Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 10/03/2023

I. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

1. Bản tin Thời sự 19h00 – VTV1 (9/3) phát phóng sự “Tìm tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và trái chủ” cho biết: Những điểm mới từ Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp trái chủ và DN phát hành tìm được tiếng nói chung vượt qua khó khăn trước mắt.

Trả lời phỏng vấn VTV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định: “Việc đưa ra các quy định mới giúp củng cố niềm tin của thị trường, đưa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp phát hành trở lại với thị trường. Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển thị trường một cách minh bạch, bền vững".

Về phía doanh nghiệp, Nghị định 08 cũng cho họ thêm không gian để giải quyết bài toán áp lực dòng tiền lúc này. Tuy nhiên họ cũng cần phải mang đến bàn đàm phán những tài sản có giá trị để mặc cả vì chỉ cần có trái chủ không đồng ý doanh nghiệp lập tức phải quay lại phương án trả nợ bằng tiền.

2. Báo Thanh niên (9/3) có bài “Doanh nghiệp bất động sản đang 'gỡ' nợ trái phiếu bằng cách nào?” cho biết: Một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cho rằng, Nghị định 08 giúp giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn rất nhiều. Tuy nhiên, áp lực mới là tổ chức phát hành phải lo phương án đàm phán với trái chủ để gia hạn hoặc hoán đổi tài sản. Nếu không khéo léo, có thể nổ ra cuộc đấu tranh hàng loạt giữa tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng khả năng đàm phát giữa tổ chức phát hành với trái chủ thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện đưa ra, sự thiện chí của tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều tổ chức phát hành cùng quẫn thì cả 2 bên chỉ còn cách chọn hướng giải quyết ít rủi ro nhất có thể, khó tránh khỏi thiệt hại. Yếu tố may mắn trở nên quan trọng chứ chưa thể nói trước được điều gì.

II. Vấn đề về thuế, phí

3. Báo Người lao động (10/3) có tin “Sớm gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp” cho biết: Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân áp dụng cho năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3.

Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự thảo này vừa được Bộ Tài chính chuyển Bộ Tư pháp thẩm định trước khi hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành.

Đánh giá về đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, người dân, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là giải pháp cần thiết khi năm 2023 doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn, giúp doanh nghiệp có điều kiện xoay vòng vốn nhanh, duy trì sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế cũng cho rằng, thực tế thực hiện chính sách trong các năm 2020 đến năm 2022 cho thấy, việc giãn thời gian nộp thuế đã hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp và hiệu quả của chính sách đã thấy rõ. Đối với năm 2023, bà Cúc nhấn mạnh cần duy trì chính sách này để trợ lực cho doanh nghiệp, người dân.

4. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (10/3) có bài “Đừng “tận thu” thuế thu nhập cá nhân” cho biết: Việc khoản hỗ trợ mất việc của công nhân Công ty Pou Yuen Việt Nam bị trừ thuế TNCN một lần nữa cho thấy phải sớm sửa Luật Thuế TNCN và các văn bản liên quan theo hướng khoan thư sức dân thay vì tận thu.

Cơ quan chức năng làm đúng quy định nhưng dư luận vẫn bức xúc, điều này cho thấy phải xét lại xem có nên đánh thuế TNCN với khoản hỗ trợ mất việc không? Phương án không đánh thuế sẽ hợp lý hơn, bởi trợ cấp dành cho những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không ai mong muốn chứ không phải là khoản tiền thưởng hay thu nhập tăng thêm. Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị Cục Thuế TPHCM đánh giá lại, nếu thấy cần thiết thì kiến nghị không thu khoản này. Dù ta là đúng quy định nhưng tôi cho rằng số tiền này không bao nhiêu mà đối tượng là người có thu nhập thấp.

Từ thực tế này, việc sửa đổi Luật thuế TNCN là vô cùng cấp bách, không thể đợi đến năm 2026 như dự tính hiện nay của Chính phủ. Sửa luật lần này nên theo hướng “khoan thư sức dân”, giảm khó khăn cho người lao động. Thuế cũng là một công cụ chính sách để phân phối lại của cải trong xã hội hướng đến mục tiêu giảm bất bình đẳng. Theo đó cần tăng mức giảm trừ gia cảnh, mở rộng các khoản chi tiêu được giảm trừ khi tính thu nhập chịu thuế; không đánh thuế với khoản hỗ trợ mất việc… Làm như vậy sẽ giúp người lao động bớt khó khăn.

