Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 25/7/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 25/7/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Các báo: Tuổi trẻ (25/7) có bài “Cởi trói cho bảng giá đất”; Tiền phong (25/7) có bài “Bỏ khung giá đất để ngăn chặn đầu cơ, tham nhũng”; Lao động (25/7) có bài “Bỏ khung giá đất, xác định theo giá thị trường: Giảm khiếu kiện, tránh thất thu thuế” đề cập đến chủ trương bỏ khung giá đất.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, cái vướng hiện nay là giá ghi trên hợp đồng thường thấp hơn giá thị trường. Các địa phương để bảng giá đất quá thấp, trong khi giá mua bán trên hợp đồng thường ghi giá trị ngang bảng giá đất nhà nước ban hành để nộp thuế thấp….

TS Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng khoa Luật, Trường kinh tế Luật quản lý nhà nước, ĐH Kinh tế TP HCM, hiện nay có 3 “vòng kim cô” ảnh hưởng đến xác định bảng giá đất là nguyên tắc xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất và khung giá đất. Việc bỏ khung giá đất sẽ xóa đi “vòng kim cô” và tăng quyền chủ động cho các địa phương khi thực hiện xây dựng bảng giá đất phù hợp với tình hình địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, bỏ khung giá đất, áp dụng mức thuế lũy tiến sẽ ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, tham nhũng liên quan đến đất đai. Nhưng điểm mới mang tính đột phá này phải trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, quy định áp mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở sẽ góp phần điều tiết hành vi sử dụng đất. Ở đây không phải cấm không được sử dụng nhiều đất mà dùng nhiều thì phải nộp thuế nhiều. Tức là dùng công cụ thị trường để điều tiết hành vi. Như vậy sẽ rất công bằng và xóa bỏ hoàn toàn chuyện xin - cho.

2. Báo Đại đoàn kết (23/7) có bài “Thuế bất động sản, không thể chậm hơn” đưa tin: Bộ Tài chính cho biết đang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật thuế, trong đó có các chính sách thuế liên quan đến BĐS. Trên cơ sở tổng hợp vướng mắc, bất cập của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thi hành các luật thuế liên quan BĐS và tổng hợp nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến BĐS, báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến tài sản…

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), khi xây dựng cách thức tính thuế, cơ quan quản lý phải có quy định cụ thể. Ví dụ, một người có 2 nhà diện tích khác nhau thì đánh thuế nhà nào, căn cứ nào để xác định đâu là ngôi nhà thứ 2. Chưa kể việc so sánh với người khác cũng sở hữu 2 ngôi nhà nhưng khác diện tích. Vì vậy, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2 phải đảm bảo công bằng, hợp lý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, hiện người sở hữu nhà tại Việt Nam chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở, mới phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó thuế suất với đất ở trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất. Mức nộp thuế này quá thấp, gần như không đáng kể và không đủ điều tiết thị trường. Việc đánh thuế nhà thứ 2 trở đi sẽ góp phần giúp thị trường BĐS phát triển bền vững, phòng chống đầu cơ, tăng thêm nguồn thu cho NSNN.

3. Báo Thanh niên (23/7) có bài “Siết nhà hai giá, thu thuế tăng vọt” cho biết: Theo ông Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật Minh Đăng Quang, từ cuối năm 2021 đến tháng 6/2022, đồng loạt các cơ quan thuế tỉnh thành cả nước làm “gắt” việc kê khai 2 giá trong chuyển nhượng bất động sản. Những hồ sơ kê khai giá giao dịch thấp được động viên khai lại và giá khai sau luôn cao hơn giá trước đồng nghĩa với số thu thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản tăng lên. Nay cơ quan thuế thực hiện tiếp nhận hồ sơ theo giá kê khai thuế của người dân sau đó hậu kiểm với hồ sơ nghi vấn. Như vậy, các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản sẽ trơn tru hơn, số thu vì thế cũng vào ngân sách kịp thời hơn nhưng có tăng hơn hay không còn phụ thuộc vào giá khai. Ông Xoa cũng dự báo số thu NSNN từ chuyển nhượng bất động sản vào cuối năm có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế), về lâu dài, để chống thất thu thuế trong chuyển nhượng BĐS, các cơ quan chức năng cũng sẽ phải sửa quy định để đồng bộ hơn về giá đất. Đồng thời, các cục thuế tỉnh, thành phối hợp với cơ quan địa phương để tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh. Cơ quan thuế không kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ của người dân mà phải theo quy định, trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh, kiểm tra sau.

