Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 17/02/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 17/02/2023

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Nhân dân (17/2) có bài “Sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân” thông tin: Mới đây, Bộ Tư pháp thông tin, qua kết quả rà soát của các bộ, ngành cho thấy, Luật Thuế thu nhập cá nhân có 22 điều cần phải sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào thu nhập chịu thuế; cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức giảm trừ gia cảnh…

Theo kế hoạch, dự án sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua dự án luật này tại kỳ họp tháng 5/2026. Như vậy, người nộp thuế còn phải chờ ít nhất hơn ba năm nếu dự luật sửa đổi được thông qua theo lộ trình này. Tuy nhiên, rất nhiều người lao động đang trông đợi luật được sửa đổi càng sớm càng tốt để chia sẻ, động viên những khó khăn của người lao động. Ðây cũng là cách “khoan thư sức dân” và nuôi dưỡng nguồn thu.

2. Báo Đại đoàn kết (17/2) có bài “Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng” cho biết: Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (DN), thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023. Theo đó, VTCA kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% áp dụng trong cả năm 2023 để giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng và hồi phục sau đại dịch.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, VTCA nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng DN, các hiệp hội đánh giá rất cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất thuế GTGT. VTCA đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn kinh tế, tài chính trong năm 2023 mà dự kiến sẽ còn khó khăn hơn năm 2022, nhằm duy trì đà tăng trưởng và phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc giảm thuế GTGT và thuế thu nhập DN sẽ có ý nghĩa và hỗ trợ thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

3. Báo Nhân dân (17/2) có bài “Bảo đảm minh bạch trong kê khai nộp thuế” cho biết: Hà Nội là một trong ba địa phương được Bộ Tài chính lựa chọn triển khai giai đoạn 1 giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trước khi triển khai nội dung này trên phạm vi toàn quốc. Theo số liệu thống kê của Cục Thuế Hà Nội, thành phố có 813 hộ kinh doanh, 5.372 doanh nghiệp thuộc diện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Nhưng đến nay, chỉ có 1/3 số đơn vị kinh doanh tại Hà Nội cài phần mềm kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế. Con số này còn quá thấp so với mục tiêu đặt ra, do nhiều nguyên nhân,

Chỉ còn một tháng rưỡi nữa là kết thúc thời gian thực hiện giai đoạn 1, vì vậy Cục Thuế Hà Nội cần triển khai những giải pháp quyết liệt hơn. Trước mắt, Cục Thuế cần xây dựng khung pháp lý thông qua việc báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Cục Thuế cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích mà loại hình hóa đơn này mang lại. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cần phối hợp các địa phương kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, bảo đảm xuất hóa đơn đầy đủ. Bộ Tài chính cần nghiên cứu ban hành các chế tài xử phạt các đơn vị cố tình trì hoãn thực hiện xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đem lại sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh với nhau.

II. Vấn đề về chứng khoán

4. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (16/2) có bài “Cơ hội nâng hạng thị trường đang đến gần?” cho biết: Việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trở lại từ năm ngoái cho đến đầu năm nay, đặc biệt là các quý ETF chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi và cận biên, liệu có là tín hiệu cho thấy triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng đến gần? Bài báo cho biết, một trong những rào cản lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài gần như không thay đổi trong ba năm qua.

Theo các chuyên gia phân tích, có hai cách để giải quyết vấn đề nâng hạng thị trường mới nổi. Thứ nhất là mở room của nhà đầu tư nước ngoài lên cao hơn 30%. Thứ hai, cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết giống ở Thái Lan. Đây là loại chứng khoán tiềm năng, thu hút lượng lớn tổ chức và cá nhân nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam mà không phải lo về nguy cơ bị thâu tóm.

