kê, còn một phần lớn các DN vận tải tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn chưa tăng giá cước vận tải.

Để thực hiện các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập DN. Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục giảm thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, nếu Chính phủ cũng như Bộ Tài chính chấp thuận thì đây là điều rất tốt cho các DN vận tải khi chi phí đầu vào (nhiên liệu) tăng mạnh.

III. Vấn đề về quản lý giá

3. Báo Nhân dân (22/7); Sài gòn giải phóng (22/7); Kinh tế đô thị (21/7); Giao Thông (21/7); Lao Động (22/7); Tuổi trẻ (22/7); Vietnamnet (21/7) đưa tin về việc “Giá xăng về sát 26.000 đồng một lít” “Giá xăng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay” cho biết: Kể từ 15 giờ chiều 21/7, giá xăng dầu tiếp tục giảm với mức sâu và đây là lần giảm thứ ba liên tục. Cụ thể, xăng E5RON92 hiện chỉ còn giá 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng/lít), thấp hơn xăng RON95-III 997 đồng/lít; xăng RON95-III còn 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng/lít). Còn dầu diesel 0.05S có giá mới là 24.858 đồng/lít (giảm 1.735 đồng/lít); dầu hỏa còn 25.246 đồng/lít (giảm 1.099 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S còn 16.548 đồng/kg (giảm 1.164 đồng/kg).

Tại kỳ điều hành này, liên bộ Công thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, giảm mức trích lập đối với mặt hàng dầu hỏa để ưu tiên việc giảm mạnh giá xăng dầu trong nước.

- Liên quan đến giá xăng dầu, Dân trí (22/7) có bài “Xăng giảm mạnh kéo dài đến bao giờ?” cho rằng: Tại 2 kỳ điều chỉnh ngày 11/7 và 21/7, do giá xăng dầu giảm mạnh nên Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã quyết định không chi quỹ, đồng thời trích lập ở mức khá mạnh. Cụ thể, cơ quan điều hành trích lập quỹ với xăng E5 RON 92 ở mức 950 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 550 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 950 đồng/kg. Như vậy, nếu không phải trích lập quỹ bình ổn, giá các loại xăng dầu đã có thể giảm sâu hơn.

Liên quan đến loại quỹ này, nhiều chuyên gia vừa qua đã lên tiếng chỉ loạt bất cập, đề xuất nên bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để thị trường vận hành hoàn toàn theo xu thế của thế giới. Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó đưa ra nội dung bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo nhiều khả năng kỳ điều chỉnh tới (1/8), giá xăng dầu lại lấy đà tăng trở lại. Xu thế này có thể sẽ có những thay đổi bởi kỳ điều hành kéo dài 10 ngày.

- Cũng về nội dung này, Thanh niên (22/7) có bài “Xăng đã giảm gần 7.000 đồng/lít, giá hàng hoá bao giờ giảm?”; Người lao động (22/7) có bài “Sốt ruột chờ giảm giá hàng hóa, dịch vụ”; Tuổi trẻ (22/7) có bài “Xăng dầu giảm giá mạnh: Giá hàng hóa chỉ “nhúc nhích” cho biết: Hai lần điều chỉnh vừa qua, giá xăng dầu đã giảm mạnh so với cuối tháng 6 vừa qua thì nay mỗi lít xăng đang rẻ hơn từ 6.200 - 6.800 đồng, mỗi lít dầu diesel rẻ hơn 5.260 đồng. Tuy nhiên, nếu so với đầu năm thì giá xăng E5 RON 92 hiện vẫn còn cao hơn 2.000 - 2.500 đồng/lít, xăng RON 95-III cao hơn khoảng 3.000 đồng/lít, dầu diesel cao hơn 6.400 đồng/lít. Giá xăng giảm mạnh hiện nay được đánh giá là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và là cơ sở để giá nhiều hàng hóa được giảm theo.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích với mức giảm gần 7.000 đồng cho mỗi lít xăng, dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của DN và người dân, nhưng đây cũng là mức giảm khá mạnh nếu so với tổng số tiền tăng thêm gần 10.000 đồng/lít xăng kể từ đầu năm. Vì vậy, các DN cần xem xét để bắt đầu thực hiện giảm giá hàng hóa, ít nhất cũng phải giảm khoảng 1/3 so với mức tăng trước đây. Trong đó, có thể giảm đầu tiên là các DN vận tải vì xăng dầu có tác động trực tiếp. Nhưng do đây là nhóm ngành phải công bố kê khai giá nên cần thực hiện thủ tục sớm để từ tháng 8 sẽ áp dụng giá mới. Đối với nhiều hàng hóa khác có thể còn chờ sau khi giá vận chuyển hạ nhiệt thì mới đi theo.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cắt giảm một số loại phí, thuế để kéo giá xăng dầu hạ nhiệt sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy nền kinh tế và tác động giá các mặt hàng. Trong lần điều chỉnh trước, giá xăng giảm khoảng 3.000 đồng/lít là đáng ghi nhận nhưng vẫn như "muối bỏ bể" bởi giá cả hàng hóa chưa hoặc không giảm theo. Nay, giá xăng giảm về mức 25.000 - 27.000 đồng/lít là cơ sở để hạ nhiệt giá cả thị trường.

