Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 26/7/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 26/7/2022

  1. Vấn đề về thuế

1. Ngày 25-26/7, Cổng TTĐT Chính phủ; Lao động; VOV.vn; Quân đội nhân dân; Đại đoàn kết; Người lao động và nhiều báo khác đồng loạt đưa tin “Nghiên cứu giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng” cho biết: Ngày 25/7, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Tài chính về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí đối với xăng dầu. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ cho cả trước mắt và trung hạn.

2. Báo Người lao động (26/7) có bài “Đánh thuế nhà đất thế nào cho hiệu quả?” cho biết: Chủ trương đánh thuế cao với người có nhiều tài sản là nhà đất, BĐS được giới chuyên gia bàn luận sôi nổi trong vài năm gần đây.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhấn mạnh đây là thời điểm thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản. Bởi thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03%, trong khi ở các quốc gia khác thông thường mức thuế suất khoảng 1%-5%. Để đánh trúng, đúng đối tượng, thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị quyết 18, cần đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải tăng thuế tài sản mà là cải cách nó. Nghĩa là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất, đặc biệt là những nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng; đánh thuế mạnh vào nhà thứ hai và những nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần trị hiện tượng sốt đất và giúp giá nhà, đất bình ổn lại. Lưu ý, chúng ta chưa cần ngay một luật thuế hoàn chỉnh mà trước mắt phải phân loại, định nghĩa thế nào là đầu cơ, sau đó có điều chỉnh dần.

ThS Nguyễn Anh Vũ, ĐH Ngân hàng TP HCM, Việt Nam cho rằng, nếu dự kiến hướng đến chống đầu cơ thì người làm chính sách có thể đứng trước 2 lựa chọn. Thứ nhất, cần làm rõ căn cứ nào để đóng thuế mà không ảnh hưởng đến người nghèo, người thu nhập trung bình. Thứ hai, nếu chỉ chống đầu cơ thì phải phân loại BĐS để đánh thuế cho phù hợp. Ví dụ, loại nhà dưới 2 tỷ đồng đóng thuế bao nhiêu, nhà mặt tiền, vùng ven,… đóng thế nào?

Góp ý về việc đánh thuế BĐS thế nào cho hiệu quả, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, nên tính thuế lũy tiến, thuế suất có thể điều chỉnh 1 năm 1 lần. Đặc biệt, việc thu thuế phải theo giá thị trường. Thu thuế tài sản, BĐS không nên nôn nóng mà cần làm từng bước để người dân quen dần. Vì vậy, lộ trình thu thuế cần lũy tiến tăng theo các năm. Những việc này khi thực hiện đồng bộ sẽ giúp kiểm soát và thu thuế thuận lợi hơn.

Đặt vấn đề liên quan đến thuế tài sản, LS Lương Văn Trung, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC cho rằng, việc tăng thu thuế thu nhập đối với người nắm nhiều BĐS chỉ trở thành hiện thực khi BĐS đó được chuyển nhượng và bên bán thu về lợi nhuận. Do vậy, người đầu cơ có thể vẫn chấp nhận nộp thuế nếu họ lãi lớn. Để giảm đầu cơ, nhà nước cần tính đến nhiều biện pháp khác, làm sao để hằng năm, giá nhà đất không thể tăng quá cao bằng cách hướng dòng tiền trên thị trường vào đầu tư sản xuất, công nghệ, hay cân nhắc việc cho phép ngân hàng cho vay mua nhà có sự phân biệt lãi suất và tỷ lệ cho vay đối với người mua nhà lần 1, lần 2.

3. Báo Tuổi trẻ (26/7) có bài “Một quy định quá lạc hậu” cho biết: Hiện nay, cách quản lý thuế đối với người có hợp đồng lao động, làm việc tại một nơi tương đối hợp lý nhưng với người làm việc ở nhiều nơi, không có chỗ làm việc nhất định thì khá phức tạp. Do chưa rõ họ có thu nhập đến mức chịu thuế hay không nhưng để tránh thất thu thuế, Bộ Tài chính quy định mỗi lần nhận thu nhập từ 2 triệu đồng thì những người này đều bị tạm khấu trừ 10% (áp dụng 14 năm qua). Cuối năm, nếu chưa đến ngưỡng phải nộp thuế (132 triệu đồng/năm) thì họ phải làm thủ tục hoàn thuế để lấy lại tiền dôi dư. Cơ quan thuế giải thích đây là tạm thu, cuối năm khi quyết toán sẽ được hoàn lại. Nhưng với cách thu như vậy, một khoản thu nhập lẽ ra được dùng để chi tiêu của người nộp thuế lại bị chiếm dụng, phải đến 1 năm sau mới được lấy lại. Hơn nữa, cơ quan thuế cũng phải huy động một lực lượng lớn làm việc miệt mài suốt nhiều tháng, trong khi lẽ ra họ có thể làm công tác chuyên môn, thanh tra, kiểm tra để thu được số ngân sách lớn hơn nhiều. Thực tế, cơ quan thuế cũng kêu về quy định bất hợp lý này nhiều năm qua và đề xuất nâng lên mức 5 triệu đồng từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh. Các chuyên gia cho rằng, ngành thuế nên mạnh dạn đề xuất thay đổi quy định này, không nên duy trì quan điểm “thà thu nhầm hơn bỏ sót” vốn đã quá lạc hậu mà nên nhìn theo hướng “nuôi dưỡng nguồn thu”.