5. Báo Nhân dân (17/2) đưa tin “Sắc xanh lan tỏa, VN-Index tăng gần 17 điểm”, Vietnamplus (17/2) đưa tin “Chứng khoán ngày 16/2: Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng trần”Thời báo ngân hàng (17/2) đưa tin “Sắc xanh lan tỏa” cho biết: Phiên giao dịch ngày 16/2 khởi đầu trong sự tích cực, tâm lý nhà đầu tư đã tốt hơn sau phiên tăng điểm trước. Sắc xanh hiện diện trên bảng điện tử ngay từ khi thị trường mở cửa và VN Index dễ dàng vượt qua mốc 1.050 điểm. Dù cho gặp một chút rung lắc nhẹ vào đầu phiên chiều nhưng ngay lập tức chỉ số đã tăng vọt trở lại và áp sát mốc 1.060 điểm sau phiên ATC.

VN-Index đóng cửa cao nhất trong phiên và tiến sát mốc 1.060 điểm sau hai phiên tăng liên tiếp. Cả ba chỉ số đều tăng mạnh ở phiên chiều. VN-Index tăng 10,09 điểm (+0,96%), lên 1.058,29 điểm. HNX-Index tăng 2,87 điểm (+1,38%), lên 210,84 điểm. UpCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,25%), lên 79,66 điểm.

III. Vấn đề quản lý giá

6. Lao Động (17/2) có chùm bài “Doanh nghiệp xăng dầu “lỗ chồng lỗ”, “Room tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu đã thông?”, Công Lý (17/2) có bài “Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu” cho biết: Một số doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần công nhận sự tồn tại, quyền sở hữu tài sản… của doanh nghiệp bán lẻ khi sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Còn ông Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho rằng, thị trường vừa qua bất ổn là do sự quản lý, điều hành yếu, mấu chốt là Nhà nước quyết định giá bán lẻ. Trong khi xăng dầu thế giới là thị trường cạnh tranh, minh bạch biến động giá hàng ngày, hàng giờ.

Để ổn định thị trường xăng dầu, một trong những giải pháp mà doanh nghiệp kiến nghị là các ngân hàng nới room tín dụng, phân bổ nguồn vốn vay để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có nguồn tài chính nhập hàng. Liên quan đến vốn tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đại diện ngân hàng cho biết các ngân hàng thương mại sẽ chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp… theo hạn mức đã được giao.

7. Báo Tiền phong (17/2) có bài “Giá sách giáo khoa sẽ giảm” cho biết: Một số góc khuất trong xuất bản phát hành sách giáo khoa đã được cơ quan thanh tra chỉ ra. Với kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2014-2019, NXB Giáo dục Việt Nam đã “móc túi” của người dân, học sinh 85 tỷ đồng từ việc “ăn gian” giá sách giáo khoa. Đó còn chưa kể việc nâng giá giấy in chênh lệch đến hàng trăm tỷ đồng. Dư luận hy vọng khi các thông tin được minh bạch, cùng với chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan liên quan, giá sách giáo khoa sẽ giảm trong thời gian tới.

Liên quan đến giá SGK hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, theo quy định hiện hành và Luật Giá hiện nay, SGK là mặt hàng phải kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình.

Ghi nhận thực tế cho thấy, giá SGK chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay bị đội lên nhiều so với giá SGK chương trình cũ còn do các NXB dùng thủ thuật chia nhỏ các tài liệu môn học thành các chuyên đề để gia tăng đầu sách, xuất bản sách không cần thiết. Có ý kiến cho rằng, cần có sự quản lý giá SGK một cách rõ ràng, Nhà nước cần quản lý giá, thậm chí bù lỗ nếu cần, không thể thả nổi giá SGK.

IV. Vấn đề về tài chính ngân hàng

8. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (16/2) có bài “Làm gì để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp?” cho biết: Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc các cơ quan quản lý nhà nước đã buông lỏng việc áp dụng cơ chế phát hành và phân phối trái phiếu riêng lẻ, do đó số lượng trái phiếu riêng lẻ đã tràn ngập thị trường, tạo nên tình hình bất ổn mà chúng ta đang đối mặt.

