Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/02/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 15/02/2023

I. Vấn đề về chứng khoán

1. Báo Công an nhân dân (15/2) có tin “FLC bị hủy niêm yết, gần 710 triệu cổ phiếu đi về đâu?”; VnExpress (14/2) có tin “Cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết”“FLC xin HoSE xem xét lại việc hủy niêm yết”; Tuổi trẻ (14/2) có tin “Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết”; VnEconomy (14/2) có tin “Hủy niêm yết 710 triệu cổ phiếu FLC để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”; Tiền phong (14/2) có tin “Nóng: FLC bị hủy niêm yết hơn 700 triệu cổ phiếu”; Thanh niên (14/2) có tin “Chính thức hủy niêm yết cổ phiếu FLC”; Zingnews (14/2) có tin “Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết”; Vietnamnet (14/2) có tin “Hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu Tập đoàn FLC”; VTCnews (14/2) có tin “Gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết: Nhà đầu tư chịu ảnh hưởng thế nào?” và nhiều báo khác cho biết: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ra quyết định huỷ niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2 vì “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”.

Theo HoSE, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Sở và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết. Quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại khoản 1, điều 120, Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Sau khi HoSE thông báo hủy niêm yết, chiều ngày 14/2, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phát đi thông tin cho rằng việc vi phạm công bố thông tin do “hoàn cảnh bất khả kháng”, FLC kiến nghị cơ quan quản lý xét lại việc huỷ niêm yết cổ phiếu và khẳng định đang nỗ lực xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định.

2. Báo Nhân dân (15/2) đưa tin “VN-Index giảm hơn 5 điểm, thanh khoản rất thấp”, Báo Đầu tư (15/2) đưa tin “Thanh khoản cạn kiệt, VN-Index giảm 4 phiên liên tiếp”, Báo Đại đoàn kết (15/2) đưa tin “Chứng khoán lại ghi nhận thanh khoản thấp”, Thời báo ngân hàng (15/2) đưa tin “Thanh khoản thấp, VN-Index giảm hơn 5 điểm” cho biết: Thị trường chứng khoán trong nước ngày 14/2 tiếp tục giảm, chốt lại phiên thứ hai mất điểm trong tuần này và kéo dài đà giảm của 2 tuần trước đó. Thanh khoản thị trường cũng xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 5,06 điểm (-0,48%) còn 1.038,64 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 5,47 điểm (-0,53%) xuống 1.034,93 điểm.

II. Vấn đề về Hải quan

3. Báo Đại đoàn kết (15/2) đưa tin “Giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan, Luật Bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trong việc tiêu hủy, giám sát tiêu hủy đối với phế liệu tồn đọng. Đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, đơn vị hải quan quản lý phế liệu tiêu hủy thực hiện xây dựng kế hoạch tổ chức tiêu hủy, trong đó xác định rõ danh sách chi tiết container, tên hãng tàu, đơn vị tiêu hủy, thời gian dự kiến, phương án tiêu hủy, trách nhiệm của Hội đồng xử lý tiêu hủy, Tổ giám sát tiêu hủy.

Tổng cục Hải quan yêu cầu thực hiện giám sát trực tiếp việc tiêu hủy hàng hóa hoặc giám sát bằng phương tiện kỹ thuật khác (nếu có). Để đảm bảo công tác giám sát, quản lý chặt chẽ việc tiêu hủy phế liệu theo đúng quy định, đảm bảo sức khỏe cán bộ công chức hải quan giám sát tiêu hủy phế liệu, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ quy định và tình hình thực tế tại đơn vị để quyết định biện pháp giám sát trực tiếp hoặc giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật khác như giám sát qua hệ thống camera được kết nối với cơ quan Hải quan…

III. Vấn đề quản lý giá

4. Báo Đại đoàn kết (15/2) có bài “Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu than khó”, Tiền Phong (14, 15/2) có bài “Kinh doanh xăng dầu: Tại sao không để thị trường quyết định giá?”, “Doanh nghiệp xăng dầu: Đồng loạt kêu lỗ”, Tuổi trẻ (15/2) có bài “Giá xăng dầu phải theo thị trường”, Người lao động (15/2) có bài “Trả xăng dầu về cơ chế thị trường”, Nhân dân (15/2) có bài “Hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường xăng dầu” thông tin: Đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do VCCI và Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 14/2, các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trả thị trường theo cơ chế thị trường và phải càng sớm khắc phục những bất cập của thị trường, không để tình trạng càng sửa nghị định, doanh nghiệp càng bị bó cứng…

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Bùi Ngọc Bảo, để doanh nghiệp không đóng cửa, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ít nhất phải sửa đổi 10 điều khoản do những đề xuất của doanh nghiệp từ bán lẻ đến thương nhân phân phối và đầu mối đều hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Việc tổ chức, xây dựng Nghị định cần phải để doanh nghiệp cộng các chi phí vào công thức giá. Việc sửa Nghị định cũng phải cố gắng có yếu tố thị trường rõ ràng hơn, nhưng vẫn có sự quản lý của Nhà nước.

