Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 27/02/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 27/02/2023

I. Vấn đề về chính sách thuế

1. Thời báo ngân hàng (27/2) có bài “Tăng thuế đối với mặt hàng có hại cho sức khỏe”, An ninh thủ đô (26/2) có bài “Sẽ tiếp tục tăng thuế với rượu, bia, thuốc lá”, Cổng thông tin điện tử Chính phủ (27/2) có bài “Đề nghị sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt”, Báo Công an nhân dân (27/2) có tin “Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ, môi trường” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Dự thảo này nhằm giải quyết bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hóa có hại cho sức khỏe.

Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đồ uống có đường, nước giải khát không cồn… vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời tăng thuế suất với rượu, bia, thuốc lá và giảm thuế suất với ô tô thân thiện môi trường.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước có chính sách khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.

2. Thời báo Ngân hàng, Tài chính doanh nghiệp (27/2) có tin “Tiến tới áp dụng một mức thuế GTGT”, Cổng Chính phủ điện tử (24/2) có bài “Đề xuất thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5%” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, đối với thuế GTGT sẽ mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình.

Theo Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, Bộ Tài chính đã đặt ra kế hoạch giải pháp thực hiện mục tiêu cải cách thuế.

Bộ Tài chính đặt ra lộ trình, trong năm 2022 - 2023 Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Vụ Chính sách Thuế chủ trì tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Thuế GTGT; năm 2023 - 2025 Vụ Chính sách Thuế chủ trì trình Quốc hội ban hành Luật Thuế GTGT (sửa đổi); giai đoạn 2023 - 2025 Vụ Chính sách Thuế và Tổng cục Thuế chủ trì trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn.

Liên quan đến sửa đổi thuế GTGT, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng: “Nếu trong thời gian trước mắt, chưa đủ điều kiện áp dụng thống nhất được 1 loại thuế suất thuế GTGT thì nên xem xét hướng dẫn cụ thể việc xác định sản phẩm, dịch vụ không chịu thuế, không kê khai tính thuế, thuế suất 5%, thuế suất 10% một cách rõ ràng, chi tiết để người nộp thuế thực hiện thuận lợi”.

3. Báo Vnexpress (27/2) có bài “Những bất cập về thuế thu nhập cá nhân”, báo Đại đoàn kết (25/2) có bài “Luật thuế thu nhập cá nhân bộc lộ nhiều bất cập” cho biết: Bộ Tư pháp đang dự thảo trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với việc đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sát hơn với thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vinh (53 tuổi, trú phường Phước Bình, TP Thủ Đức) mới đây khi làm thủ tục tách thửa để chia đất cho 2 người con cho biết, ông khá bất ngờ khi biết đơn giá nhà đất tại khu vực mình sống đã tăng gấp 7-8 lần so với thời điểm gia đình ông mua mảnh đất kể trên. “Tổng chi phí cả tách thửa và hoàn công cho 2 thửa đất, trong đó phần lớn là Thuế TNCN mà tôi phải đóng lên đến cả trăm triệu đồng” - ông Vinh nói.

Trên thực tế, Luật Thuế TNCN đã được Quốc hội khóa XII thông qua từ tháng 11/2007 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Luật này đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 2012 và năm 2014, trong đó mức giảm trừ gia cảnh khi tính TNCN được áp dụng từ mức 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng kể từ năm 2020.

Theo ThS xã hội học Nguyễn Công Hoài Lương (TPHCM), đây là mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp và quá thấp so với các chi tiêu cơ bản của người dân sống ở đô thị.

II. Vấn đề về quản lý thuế

4. Báo Công an nhân dân (27/2) có tin “Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với số tiền lớn chưa từng có” cho biết: Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020 đến nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay từ sớm, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 với tổng giá trị hỗ trợ hơn 507 nghìn tỷ đồng. Đây chính là số tiền lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Tài chính.

 Năm 2023, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Cụ thể, Bộ Tài chính đang tính toán việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp phát sinh trên khoản nợ thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của doanh nghiệp, tổ chức; giảm tiền thuê đất phải nộp. 

5. Tuổi trẻ (25/2) có bài “Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu” cho biết: Tại Hội thảo về quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu vào ngày 24/2, Phó Giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế Deloitte VN cho rằng, nếu không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khi một loạt quốc gia áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm sau. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, Bộ Tài chính cần rà soát đánh giá đầy đủ chính sách ưu đãi thuế gồm những gì. Nếu áp dụng mức thuế 15%, đối tượng chịu tác động là ai, mức độ, quy mô ra sao?

Theo ông Lưu Đức Huy (Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế) cho rằng, Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng dù có áp dụng quy tắc này hay không. Trong năm 2022, qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 1.015 DN FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách này.

