Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/8/2022

Điểm báo ngày 08/8/2022

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Zingnews.vn (8/8) có bài “Hà Nội cưỡng chế thuế với FLC”, vneconomy.vn (6/8) có bài “FLC tiếp tục bị phong tỏa tài khoản để cưỡng chế gần 72 tỷ tiền thuế” thông tin: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC-HOSE) thông báo về việc nhận được quyết định của cơ quan thuế. Theo đó, FLC cho biết đã nhận được 9 quyết định của Cục Thuế Hà Nội với số tiền là gần 72 tỷ đồng - trong đó có 11,5 triệu đồng về việc công ty chậm nộp tờ khai thuế TNCN và 71,88 tỷ đồng cho 8 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng. Lý do cưỡng chế là FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Vừa qua, FLC cũng đã nhận được 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả của CTCP Tập đoàn FLC mở tại 3 ngân hàng. Với số tiền bị cưỡng chế là hơn 223,6 tỷ đồng do công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Như vậy, trong hai ngày 3 và 5/8, FLC đã nhận được thông báo phong tỏa tài khoản để cưỡng chế với số tiền gần 300 tỷ tiền thuế.

Hoạt động kinh doanh và đầu tư của FLC Group gặp nhiều thách thức kể từ sau khi cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam về hành vi thao túng chứng khoán, dẫn đến những xáo trộn về nhân sự và chiến lược.

2. Báo Nhân dân (7/8) có bài “Chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử” cho biết: Hoạt động thương mại điện tử của TP HCM hiện phát triển sôi động nhất cả nước nhưng thu NSNN từ hoạt động này vẫn chưa tương xứng. Nhằm quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, Cục Thuế TP đã có văn bản gửi 3 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Cục Thuế TP mới chỉ nhận được thông tin từ một doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn cung cấp, số liệu vẫn sơ sài, không đầy đủ.

Theo Phó trưởng phòng Thanh tra kiểm tra số 10 - Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, các biện pháp quản lý thuế được triển khai thời gian qua mới quản lý thuế tại ngọn, chỉ kiểm tra quản lý các tổ chức, cá nhân không lập hóa đơn kê khai nộp thuế, do đó, tốn nhiều công sức của cả cơ quan quản lý và cá nhân kinh doanh trên sàn và cả sàn thương mại điện tử. Cục Thuế TP đề xuất, cần thiết ban hành quy định doanh nghiệp là chủ sàn thương mại điện tử có các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa trên sàn có trách nhiệm khấu trừ thuế GTGT, thuế TNCN với các cá nhân bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử để nộp vào NSNN. Đối với tổ chức là doanh nghiệp thì doanh nghiệp lập hóa đơn, tự thực hiện kê khai nộp thuế, sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế dữ liệu các doanh nghiệp bán hàng không lập hóa đơn kê khai nộp thuế.

3. Báo Thanh niên (8/8) có tin “Phát hành hơn 800 triệu hóa đơn trong 3 tháng qua” cho biết: Tổng cục Thuế đã triển khai diện rộng ứng dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc từ ngày 21/4/2022. Kết quả tính đến ngày 28/7 kết quả như sau: hóa đơn có mã là 252,7 triệu hóa đơn, hóa đơn không mã gửi đầy đủ đến cơ quan thuế là 203,2 triệu hóa đơn, hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp đến cơ quan thuế là 376,6 triệu hóa đơn, hóa đơn theo lần phát sinh là 193.900 hóa đơn.

4. Báo Công an nhân dân (6/8) có bài “Đã thực hiện miễn, giảm gia hạn nộp thuế 78.637 tỷ đồng, Báo  Hà Nội mới  (6/8) đưa tin “Đã miễn, giảm, gia hạn nộp thuế số tiền gần 79.000 tỷ đồng”, Báo Đại Đoàn kết (6/8) có bài “Miễn, giảm, gia hạn nộp thuế hơn 78.637 tỷ đồng”cho biết: Thông tin từ Tổng cục Thuế, triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Quốc hội, Chính phủ, trong 7 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, với tổng số tiền lên tới trên 78.637 tỷ đồng.

