Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 01/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 01/03/2023

I. Vấn đề quản lý thuế

1. Báo Tuổi trẻ (1/3) có bài “Công ty “ma” tung hoành, vì sao?” cho biết: Trong vụ chạy án của tướng Đỗ Hữu Ca, hàng loạt công ty “ma” tại Quảng Ninh và Hải Phòng do Trương Xuân Đước thành lập đã biến mất bí ẩn khi vụ án được khởi tố là một ví dụ điển hình về các công ty “ma”. Theo các chuyên gia, thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng nhưng khâu hậu kiểm buông lỏng, cùng sự tiếp tay của cán bộ quản lý các cơ quan liên quan đã giúp nhiều đối tượng có cơ hội thành lập nhiều công ty “ma” nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT.

TS. Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế cho biết, số lượng doanh nghiệp khá lớn, lực lượng thanh tra kiểm tra của cơ quan thuế khá mỏng, lại chưa có chức năng điều tra, khởi tố… dẫn đến việc quản lý hậu thành lập doanh nghiệp gần như bị buông lỏng. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nên rà soát, sửa đổi về Luật Thuế VAT và nên xem lại chính sách hoàn thuế. Mỗi năm, số tiền hoàn thuế VAT lên tới 100.000-150.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10% thu NSNN một năm nhưng chính sách thuế VAT lại có nhiều kẽ hở, nhất là khâu hoàn thuế nên nhiều đối tượng lợi dụng để khai thác trong nhiều năm qua.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng, đối tượng phạm tội cũng nhiều “chiêu trò” để đối phó với cơ quan thuế. Bên cạnh việc áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế cũng cần lập một đội chuyên nghiệp để rà soát những đường dây mua bán hoá đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của nhà nước.

Tại cuộc làm việc về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đã xuất hiện tình trạng làm giả hoá đơn điện tử.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hoá đơn điện tử hay hoá đơn giấy đều có gian lận, nhưng hoá đơn điện tử sẽ lưu vết trên hệ thống, cơ quan thuế sẽ có biện pháp quản lý rủi ro, sẽ sử dụng các biện pháp phân tích dữ liệu lớn, xu thế, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện nhanh, xử lý triệt để gian lận. 

Năm 2023, Cục Thanh tra, kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ KHĐT trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định về đăng ký doanh nghiệp nhằm chống việc mua bán, sử dụng hoá đơn trái phép, trục lợi tiền hoàn thuế VAT.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Luật thuế VAT ban hành đến nay đã hơn 20 năm, bối cảnh đã rất khác thời điểm ban hành nên đã đến lúc đặt vấn đề về sửa đổi Luật Thuế VAT, thậm chí phải gấp rút sửa đổi vì nếu không, thất thoát sẽ rất lớn. Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng đề xuất nên bổ sung quy định rằng buộc trách nhiệm của cá nhân với doanh nghiệp do cá nhân lập ra. Đây là vấn đề cơ bản nhất sẽ hạn chế được tình trạng mở công ty để mua bán hoá đơn bất hợp pháp, trốn thuế. Mặt khác, cần thiết bổ sung cho cơ quan thuế chức năng điều tra về thuế để xử lý, ngăn chặn kịp thời trường hợp gian lận, trốn thuế, lập công ty ma để mua bán hoá đơn bất hợp pháp.

2. Đại đoàn kết (1/3) có bài “Thêm cơ hội thu hút FDI”, Thanh niên (1/3) có bài “Cơ hội chống chuyển giá trốn thuế từ FDI” cho biết: Theo lộ trình thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng từ ngày 01/1/2024 được cho là có tác động rất lớn, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam. Thời gian thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu đang tới gần, giới chuyên gia cho rằng cần sớm có những chính sách ưu đãi đầu tư mới, vì bên cạnh khó khăn thì cũng mở ra cơ hội mới.

Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư của Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định, những nỗ lực thu hút FDI của VN thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập DN, môi trường đầu tư VN sẽ bị ảnh hưởng. Bởi việc thu hút vốn ngoại của VN đều dựa vào thuế suất thấp và lao động nhân công giá rẻ. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến dòng vốn FDI có những xáo trộn trong ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thộng lệ và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của VN, tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá…

Liên quan tới vấn đề này, cũng trên báo Đại đoàn kết (1/3) có bài “2 tác động của thuế tối thiểu toàn cầu tới Việt Nam” cho biết: Theo ông Thomas McClelland – Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Delloitte Việt Nam cho rằng, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam rất rõ ràng, thể hiện ở trong 2 lĩnh vực: Thuế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu Việt Nam chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế vì khi đó các quốc gia đầu tư vào VN sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc trụ cột II, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024. Ngoài ra, VN cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung của các tập đoàn, DN có đầu tư ra nước ngoài. Để bảo vệ nguồn thu thuế, VN có thể cân nhắc giải pháp trước mắt về việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, VN nên ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các DN đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột II.