5. Báo Người lao động (10/3) có tin “Đề xuất đánh thuế nhà, đất thứ 2 ở TP HCM: Không phù hợp” cho biết: Bộ Tài chính vừa có văn bản góp ý gửi Bộ KHĐT về việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế vào nhà, đất thứ 2 ở TP HCM sẽ giúp điều tiết mạnh với tổ chức, cá nhân có nhiều nhà, đất; góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả cũng như hạn chế đầu cơ bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị nhà ở, đất ở có sự chênh lệch rất lớn nên nếu đánh thuế đối với nhà, đất thứ 2 sẽ dẫn đến tình huống nhà, đất có giá trị không lớn thuộc đối tượng chịu thuế; còn nhà, đất có giá trị lớn lại không thuộc đối tượng chịu thuế. Hoặc người có một nhà ở, đất ở với diện tích lớn thì không bị đánh thuế; người có 2 nhà, đất đều có diện tích, giá trị nhỏ lại bị đánh thuế.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà, đất thứ 2 trở lên sẽ tác động đến thị trường nhà cho thuê, chưa phù hợp với chủ trương của nhà nước về phát triển nhà ở, ảnh hưởng đến đối tượng thu nhập thấp phải thuê nhà. Việc đánh thuế này cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế với việc sở hữu nhà thứ 2 trở lên.

III. Vấn đề về quản lý xăng dầu

6. Báo Đại đoàn kết (10/3) có bài “Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu chiết khấu”;  Lao Động (10/3) có bài “Đảm bảo nguồn cung xăng dầu phải giải quyết vấn đề chiết khấu” cho biết:  Các doanh nghiệp cho rằng, mức chiết khấu hiện nay tiếp tục giảm khiến cho cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “khóc ròng”. Đây cũng là câu chuyện kéo dài hơn 2 năm nay chưa có lời giải, thị trường xăng dầu luôn trong trạng thái mong manh, dễ đứt gãy.

Câu chuyện chiết khấu xăng dầu đã kéo dài từ tháng 10/2022 đến nay. Khi doanh nghiệp bán lẻ kêu, chiết khấu xuống thấp, doanh nghiệp phải cầm cố tài sản để bù lỗ, và khi doanh nghiệp không thể duy trì được hoạt động bán hàng thì cơ quan quản lý lại liên tiếp thanh tra, kiểm tra. Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một vai gánh nhiều áp lực.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung phân tích, không thể để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách. “Chúng ta cứ nói vấn đề chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa”, vị chuyên gia này nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Chúng ta nên trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

7. Báo Lao Động (10/3) có bài “Nóng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì thiếu minh bạch” cho biết: Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại “nóng” lên khi thông tin vừa được Bộ Tài Chính công bố theo nguyên tắc minh bạch trong điều hành giá xăng dầu - cho thấy số dư quỹ này tăng vọt hơn 4.600 tỉ đồng, nhưng vẫn có doanh nghiệp âm quỹ rất lớn.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Trong đó, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 510 tỉ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn âm từ hơn 10 tỉ đồng - âm 60 tỉ đồng.

Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước. Nguồn hình thành quỹ bình ổn này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít) nhưng được quản lý tại doanh nghiệp và việc sử dụng quỹ do nhà điều hành (Bộ Công Thương) quyết định.

Liên quan đến Quỹ bình ổn xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương và Tài chính đều cho rằng, cần duy trì quỹ này vì đây là công cụ điều hành, giúp bình ổn giá. Tuy nhiên, việc điều hành quỹ này trong năm ngoái khi thị trường biến động theo đánh giá của một số chuyên gia là chưa phát huy hiệu quả và kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.

