Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 07/02/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 07/02/2023

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Báo Thanh niên (7/2) có bài “Mỏi mòn chờ sửa thuế TNCN” cho biết: Tiếp nối đà tăng kỷ lục trong năm 2022, số thu thuế TNCN tháng 1/2023 vừa được Tổng cục Thuế công bố đạt hơn 8,1% dự toán ngân sách. Thế nhưng người làm công ăn lương, đối tượng đóng góp lớn nhất trong số thu này, lại tiếp tục đối diện một năm đặc biệt khó khăn và thiệt thòi vì các ngưỡng thuế lạc hậu.

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng: Số thu tăng lên do sắc thuế này không theo kịp đà phát triển kinh tế. Thu nhập của người dân tăng hơn 7 lần trong vòng 16 năm. Trong khi đó, luật thuế TNCN được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thì mức tăng chưa đến 3 lần. Đáng nói, trong khi bất cập ngày càng lớn thì theo đề xuất, dự án sửa đổi luật Thuế TNCN phải tới năm 2025 mới được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2026. Như vậy, người nộp thuế TNCN sẽ phải chờ đến hơn 3 năm nếu những đề xuất sửa đổi được thông qua theo lộ trình này.

2. Cũng liên quan đến vấn đề này, báo Sài Gòn giải phóng (7/2) có bài “Thuế thu nhập cá nhân: Quá nhiều điểm bất hợp lý” cho biết: Thuế TNCN là một trong 3 sắc thuế đóng góp lớn nhất cho thu NSNN hàng năm với 110.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những người làm công ăn lương – đóng góp 70% nguồn thu thuế TNCN, nhưng chính sách thuế với họ lại không hợp lý. Nhiều bạn đọc báo Sài Gòn giải phóng đã bày tỏ ý kiến xung quanh vấn đề này như: mức giảm trừ gia cảnh chưa hợp lý; phải tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế; tính thuế thu nhập phải công bằng; cần có quy định riêng đối với đối tượng có thu nhập cao đột biến…

3. Báo Tuổi trẻ (7/2) có các bài “Thuế bất động sản nắn dòng đầu tư”, “Mức thuế nào không tác động người nghèo”, “Các nước: Nhà để không thuế cao, thuế mua bán cũng cao” cho biết: Đề xuất xây dựng Luật thuế bất động sản, trong đó tách riêng nhà, đất và áp thuế suất cao hơn với nhà đất bỏ không của Bộ Tư pháp mới đây được nhìn nhận nếu được thông qua sẽ tác động lớn và điều tiết lại thị trường bất động sản ở góc độ thói quen đầu tư, cung - cầu, giá cả… qua đó sẽ nắn lại dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi áp thuế bất động sản việc đảm bảo sự ổn định của thị trường cũng như cơ hội có nhà ở cho mọi người là vấn đề cần được quan tâm.

TS. Huỳnh Thanh Nghị, (ĐH Kinh tế Tp.HCM) nhìn nhận, việc đánh thuế với bất động sản nhiều nước làm hàng chục năm nay, Việt Nam bây giờ mới triển khai là muộn. Lộ trình đến năm 2023-2025 mới có luật cũng chậm, nếu được cần làm nhanh hơn để bình ổn thị trường, giúp người có nhu cầu ở thực sự mua được nhà và tránh đầu cơ ảnh hưởng đến cả xã hội.

PGS.TS Võ Trí Hảo (Trường ĐH Gia Định) cho rằng, xác suất giá nhà đất tăng khi đánh thuế bất động sản sẽ rất thấp. Ngược lại, giá nhà đất sẽ giảm nhẹ hoặc đi ngang. Dù vậy, ông Hảo cũng lưu ý, khi bất động sản không còn lợi nhuận cao, các nhà tài phiệt cũng suy nghĩ lại lĩnh vực đầu tư. Họ sẽ điều phối nguồn vốn từ bất động sản sang lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, từ đó nguồn cung nhà đất dự án có thể giảm, trong khi cầu cao sẽ có khả năng làm giá nhà đất tăng trở lại.

