Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 16/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 16/03/2023

I. Vấn đề về thuế

1. Báo Sài Gòn giải phóng (16/3) có tin “Quan ngại áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường” cho biết: Ngày 15/3, tại Hội thảo đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) tổ chức ở Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm đồ uống có đường là chưa phù hợp. Tại hội thảo, nhiều đại biểu mong muốn, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp đang phải chịu mức tăng nguyên vật liệu đã vượt quá khả năng gánh chịu, vì vậy, cần có đánh giá tác động xã hội của luật kỹ hơn khi điều chỉnh, sửa đổi.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, Bộ Tài chính cần phải định nghĩa về đồ uống có đường, phân loại các sản phẩm, có mã cho các sản phẩm. Quy định hiện nay không có định nghĩa thế nào là “đồ uống có đường”, trong khi đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính bao gồm nhiều loại sản phẩm là thực phẩm thiết yếu như sữa, sản phẩm từ sữa, thực phẩm cho trẻ em, người già, phụ nữ,…

Cũng đề cập đến nội dung này, báo Pháp luật Việt Nam (16/3) có tin “Có nên tăng thuế với rượu, bia?” cho biết: Trước đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, một số ý kiến của doanh nghiệp đề nghị hoãn tăng thuế này, ít nhất đến năm 2025. Một chuyên gia cho rằng, nếu tăng thuế lúc này, tổng thu NSNN chưa chắc đã tăng mà có thể giảm vì mức thuế quá cao. Trongbối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh, chính sách thuế với doanh nghiệp nên duy trì để tiếp sức và kích cầu tiêu dùng trong nước.

Một số ý kiến doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu áp thuế với đồ uống có đường không giúp giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì mà tạo ra chính sách thuế mang tính phân biệt.

Với những băn khoăn trên, một số doanh nghiệp đề nghị chưa nên sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt lúc này. Cơ quan quản lý cần có thêm thời gian phân tích, đánh giá toàn diện hơn và xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp.

2. Báo Pháp luật Việt Nam (16/3) có tin “Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Hỗ trợ quyết toán thuế năm 2022” cho biết: Để hỗ trợ cho người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế được thuận lợi, Tổng cục Thuế sẽ tổ chức Hội nghị Hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế năm 2022 với nội dung hướng dẫn, giải đáp vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Livestream trên fanpage của Tổng cục Thuế. Ngày 21/3/2023 sẽ hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngày 23/3/2023 sẽ hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về quyết toán thuế thu nhập cá nhân….

3. Báo Thanh niên (16/3) có tin “Cục Thuế Hải Phòng đề nghị doanh nghiệp rà soát hoá đơn” cho biết: Ngày 15/3, Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Hà Văn Trường cho biết, liên quan đến vụ án mua bán hoá đơn GTGT, trốn thuế do Trương Xuân Đước cầm đầu đang bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, đơn vị này đã ra thông báo gửi các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, đề nghị rà soát, cung cấp thông tin về việc sử dụng hoá đơn GTGT của 18 công ty ma do Đước và đồng bọn đứng tên.

Cũng theo ông Trường, 18 công ty ma đăng ký địa trên địa bàn các quận, huyện: Ngô Quyền, Hải An, Thuỷ Nguyên, Kiến Thuỵ của TP Hải Phòng hiện đã ngừng hoạt động. Ngoài ra, Đước còn thành lập một số công ty đóng chân và hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến năm 2021, số tiền mua bán hoá đơn GTGT mà nhóm của Đước thực hiện lên đến khoảng 7.500 tỷ đồng.

4. Báo Công an nhân dân (16/3) có bài “Chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân phạt tới 25 triệu đồng” thông tin: Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, mùa quyết toán thuế năm 2023 sẽ có 5 trường hợp không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân, căn cứ theo Điểm d Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Công văn 636/TCT-DNNCN. Theo quy định, người nộp thuế chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân, tùy theo thời gian chậm quyết toán mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng. Ngoài nộp phạt, nếu chậm nộp thì còn phải nộp khoản tiền chậm nộp, với số tiền chậm nộp tiền phạt tính theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt nộp chậm.

5. Báo Thanh tra (16/3) có bài “Viết tiếp bài “thanh tra việc chấp hành quy định về đất đai tại thành phố Hà Giang: “Truy” trách nhiệm lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Giang” cho biết: Liên quan đến các sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra việc chấp hành quy định về đất đai tại TP Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chỉ rõ trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Giang do thiếu kiểm tra, giám sát trong việc tách thửa không đúng thẩm quyền, việc kê khai thuế, nộp thuế.