II. Vấn đề về hải quan

5. Công an nhân dân (8/8) có bài “Buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi hơn” cho biết: Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển kéo theo việc lợi dụng môi trường TMĐT… để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng nhiều hơn. Đây cũng là lĩnh vực mà các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát phát hiện và xử lý.

Về những thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, trong số vụ việc do lực lượng hải quan bắt giữ trong nửa đầu năm 2022, cơ quan Hải quan đã phân loại thành nhiều nhóm đối tượng vi phạm pháp luật truyền thống gian lận thương mại như xuất khống, gian lận chủng loại, trị giá, xuất xứ, số lượng…Đáng lưu ý, trong số hàng hóa gian lận trên có nhóm đối tượng lợi dụng TMĐT xuyên biên giới, các tổ chức kinh doanh câu kết với các đối tượng làm thuê…

Do tình hình buôn lậu ngày càng tinh vi phức tạp nên cần có sự tăng cường phối hợp các lự lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan sớm kết nối cơ sở dữ liệu dân cư nhằm có phương án đối chiếu, từ đó phát hiện những vụ việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động buôn lậu, trốn thuế.

6. Báo Thanh niên (8/8) có tin “Tạm dừng làm thủ tục hải quan với kho xăng dầu không đủ điều kiện” cho biết: Tổng cục Hải quan thông báo đến ngày 10/8, cơ quan này sẽ tiến hành tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chứa có thiết bị đo bồn bể tự động chưa kết nối với cơ quan hải quan, không xác nhận lượng xăng dầu tái xuất và tiến hành thu thuế xăng dầu tạm nhập cho đến khi các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định.

III. Vấn đề về chứng khoán

7. Báo Pháp luật Việt Nam (8/8) có bài “Bộ Tài chính: Chuyển CQĐT nhiều vụ việc liên quan đến thị trường chứng khoán” cho biết: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có văn bản trả lời ĐBQH tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề liên quan đến quản lý thị trường vốn, cổ phiếu, trái phiếu.

Để ổn định thị trường cổ phiếu, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể….. Từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính sẽ thanh, kiểm tra nhiều doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ. Bộ cũng sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý thị trường; tăng cường quản lý giám sát; thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn….

8. Đầu tư chứng khoán (8/8) có bài “Cần thêm sản phẩm mới” cho biết: Ý kiến từ giới chuyên gia chứng khoán trong dịp thị trường phái sinh tròn 5 tuổi gặp nhau ở một điểm: sản phẩm của thị trường vẫn còn quá ít ỏi và để tăng tính hấp dẫn cũng khả năng phòng ngừa rủi ro cho NĐT, cần thiết kế thêm sản phẩm mới.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Azfin Việt Nam cho rằng, sản phẩm phái sinh hiện vẫn còn khá đơn giản, chủ yếu là hợp đồng tương lai chỉ số VN30, còn hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ được cho là “có cho vui”, chưa giao dịch nhiều. Sản phẩm tiếp theo là chứng quyền có đảm bảo nhưng quy mô cũng còn nhỏ, hiện mới chỉ có chứng quyền mua, chưa có chứng quyền bán. Nhìn chung, sản phẩm phái sinh còn ít, khiến NĐT không có nhiều lựa chọn. Thời gian tới, thị trường phái sinh cần được bổ sung các sản phẩm mới.

