Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 29/7/2022

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 29/7/2022

I. Vấn đề về thuế

1. Tuổi trẻ (29/7) có bài “Chuyển nhượng nhà của người nước ngoài: Ách tắc vì “lấn cấn” thuế” cho biết: Thông tin từ Chi cục thuế Tp. Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết, đang thụ lý hồ sơ của ông H.WY (viết tắt) là người nước ngoài chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ phát sinh hợp đồng thuê căn hộ dài hạn. Theo đó, ngày 24-11-2015, ông H.WY ký hợp đồng thuê căn hộ dài hạn (dùng để ở) với bên cho thuê là Công ty CP phát triển thành phố Xanh, thời hạn thuê từ ngày bàn giao (20/6/2020) đến hết ngày 29/3/2068, tức 48 năm.

Hợp đồng quy định bên thuê được chuyển sang hình thức ký hợp đồng mua bán với bên cho thuê, được chuyển nhượng quyền thuê theo hợp đồng này cho bên thứ ba. Ngoài ra, sau khi hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê, bên nhận chuyển nhượng được quyền chuyển sang hình thức ký hợp đồng mua bán với bên cho thuê.

Phía Chi cục Thuế Tp. Thủ Đức cho rằng thu nhập của ông H.WY được xác định là thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản theo quy định tại thông tư số 40/2021 của Bộ Tài chính, tức chịu thuế suất 10% trên giá chuyển nhượng và có văn bản xin ý kiến cấp trên. Đại diện Chi cục Thuế Tp. Thủ Đức cho biết từ tháng 12-2021 cơ quan này đã làm văn bản hỏi Cục thuế Tp. HCM. Sau đó Cục thuế Tp.HCM đã làm tờ trình gửi Tổng cục Thuế vào tháng 1-2022 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

“Nếu là mua bán, cơ quan thuế sẽ thu theo dạng chuyển nhượng bất động sản với thuế suất 2% nhưng gần đây hầu hết hợp đồng chuyển nhượng của người nước ngoài đều là cho thuê dài hạn 50 năm. Do vậy chúng tôi không biết thu theo dạng gì và đang xin ý kiến. Dù vẫn nhận những hồ sơ dạng này nhưng chúng tôi cũng thông báo rõ là phải chờ cấp trên trả lời chứ chưa thể giải quyết ngay”, vị đại diện Chi cục Thuế Tp. Thủ Đức nói.

Trao đổi với Tuổi trẻ, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng đề xuất chính sách thuế là quyền của cơ quan thuế nhưng khi chưa có quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan thuế không được dừng việc làm thủ tục chuyển nhượng theo thuế suất hiện hành, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nộp thuế.

2. Báo Thanh niên (29/7) có bài “Sớm giảm thuế xăng dầu để chia sẻ với dân” cho biết: Trong khi DN, người dân khốn khổ vì giá xăng dầu đắt đỏ, thì rất nhiều DN trong ngành này đang lãi lớn. Các đề xuất giảm thuế, phí cho xăng dầu để giảm tác động đến đời sống, đến lạm phát lại vẫn chưa được thực hiện.

Theo dữ liệu từ các nhà đầu mối, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành giá tới (1/8) có thể giảm lần thứ 4 liên tiếp. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cần tính toán đề xuất giảm tiếp thuế TTĐB và thuế VAT đối với xăng dầu. Trước đó, Bộ Tài chính cũng có đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% xuống 10%. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết sẽ theo dõi, đề xuất phương án giảm 2 loại thuế TTĐB và VAT với xăng cho phù hợp để… trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và chính sách cho rằng: “Cần cân nhắc giảm tiếp thuế TTĐB đối với xăng càng sớm càng tốt, không nên chờ đến tháng 10 mới trình nữa. Song song đó, thuế VAT cũng giảm luôn để giá nhiên liệu, nếu có tác động đến nền kinh tế, sẽ có hiệu quả ngay. Chứ cách chúng ta đang làm là giảm nhỏ giọt, hoặc giảm 1.000 đồng tiền thuế BVMT, quay sang giữ lại 950 đồng cho Quỹ Bình ổn giá là cách làm khó gây hiệu ứng mạnh mẽ lên giá được”. Đồng thời nhấn mạnh, cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để thị trường vận hành theo đúng cơ chế thị trường, có sự điều phối, can thiệp của nhà nước khi cần thiết.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cũng cho rằng: “Ngay từ lúc này, chúng ta cần chuẩn bị phương án điều hành linh hoạt để giữ ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, trong tháng 8, Quốc hội cần họp bất thường để giảm thuế TTĐB, thuế VAT, thuế nhập khẩu… để xăng dầu về mức 22.000 đồng/lít, tạo điều kiện cho sự hồi phục phát triển sản xuất kinh doanh và giảm bớt khó khăn cho đời sống tiêu dùng xã hội. Đây là những việc cần làm ngay, tạo động lực tăng tốc cuối năm và có đà cho năm sau”.