3. Báo Lao động (01/3) đưa tin “Về khoản hỗ trợ cho công nhân công ty TNHH Pouyuen: Thuế thu nhập cá nhân chỉ là tạm thu” cho biết: Ngày 25/2, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 2.358 công nhân do có khó khăn về đơn hàng. Từ đề xuất của CĐCS, Công ty đã hỗ trợ cho các công nhân mỗi năm làm việc 0,8 tháng lương và tổng số tiền công ty hỗ trợ cho các công nhân phải chấm dứt HĐLĐ là khoảng 275 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho biết có chút buồn là trong khoản tiền hỗ trợ này, họ bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

Luật sư Trần Phi Đại - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết theo quy định của pháp luật về Thuế thu nhập cá nhân, thì khoản trợ cấp của Công ty PouYuen không nằm trong khoản thu nhập được miễn thuế. Và điều này được quy định trong các văn bản liên quan. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc tính thuế thu nhập được tính theo năm. Cũng theo quy định hiện hành, nếu cá nhân có thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên thì nơi chi trả phải tạm khấu trừ 10% và phải cấp chứng từ khấu trừ thu nhập này cho người phải đóng thuế làm cơ sở quyết toán thuế với cơ quan thuế sau này.

II. Vấn đề về Hải quan

4. Báo Pháp luật Việt Nam (01/3) đưa tin “Tích cực “Gỡ vướng” cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan” cho biết: Hôm qua (28/2), tại trụ sở Tổng cục Hải quan, đã tổ chức Hội nghị đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI). Những hội nghị tương tự được tổ chức đã thể hiện sự tích cự, chủ động của các cơ quan trong việc đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuát, kinh doanh.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa nhấn mạnh, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác và theo đề xuất của JCCI, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ quý I/2023 nhằm trao đổi, thảo luận, nêu ra những vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan cũng như tiếp thu những đóng góp, sáng kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện các quy định pháp luật hải quan. Đồng thời các đơn vị nghiệp vụ, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố có cơ hội trao đổi, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Hội XNK Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng, lĩnh vực Hải quan và thông quan hàng hóa XNK, với những hàng hóa thông thường, việc truyền dữ liệu đăng ký tại các chi cục đã có nhiều cải thiện nên việc khai báo và thông quan cho hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu không phải kiểm tra chuyên ngành đã thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thì vẫn còn nhiều rào cản. Từ những kết quả triển khai các chương trình cải cách thủ tục hải quan theo khảo sát của VCCI đối với 3.600 doanh nghiệp XNK, để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cũng như nâng tầm vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị, mong muốn ngành Hải quan tiếp tục phát huy hiệu quả, cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể, hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan với tính ổn định, nhất quán, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. Đồng thời, áp dụng đồng bộ các phương thức quản lý hải quan hiện đại trong giải quyết thủ tục từ khai hải quan, thông quan đến kiểm tra sau thông quan; áp dụng hồ sơ điện tử triệt để hơn.

III. Vấn đề về quản lý xăng dầu

5. Báo Thanh niên (1/3) có bài “Làm rõ vướng mắc, khắc phục bất cập thị trường xăng dầu”; Tiền phong (1/3) có bài “Thiếu hụt cục bộ để mua xăng dầu dự trữ: Mỗi năm cần 4.100 tỷ đồng”; Người lao động (1/3) có bài “Đề xuất tăng ngân sách dự trữ xăng dầu”; Tuổi trẻ (1/3) có bài “Nhiều bất cập trong điều hành xăng dầu”; Sài Gòn giải phóng (1/3) có bài “Báo cáo Quốc hội 8 vấn đề của xăng dầu”; Lao động (1/3) có bài “Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ”; Zingnews (28/2) có tin “Bộ trưởng Công Thương: Cần tối thiểu 4.100 tỷ/năm để dự trữ xăng dầu”; VTCnews (28/2) có tin “Bộ trưởng Công Thương: Cần tối thiểu 4.100 tỷ/năm để dự trữ xăng dầu” và nhiều báo khác cho biết: Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đại biểu QH cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành.

Cụ thể như việc xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của DN, dẫn đến thiếu minh bạch. Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường. Việc lấy giá thế giới trung bình của 10 ngày trước để tính giá cơ sở, áp dụng cố định cho 10 ngày sau tạo ra sự "lệch pha" giữa giá xăng dầu VN và giá thế giới. Việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả DN cũng dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh. Việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Về dự trữ quốc gia xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết theo phương án bộ này đề xuất thì mỗi năm ngân sách cần chi tối thiểu 4.100 tỉ đồng để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, mức chi này vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách chỉ bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia. Hiện nay, hai bộ Công Thương và Tài chính đã rà soát, thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia.

Về việc tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các DN đầu mối, ông Diên khẳng định đang tích cực triển khai, song gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Lý do là Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia, phải đi thuê của DN, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. Ông Diên đề xuất Ủy ban Thường vụ QH cho phép tiếp tục hợp đồng với các DN như trước đây để lưu trữ xăng dầu. Ông Diên cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia, làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia bảo đảm phù hợp với thực tế.