4. Báo Lao động (25/7) có bài “Cẩn thận hệ quả khi ồ ạt đấu giá đất trở lại” cho biết: Mặc dù thị trường đang có tính thanh khoản chậm nhưng một số địa phương đang tập trung đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất. Với việc đấu giá đất trở lại, hi vọng 6 tháng cuối năm nguồn thu ngân sách sẽ tăng mạnh. Theo Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng với dịch bệnh nhưng số tiền thu từ sử dụng đất, tiền thuê đất, đấu giá đất vào ngân sách vẫn tăng qua các năm.

Chia sẻ với PV, TS Đinh Trọng Thịnh thừa nhận rằng, ở mỗi địa phương nếu đấu giá đất thành công sẽ tạo ra nguồn thu ngân sách lớn. Tuy nhiên cũng cần phải tính toán các phương án khai thác nguồn thu, không nên dựa dẫm vào nguồn thu từ đấu giá đất nói riêng và BĐS nói chung.

Cùng quan điểm một số chuyên gia thuế cảnh báo nếu chăm chăm vào việc thu hồi đất, thu từ chuyển đất nông nghiệp thành đất ở thông qua đấu giá…thì hệ quả là giá nhà cao chót vót, người nghèo, thu nhập thấp rất khó tiếp cận nhà ở. Theo đó cần nhìn nhận đấu giá đất cao bất thường không phải là thành tích, nó là nhược điểm của thị trường nên phải sớm khắc phục. Nếu thu ngân sách địa phương chỉ trông vào thu từ giao đất thì đó là một nhược điểm lớn.

5. Báo Tuổi trẻ (23/7) có bài “Google, Facebook đã nộp bao nhiêu thuế?” đưa tin: Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, sau khi ngành thuế thực hiện hàng loạt biện pháp để siết quản lý thuế với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thì số thu thuế trong lĩnh vực này đã tăng lên. Tốc độ thu bình quân đạt 130%. Trong đó, năm 2021 có số thu lớn nhất với 1.591 tỉ đồng. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm nay có số thu đạt gần 760 tỉ đồng là do theo quy định, từ ngày 21-3-2022, các nhà cung cấp nước ngoài có thể nộp thuế trực tiếp cho Việt Nam qua cổng thông tin etaxvn.gdt.gov.vn dù không hiện diện tại Việt Nam.

Một số nhà cung cấp nước ngoài điển hình như Facebook (Meta), Microsoft, TikTok, Netflix... đã chủ động kê khai, nộp thuế trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên cổng tại kỳ kê khai quý 1 năm nay được Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, TikTok đã nộp 34,5 tỉ đồng, Netflix đã nộp 7,8 tỉ đồng và Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý 2.

Bài báo đặt vấn đề, trong bối cảnh hai ông lớn là Facebook và Google đang chiếm hơn 80% tổng doanh thu ngành quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam thì liệu con số này có tương xứng? Theo chuyên gia tiếp thị số Nguyễn Khoa Hồng Thành, rất khó để xác định số tiền Facebook và Google đã đóng thuế (số tiền gần 2.000 tỉ đồng/doanh nghiệp cho các năm từ 2018 - 2021) là tương xứng với doanh thu của họ tại Việt Nam hay chưa bởi chúng ta không có công cụ để thống kê chính xác doanh thu quảng cáo của Facebook và Google tại Việt Nam. Phần doanh thu của những ông lớn này thông qua các doanh nghiệp thì có thể xác định được nhưng thông qua những tài khoản cá nhân thì khó hơn nhiều….

Về phía Tổng cục Thuế, bà Lan Anh cho biết, ngoài các ông lớn nước ngoài, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử đối với 18 doanh nghiệp trong nước và 6 nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam...