3. Báo Thanh niên (29/7) có bài “Người làm công ăn lương đợi đến bao giờ” cho biết: Đóng góp lớn trong cơ cấu thuế thu nhập cá nhân với số thu ngày càng tăng, nhưng người làm công ăn lương lại bị gạt ra khỏi các đề xuất được hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Mãi đến đầu tháng 3 vừa rồi, Bộ Tài chính mới có văn bản lấy ý kiến rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, trong đó có thuế TNCN. Nội dung rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi, theo Bộ này, gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh... Hàng triệu người làm công ăn lương trên cả nước đã khấp khởi mừng và kỳ vọng các bất cập, thiệt thòi trong những quy định của luật thuế hiện hành sẽ nhanh chóng được điều chỉnh. Thế nhưng đã gần 5 tháng trôi qua, cái sự lấy ý kiến này lại trôi vào quên lãng.

Nói quên lãng là vì nó không còn được nhắc đến thường xuyên, khẩn thiết như giai đoạn trước đó. Một phần là vì người ta đợi Bộ Tài chính “lấy ý kiến”. Mà việc lấy ý kiến để sửa đổi bất cập của luật thuế đã bao giờ nhanh đâu! Quan trọng hơn, trong gần 5 tháng qua, hàng triệu người làm công ăn lương nói riêng và người dân, DN nói chung phải quay cuồng chống chịu với cơn bão giá, khi xăng dầu - mặt hàng thiết yếu đầu vào - đã có hơn chục lần tăng giá. Xăng tăng kéo theo cước vận tải tăng, dưa cà mắm muối... đều tăng. Rồi học phí, viện phí, sách giáo khoa... hoặc tăng, hoặc rình rập tăng.

4. Báo Thanh niên (29/7) có bài “Đánh thuế có “trị” được đầu cơ bất động sản” cho biết: Đề xuất đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều bất động sản để chống đầu cơ, từ đó giúp hạ giá bất động sản, đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ở phía ủng hộ việc đánh thuế lũy tiến, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA), cần đánh thuế cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí đầu cơ của nhà đầu tư “lướt sóng”. Đối với các dự án, khu đất không đưa vào khai thác, để hoang đất cũng cần đánh thuế thật cao nhằm hạn chế đầu cơ.

Theo các chuyên gia của Viện Chiến lược và chính sách tài chính, để hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS, chống lãng phí đất đai và đảm bảo các vấn đề xã hội, cần áp dụng biểu thuế suất lũy tiến đánh vào giá trị của BĐS. Theo đó, giá trị BĐS càng cao thì thuế suất áp dụng càng cao. Tuy nhiên, cần xác định tiêu chí về hành vi đầu cơ BĐS để áp dụng các sắc thuế ngăn chặn đầu cơ, như: sở hữu nhiều nhà đất, thời gian nắm giữ BĐS dưới 5 năm, BĐS không sử dụng, người sở hữu BĐS thuộc tầng lớp có thu nhập cao...

Ở một góc nhìn khác, TS Sử Ngọc Khương, Viện phó Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, lại cho rằng đánh thuế lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều BĐS chưa chắc là công cụ hữu hiệu để hạn chế đầu cơ mà chỉ là bài toán tốt để tăng nguồn thu ngân sách. Bởi theo ông Khương, nếu một BĐS có tỷ suất sinh lời 50%, nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền để đóng thuế 20%. Như ở Hồng Kông, Bắc Kinh hay Thượng Hải của Trung Quốc, giá BĐS luôn tăng cao nhưng các nhà đầu tư, đầu cơ vẫn ào ào rót tiền vào BĐS dù bị đánh thuế lũy tiến.