Một số ý kiến khác cho rằng, có thể xây dựng công thức tính giá, công bố giá tối đa trên thị trường hàng ngày, có thể là giá tham chiếu, doanh nghiệp dựa trên cơ sở đó để làm. Cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Nhà nước cần nhiều giải pháp như bỏ trần giá xăng dầu, bỏ luôn điều hành định kỳ 10 ngày để thị trường vận hành như ở các nước.

IV. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

5. Báo Hà Nội mới (15/2) có bài “Sửa quy định để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ” thông tin: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thị trường. Một nội dung quan trọng được Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi là giãn thời gian 1 năm, tức là từ ngày 01/1/2024 mới thực hiện quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc giãn thực hiện quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc như tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí phát hành.

Theo đại diện Bộ Tài chính, về lâu dài, để thị trường trái phiếu phát triển minh bạch, bền vững hơn thì cần phải sửa đổi tận gốc quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ tại Luật Chứng khoán. Định hướng là trong 5-7 năm tới, đối tượng tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm các công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại... khi thị trường phát triển đến trình độ nhất định thì sẽ xem xét đến việc tham gia của nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân.

V. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

6. Báo Đại đoàn kết (15/2) có bài “Minh bạch tiền công đức - Bài 1: Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện giám sát” cho biết: Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC là hết sức cần thiết và kịp thời góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ. Đây cũng là hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia đóng góp phát triển văn hóa đất nước, đồng thời tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động này. Khi có hiệu lực, Thông tư này sẽ góp phần giúp cho việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới theo hướng minh bạch, rõ ràng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, Thông tư này không phải để Nhà nước quản lý tiền mà mục đích là làm cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tốt đẹp hơn. Đây là động thái cần thiết. Thông tư thể hiện sự hợp lý, minh bạch của việc thu chi tiền công đức, tiền lễ hội và tài trợ. Khi Thông tư được thực hiện sẽ đem lại niềm tin, uy tín cho chính cơ sở, tín ngưỡng tôn giáo và các ban tổ chức lễ hội.

VI. Vấn đề về bảo hiểm

7. Báo Tuổi trẻ (15/2) có bài “Ngân hàng - bảo hiểm, cú bắt tay ngàn tỉ” phản ánh: Trong gần 10 năm trở lại đây, các thương vụ ký kết thoả thuận độc quyền phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng diễn ra sôi động. Khi đã ký, ngân hàng phải thực hiện, cứ thế, chỉ tiêu được trên ép xuống dưới, nhân viên ép khách vay mua bảo hiểm.

Cũng trên báo Tuổi trẻ (15/2) có tin “Người dân mất niềm tin vào bảo hiểm” cho biết: Bộ Tài chính vừa công bố thông tin tổng doanh thu phí bảo hiểm tháng 1/2023 ước đạt 21.358 tỷ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, năm 2022, theo thông tin từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khoảng 15,33%, bảo hiểm nhân thọ tăng khoảng 15%.

Trao đổi với Tuổi trẻ, một chuyên gia bảo hiểm cảnh báo nếu tình trạng ngân hàng – đại lý bảo hiểm ép khách hàng vay phải mua bảo hiểm nếu không được chấn chỉnh, ngăn chặn sớm thì thị trường bảo hiểm sẽ gặp khó khăn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người dân mất niềm tin vào sản phẩm bảo hiểm…

VII. Vấn đề về quản lý tài sản công

8. Báo Tuổi trẻ (15/2) có bài “Lãng phí công sở cũ bỏ hoang” thông tin: Hàng loạt công sở cũ tại Quảng Trị bị bỏ hoang, nhiều trụ sở công nằm ở vị trí “đất vàng”. Người dân nhìn vào rất “chướng mắt” vì lãng phí. Trong khi cơ quan chức năng tìm lối gỡ cho số trụ sở này nhiều năm qua, hiện tại phương án cuối cùng vẫn chưa được thông qua.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00