Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 05/8/2022

Điểm báo ngày 05/8/2022

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Báo Tuổi trẻ thủ đô (3/8) có bài “Bộ Tài chính thông tin vụ 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền”, Báo Pháp luật Việt Nam (5/8) có tin “Hướng dẫn xử lý 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền” cho biết: Bộ Tài chính nhận được thông tin đề nghị cập nhật tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của 2 DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm (TP HCM) và hướng xử lý của cơ quan thuế trong trường hợp 2 DN này chưa nộp tiền vào NSNN.

Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, ngày 7/7/2022, Cục thuế TPHCM đã có văn bản gửi UBND Thành phố, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Trung tâm phát triển quỹ đất. Trong công văn này, Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Công ty Dream Republic, công ty Sheen Mega không nộp đủ tiền vào NSNN theo quy định. Khi có quyết định thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, Cục Thuế TPHCM sẽ thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ đối với các khu đất nêu trên.

Đối với 20% số tiền do các công ty đặt cọc đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất chuyển vào tài khoản của Chi cục Thuế TP Thủ Đức ngày 11/1/2022 và số tiền Cục thuế thu được do trích từ tài khoản ngân hàng khi thực hiện cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế. Cục Thuế TP HCM kiến nghị Sở Tư pháp, Sở TN&MT có ý kiến báo cáo UBND TP để xử lý, chỉ đạo cục thuế thực hiện.

2. Báo Tuổi trẻ (5/8) có bài “Khi người bán hàng online trốn thuế” cho biết: Sau khi cơ quan thuế đẩy mạnh truy thu thuế với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, nhiều người bán hàng online trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đã tìm cách lách thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang người mua cuối cùng.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để chấn chỉnh tình trạng trên, ngành thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc NNT tự khai thuế, nộp thuế theo quy định. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT…

- Cũng về vấn đề này, Báo Đại đoàn kết (5/8) có bài “Thu thuế thương mại điện tử vẫn còn bất cập” cho biết: Hoạt động TMĐT đang ngày càng phổ biến và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, TMĐT cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế. Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Thuế, mặc dù ngành Thuế đang sử dụng nhiều biện pháp để rà soát, truy vết thông tin, quản lý và truy thu thuế, số thu từ hoạt động TMĐT dần tăng cao, tuy nhiên số thu thực sự chưa tương xứng với tốc độ phát triển của lĩnh vực này.

PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, hành lang pháp lý đang còn những hạn chế và bất cập. Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.

II. Vấn đề về hải quan

3. Thời báo ngân hàng (5/8) có tin “Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại”, qdnd.vn (4/8) có bài “Quyết liệt hơn nữa trong xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả”, Tiền phong (5/8) có tin “Buôn lậu, gian lận thương mại còn nhức nhối”; Đại đoàn kết (5/8) có bài “Còn sự tiếp tay, buôn lậu còn nhức nhối”; Bnews – TTXVN (4/8) có bài “Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Vẫn còn lực lượng tiếp tay cho hành vi buôn lậu, hàng giả”; Vtv.vn (4/8) có tin “Có sự tiếp tay, bảo kê của lực lượng chức năng cho hành vi buôn lậu, hàng giả” cho biết: Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 54.199 vụ việc vi phạm (giảm 25,05% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5.243 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu (giảm 53,72%)... Thu nộp NSNN 3.728 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc, vụ án, đối tượng cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về buôn lậu thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, các vụ việc vận chuyển trái phép hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã giảm so với cùng kỳ. Phó thủ tướng Thường trực lưu ý, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2022 còn rất nhiều, trong đó có lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, vì vậy, vấn đề chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý, ngăn chặn các vụ việc.

III. Vấn đề về quản lý giá

4. Thời báo ngân hàng (5/8) có tin “Còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá” thông tin: Theo đánh giá của Bộ Tài chính, những tháng cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá, do biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất.

Lý giải nguyên nhân các mặt hàng gây áp lực tăng CPI tháng vừa qua, Bộ Tài chính cho hay giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng. Cùng với đó chỉ số giá văn hóa, giải trí và du lịch tăng cao do nhu cầu tăng vào dịp hè. Chỉ số giá điện nước sinh hoạt lũy tiến tăng do nhu cầu sử dụng vào mùa nắng nóng…

5. Báo Nhân dân (5/8) có bài “Chặn đà tăng giá hàng hóa” cho biết: Mặc dù giá xăng đã liên tiếp giảm tới 4 lần nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... 

Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) Trương Tiến Dũng nhìn nhận, giá hàng hóa leo thang vừa qua có phần tác động bởi giá xăng dầu. Tuy nhiên, xăng, dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi DN FFA đang đối mặt với nhiều sức ép từ giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao; tiền nhân công, điện nước, chi phí vận chuyển logistics...vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá. Tuy nhiên, để DN hoạt động hiệu quả, có thể kéo giá tiêu dùng xuống thì ông cho rằng cần có thời gian, độ trễ.

6. Báo Thanh niên (5/8) có bài “Lộn xộn chiết khấu bán xăng” cho biết: các ông lớn trong ngành xăng dầu kêu lỗ dù có lợi nhuận định mức; một số đại lý thì ngưng bán vì phản ứng mức chiết khấu đột ngột giảm mạnh. Vậy chiết khấu cho các đại lý bán xăng thực hư, lời lỗ ra sao?

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Mức chiết khấu là do DN thỏa thuận với đại lý. Trong thực tế, các doanh nghiệp luôn tính toán để đưa ra mức chiết khấu đủ cạnh tranh và ràng buộc đại lý đăng ký lấy hàng từ doanh nghiệp để chống hàng giả. Khi chiết khấu tăng thì được hiểu là DN đầu mối có lợi nhuận rất tốt, hoặc có thể doanh nghiệp chia sẻ bớt lợi nhuận cho đại lý. Lợi nhuận định mức nhà nước cộng thêm vào giá cơ sở chỉ 300 đồng/lít xăng dầu, chi phí kinh doanh từ 950 - 1.250 đồng/lít là không hề thấp, đủ để đầu mối và bán lẻ chia sẻ nhau. Tại nhiều thời điểm, mức chiết khấu trên 1.000 đồng/lít, thậm chí lên 1.800 đồng/lít ngay trong năm nay, nhưng không nghe đại lý nào kêu ca và nhà phân phối vẫn chịu được thì không có chuyện lỗ.

Ông Ngô Trí Long bình luận: “Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu theo cơ chế đưa ra mức giá cơ sở từ giá thế giới sau khi cộng các khoản thuế phí, các doanh nghiệp đầu mối có thể tính toán với nhà phân phối, đại lý để có mức giá phù hợp. Nhà nước không thể can thiệp đến mức phân lợi nhuận cho đại lý được. Kinh doanh thì ai cũng tính đến lợi nhuận, việc bảo đảm lợi ích hài hòa và khi có lãi cao, khi thấp là rất bình thường”.

7. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Sài gòn giải phóng (5/8) có bài “Xử lý nghiêm các đơn vị không giảm giá”, báo Pháp luật Việt Nam (5/8) có bài "Lành mạnh hóa thị trường, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu", Công an nhân dân (5/8) có bài “Giải pháp kéo hàng hóa giảm theo giá xăng dầu”, Báo Người lao động (5/8) có bài “Tìm cách hạ nhiệt giá hàng hóa”, Báo Tiền Phong (5/8) có bài “vì sao hàng hóa vẫn neo cao” cho biết: tại cuộc tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm, thực trạng và giải pháp”, bà Đinh Thị Nương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, dự báo đến cuối năm với các mặt hàng thiết yếu vẫn có những dự báo biến động phức tạp khó lường. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành tập trung đôn đốc, tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình giá cả thị trường và chuẩn bị các phương án, các kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng có xu hướng neo cao, theo bà Nương, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế TTĐB đối với xăng dầu và thuế NK nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.

IV. Vấn đề về chứng khoán

8. Báo Lao động (5/8) có tin “Một tháng buồn của chứng khoán” cho biết: Bên cạnh diễn biến lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản chứng khoán sụt giảm đột biến trong tháng 7 do hoạt động tín dụng bị thắt chặt, thanh khoản toàn thị trường cũng giảm mạnh với giá trị giao dịch bình quân ba sàn giảm 24,1% so với tháng trước, giảm 45,7% so với cùng kỳ và xuống còn 13.444 tỷ đồng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00