5. Diễn đàn doanh nghiệp (27/7) có chùm bài “Đánh thuế nhà đất”, “Dẹp nạn đầu cơ nhà đất”, “Đánh thuế bất động sản sao cho đúng?” cho biết: Từ đầu năm đến cuối tháng 5/2022, Bộ Tài chính đã có 2 văn bản siết chặt thu thuế đúng giá trị giao dịch mua bán bất động sản tăng thu thuế so với cùng kỳ. Tuy vậy, việc đánh thuế nhà đất ở Việt Nam theo cách thức 1 lần bằng tiền sử dụng đất đối với tài sản nhà đất vẫn được cho là tạo áp lực và hệ lụy cho xã hội. Việc Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với sử dụng, mua bán BĐS cho thấy quyết tâm cải tiến, thay đổi đánh thuế nhà đất của Nhà nước.

Vấn đề trọng tâm vẫn là phân loại hoạt động giao dịch BĐS để xác định thế nào là mua nhà ở thực, đầu tư và đầu cơ. Bởi nếu không phân định được đầu vào này chuẩn xác, có thể khiến áp lực tăng lên với người nghèo mua nhà ở, triệt tiêu động lực đầu tư và sự phát triển của thị trường, gây sốc với thị trường hoặc ở chiều ngược lại cũng có thể khiến đầu cơ trục lợi.

Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property cho rằng, việc đánh “thuế căn nhà thứ hai” đang được kỳ vọng ổn định lại thị trường bất động sản (BĐS).

Để có thể thực hiện đúng mục tiêu mà Chính phủ đề ra, vẫn còn nhiều “bài toán” phải giải quyết và không thể giải quyết ngay. Như việc trước khi đánh thuế tài sản với nhà thì nhà đó cần được định giá theo thị trường chứ không phải theo giá quy định của cơ quan Nhà nước, và chỉ dựa vào giá để đánh thuế chứ không cần dựa vào vị trí hay diện tích nhà.

Trong đó, tùy theo từng vị trí của tài sản, loại hình tài sản mà các mức thuế được đề ra khác nhau, không thể đánh đồng mức thuế một nhà miền núi với một căn nhà phố vài chục tỷ đồng, hay một chung cư cao cấp với một căn nhà giá rẻ. Cần đánh thuế tài sản theo lũy tiến với mức khởi điểm rất thấp. Từ đó mới bảo đảm người càng sở hữu nhiều nhà càng bị đánh thuế cao. Cuối cùng là không nên đánh thuế tất cả mọi người, chỉ đánh vào người có khả năng nộp thuế và không nên đánh thuế hộ nghèo, nhà ở xã hội.

Mặt khác, hiện nay thực trạng các “nút thắt” trong pháp luật về đất đai vẫn còn những vấn đề đang chờ để tháo gỡ như việc kê khai tài sản, quản lý thu nhập ở Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự tốt. Việt Nam vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt do đó người ta hoàn toàn có thể lách được luật thông qua người đứng hộ tên BĐS để né thuế sở hữu nhiều BĐS.

II. Vấn đề về hải quan

6. Báo Thanh niên (29/7) có tin “Tỷ lệ container vi phạm qua soi chiếu chỉ chiếm 0,63%” cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Hải quan TP.HCM đã đề nghị phối hợp soi chiếu tổng số 11.788 container hàng hóa trước thông quan, phát hiện 338 container nghi vấn chiếm tỷ lệ 3,05%) và 74 container vi phạm pháp luật hải quan (chiếm 0,63%).

III. Vấn đề về chứng khoán

7. Tiền phong (29/7) có bài “Chứng khoán ảm đạm: 70.000 tỷ vẫn trong tài khoản chờ cơ hội” cho biết: Thanh khoản thị trường chứng khoán kéo dài trạng thái ảm đạm suốt thời gian qua; trong nhiều phiên, giá trị giao dịch 3 sàn không nổi 10.000 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư (NĐT) thận trọng kiểm soát túi tiền trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro. Tuy vậy, dòng tiền không rời bỏ chứng khoán, khi đang có tới hơn 70.000 tỷ đồng vẫn nằm im trong tài khoản nhà đầu tư và chờ đợi.

