Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 08/02/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 08/02/2023

I. Vấn đề Quốc hội quan tâm

1. Báo Người lao động (8/2) có tin “Tăng cường giám sát thị trường chứng khoán, bất động sản”; Dangcongsan.vn (7/2) có tin “Cần tăng cường giám sát tình hình kinh tế vĩ mô” cho biết: Ngày 7/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp giao ban của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tăng cường giám sát tình hình kinh tế vĩ mô và các loại thị trường như: Tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...

II. Vấn đề về quản lý xăng dầu

2. Báo Tiền Phong (8/2) có bài “Thị trường xăng dầu: VCCI đề xuất thiết kế lại, giảm trung gian”; Thanh niên (8/2) có tin“VCCI kiến nghị lộ trình thay đổi phương thức quản lý giá xăng dầu theo hướng thị trường”; Lao động (8/2) có bài “VCCI đề xuất đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn”; Người lao động (8/2) có tin “Kiến nghị để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu” cho biết: Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Trong văn bản gửi đi, VCCI cho rằng cần thiết kế lại thị trường xăng dầu theo hướng giảm các tầng nấc trung gian. Có thể cân nhắc phương án quản lý theo các công đoạn kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, VCCI cũng đề xuất cần bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu vì trong thời gian qua việc quản lý quỹ này không đạt được mục tiêu, sự biến động giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ.

3. Báo Tiền Phong (8/2) có bài “Nhiều doanh nghiệp bán xăng lẻ nguy cơ đóng cửa”; Thời báo ngân hàng (8/2) có tin “Vấn đề mấu chốt là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu” cho biết: Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp gỡ khó vì họ cho rằng việc duy trì chiết khấu cố định hiện không còn phù hợp với mô hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, điều này đã làm triệt tiêu động lực cạnh tranh. Theo đại diện một số doanh nghiệp xăng dầu thì Nhà nước chỉ nên quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các doanh nghiệp bán lẻ. Ông Đinh Trọng Thịnh tán thành với đề xuất trên và cho rằng không thể đưa quy định tỉ lệ phần trăm vào Nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi.

4. Báo Sài Gòn giải phóng (8/2) có bài “Cần tạo thuận lợi cho các đại lý bán lẻ xăng dầu” cho biết: Tại Công văn số 973/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương để góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP và Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương rà soát, giảm bớt số lượng khâu trung gian trong phân phối xăng dầu; nghiên cứu các quy định thù lao tối thiểu để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ, ổn định nguồn cung trong kinh doanh xăng dầu.

III. Vấn đề về thuế, phí

5. Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (7/2) phát phóng sự “Sẽ bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền” cho biết: Sau gần 1 tháng vận hành hệ thống hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, cả nước mới có trên 800 cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng thành công dịch vụ này. Đây là kết quả khá thấp so với yêu cầu đặt ra bởi việc lắp đặt hệ thống hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tại các cơ sở kinh doanh trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng hiện chỉ mang tính khuyến khích, động viên chứ chưa có quy định pháp lý mang tính bắt buộc.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang phối hợp với các địa phương phối hợp với các sở, ban ngành chức năng kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, đảm bảo việc xuất hoá đơn điện tử đầy đủ với các giao dịch. Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu ban hành các chế tài xử phạt các đơn vị cố tình trì hoãn sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. 

Trả lời phỏng vấn VTV1, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế sửa đổi bổ sung các quy định về hoá đơn điện tử theo hướng bắt buộc những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến người tiêu dùng phải sử dụng hoá đơn điện tử từ máy tính tiền. Bộ Tài chính lựa chọn một số địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho triển khai trong giai đoạn 1 áp dụng 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

6. Báo Công thương (8/2) có tin “Đề xuất xây dựng Luật Thuế bất động sản” cho biết: Bộ Tư pháp đang đề xuất Chính phủ xây dựng Dự án Luật Thuế Bất động sản, bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo báo cáo tổng hợp, rà soát nghiên cứu của Bộ Tư pháp, thuế suất thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành được áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến đối với đất ở. Quy định hiện hành này đã khiến tỷ lệ huy động về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp rất thấp. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề xuất định hướng quy định thuế suất thuế bất động sản theo hướng tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản đảm bảo đơn giản, dễ tính toán, dễ thực hiện, thuận lợi trong công tác quản lý thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về thuế suất đối với đất ở, sẽ đề nghị đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở. Tuy nhiên, để tránh tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp, cần nghiên cứu mức thuế suất đối với đất ở phù hợp.

Về mốc thời gian, Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024 và dự kiến thông qua vào kỳ họp tháng 5/2025.