6. Báo Sài Gòn giải phóng (27/2) đưa tin “Phản hồi bài viết “Chậm nộp thuế, bị hủy kế quả trúng đấu giá: Có đúng luật?” cho biết: Tháng 11/2017, ông Nguyễn Phước Tài, ngụ đường Trần Hưng Đạo, khóm Mương Nhà Máy, phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp trúng đấu giá 43 nền đất nhưng mới nộp đủ tiền thuế cho 15 lô đất nền. Đến tháng 7/2018, ông Tài nộp thuế cho 28 lô đất nền còn lại nhưng bị UBND thị xã Hồng Ngự hủy kết quả đấu giá.

Ông Tài đã kiện lên Tòa và được Tòa án nhân dân cấp cao TP. HCM chấp nhận là ông Tài làm đúng Luật Đấu giá. Tháng 10/2022 Tòa yêu cầu UBND thị xã Hồng Ngự phải ra thông báo cho ông Tài nộp nốt số thuế của 28 lô đất nền còn lại. Tuy nhiên đến nay bản án vẫn chưa được thực thi.

Về việc này, Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp vừa phản hồi với Báo SGGP, cho biết, Chi cục Thuế khu vực 3 đã có văn bản báo cáo. Theo đó, ngày 6/12/2022, UBND TP Hồng Ngự mời hội ý và yêu cầu các đơn vị bị kiện có liên quan (trong đó có Chi cục Thuế khu vực 3) làm đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án nêu trên, vì vậy Chi cục Thuế khu vực 3 trình Cục thuế tỉnh Đồng Tháp xem xét có ý kiến về việc này. Cùng ngày, ông Vi Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Tháp, gửi văn bản số 1755/CT-KTNB yêu cầu Chi cục Thuế khu vực 3 có công văn xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hồng Ngự về việc thực hiện bản án của TAND cấp cáo tại TP HCM như nội dung đã tuyên. Theo quy định, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật, phải được thi hành ngay. Việc xem xét giám đốc thẩm (nếu có) sẽ được xử lý sau đó.

III. Vấn đề về hải quan

7. Báo Công an nhân dân (25/2) có tin “Phát hành hơn 12 triệu tem điện tử rượu nhập khẩu” cho biết: Tổng cục Hải quan vừa có thông báo phát hành 12,8 triệu tem điện tử rượu nhập khẩu. Số lượng tem điện tử rượu phát hành đợt này được sử dụng bắt đầu từ ngày 24/2/2023. Trước đó, ngày 30/3/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn in, phát hành, quản lý, sử dụng tem điện tử rượu và tem điện tử thuốc lá.

IV. Vấn đề về giá

8. Người lao động (27/2) có bài “Bỏ trần, quản lý giá vé máy bay cách nào?”; Thanh niên (27/2) có bài “Bao giờ bỏ giá trần vé máy bay?”; Nhân dân (27/2) có bài “Kiến nghị bỏ quy định giá trần vé máy bay” cho biết: Đại diện các hãng hàng không và nhiều chuyên gia kinh tế đồng loạt lên tiếng cho rằng trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự phục hồi, tăng trưởng của ngành hàng không.

Theo TS Lương Hoài Nam, việc áp dụng giá trần tước đi cơ hội khai thác thương mại hiệu quả trong các giai đoạn cao điểm. Một thị trường được quyết định theo nguyên tắc kinh tế thị trường mới là thị trường lành mạnh, bền vững.

Trong khi đó, GS. Trần Thọ Đạt – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lưu ý cần có công thức điều hành giá và tạo khung dao động để bảo đảm mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, phù hợp với lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù thì nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để bảo đảm sự phát triển của ngành hàng không bền vững.

TS Lê Đăng Doanh thì nhấn mạnh, nên có một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, trong đó có các thành viên chịu trách nhiệm về pháp lý. Trên cơ sở đó, các hãng đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh ngay, kịp thời hơn so với thị trường thế giới để phản ánh đúng, đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu, biến động của tỉ giá. Đơn cử, cơ chế giá xăng dầu đã có sự điều chỉnh giữa liên bộ Tài chính-Công thương.

9. Báo Thanh niên (27/2) có bài “Giảm khâu trung gian có giúp giảm giá xăng dầu”, báo Tuổi trẻ (27/2) có bài “Giảm khâu trung gian có giúp giảm giá xăng dầu”,  cho biết: Ngoài việc "thúc" Bộ Công thương khẩn trương trình dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ còn yêu cầu việc sửa đổi này phải giảm khâu trung gian trong lưu thông, phân phối xăng dầu…

Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu, giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, việc sắp xếp, giảm khâu trung gian trong lưu thông, phân phối kinh doanh xăng dầu theo yêu cầu của Chính phủ là thực chất giảm tổng đại lý, nằm ở tầng nấc thứ 2 trong chuỗi phân phối, chứ khó giảm thương nhân phân phối vì đa số là DN lớn. Hiện hệ thống phân phối xăng dầu gồm 3 tầng. Đó là DN đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý, DN bán lẻ và đại lý nhượng quyền. Nhiều tổng đại lý thực chất đang đảm nhiệm vai trò "mua đi bán lại" kiếm lời và nhiều nơi không đầu tư kho chứa theo quy định và từng bị phạt vi phạm hành chính… Thế nên, việc cần sắp xếp, cắt giảm là ở khâu "tổng đại lý". Theo đó, chi phí bán hàng dành cho khâu bán lẻ được bảo đảm ổn định hơn.