UBND tỉnh cho rằng, Cục Thuế tỉnh Hà Giang đã thiếu trách nhiệm trong việc thanh tra chuyên ngành thuế, kê khai thuế, nộp thuế và chấp hành chính sách, pháp luật về thuế đối với các DN do Cục Thuế tỉnh quản lý khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho các cá nhân. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh chưa thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ cho chi cục thuế các huyện, thành phố về việc áp dụng việc giảm tiền sử dụng đất đối với các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định.

Với những sai phạm được chỉ ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Sở TN&MT và lãnh đạo Cục Thuế giai đoạn 2013-2016.

II. Vấn đề về quản lý giá

6. Các báo: Đại đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Thanh tra, Người lao động (15/3) có bài “Minh bạch Quỹ bình ổn giá xăng, dầu” cho biết: Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Giá (sửa đổi), ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách cho rằng cần giữ quy định về Quỹ bình ổn giá trong Luật Giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như dự thảo luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đang hoạt động.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Quỹ bình ổn giá cần nghiên cứu theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá vì chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đầu tiên phải theo quy luật thị trường. Phải có quản lý và định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp và nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Đồng thời, trong thực tế có những tình huống bất ngờ, đặc biệt, như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng nên giữ lại, nhưng giữ lại thì phải khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của việc điều hành Quỹ bình ổn giá xăng, dầu trong thời gian vừa qua. Cần có đánh giá tác động riêng để xử lý Quỹ bình ổn này như thế nào? công khai, minh bạch ra sao để thực hiện đúng mục đích của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đối với Quỹ bình ổn giá xăng, dầu có thể giao cho Chính phủ quyết định thành lập vì đây là giải pháp để bình ổn giá. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung đã rõ, đánh giá kỹ tác động và cần quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập quỹ, quản lý quỹ, nguồn hình thành quỹ, quy định rõ thành lập quỹ phải có thời hạn. Trường hợp không làm rõ các nội dung này thì không quy định trong luật về việc thành lập quỹ.

7. Báo Pháp luật Việt Nam (16/3) có bài “Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tiếp tục kiến nghị gỡ khó” cho biết: Chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trong kinh doanh xăng dầu được chia cho 3 khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ nhưng suốt thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng họ không được hưởng phần quy định này, khiến việc kinh doanh rơi vào khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng và các Bộ, ngành về việc yêu cầu hoàn trả phần lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ đề nghị liên Bộ Tài chính - Công thương cần thành lập Hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức theo quy định để xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng, từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong sửa đổi Nghị dịnh và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt và khiến họ kiệt quệ trong khoảng hơn 1 năm nay.

Tại các toạ đàm liên quan đến kinh doanh xăng dầu gần dây, hầu hết đại diện các doanh nghiệp bán lẻ đều đề cập đến việc tuỳ tiện chiết khấu của doanh nghiệp đầu mối - thương nhân phân phối và đặt câu hỏi các đầu mối, thương nhân phân phối thông báo chiết khấu rất thấp, thậm chí 0 đồng cho doanh nghiệp bán lẻ là căn cứ vào quy định nào, thời điểm nhà nước điều chỉnh premium (tiền lãi trả cho người bán) tăng và xác định chi phí đưa xăng dầu về cảng giảm nhưng chiết khấu vẫn 0 đồng là tại sao?

8. Báo Tuổi trẻ (16/3) có tin “Vụ 36 nhà đầu tư năng lượng sạch kêu cứu: Bộ Công Thương khẳng định ban hành khung giá đảm bảo quy trình, thủ tục” cho biết: Chiều tối 15/3, sau khi 36 nhà đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió kêu cứu đến Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) khẳng định đã tổ chức rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan liên quan trước khi ban hành quyết định 21 về khung giá phát điện dự án chuyển tiếp chứ không có chuyện vội vàng, chưa lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng.

III. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp - chứng khoán

9. Báo Người lao động (16/3) có bài “Tín hiệu tích cực từ trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu phát hành trái phiếu riêng lẻ trở lại nhờ “luồng gió mát” của Nghị định 08. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, cái khó lớn nhất hiện nay là đàm phán thỏa hiệp giữa DN phát hành với trái chủ. Trái chủ là tổ chức thì dễ đàm phán hơn bởi có kinh nghiệm, chuyên môn, đủ năng lực đánh giá phương án thỏa thuận thanh toán. Còn trái chủ nhỏ lẻ chủ yếu đầu tư dựa theo nhân viên tư vấn nên khó lựa chọn lợi ích giữa các phương án.