6. Báo Tuổi trẻ (25/7) có tin “66.000 hồ sơ hoàn thuế, tiền hoàn không đáng bao nhiêu” đưa tin: Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế TP HCM đã nhận 72.553 hồ sơ quyết toán thuế TNCN, tăng đột biến. Đáng lưu ý, trong số này, 66.228 hồ sơ thuộc trường hợp hoàn thuế, chỉ có 3.325 trường hợp thuộc diện nộp thêm. Đến nay, Cục Thuế TP HCM đã hoàn thuế TNCN cho 45.295 hồ sơ với số tiền hoàn hơn 78,8 tỷ đồng. Như vậy, tính ra số tiền hoàn thuế trung bình trên mỗi hồ sơ chỉ hơn 1,7 triệu đồng. Hồ sơ quyết toán thuế nhiều năm qua tăng theo chiều thẳng đứng vì quy định bất hợp lý: thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng đã bị tạm khấu trừ thuế TNCN 10%. Mức 2 triệu đồng này áp dụng 14 năm qua và chính Bộ Tài chính cũng đề xuất nâng lên 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh. Do đó, nhiều người lao động dù TNCN chưa đến mức nộp thuế nhưng vẫn bị khấu trừ, bị giam tiền trong suốt 1 năm và cuối năm phải vất vả làm hồ sơ quyết toán thuế.

II. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Đại đoàn kết (23/7) có bài “Bao giờ giá các mặt hàng giảm theo giá xăng?” cho biết: Giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá hàng hóa tiêu dùng, giá các dịch vụ thiết yếu vẫn “bất động”. Điều này, khiến người tiêu dùng bức xúc.

Giới chuyên gia cho rằng, để kéo giá xuống, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần xem xét giá xăng dầu, giá cả đầu vào tăng bao nhiêu, tác động đến giá thành thế nào để từ đó tính toán giá bán các loại hàng hóa khác, sau một thời gian nhất định mà hàng hóa không giảm thì hai đơn vị này phải vào cuộc.

PGS Ngô Trí Long cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động có các giải pháp sát thực tế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá thị trường. Trong đó, Bộ Tài chính cần chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả. Trên cơ sở đó, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó với từng mặt hàng để cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.

8. Diễn đàn doanh nghiệp (22/7) có bài “Vi phạm thẩm định giá: Cần bổ sung chế tài hình sự” cho biết: Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương về việc tăng cường kiểm soát hoạt động thẩm định giá của Nhà nước.

Hàng loạt vụ án trong thời gian qua liên quan đến sai phạm trong việc thẩm định giá đã cho thấy những thiệt hại lớn về kinh tế. Bộ Tài chính cũng phải thừa nhận những thẩm định viên về giá vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, “thổi giá” gây thất thoát NSNN, giảm hiệu quả đầu tư, tạo gánh nặng cho xã hội. Liên quan đến các sai phạm về thẩm định giá, các chuyên gia cho rằng, cần bổ sung chế tài hình sự để xử lý nghiêm minh, đủ sức dăn đe, tương xứng với những hậu quả nghiêm trọng đã gây ra cho xã hội.

Để ngăn chặn thất thoát tài sản Nhà nước từ thẩm định giá, luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng bên cạnh việc kịp thời chấn chỉnh các hoạt động thẩm định giá, cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá.

9. Báo Hà nội mới (23/7) có bài “Chủ động giảm áp lực lạm phát”;  Công Thương (25/7) có bài “Hóa giải áp lực lạm phát”; Tiền Phong (23/7) có bài “Giá xăng dầu giảm, ngư dân khấp khởi ra khơi” “Ngư dân ở ĐBSCL vừa mừng vừa lo”; Người lao động (23-25/7) có bài “Giá hàng hóa vẫn leo thang, bất chấp xăng lao dốc” cho biết: Sau nhiều tháng cho tàu nằm bờ, đến nay khi lần thứ 2 giá xăng dầu giảm sâu, nhiều ngư dân đã khấp khởi vui mừng. Dù họ còn đối mặt khó khăn do giá hải sản thấp, bị chèn ép giá; ngư trường cạn kiệt và giá xăng dầu có thể tăng trở lại, song ngư dân đã mua dầu vươn khơi bám biển trở lại. Nhưng ngư dân ở các tỉnh miền Tây vẫn còn đang cân nhắc chuyện cho tàu ra khơi, vì ngư trường ngày càng cạn kiệt, giá cả bấp bênh.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng chưa đủ để kìm giá xăng, dầu trong nước. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục đề xuất giảm thêm một số loại thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng để giảm giá xăng, dầu trong nước; từ đó góp phần bình ổn thị trường, giảm áp lực lên lạm phát.