II. Vấn đề về giá

4. Báo Tiền Phong (26/7) có bài “Giá xăng dầu giảm hơn 20%: DN vận tải cần song phẳng”, Lao Động (26/7) có bài“Thấp thỏm chờ giá hàng hóa, dịch “hạ nhiệt” cho biết: Gần một tháng qua, giá xăng dầu đã giảm sâu 20% nhưng giá cước vận tải ở Hà Nội vẫn không có biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp vận tải hoạt động theo thị trường thì cần sự phản ứng phù hợp để vừa thể hiện sự song phẳng, vừa tôn trọng khách hàng.

Theo đại diện một số siêu thị tại TP.Hà Nội, các loại thực phẩm đóng gói như dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, hóa mỹ phẩm… là những mặt hàng chịu nhiều tác động về chi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất. Hiện nay, dù giá xăng dầu giảm mạnh nhưng để các mặt hàng nói trên điều chỉnh giá bán thì vẫn cần thêm thời gian do hợp đồng cung ứng thường được điều chỉnh trong khoảng 30-40 ngày.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong rổ hàng hóa tính CPI (chỉ số giá tiêu dùng) ở Việt Nam, việc chi tiêu cho xăng dầu được giả định chiếm 3,6% tổng chi tiêu của người dân. Cần lưu ý rằng, đây chỉ là con số trung bình nên sẽ có những hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn con số này, và sẽ có những hộ chi tiêu ít hơn.

Cụ thể, khi giá xăng giảm mạnh, tỉ trọng chi tiêu cho mặt hàng này sẽ giảm đi, dẫn đến sẽ tăng thu nhập để chi tiêu vào những mặt hàng khác. Ngoài ra, giá xăng giảm cũng sẽ kéo theo việc giảm giá của những loại hàng hóa khác (dù phải có độ trễ), do xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác.

III. Vấn đề về tài chính ngân hàng

5. Ngày 25-7, Văn phòng Bộ gửi thông tin báo chí về việc tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2022 và các rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý. Ngay sau đó, nhiều báo đã có tin, bài về nội dung này, như: Người lao động (25/7) có bài “Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Bộ Tài chính khuyến cáo lãi suất cao thì rủi ro cao”, tuoitre.vn (25/7) có bài “Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang tăng trở lại”, Vietnam+ (25/7) có bài “Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao sẽ đi kèm rủi ro lớn”, Báo Kinh tế đô thị (25/7) có bài “Nghịch lý: Khát vốn, doanh nghiệp vẫn mạnh tay tất toán trước hạn nghìn tỷ đồng trái phiếu”, plo.vn (25/7) có bài “Mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị xử lý nếu không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp?”, anninhthudo.vn (25/7) có bài “Bộ Tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, nhà đầu tư vẫn cần cảnh giác”, zingnews.vn (25/7) có bài “Bộ Tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp không phải tiền gửi ngân hàng”, Báo điện tử Vietnamnet (25/7) có bài “Thêm 10 tỷ USD trái phiếu DN bán ra, Bộ Tài chính cảnh báo rủi ro”, Công an nhân dân (26/7) có bài “Cảnh báo 5 rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp”; Lao Động (26/7) có bài “Thận trọng khi được chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp”, Tuổi trẻ (25/7) có bài“Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đang tăng trở lại” và nhiều báo khác. Các báo đều đưa đúng định hướng theo nội dung thông tin báo chí Văn phòng Bộ đã gửi.

Các báo cho biết: Trong 6 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỉ đồng. Đáng chú ý, lượng trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4 và đang tăng trở lại từ tháng 5.

Qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư.

Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư về việc TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, TPDN riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.

Theo Bộ Tài chính, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trường hợp TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Bên cạnh đó nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Như vậy, từ ngày 20/7-25/7, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ TCNH đã phát đi 2 TTBC liên quan đến cảnh báo những rủi ro trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Những thông tin này phát đi đã được các cơ quan báo chí sử dụng rộng rãi để thông tin đến người dân, nhà đầu tư.

IV. Vấn đề về đầu tư công

6. Báo Pháp luật Việt Nam (26/7) có tin “Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công” cho biết: Chiều 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác  số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương và hai địa phương.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương thuộc Tổ công tác số 3 hơn 18.066 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án khoảng 16.675 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ chi tiết 1.391 tỷ đồng của 5 bộ, cơ quan Trung ương… Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022, đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3 đạt khoảng 1.585 tỷ đồng, đạt 8,77% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước 27,86%.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau những đợt kiểm tra, đôn đốc, các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế để tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, dự kiến sẽ đạt tiến độ đặt ra vào cuối năm.

V. Vấn đề về ngân sách

7. Báo Đại đoàn kết (26/7) có tin “Quy định cụ thể để quản chặt tiền tài trợ, công đức” cho biết: Sau khi lấy ý kiến của nhân dân, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc tiếp nhận, quản lý sử dụng kinh phí đối với tiền tài trợ, công đức cho di tích và hoạt động lễ hội, để vừa quản lý chặt vừa dễ dàng tiếp cận và thực hiện hơn.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00