IV. Vấn đề về quản lý giá

9. Lao động (6/8) có các bài “Không để độ trễ giảm giá hàng hóa phải mất nhiều tháng”, “Chợ dân sinh ế ẩm, hàng hóa vẫn chưa giảm”, “Tp.HCM: Giá xăng giảm sâu, giá hàng hóa thiết yếu chưa giảm”, Đại đoàn kết (8/8) có bài “Giá hàng hóa tăng nhanh, giảm chậm: Khâu trung gian hưởng lợi” cho biết: Trong một tháng gần đây, dù giá xăng dầu liên tục đảo chiều giảm mạnh nhưng nhiều loại hàng hóa ở các chợ dân sinh trên địa bàn Tp. Hà Nội vẫn ở mức cao, khiến không ít người tiêu dùng phải lo lắng. Tương tự ở Tp.HCM đến nay giá các mặt hàng hóa thiết yếu vẫn chưa giảm về như trước, khiến người dân vẫn còn gặp khó trong việc chi tiêu.

Theo bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sở dĩ có tình trạng trên là do một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, khi xăng dầu điều chỉnh giá giảm thì các nhóm hàng cần thời gian, độ trễ nhất định để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu.

Lãnh đạo Cục Quản lý giá cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% Chính phủ đề ra.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bên cạnh những giải pháp kiểm tra, kiểm soát hay các chế tài xử phạt, cần cải tiến các thủ tục kê khai giá để vừa đáp ứng nhu cầu chung cho xã hội và cũng thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần phải phát huy vai trò của mình hơn nữa, đấu tranh cho quyền lợi của người tiêu dùng hơn nữa. Việc hàng hóa tăng nhanh theo giá xăng, và không giảm theo giá xăng là điều bất bình thường và cần phải lên tiếng mạnh mẽ.

10. Đại đoàn kết (8/8) có bài “Có giữ được mức lạm phát 4%?” cho biết: Theo Bộ Tài chính, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá trong tháng 7 vừa qua, tiếp tục dồn áp lực lên kiểm soát lạm phát trong những hang còn lại của năm nay.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng để cho rằng năm 2022 chúng ta sẽ giữ được mức lạm phát ở mức 4% còn là do các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế được kiểm soát và giữ ở trạng thái tốt hơn giai đoạn trước, dự trữ ngoại hối trên 115 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu nhiều tín hiệu khả quan. Đồng tiền Việt Nam ổn định so với đồng USD và các đồng tiền khác. Đây là cơ sở lạm phát cơ bản thấp, ổn định thị trường tài chính tiền tệ và kiềm chế mức tăng của CPI.

11. Báo Tuổi trẻ (8/8) có tin “Giá xăng có khả năng giảm lần thứ 5 liên tiếp” cho biết: Tính đến ngày 7/8, giá dầu thô dù tăng giảm theo ngày nhưng nhìn chung vẫn giảm 9-9,5% theo tuần khi dầu Brent về mức 94,94 USD/thùng, dầu WTI giao dịch ở mức 89,01 USD/thùng. Đây là mức giảm sâu, tiệm cận giá dầu trước thời điểm xung đột Nga – Ukraine. Trong khi đó, cả giá xăng và dầu (DO) thành phẩm tại thị trường Singapore đều thấp hơn giá bán lẻ hiện tại trong nước khoảng 600 đồng/lít.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, nếu dầu thô tiếp tục lao dốc, xăng vẫn hạ nhiệt hoặc chững lại như hiện nay, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm giá vào kỳ điều hành ngày 11/8. Mức giảm sẽ phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới vào các ngày tiếp theo và mức trích, chi quỹ bình ổn.

V. Vấn đề về tài chính ngân hàng

12. Đại đoàn kết (8/8) có bài “Khối lượng trái phiếu phát hành tăng nhanh: Tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Lao động (6/8) có bài “Áp lực đáo hạn trái phiếu đang lớn dần” cho biết: Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Sang tới năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính nhận định: "Với xu hướng kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp sẽ có khả năng thanh toán đủ gốc, lãi đến hạn. Tuy nhiên, trường hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn".