Các báo cũng thông tin: Trái với mong đợi của đại đa số người tiêu dùng, đã gần 1 tuần sau khi giá xăng giảm về mức 25.000 - 26.000 đồng/lít nhưng giá hàng hóa, dịch vụ chẳng những chưa giảm mà một số mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá, trứng gà… trên thị trường còn có xu hướng tăng. Lý giải hiện tượng này, nhiều nhà sản xuất, cung ứng hàng thực phẩm có uy tín tại TP HCM cho biết hiện giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng 40%-50%; các loại bột, ngũ cốc, sữa đường, dầu cọ... cũng tăng trên 30% so với cuối năm 2021, giá xăng dù đã giảm mạnh nhưng nhất thời chưa tác động giảm giá các loại nguyên vật liệu chính dùng trong sản xuất, chăn nuôi nên chưa thể giảm giá…

10. Người lao động (23/7) có tin “Xử nghiêm việc thao túng giá heo” cho biết: Sau nhiều ngày tăng giá liên tục, đến ngày 22-7, giá heo hơi đã chững lại do lực hút từ thị trường phía Bắc giảm mạnh.

Trước diễn biến giá thịt heo và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt heo trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt heo, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định; bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi; không để thiếu hụt thịt heo, giá thịt heo tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ tình hình xuất khẩu thịt heo qua biên giới; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

III. Vấn đề về chứng khoán

11. Báo Đầu tư chứng khoán (25/7) có bài “Phát triển TTCK bền vững: Kỳ vọng gỡ nhiều nút thắt” cho biết ý kiến của một số chuyên gia, nhà quản lý để gỡ nút thắt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Một số chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường bền vững, cần tăng hàng hóa niêm yết, có chất lượng trên thị trường, tập trung vào nâng hạng thị trường và cải tổ quản trị công ty; tăng cường minh bạch và công bố thông tin bằng tiếng Anh trên thị trường;…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi  cho rằng, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp, do đó, cần có giải pháp nhằm phát triển thị trường lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến triển khai các giải pháp điều hành, quản lý, giám sát thị trường. Chúng tôi cũng đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường trong thời gian tới….

IV. Vấn đề về công sản

12. Người lao động (24/7), Sài gòn giải phóng (25/7) có tin “Gỡ vướng bàn giao đất thực hiện Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất” cho biết: Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để xây Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được xem xét tại cuộc họp ngày 26-7 tới.

Ngày 24-7, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo Kết luận của Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án xây dựng đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Về tiến độ bàn giao đất, Bộ Quốc phòng đề xuất đối với khu đất diện tích 16,05 ha để xây nhà ga T3 sẽ tổ chức bàn giao làm 2 đợt (đợt 1 bàn giao 14,757 ha, đợt 2 bàn giao 1,293 ha sau khi xử lý xong tài sản của Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt).

Khu đất diện tích 11,89 ha để làm đường sẽ bàn giao sau khi UBND TP HCM thực hiện bồi thường, hỗ trợ kinh phí và các đơn vị quân đội hoàn thành dồn dịch, sửa chữa, xây dựng doanh trại, công trình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất, bảo đảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

13. Báo Đại đoàn kết (25/7) có bài “Trái phiếu doanh nghiệp trở lại đường đua” cho biết: Tạm dừng phát hành TPDN ngay sau khi xảy ra sự vụ Tân Hoàng Minh, tuy nhiên thời điểm này một số DN tái xuất trở lại trên đường đua phát hành TPDN. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các NĐT cá nhân tham gia. Thị trường TPDN chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các NĐT cá nhân. Bên cạnh các quy định về công khai, minh bạch thông tin cũng như các quy định về an toàn tài chính thì việc phát triển của các sản phẩm tài chính có mức lãi suất hấp dẫn, đồng thời mức độ rủi ro hợp lý là rất cần thiết.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00