Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 15/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 15/03/2023

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Tuổi trẻ (15/3) có bài “Ngành thức ăn chăn nuôi xin giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu”; Thanh niên (15/3) có bài “Ngành chăn nuôi kiến nghị khẩn vì thua lỗ nặng” cho biết: Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh.

Liên quan đến công văn này, ngày 7/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để xử lý kiến nghị của Hiệp hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái gì mới trong khi ngành chăn nuôi đang chịu đựng thua lỗ mỗi ngày.

2. Báo Người lao động online (14/3) có bài “Đình chỉ vụ án trốn thuế tại tiệm bán ra 20 tấn vàng ở Cà Mau” cho biết: Chiều 14-3, theo nguồn tin của phóng viên báo Người Lao động, Công an tỉnh Cà Mau đã đình chỉ điều tra vụ án hình sự "Trốn thuế" xảy ra tại tiệm vàng Hoàng Khiêm (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) do ông Nguyễn Bỉnh Khiêm (46 tuổi) làm chủ. Lý do đình chỉ là vì không đủ căn cứ cáo buộc tiệm vàng Hoàng Khiêm trốn thuế.

Trước đó, như Người Lao Động đã thông tin, năm 2011, khi kiểm tra định kỳ về thuế đối với tiệm vàng Hoàng Khiêm, Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi phát hiện tiệm vàng này có doanh số bán cao bất thường. Theo bản kê xuất hóa đơn trong năm 2010, Hoàng Khiêm có doanh thu bán vàng thực tế phát sinh lên đến 7.712 tỉ đồng, cao hơn 900 lần so với doanh thu khoán thuế. Đặc biệt, có những ngày Hoàng Khiêm bán ra 7.000 - 8.000 lượng vàng. Tháng 8-2011, ông Lê Thanh Dự (khi đó là Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi) có kết luận về việc tiệm vàng Hoàng Khiêm trốn thuế với số tiền 61,6 tỉ đồng từ việc bán số lượng vàng "khủng" nói trên.

Kết luận của Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi chỉ rõ trong 3 năm (từ 2008 - 2011), tiệm vàng Hoàng Khiêm đã bán ra hơn 680.000 lượng vàng (tương đương hơn 20 tấn vàng), doanh thu trên 20.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tiệm vàng này chỉ nộp thuế khoán dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Sau đó, vụ việc được Chi cục Thuế huyện Đầm Dơi báo cáo lên Cục Thuế tỉnh Cà Mau, chuyển hồ sơ sang công an tỉnh điều tra làm rõ dấu hiệu trốn thuế của tiệm vàng Hoàng Khiêm.

Tháng 11-2011, Thanh tra tỉnh Cà Mau đã có kết luận về việc tiệm Hoàng Khiêm có dấu hiệu trốn thuế khoảng 54 tỉ đồng.

Qua kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau có căn cứ xác định nguồn vàng đầu vào của 3 doanh nghiệp tại TP HCM có quan hệ mua bán với DNTN Hoàng Khiêm. Tuy nhiên, các giao dịch đều thực hiện tại TP HCM nên không thuộc thẩm quyền của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Cà Mau. Cơ quan CSĐT Công an TP HCM chuyển vụ việc về cho Công an Cà Mau để điều tra theo thẩm quyền và công an đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi trốn thuế đối với tiệm vàng trên.

3. Baochinhphu.vn (14/3) có tin“Công an Quảng Ninh bắt giữ 2 cán bộ thuế Hải Phòng”;  Tuổi trẻ (14/3) có tin “Công an Quảng Ninh thông tin việc bắt hai cán bộ thuế Hải Phòng”; Người lao động (14/3) có tin “Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin vụ bắt 2 cán bộ thuế ở Hải Phòng”; Thanh niên (14/3) có tin “Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin về việc bắt 2 cán bộ thuế H.Cát Hải, Hải Phòng”; Lao động (14/3) có tin “Công an Quảng Ninh thông tin bắt giữ 2 cán bộ thuế Hải Phòng”; Vietnamnet (14/3) có tin “Vụ án ông Đỗ Hữu Ca: Bắt 2 cán bộ thuế để điều tra hành vi nhận hối lộ” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 14/3, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin về việc đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp; khám xét nơi làm việc, chỗ ở của Nguyễn Đình Đương - Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài - nhân viên của Chi cục Thuế huyện Cát Hải (TP.Hải Phòng) về hành vi nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Việc bắt giữ 2 cán bộ thuế huyện Cát Hải liên quan đến vụ án hình sự "trốn thuế; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Quảng Ninh và TP.Hải Phòng. Cơ quan điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc Chi cục Thuế huyện Cát Hải trong việc để cho một số nghi phạm thành lập công ty "ma" chuyên mua bán trái phép hóa đơn.