IV. Vấn đề về hải quan

8. Báo Sài Gòn giải phóng (10/3) đưa tin “Cục Hải quan TP HCM thu ngân sách các tháng đầu năm tăng” cho biết: Cục Hải quan TP HCM vừa cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/2, thu ngân sách đạt trên 17.674 tỷ đồng, đạt 12,12% chỉ tiêu pháp lệnh, tăng 5,53% so với cùng kỳ năm 2022. Có 4/12 chi  cục có số thu tăng so với cùng kỳ năm 2022; trong đó Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp phước tăng hơn 197%, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực III tăng 37,8% (tương đương tăng tuyệt đối 929 tỷ đồng).

Theo Cục Hải quan TP HCM, số thu ngân sách tăng so với cùng kỳ năm trước do kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số nhóm hàng chính, có thuế suất cao mang lại. Đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho 21.745 chiếc xe ô tô nhập khẩu, đạt kim ngạch 476,9 triệu USD, số thuế phải thu 9.092 tỷ đồng.

9. Báo Nhân dân (10/3) có bài “Tăng cường hiệu quả phòng, chống buôn lậu” cho biết: Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong năm 2022, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng; khởi tố hình sự 642 vụ với 720 đối tượng.

Những con số thống kê nêu trên cũng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn lậu. Song, với mức lợi nhuận quá lớn đã khiến các đường dây buôn lậu, hình thành liên tục, thiên biến vạn hóa, hễ cứ đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn ngày càng tinh vi, cải tiến và khó phát hiện hơn.

V. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

10. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (10/3) có bài “Chuyện bán chéo sản phẩm bảo hiểm của các ngân hàng thương mại” cho biết: Việc ngân hàng nhà nước tiến hành thanh tra hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại các ngân hàng thương mại đang là chủ đề được xã hội quan tâm trong thời gian qua.

Không chỉ ở VN các nhân viên ngân hàng mới phải bán chéo sản phẩm BHNT. Bất kỳ ngân hàng nào trên thế giới cũng sẽ phát triển kênh bán hàng này, trở thành một kênh khai thác việc bán chéo cho ngân hàng. Chỉ tiêu bán bỏa hiểm trở thành nỗi ám ảnh đối với nhân viên ngân hàng khi rất khó bán nếu không có những hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của ngân hàng.

Thực tế, các NHTM trong những năm qua chỉ đang đẩy mạnh việc phân phối các sản phẩm BHNT thông qua việc gia tăng tỉ trọng chỉ tiêu bán bảo hiểm trong KPI của nhân viên hàng năm, chứ chưa thực sự xây dựng những hạ tầng đủ mạnh để các nhân viên có thể phục vụ tốt cho khách hàng bảo hiểm, như cách ngân hàng đầu tư cho các sản phẩm truyền thống của mình như cho vay, tiền gửi và thanh toán.

VI. Vấn đề khác

11. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (10/3) có bài “Vấn đề khó của cơ quan Bảo hiểm” cho biết: Người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng – một trong các phương án cơ quan quản lý vừa đề xuất khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của phần lớn người lao động. Giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội thay vì chọn rút một lần là vấn đề khó nhưng phải tìm cách giải ngay để tránh bất ổn.

Có thể, mức rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đống vào quỹ hưu trí, tử tuất là ít quá, cũng chưa đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của người lao động – qua đó cho thấy thu nhập và an toàn tài chính của lao động vẫn còn mong manh.

12. Báo Tiền phong (10/3) có bài “Đề xuất trao quyền cho Chính phủ quyết định giá đất” cho biết: Phát biểu tại Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Trường Đại học Tài chính Marketing (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 9/3 tại TPHCM, TS Nguyễn Văn Vẹn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng, cho rằng, việc bỏ khung giá đất không đồng nghĩa với việc hạn chế vai trò điều hành giá của Chính phủ mà là trao quyền chủ động cho Chính phủ quyết định giá đất, giao đất linh hoạt. Điều này giúp Chính phủ điều tiết thị trường theo cơ chế đặc biệt nhằm phản ứng nhanh với những bất lợi thị trường, tuân theo quy luật cung cầu, tạo ra sự ổn định, tránh lợi dụng khung giá đất cố định để trục lợi, khắc phục tiêu cực do bắt tay thổi giá tạo cung cầu giả để thao túng, lũng đoạn thị trường.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00