Bộ Tài chính cho biết sẽ trình Chính phủ sớm nhất phương án sửa đổi quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ theo hướng siết chặt một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho biết, tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã đưa thêm các quy định về tăng cường công bố thông tin, quy định về việc sử dụng định mức tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, rất cần bên thứ ba đứng ra làm việc này, đó là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

13. Thời báo Ngân hàng (8/8) có bài “Bảo vệ người tiêu dùng vì nền tài chính bền vững” cho biết: Trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính và phát triển bền vững” diễn ra cuối tuần qua, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng bảo vệ người tiêu dùng chính là tiền đề xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh, trật tự và công bằng, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường. Nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng cho rằng, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cần chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung lồng ghép các nội dung bảo vệ người tiêu dùng tài chính vào các luật hiện hành như Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm…

14. Báo Tuổi trẻ (8/8) có tin “Tiêu thụ vé số truyền thống tăng mạnh ở nhiều nơi” đưa tin: Tình hình hoạt động kinh doanh XSKT khu vực miền Nam ở nhiều địa phương khởi sắc, có 16/21 công ty đạt tỷ lệ tiêu thụ từ trên 95% đến hơn 99%. Nhiều thị tường trước đây doanh số tiêu thụ chỉ bằng 50-60% doanh số phát hành nay đã dễ dàng đạt 80%. Các doanh nghiệp đề xuất tăng doanh số phát hành 120 tỷ đồng mỗi kỳ phát hành so với mức 110 tỷ đồng hiện nay.

Trước đó, từ năm ngoái, Bộ Tài chính đã cho phép tăng doanh số phát hành mỗi kỳ từ 100 lên 110 tỷ đồng đã giúp công ty tăng doanh số và có điều kiện nộp NSNN nhiều hơn theo chỉ tiêu được giao.

VI. Vấn đề về DNNN

15. Thời báo Ngân hàng (8/8) có bài “Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Băn khoăn giữ hay bỏ “gà đẻ trứng vàng”” cho biết: Công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN vẫn được đánh giá là rất chậm và gây ách tắc một nguồn lực quan trọng không thể đưa vào sử dụng. Hiện nay đang có những ý kiến cho rằng việc CPH, thoái vốn chỉ là một trong số những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN có vốn nhà nước. Vì vậy, không nhất thiết phải bán vốn, CPH đối với đơn vị đang hoạt động hiệu quả.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lý giải, sở dĩ công tác CPH, thoái vốn chậm lại và trong nhiều trường hợp có sự không khớp với nhu cầu của thị trường, do nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Ông Kiên nói thêm, do đứng trước áp lực phải thoái vốn nhà nước, nên ở một số DNNN trong những năm qua diễn ra tình trạng phải từ bỏ những mảng kinh doanh tạo lợi nhuận cao. Trong khi vẫn phải tập trung vào nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế hay đảm bảo an sinh xã hội. Từ đó dẫn tới kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính của DN sụt giảm và bị xã hội đánh giá là kém hiệu quả.

Chia sẻ về câu chuyện có nên từ bỏ những “con gà đẻ trứng vàng”, ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch SCIC cho rằng cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá thế nào là một DNNN đang hoạt động hiệu quả, từ đó có căn cứ để tiếp tục tiến hành CPH, thoái vốn.

VII. Vấn đề về bảo hiểm

16. Đầu tư chứng khoán (8/8) có bài “Tiếp tục đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy” cho biết: Trong tháng 7/2022, cử tri một số tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu…gửi tới Chính phủ đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện để đảm bảo quyền lợi người dân. Trước đó, đề xuất này cũng được đưa ra nhưng chưa được duyệt.

Hiện tại, tuy loại bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc khác, nhưng Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được QH thông qua vẫn quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là một trong những loại hình bảo hiểm bắt buộc, bên cạnh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong đầu tư xây dựng, bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định cả luật này.

Có thể thấy, việc bãi bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy cần thêm thời gian nghiên cứu, cho nên trước mắt, cả chủ xe máy có nghĩa vụ tuân thủ quy định mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại DNBH.

VIII. Vấn đề khác

17. Báo Tuổi trẻ (8/8) có tin “Gói phục hồi kinh tế “ế” vốn hơn 900 tỷ đồng” cho biết: Bộ KHĐT vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, điều chỉnh, bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022….

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00