4. VTV.vn (21/7) có tin “Bộ Tài chính: Thận trọng trong việc tăng học phí, SGK” cho biết: Trong thông báo mới phát đi, Bộ Tài chính cho biết bối cảnh hiện nay, quan điểm xuyên suốt của Chính phủ đó chính là việc tăng giá bất cứ hàng hóa, dịch vụ nào (đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, y tế) phải được cân nhắc thận trọng, đánh giá tác động kỹ càng trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định, tránh tác động tới lạm phát.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, theo Bộ Tài chính, hiện giá sách giáo khoa (SGK) được quản lý giá theo quy định tại Luật Giáo dục, Luật Giá, theo đó giá SGK thuộc danh mục mặt hàng thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Trong năm học 2022 – 2023, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tiếp nhận kê khai giá SGK và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai các biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là một số chi phí như chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng. Đến nay, các đơn vị đã kê khai điều chỉnh giảm giá SGK, mức giảm phổ biến trong khoảng từ 5% -15% tùy từng cuốn sách.

"Bộ đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Giá sửa đổi, hiện đã đưa SGK vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá SGK gắn với các yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn để SGK có giá cả hợp lý đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong giáo dục đào tạo", Bộ Tài chính thông tin.

Trong khi chờ Luật Giá sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá theo quy định pháp luật để bình ổn giá SGK.

IV. Vấn đề về quản lý thuế

5. Báo Tuổi trẻ (22/7) có bài “Bỏ khung giá đất là điểm đột phá”; Lao động (22/7) có bài “Bỏ khung giá đất, đánh thuế cao với người nhiều nhà ở”; Thanh tra (22/7) có bài “Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bỏ khung giá đất là đột phá” cho biết: Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức ngày 21/7, khi trình bày chuyên đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, điểm mới mang tính đột phá mà Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII yêu cầu là “bỏ khung giá đất” và đã được các cơ quan thống nhất sau khi thảo luận kỹ lưỡng.

Trung ương yêu cầu cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường quy định chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất, HĐND cấp tỉnh quyết định, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Cùng với đó, công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; sàng lọc khi chọn người tham gia xác định giá đất…

Điểm mới nổi bật nữa của Nghị quyết 18 là đưa ra chủ trương quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang. Có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương.

6. Báo Công lý (22/7) có bài “Kiểm soát tình trạng “hai giá” bất động sản”; Lao động (22/7) có bài “Siết bán nhà hai giá để tăng thu ngân sách” cho biết: Trước tình trạng thời gian qua, nhiều cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia mua bán, kinh doanh bất động sản (BĐS) đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế hoặc ký hai hợp đồng ghi hai giá khác nhau nhằm trốn thuế.

Để chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng BĐS, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế địa phương tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch BĐS để công khai, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong chuyển nhượng BĐS. Sau những động thái triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, kết quả thu thuế từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS tăng mạnh. Nhiều địa phương tăng thu ngân sách từ chống thất thu thuế chuyển nhượng BĐS.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng BĐS “hai giá” là do chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Hiện có hai cách tính khoản thuế mà người chuyển nhượng BĐS phải nộp gồm: dựa và giá ghi trên hợp đồng và dựa theo khung giá đất do nhà nước quy định nếu hợp đồng không ghi rõ giá hoặc giá thấp hơn giá khung quy định. Quy định này đang là lỗ hổng cho người dân lợi dụng để trốn thuế. Bởi giá đất nhà nước quy định thường thấp, chỉ bằng 30-35% giá thị trường hiện nay.

Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, giao dịch, kinh doanh bất động sản, hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, đầu cơ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu NSNN.

7. Thanh niên online (21/7) có tin “Bán hàng online, cho thuê nhà… vào 'tầm ngắm' cơ quan thuế” cho biết: So với doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) chưa tương xứng, Tổng cục Thuế xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động TMĐT.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 18 doanh nghiệp trong nước, trong đó có 6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT; 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán; 3 doanh nghiệp là công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Đồng thời, cơ quan thuế gửi công văn đến 4 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Thông qua việc tăng cường quản lý, chống thất thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới, hoạt động kinh doanh TMĐT, 5 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu được 220 tỉ đồng.

V. Vấn đề khác

8. Thời báo Ngân hàng (22/7) có tin “ADB giữ nguyên triển vọng tăng trưởng kinh tế, lạm phát của Việt Nam”; Nhân dân online (21/7) có tin “ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam” cho biết: Trong ấn bản Bổ sung Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2022 được công bố ngày hôm nay (21/7), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như được công bố trong ADO tháng 4 năm 2022.

Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy nhờ thương mại tiếp tục mở rộng, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của lĩnh vực sản xuất chế tạo, đi lại trong nước và giải ngân vốn đầu tư công. Giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu, sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Do vậy, dự báo lạm phát là không thay đổi so với dự báo của ADB hồi tháng 4, ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4,0% cho năm 2023.

9. Thời báo Ngân hàng (22/7) có bài “Tăng tốc chính sách, hạn chế “lệch pha” với thế giới” cho biết: Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mức 6,8-7% với điều kiện các chính sách hỗ trợ phục hồi được đẩy nhanh, nếu không tốc độ sẽ chỉ ở mức khoảng 5,5-6%.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00