4. Báo Lao động (7/2) có bài “Đánh thuế cao căn hộ giá trên 50 triệu/m2: Lo ngại chi phí đổ lên đầu người mua” thông tin: Trên thực tế, tại các dự án gần trung tâm của Tp. Hà Nội cũng như Tp.HCM, số lượng căn hộ cao cấp có giá trên 50 triệu đồng/m2 đang nhiều trong giỏ hàng. Các chuyên gia cho rằng, nếu đánh thuế cao sẽ khiến cho các chủ đầu tư bị “ế hàng” nhưng bị đội thêm các chi phí và đẩy giá nhà tiếp tục tăng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cho rằng, khi đánh thuế cần chú ý tài sản đang được sử dụng. Với những người có nhiều nhà nhưng đã đưa vào cho thuê kinh doanh thì không nên thuế chồng thuế bởi họ đã chịu thuế kinh doanh cho thuê.

II. Vấn đề về hải quan

5. Báo Sài Gòn giải phóng (7/2) có tin “Tăng cường biện pháp chống gian lận thương mại” cho biết: Cục Hải quan TPHCM đang tăng cường kiểm tra hàng hóa bằng máy soi, trao đổi thông tin nghiệp vụ với các đơn vị trong và ngoài ngành… để kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

6. Báo Hà Nội mới (7/2) có tin “Giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng trong năm 2023” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ xây dựng giải pháp cụ thể thực hiện chỉ tiêu giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng trong năm 2023 trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về thời gian thông quan, giải phóng hàng năm 2022.

III. Vấn đề về quản lý giá

7. Báo Thanh niên (7/2) có bài “Giá điện bán lẻ sẽ tăng bao nhiêu?” cho biết: Khung giá bán lẻ điện bình quân mới chính thức tăng mạnh từ ngày 3/2 khiến nhiều không ít doanh nghiệp lo lắng giá bán lẻ điện sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Nhiều chuyên gia lo ngại chỉ số CPI tăng do nhiều lĩnh vực liên quan đến điện như dịch vụ, giải trí, vật liệu và đặc biệt chi phí thuê mặt bằng hộ kinh doanh và thuê trọ, mặt bằng thương mại có tác động mạnh trong rổ Chỉ số CPI sẽ tăng theo giá điện. Và điều lo lắng nhất là các loại nguyên liệu, chi phí sản xuất đều tăng trong khi đơn hàng của doanh nghiệp lại sụt giảm.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Báo Tiền phong (7/2) có bài “Giải cứu bất động sản – cách nào?” cho biết: Tại Chỉ thị số 03 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, tín dụng cho doanh nghiệp và coi đây là "nút thắt cần gỡ để khơi thông cho các thị trường liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)".

Trao đổi với Tiền Phong, liên quan đến nguồn vốn BĐS đang ách tắc trong TPDN, một chuyên gia cấp cao rất am hiểu thị trường cho rằng: Về bản chất tất cả tiền vẫn đang nằm trong nền kinh tế, không chảy hay mất đi đâu nhưng đang “ngưng đọng” trong BĐS qua hình dạng TPDN. Việc cần làm hiện tại, theo ông phải dùng cơ chế để gỡ vướng. Ông đơn cử: Doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN đều có ngân hàng bảo lãnh, tài sản đảm bảo. Làm sao để có cơ chế đề xuất, chuyển từ TPDN của người dân đã mua sang tiền gửi tiết kiệm. Về lãi suất, trái chủ có thể thiệt hơn, nhưng quan trọng giữ được tiền. Như vậy, sẽ tránh cho DN được áp lực đáo hạn trả nợ trái phiếu.

V. Vấn đề về DNNN

9. Báo Lao động (7/2) có bài “Cổ phần hóa DNNN: Sớm tháo gỡ nút thắt đất đai” cho biết: Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp diễn ra chậm chạp, không đạt được như kỳ vọng. Một nguyên nhân lớn đến từ các vướng mắc đất đai gắn với xác định giá trị doanh nghiệp. Cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tiến trình này.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa. Tháng 11/2022, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00