- Cũng liên quan tới nội dung cuộc họp này, Báo Đầu tư (28/2) có tin “Bộ trưởng Bộ Tài chính: Có thương nhân phân phối xăng dầu không kho, không vốn, không cửa hàng”; VOV.vn (28/2) có tin “Hai Bộ trưởng Công Thương và Tài chính giải trình về xăng dầu”; Giao thông (28/2) có tin “Bộ trưởng Tài chính: Quản lý tốt nguồn cung, tăng dự trữ xăng dầu quốc gia”; Thanh tra (28/2) có tin “Thị trường xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Công thương và Bộ trưởng Tài chính giải trình”; Dân Việt (28/2) có tin “Bộ Tài chính đề nghị có chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ” cho biết: Về phần Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải trình thẳng thắn về nhận định “bất ổn thị trường xăng dầu một phần do nguyên nhân từ chi phí định mức chưa tính đúng, tính đủ trong công thức giá”. Dẫn tỷ lệ các loại chi phí như, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về, Premium trong nước, hay chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu về cảng và chi phí kinh doanh định mức… chiếm 8,83-12,53% trong cơ cấu giá, Bộ trưởng Phớc khẳng định, để quản lý thị trường xăng dầu bền vững, giá cả ổn định, phải quản lý tốt nguồn cung để không bị đứt gãy. Bộ trưởng khẳng định: “Bộ Tài chính đã nỗ lực cùng Bộ Công thương quản lý tốt giá xăng dầu. Khi nhận được báo cáo chi phí của DN gửi lên, chúng tôi tính toán và cho ý kiến ngay”.

Tại phiên giải trình này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhắc lại những điểm bất cập cần được Bộ trưởng Công Thương đánh giá lại. Đó là số lượng thương nhân đầu mối và phân phối hiện đang quá nhiều. Việt Nam hiện có 34 thương nhân đầu mối, trong khi Nhật Bản hiện có 5, Trung Quốc là 4. Vì vậy cần siết lại quy định hiện tại là thương nhân đầu mối được đi thuê kho chứa. Bên cạnh đó, số lượng thương nhân phân phối khoảng 332 cũng là quá nhiều. Đây là khâu trung gian, nên sẽ chi phí phát sinh và giá sẽ cao lên. Thậm chí, có thương nhân phân phối 3 không, tức “không kho, không vốn và không cửa hàng”. Bởi thế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị cần giảm số lượng thương nhân phân phối.

IV. Vấn đề về công sản

6. Bản tin Tài chính kinh doanh tối 28/2 (VTV1) đưa tin “Luật Đất đai (sửa đổi): Nóng chuyện xác định giá đất”, Chương trình Thời sự 19h (VTV1) đưa tin “Đảm bảo khách quan, độc lập trong xây dựng giá đất”, vietnamplus.vn (28/2) có bài “Bộ Tài chính lấy ý kiến liên quan các quy định tài chính về đất đai”, reatimes.vn (28/2) có bài “Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa Luật Đất đai: Vẫn nóng chuyện xác định giá đất”, baothanhhoa.vn (28/2) có bài “Bộ Tài chính lấy ý kiến về vấn đề tài chính đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, baoninhbinh.org.vn (28/2) có bài “Bộ Tài chính lấy ý kiến về vấn đề tài chính đất đai trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, baothainguyen.vn (28/2) có bài “Nhiều ý kiến về vấn đề tài chính đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” và nhiều báo đưa tin, bài cho biết: Ngày 28/2, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã tập trung vào 2 nội dung tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, gồm: Những nội dung về tài chính đất đai và những nội dung khác liên quan đến tài chính đất đai. Phát biểu tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng xác định giá đất là thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Từ đó giá đất thị trường xoay quanh bảng giá của Nhà nước, tức là không để thả nổi tự xác định, tự thỏa thuận, như vậy sẽ rất phức tạp với quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai dự án. Đồng thời có những ý kiến cho rằng, các cơ quan Nhà nước phải là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định và định giá đất hàng năm, tức là phải loại bỏ hoàn toàn sự tham gia của các tổ chức thẩm định độc lập, bởi vì theo quy định hiện nay thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước thay mặt nhân dân thực hiện quyền quản lý tối cao.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá cao các ý kiến tham gia tại hội nghị, làm cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật và các vấn đề khác có liên quan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị.

7. Báo Tuổi trẻ (1/3) có tin “Số thu từ đất đạt 160.000 tỷ đồng/năm” cho biết: Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi hôm 28/2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Số thu từ đất đai giai đoạn 2013-2020 trung bình khoảng 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 15% tổng thu NSNN.

Theo ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), để đảm bảo giá đất theo nguyên tắc thị trường, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung quy định việc giao đất, cho thuê đất phải thông qua đấu giá. Mặt khác, Nhà nước vẫn phải quyết định giá đất chứ không thể do tổ chức nào như một số ý kiến đề xuất.

V. Vấn đề khác

8. VTV (28/2) có tin Hơn 51.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm cho biết:  Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong tháng 2/2023, cả nước có 8.841 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 18,5% so với tháng trước). Bên cạnh đó, cả nước còn có 3.927 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 73,9% so với tháng trước). Đáng chú ý, có 7.605 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, gồm: 3.802 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 2.636 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.167 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00