4. VnExpress (14/3) có bài “'Tăng thuế khi đất ở TP HCM được bồi thường gấp 25 lần giá nhà nước” cho biết: Đất ở TP HCM được bồi thường tối đa gấp 25 lần giá nhà nước – đây là quyết định vừa được UBND TP HCM ban hành, áp dụng từ 18/3. Theo đó, khu vực có hệ số cao nhất, tối đa 25 lần, là huyện Hóc Môn (10-25 lần) và TP Thủ Đức (6-25 lần). Xếp sau là huyện Bình Chánh (6-22 lần), Nhà Bè (10-21 lần), Củ Chi (13-20 lần). Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.

Bài báo dẫn lại các ý kiến xung quanh quyết định trên. Trong đó, một số ý kiến ủng hộ điều chỉnh này thì cho rằng, đưa giá đất bồi thường về sát giá thị trường là mong mỏi của người dân có đất bị đền bù giải tỏa. Các tỉnh thành phố còn lại trên cả nước cũng nên sớm ban hành những hệ số K như thế này.

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, việc tăng hệ số điều chỉnh giá đất đền bù ở mức quá có có thể dẫn tới nhiều tác động tiêu cực. Khung giá đất cũng cần nâng lên sát giá thị trường, vì khung giá đất là căn cứ tính giá nộp thuế đất hàng năm. Giá bồi thường gấp tối đa 25 lần giá nộp thuế thì rõ ràng bất cập. Sẽ chẳng có ngân sách nào chịu nổi khoản chênh lệch đó. Thay vì tìm cách đánh thuế bất động sản thứ hai, hãy đánh thuế tất cả bất động sản theo sát giá thị trường.

5. Báo Nhân dân (15/3) có bài “Chủ động tham gia cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu”, báo Lao động (14/3) có bài “Nhanh chóng có cơ chế trước hạn thuế tối thiểu toàn cầu” cho biết: Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Với mức thuế suất 15% áp dụng cho các tập đoàn xuyên quốc gia, những nỗ lực thu hút vốn ngoại thông qua việc ưu đãi thuế sẽ không còn tác dụng. Từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Ngay từ lúc này, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến chuyển động chính sách tương ứng tại Việt Nam để tính toán, cân nhắc ra quyết định đầu tư cho năm 2023 và những năm tiếp theo.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động cả về mặt tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam. Tác động tích cực là góp phần giúp Việt Nam cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và đặc biệt là giúp tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021 có 14.293 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp thua lỗ triền miên nhưng vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo cũng sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, khiến sức cạnh tranh thu hút FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách thuế thay đổi. Một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn FDI là chính sách ưu đãi thuế.

Tháng 8/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Hiện, Tổ công tác đang được kiện toàn nhân sự để nhanh chóng xây dựng khung pháp lý nội luật về thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu nhằm bảo đảm các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.

II. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

6. Báo Lao động (15/3) có bài “Thế khó của người cầm trái phiếu doanh nghiệp”; Công lý (15/3) có bài “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Một số chuyên gia lo ngại về việc triển khai Nghị định 08. Trong số đó xuất phát từ khả năng sử dụng các tài sản khác để trả nợ. Trường hợp trái chủ không đồng ý hoặc khó thống nhất về định giá sẽ gây ra mâu thuẫn giữa tổ chức phát hành và trái chủ. Khi đó, cả hai bên sẽ mất thời gian thương lượng và đi đến thỏa thuận về giá trị của tài sản trước khi tiến hành hoàn trả.

Hay việc không thống nhất về định giá tài sản cũng dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý và trì hoãn việc hoàn trả trái phiếu. Hơn nữa, chất lượng của tài sản được sử dụng làm tài sản thế chấp còn gây ra nhiều lo ngại. Thậm chí, một số tổ chức phát hành không có đủ tài sản để trả nợ.

Trong những tình huống như vậy, trái chủ sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận hoàn trả một phần hoặc gia hạn thời gian trả nợ. Điều này càng hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến sụt giảm số lượng nhà đầu tư trong tương lai.

Trong trường hợp có tranh chấp về việc định giá tài sản, các bên có thể cần thuê chuyên gia định giá, là bên thứ ba để xác định giá trị hợp lý của tài sản. Quy trình này sẽ gây tốn thời gian và phát sinh chi phí cho cả hai bên. Nếu trái chủ và tổ chức phát hành không thể đạt được thỏa thuận về việc định giá hoặc giãn nợ, trái chủ chỉ còn lại quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã thông tin về kế hoạch trả khoản đầu tư trái phiếu bằng tài sản. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp đang gây khó khi yêu cầu trái chủ nộp thêm tiền mua tài sản.