7. Vietnamnet (7/2) có bài “Đây là lý do chỉ nên đánh thuế căn hộ có giá trên 70 triệu đồng/m2 thay vì 50 triệu” cho biết: Bộ Tài chính vừa đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản, trong đó đáng chú ý là đề nghị đánh thuế với nhà chung cư trên ngưỡng chịu thuế; thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp, mức giá trên 50 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất giá chung cư đánh thuế cần nâng lên mức cao hơn, từ khoảng 70 triệu đồng/m2 bởi vì tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, những vị trí thuận tiện giá chung cư phổ biến mức 50-60 triệu đồng/m2.

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, việc đề xuất thuế cần mang tính đồng nhất và phổ biến, có thể thu được. Nếu chỉ đề xuất đánh thuế áp dụng cho một phân khúc nào đó, nhất là phân khúc cao cấp, chỉ làm tăng giá giao dịch trên thị trường. Với người đầu tư có tiền, chi phí tăng thêm dưới 5% xem như không ảnh hưởng. Nhưng căn hộ bình dân mà tăng thêm 10-20 triệu đồng là vấn đề lớn với người thu nhập thấp.

IV. Vấn đề về NSNN

8. Ngày 7/2, Văn phòng Bộ phát đi thông tin báo chí về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 01/2023 của Bộ Tài chính, nhiều báo đưa tin về nội dung này, như: Báo Tin tức - TTXVN (7/2) có tin “Thu ngân sách tháng 1/2023 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng”; VTV.vn (7/2) có tin “Thu ngân sách hơn 180.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm”; Dangcongsan.vn (7/2) có tin “Thu ngân sách nhà nước tháng đầu năm giảm so cùng kỳ 2022”; Quân đội nhân dân (8/2) có tin “Thu ngân sách tháng 1/2023 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng”; Đại biểu nhân dân (8/2) có tin “Thu ngân sách tháng 1 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng”; Đại đoàn kết (7/2) có tin “Thu ngân sách tháng 1 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng” và nhiều báo khác.

Các báo cho biết: Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN tháng 1/2023 ước đạt 183.700 tỷ đồng (bằng 11,3% dự toán, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó thu nội địa ước đạt 160.400 tỷ đồng; thu dầu thô ước đạt 5.300 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 28.000 tỷ đồng.

Trong chiều ngược lại, tổng chi cân đối NSNN tháng 1 ước đạt 114.900 tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán. Mức chi này đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội (chiếm 74,9% tổng số chi NSNN), tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 17.000 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2023.

V. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

9. Báo Tiền phong (8/2) có bài “Tiền thu, chi từ tổ chức lễ hội, tiền công đức: Giám sát thế nào?” cho biết: Sau nhiều năm tranh luận, lần đầu tiên có Thông tư hướng dẫn, quản lý, thu – chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích. Tuy nhiên, làm thế nào để quy định đi vào thực tế, việc giám sát dòng tiền thu - chi trong tổ chức lễ hội hiệu quả vẫn là câu hỏi khó.

TS Phan Phương Nam (Trường Đại học Luật TP HCM) cho rằng, sau khi có quy định về quản lý thu chi, việc quản lý tiền vào, ra thông qua tài khoản sẽ được cụ thể, chi tiết. Việc nộp tiền, rút tiền qua tài khoản đều có sao kê, quan trọng nhất là cần có cơ chế kiểm soát dòng tiền. Để quy định đi vào thực tế, cần quy định rõ nguồn tiền chi do thủ nhang, trụ trì quyết định hay cần phải có sự đồng ý của ban quản lý tại địa phương. Hằng tháng, khoản thu chi cần báo cáo công khai, in và dán tại địa điểm để người dân dễ tiếp cận như UBND xã, phường nơi có đền, chùa.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, muốn quy định đi vào thực tế, cần có cơ chế giám sát thực thi. Khi muốn kiểm tra việc thu, chi, quản lý trong di tích, đền chùa của những thủ nhang, quản đền, cần có sự kiểm tra chứng kiến của chính quyền địa phương như đại diện tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quản lý là người giám sát hiệu quả nhất.

VI. Vấn đề về tài chính doanh nghiệp

10. Báo Lao động (8/2) có bài “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Lay lắt trên đất vàng sau cổ phần hóa” cho biết: Dù sở hữu nhiều lô đất có vị trí đẹp, song cả Tổng Công ty Sông Hồng (SHG) và Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco) sau cổ phần hoá (CPH) đều đang vận hành theo hình thái “phú quý giật lùi”. Giải pháp tối ưu hiện nay là buộc phải nhanh chóng thoái vốn nhà nước với hy vọng thu hút được các nguồn lực khác nhằm vực dậy doanh nghiệp. Đây là các ví dụ điển hình nhất của việc thất bại CPH doanh nghiệp nhà nước, bởi thực tế các doanh nghiệp này lao dốc về mọi mặt sau quá trình CPH với hàng loạt khoản đầu tư thua lỗ và các dự án bất động sản dở dang.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00