TS Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định, chu kỳ T+2 (khoảng thời gian 2 ngày làm việc để thực hiện giao dịch và thanh toán chứng khoán) được triển khai sẽ giúp giao dịch được thực hiện nhanh hơn. Chu kỳ thanh toán được rút ngắn cũng được kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực lên thanh khoản thị trường, vòng quay giao dịch của nhà đầu tư sẽ tăng lên. Nửa cuối năm 2022, ông Lực nhận định, cơ hội với thị trường chứng khoán còn đến từ đà phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết. ông khuyến nghị, để có lợi nhuận, NĐT nên chọn đầu tư dài hạn.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Tiền phong (29/7) có bài “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu ồ ạt: Bộ Tài chính lại cảnh báo”, Báo Pháp luật Việt Nam (29/7) có bài “Cảnh báo rủi ro mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sau khi phát hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo. Các chuyên gia cho rằng, ngoài cảnh báo, cơ quan chức năng nên sớm ban hành Nghị định 153 sửa đổi nhằm hạn chế sai phạm trong phát hành TPDN.

Bộ Tài chính cảnh báo, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý các quy định của pháp luật, việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời người mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu…

Trước cảnh báo của Bộ Tài chính về thị trường TPDN, TS Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp tốt nhất cho thị trường hiện nay là cơ quan chức năng sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các quy định sẽ theo hướng chặt chẽ hơn, sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý để DN tiếp tục phát hành trái phiếu.

9. Diễn đàn doanh nghiệp (27/7) có bài “Thận trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Sau vụ việc Tân Hoàng Minh, một số DN Bất động sản đã quay lại chào bán sơ cấp trong tháng 5 và đẩy mạnh dần trong tháng 6/2022. Nhiều DN đang thận trọng đáp ứng các tiêu chí, quy định phát hành của cơ quan quản lý, đặc biệt trước thông điệp tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lãi suất cao mà Bộ Tài chính vừa mới ban hành hôm 20/7 vừa qua. Bên cạnh đó, DN cũng đứng trước áp lực có một lượng trái phiếu lớn sắp tới kỳ đáo hạn, trong khi các kênh vốn khác đều hẹp cửa.

V. Vấn đề về quản lý giá

10. Dân tộc và phát triển (28/7) có bài “Dự báo giá xăng sẽ tiếp tục giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày 1/8”, Đại đoàn kết (29/7) có bài “Ngày 1/8, giá xăng dầu có giảm?” cho biết: Theo nhận định của doanh nghiệp phân phối xăng dầu, kỳ điều chỉnh sắp tới vào ngày 1/8, giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm do giá dầu thế giới hiện đang ở mức thấp.

Bộ Công thương cho biết, ngày 27/7, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã giảm xuống chỉ còn 107 USD/thùng. Đây là mức giá rớt rất mạnh trong vòng 5 tháng qua.

Mức giá này tương đương mức giá ngày 4/2/2022, khi đó giá xăng RON 95 là 24.360 đồng. Cần lưu ý đây là giá chưa trừ thuế bảo vệ môi trường. Do đó, nếu trừ đi 3.300 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường thì giá xăng đã rơi về mốc 21.000 đồng một lít.

Theo các chuyên gia, giá dầu chưa thể tăng mạnh do nhu cầu xăng tại Mỹ vẫn giảm. Trong khi đó, các nước trong Liên minh châu Âu đã thỏa thuận được kế hoạch giảm nhu cầu dầu nhằm đối phó với tình trạng nguồn cung dầu thắt chặt.

Hiện, trong cơ cấu giá bán lẻ hiện nay, xăng dầu đang chịu 4 loại thuế, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường và giá trị gia tăng. Hiện việc giảm thuế BVMT 2 lần đã kéo giá xăng dầu đi xuống nên việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.

VI. Vấn đề khác

11. Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đảng Cộng sản, Tuổi trẻ (29/7) có bài “Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế”, VOV (29/7) có bài “Tiếp sức” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số và tiếp cận tài chính”, Công Lý (28/7) có bài “Bàn giải pháp, đối sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” cho biết: Sáng 28-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Cuộc họp được tổ chức sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75% vào đêm 27-7 và ngân hàng trung ương nhiều nước đã có nhiều đợt tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát tăng mạnh gần đây.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt và thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào…

Phát triển mạnh thị trường trong nước; đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đảm bảo điện cho sản xuất, tiêu dùng và an ninh lương thực, thực phẩm.

Phát triển mạnh thị trường lao động, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất và đời sống. Tiếp tục xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng, nhất là những dự án kém hiệu quả kéo dài.

Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo điều hành vĩ mô phải bảo đảm tính tổng thể, bài bản, khoa học, hiệu quả, hợp lý cả trước mắt và lâu dài. Bộ KH&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và củng cố, phát huy vai trò của Tổ điều phối kinh tế vĩ mô trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00