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có một số sửa đổi, bảo vệ nhà đầu tư theo hướng hạn chế những nhà đầu tư chưa thực sự chuyên nghiệp tham gia thị trường, dù chúng ta sẽ phải bàn thêm về phương án được đề xuất, vẫn phải công nhận đây là cách tiếp cận đúng hướng. Vậy nhưng, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP lại đưa ra phương án hoãn áp dụng những điều chỉnh nêu trên, như vậy là không hợp tình hợp lý.

Điều cần quan tâm là việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ được giám sát, thanh tra ra sao, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong trường hợp hô biến nhà đầu tư không chuyên nghiệp thành chuyên nghiệp và chế tài xử lý vi phạm này như thế nào?

V. Vấn đề về bảo hiểm

9. Báo Tuổi trẻ (17/2) có bài “Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng” cho biết: Sau tuyến điều tra “ép” người dân mua bảo hiểm trên báo Tuổi trẻ (nội dung này Văn phòng Bộ đã điểm báo trình Bộ tại Điểm báo số 25-26-27), ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Trường Đại học Kinh tế TP HCM) trao đổi với báo Tuổi trẻ về giải pháp để phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh.

Trong đó, giảng viên này cho rằng, cần sớm công khai tỷ lệ duy trì đóng phí bảo hiểm ở năm thứ hai và năm thứ ba. Cơ quan quản lý cần có chuyên trang đăng tải công khai tỷ lệ duy trì đóng phí bảo hiểm ở các ngân hàng đang hợp tác bán bảo hiểm. Dựa vào dữ liệu này, khách hàng có thể đưa ra quyết định mua bảo hiểm. Đồng thời, chuẩn hoá cách tính tỷ lệ này bởi hiện nay, để tạo số đẹp, cách tính tỷ lệ duy trì đóng phí ở nhiều doanh nghiệp đang rất khác nhau, không thực chất.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng, hiện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chưa phát huy rõ vai trò giám sát, khi nhận đơn khiếu nại của người dân gửi về, Cục không thể chỉ chuyển tiếp cho công ty bảo hiểm mà còn phải theo dõi và cập nhật quá trình xử lý cho người dân, kết quả thế nào. Nếu người dân chưa phục, Cục phải có bộ phận tiếp dân để hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục khiếu kiện. Đồng thời, cũng cần có đường dây nóng có ghi âm để xử lý.

Báo Tuổi trẻ cũng thông tin, sau loạt bài điều tra ép người dân mua bảo hiểm, Tuổi trẻ đã nhận được gần 1000 lượt bình luận, cung cấp thông tin về việc bị ép mua bảo hiểm với nhiều hình thức. Báo Tuổi trẻ cũng đã nhận được nhiều đơn và chứng từ, tài liệu nhờ báo Tuổi trẻ gửi đến các cơ quan chức năng để mong lấy lại khoản tiền đã bị ép mua bảo hiểm. Hầu hết phản hồi của bạn đọc đều cho rằng, việc này đã xảy ra nhiều năm nay, có hàng trăm nghìn khách hàng rơi vào cảnh bị ép mua bảo hiểm mới được cho vay hoặc vay lãi suất ưu đãi hơn với những người không mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo.

VI. Vấn đề khác

10. Báo Tuổi trẻ (17/2) có bài “Bất động sản ách tắc vì thủ tục” cho biết: Tại hội nghị về tín dụng bất động sản (BĐS) ngày 8/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay 70% vướng mắc của doanh nghiệp hiện nay là về thủ tục pháp lý và vướng mắc pháp lý với lĩnh vực BĐS hiện quá nhiều, các doanh nghiệp đã kêu ca nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa gỡ được.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất… đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất thị trường. Vướng mắc về xác định giá đất thị trường chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án. Bộ Xây dựng đề xuất 5 giải pháp về thể chế để phát triển thị trường BĐS, trong đó có đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật đầu tư, Luật đất đai, Luật thuế, Luật chứng khoán…

- Cũng liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, Báo Tuổi trẻ (17/2) có tin “Đề xuất cho doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác” cho biết: Tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiểu riêng lẻ, Bộ Tài chính đã đề xuất cho doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt về thanh khoản của nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00