10. Báo Tiền Phong (27/2) có bài “Doanh nghiệp xăng dầu chất vấn cơ quan quản lý loạt vấn đề”cho biết: Theo thông tin của PV Tiền Phong, trước thềm phiên giải trình vào ngày 28/2 của Bộ Tài chính và Công Thương trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến điều hành xăng dầu, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành đã có loạt văn bản khẩn gửi các cơ quan chức năng nêu những mảng tối của thị trường xăng dầu hiện nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở khu vực phía Nam cho biết, ông vừa cùng nhiều doanh nghiệp trong ngành hoàn tất văn bản chất vấn với 5 chủ đề liên quan việc điều hành, tính giá của cơ quan quản lý xăng dầu hiện nay.

Trong văn bản gửi Chính phủ góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu cách đây ít ngày, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan quản lý nên cân nhắc đầy đủ và khắc phục triệt để những tồn tại trong quản lý, điều hành xăng dầu hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu như trong thời gian qua. “Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia”, VCCI cảnh báo.

VCCI cho rằng, việc để giá bán do cung cầu quyết định sẽ giúp tạo cạnh tranh cho thị trường. Cùng đó, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu.

V. Vấn đề về bảo hiểm

11. Báo Lao động (27/2) có bài “Tình trạng ép mua bảo hiểm mới giải ngân vốn bao giờ chấm dứt” và bài “Bốn rủi ro lớn khi phát triển kênh Bancassurance quá nóng” cho biết: Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) tăng trưởng mạnh những năm gần đây và mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, do phát triển nóng trong thời gian qua, kênh phân phối này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng nhân viên ngân hàng chạy theo KPI nên ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, hay việc chèo kéo khách hàng gửi tiết kiệm mua bảo hiểm. Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Bà Phạm Thu Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đã có những quy định riêng với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của các đại lý là tổ chức trong đó có tổ chức tín dụng trong tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc tư vấn viên không được hứa hẹn các khoản lợi nhuận không chắc chắn hoặc trình bày thông tin sai lệch về sản phẩm.

Về hành lang pháp lý, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, tới đây, các cơ quan chức năng nên bổ sung quy định về Bancassurance trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Có như vậy mới đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật.

12. Báo Lao động (27/2) có bài “Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp để xử lý nghiêm vụ ép mua bảo hiểm”; Công thương (24/2) có tin “Thanh tra về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng”cho biết: Trước tình trạng phản ánh việc nhân viên ép khách hàng mua bảo hiểm khi tham gia giao dịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cùng phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành thanh tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Dưới góc nhìn của luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, pháp luật thanh tra lâu nay đều quy định cơ quan quản lý phải công khai kết luật thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Nhưng thực tế thì ít thấy việc công khi các kết luận thanh tra trên các phương tiện thông tin địa chúng.

VI. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

13. Báo Người lao động (25/2) có bài “Không để thiếu thuốc, vật tư y tế”; Chinhphu.vn (24/2) có bài “Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023”; VOV.vn (24/2) có bài “Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023”, Báo Tuổi trẻ (27/2) đưa tin “Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng vật tư, thiết bị y tế”, báo Vietnamnet (27/2) đưa tin “Thủ tướng: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong quý I”, báo Tiền phong (25/2) có bài“Giải quyết tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế trong tháng 2, đầu tháng 3/2023”, Báo Sài Gòn giải phóng (27/2) có bài “Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế” và một số báo khác cho biết: Ngày 24/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023. Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra kết quả, bài học kinh nghiệm và pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm khiến nhiều bệnh viện lớn gặp khó khăn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đối với những vướng mắc, bất cập về chính sách dẫn đến khó khăn cho các bệnh viện, nhất là các bệnh viện lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi ghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị…

VII. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

14. Tạp chí Đầu tư Chứng khoán (27/2-5/3) có bài “Sửa nghị định trái phiếu: Còn nhiều thắc mắc” cho biết: Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 35/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế đang được xây dựng, trong đó có một số điểm gây thắc mắc liên quan tới việc phát hành trái phiếu của công ty tài chính. Việc bổ sung quy định về cách thức tham chiếu, rà soát và tài liệu chứng minh việc tổ chức phát hành là công ty tài chính đáp ứng các quy định pháp luật chuyên ngành khi phát hành trái phiếu là một việc cần làm, để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp khi soạn thảo phương án phát hành trái phiếu.

VIII. Vấn đề về chứng khoán

15. Báo Lao động (25/2) có bài “Dấu hỏi về ChatGPT tư vấn đầu tư mã chứng khoán” cho biết: Sự xuất hiện của ChatGPT đã kích hoạt “cuộc chạy đua vũ trang về trí tuệ nhân tạo”. Liệu ChatGPT sẽ ứng dụng ra sao vào đầu tư chứng khoán và có thể tạo ra danh mục đầu tư đánh bại thị trường hay không?

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00