7. Báo Đầu tư (15/3) có tin“Chỉ Sơn Kim, Masan phát hành thành công, có tới 67 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu” cho biết: Báo cáo của FiinGroup cho thấy, tháng 2 ghi nhận tổng cộng 3 lô trái phiếu phát hành thành công trị giá 2.000 tỷ đồng, doanh nghiệp phát hành là Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim (phát hành riêng lẻ) và Công ty cổ phần tập đoàn Masan (phát hành ra công chúng). Như vậy, khối lượng phát hành riêng lẻ trong tháng 2 chỉ tương đương 17,4% so với tháng liền kề, nhưng tổng giá trị phát hành đã tăng đáng kể trên nền phát hành thấp của tháng trước.

Số liệu của FiinGroup cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu đã lên đến 67, trong đó có 63 doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu nợ thông qua việc giãn kỳ hạn. Hầu hết các doanh nghiệp đưa ra lãi suất nhằm đền bù cho nhà đầu tư, từ đó phản ánh lên mức lãi suất mới cao hơn của toàn thị trường.

III. Vấn đề về bảo hiểm

8. Báo Tiền phong (15/3) có bài “Phía sau việc bán bảo hiểm nhân thọ - bài cuối: Giám sát bảo hiểm bán qua ngân hàng” cho biết: Trước sự tăng trưởng nóng đến từ kênh bán hàng dẫn đến những hệ luỵ, các chuyên gia cho rằng, cần loại bỏ những hạn chế đang tồn tại ở thị trường bảo hiểm, trong đó có kiểm tra quá trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm liên kết với ngân hàng.

Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho biết, luôn nhắc nhở doanh nghiệp triển khai biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng bán bảo hiểm qua ngân hàng. Hiệp hội đang nghiên cứu đánh giá tỷ lệ duy trì hợp đồng của kênh bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng và đề xuất Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm về việc áp dụng chỉ số K2 trong đánh giá chất lượng bảo hiểm liên kết với ngân hàng.

Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính (Cục QLBH), Cục nhận nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm. Từ năm 2020-2022, Bộ Tài chính, Cục QLBH đã có nhiều văn bản điều hành thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, đặc biệt là các vấn đề nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm. Cục QLBH đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát thị trường bảo hiểm. Năm 2022 đã thực hiện 4 cuộc thanh tra và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận. Năm 2023, Cục QLBH sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát với kênh này. Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm…

IV. Vấn đề về trái phiếu chính phủ

9. Báo Lao động (15/3) có tin “Lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm”; Hà Nội mới (15/3) có tin “Đã huy động được 69.427 tỷ đồng trái phiếu chính phủ” cho biết: Tháng 02/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức 12 đợt đấu thầu Trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, khối lượng trúng thầu đạt 36.595 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu thành công đạt 79,12%. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 69.427 tỷ đồng, đạt 64,28% kế hoạch quý I và 17,36% kế hoạch năm 2023. Trong đó, trái phiếu chủ yếu có kỳ hạn phát hành 10 năm và 15 năm với tỷ trọng lần lượt là 52,19% và 45,21%. Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu tháng 2 tiếp tục có xu hướng giảm, tại phiên đấu thầu cuối tháng, lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 15 năm đạt lần lượt là 4,12% và  4,32 %, giảm 0,24% so với lãi suất tại phiên cuối cùng của tháng trước.

V. Vấn đề về quản lý tài sản công

10. Báo Công an nhân dân (15/3) có tin “Đề xuất nâng mức mua sắm xe ô tô công tối đa lên 5 tỷ đồng/xe” , chinhphu.vn (15/3) có bài“Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giá mua xe ô tô công” thông tin: Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng hợp các ý kiến tham gia của các thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Bộ Tài chính đã kịp thời thay đổi, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, giá mua xe quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP đã được áp dụng từ năm 2010. Hiện nay, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe đã có biến động tăng so với năm 2010. Vì vậy, Dự thảo Nghị định đã điều chỉnh tăng giá mua xe ôtô phục vụ công tác chung trên cơ sở khảo sát giá mua mới xe ôtô trên thị trường năm 2022. Đáng chú ý, đối với xe ôtô phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, giá mua xe tối đa là 5 tỷ đồng/xe.

VI. Vấn đề khác

11. Báo Tiền phong (15/3) có bài “Siêu dự án sân bay Long Thành: Lại xin lùi tiến độ” cho biết: Để đúng quy trình, dù dự án đang chậm tiến độ so với yêu cầu nhưng việc đấu thầu tìm nhà thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành (Đồng Nai) vẫn phải thực hiện với thời gian dự kiến kéo dài nửa năm. Chủ đầu tư vừa chính thức phải xin lùi tiến độ hoàn thành từ năm 2025 sang năm 2026.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00