Theo ông Vương Hoàng Sơn - Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư Công ty CP Chứng khoán Vndirect, hiện không có nhiều nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng tham gia thị trường trở lại nên vai trò của nhà đầu tư tổ chức cần được đề cao hơn. Cần sớm nới lỏng một số điều kiện của các nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ khi đầu tư vào trái phiếu DN. Việc này sẽ tạo cú hích lớn ngay lập tức ở phía cầu và cũng phù hợp định hướng phát triển của thị trường về lâu dài.

10. Báo Sài Gòn giải phóng (16/3) có bài “Vốn ngoại trợ lực thị trường chứng khoán” cho biết: Sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được nhận định do có nhiều thông tin tích cực. Ngoài thông tin Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp ổn định tâm lý và thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường, còn có thông tin hàng ngàn tỷ đồng từ khối ngoại sẽ được giải ngân trong 1-2 tuần tới. Cụ thể, Quỹ ngoại Fubon ETF vừa được chấp thuận tăng vốn và việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3 đã củng cố thêm tâm lý tích cực của thị trường. Tuần này, một thông tin quan trọng nữa sẽ đến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại (VNM ETF và FTSE ETF) cũng như hoạt động giải ngân của Quỹ Fubon ETF sau khi gọi vốn thành công.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, dòng tiền từ Quỹ ETF mang đặc tính của nhà đầu tư cá nhân, do đó mua hay bán ròng sẽ vẫn khó đoán vì trên thực tế, kinh tế Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, nhiều hoạt động sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhu cầu bên ngoài chậm lại, áp lực về lạm phát đè nặng lên tiêu dùng trong nước. Thị trường có thể sẽ có những phiên rung lắc do tác động từ những lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong cuộc họp sắp tới. 

IV. Vấn đề về đầu tư công

11. Báo Đại đoàn kết (16/3) có bài “Trách nhiệm với nguồn vốn đầu tư công” cho biết: Thủ tướng vừa ký Quyết định thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Điều đó cho thấy Chính phủ rất quyết tâm thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công trong năm nay, một năm được cho là nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Nghịch lý một số năm qua cho thấy, dù nguồn tiền sẵn sàng nhưng tốc độ giải ngân chậm. Vốn bị đọng thì cũng có nghĩa là gây ra lãng phí, kìm hãm sự phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở yếu tố con người. Cụ thể là một số người đứng đầu sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến thiếu kiên quyết trong tổ chức thực hiện. Chính vì thế, Tổ công tác được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra tình trạng chậm trễ đầu tư công.

V. Vấn đề về quản lý công sản

12. VTV.vn (15/3) có bài “Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giá mua ô tô công lên tới 5 tỷ đồng/xe” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổng hợp các ý kiến tham gia của các thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Bộ Tài chính đã kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét ban hành.

Theo đó, về mức giá mua ô tô, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến đề nghị sửa Điều 16 của Nghị định 04/2019 theo hướng nâng mức giá tối đa để mua sắm ô tô phục vụ công tác chung, đảm bảo chất lượng tốt, độ bền cao hơn nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chung tại các đơn vị và phù hợp với giá xe thực tế trên thị trường.

Đối với ô tô phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao; nhiệm vụ đặc thù của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng các trường hợp này cũng cần trang bị một xe có mức giá tối đa là 4,5 tỷ đồng/xe. Lý do là Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thường xuyên tháp tùng các đoàn công tác của lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; thực hiện công tác giám sát tại khu vực rừng núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn; thực hiện các công tác đối ngoại trên cương vị các Ủy ban hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, giá xe ô tô quy định tại khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở tham khảo mức giá của các dòng xe trên thị trường tại thời điểm tháng 9/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá một số loại xe đã có sự tăng nhẹ. Đơn cử như giá xe Toyota Land Cruiser LC300 2021 đã tăng từ 4,1 tỷ đồng lên gần 4,3 tỷ đồng. Do đó, để đảm bảo giá xe quy định tại dự thảo Nghị định có thể duy trì trong thời gian 3 - 5 năm, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi quy định giá mua xe ô tô phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, giá mua xe tối đa là 5 tỷ đồng/xe.

VI. Vấn đề về hành chính sự nghiệp

13. Vietnamplus (15/3) có bài “Quảng Ninh: Quản lý tiền công đức minh bạch ở đền Cửa Ông” cho biết: Trong chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hồi giữa tháng 2/2023, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức, thí điểm từ Quảng Ninh, báo cáo trong quý 2/2023.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00