Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 17/03/2023

Trang chủ Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 17/03/2023

I. Vấn đề về thuế, phí

1. Bản tin tài chính kinh doanh (VTV1) phát lúc 12h53p có tin “Kiến nghị không áp thuế với đồ uống không đường”; Pháp luật Việt Nam (17/3) có bài “Đề xuất tiêu thụ đặc biệt với đồ uống không cồn: Doanh nghiệp kiến nghị cân nhắc kỹ tác động”, các báo: Vnexpress, Dân trí, Tuổi trẻ thủ đô, Saigontimes, Pháp luật, Tuổi trẻ (16/3) có bài“Đề xuất hoãn sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vì doanh nghiệp còn khó khăn” cho biết: VCCI vừa phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo “Ngành đồ uống đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi)”. Một trong những nội dung đáng lưu ý là bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước giải khát Suntorry Pepsico Việt Nam lo ngại đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB để giảm béo phì chưa có đủ cơ sở khoa học. Việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nước giải khát và gây ra những hệ lụy không mong muốn đối với các ngành kinh tế khác như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì,…cũng như cả nền kinh tế.

Đại diện Hiệp hội Thương Mại Hoa Kỳ (Amcham), ông Chris Vanloon, Chủ tịch Amcham Đà Nẵng cho rằng, Bộ Tài chính cần cân nhắc các tác động tiềm ẩn của đề xuất đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng so với hiệu quả của nó, dựa trên các bằng chứng khoa học xác đáng và nguyên tắc quản lý rủi ro để tránh những hậu quả không mong muốn cho cộng đồng và xã hội.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, VCCI đặt vấn đề chính sách được đề xuất có đảm bảo nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19 không? Lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN, trong khi doanh nghiệp cần phục hồi sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn.

2. Báo Sài Gòn giải phóng (17/3) có bài “Luật hóa việc đánh thuế đất bỏ hoang, đầu cơ” cho biết: Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Để thể chế hóa chủ trương này, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung việc tính tiền đất tăng thêm đối với dự án chậm tiến độ, không đưa đất vào sử dụng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, việc tính tiền đất tăng thêm đối với dự án chậm tiến độ là phù hợp nhưng lưu ý là thực tế vẫn còn tình trạng nhiều người dân không đủ khả năng mua nhà; trong khi nhiều dự án bỏ hoang. Vì vậy, ban soạn thảo cần sớm nghiên cứu phương án khả thi và phù hợp để hạn chế việc đầu cơ, tăng giá bất động sản, tăng khả năng mua nhà cho người thu nhập thấp. Cùng với đó, nghiên cứu áp dụng các loại thuế, phí như thuế lũy tiến với người mua nhà ở thứ 2 trở lên và thuế lũy tiến theo thời gian bán bất động sản, các loại phụ phí để hạn chế đầu cơ, giữ đất. Do đó, việc luật hóa bằng những quy định này khi dự thảo Luật đất đai sửa đổi trong quá trình hoàn thiện là hết sức cần thiết.

3. Báo Tuổi trẻ (17/3) có bài“Đưa giá đất về giá trị thật”; Đại đoàn kết (17/3) có bài “Băn khoăn giá đất” cho biết: Việc tăng giá đất bồi thường lên gấp 3-25 lần so với giá đất do UBND TP HCM ban hành được nhìn nhận là động thái tích cực của TP kéo "giá đất nhà nước" tiệm cận với giá thị trường. Nhưng kéo đến khi nào để sát giá thị trường và giá thị trường là như thế nào cũng cần được làm rõ.

Có ý kiến cho rằng những biến động khủng hoảng thị trường bất động sản hiện nay là cơ hội để cơ quan quản lý nghiên cứu chuẩn bị thiết lập những công cụ cho việc kiểm soát, đưa giá nhà đất về giá trị thật. Trong đó, công cụ thuế với bất động sản được xem là giải pháp quan trọng. Nếu các cơ quan quản lý tính toán xây dựng lộ trình đánh thuế bất động sản, chống đầu cơ đất đai phù hợp là cách để thiết lập lại thị trường, đưa giao dịch bất động sản dần về theo nhu cầu thật của các chủ thể trong nền kinh tế. Tất nhiên, cần nhấn mạnh công cụ thuế này phải thiết kế đủ sức để chống đầu cơ, đồng nghĩa với việc khiến lợi nhuận từ việc đầu cơ đất không còn hấp dẫn và bị thuế khống chế. Nếu thuế chỉ đánh tượng trưng hay không đủ liều thì không chỉ không giảm được đầu cơ mà bài toán "giá thị trường" vẫn luẩn quẩn không giải quyết được.

4. Báo Tuổi trẻ (17/3) có tin “Đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp” cho biết: Ngày 16/3, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Theo đó, Bộ Tài chính định hướng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tháo gỡ vướng mắc và tạo thuận lợi trong thực hiện. Bên cạnh đó, quy định ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ xem xét sửa đổi để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và nâng cao hiệu quả của quản lý thuế. Đồng thời, nghiên cứu mức thuế suất đối với DN nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường.

5. Thời báo ngân hàng (17/3) có bài“Khi tham gia thuế tối thiểu toàn cầu” cho biết: Tại Việt Nam, ưu đãi thuế được xem là một trong những điều thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Số liệu Tổng cục Thuế chỉ ra rằng, các ưu đãi khiến thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của khối FDI chỉ ở mức 12,3%, trong đó riêng ở các tập đoàn lớn chỉ chịu thuế thu nhập từ 2,75%-5,95%.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, khi Việt Nam tham gia chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ phải đóng thuế 15% dù ở bất kỳ quốc gia nào), một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở quốc gia nơi họ có trụ sở chính. Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi thuế họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu quả của chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế sẽ bị giảm trong nhiều trường hợp, khiến khả năng cạnh tranh trong thu hút bị ảnh hưởng đáng kể.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, quyết định của các doanh nghiệp châu Âu khi đầu tư vào Việt Nam thường dựa trên các lợi thế về vị trí địa lý, độ mở nền kinh tế, mức độ gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu...Kết quả khảo sát hàng quý của EuroChamcho thấy trong thứ tự về sự thu hút đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là thủ tục hành chính, trong khi ưu đãi thuế đứng gần cuối bảng. Đây là thời điểm để Việt Nam điều chỉnh lại chính sách thu hút đầu tư của mình và đặt ra các trọng tâm cần điều chỉnh ở lĩnh vực nào.

6. Báo Lao động (17/3) có tin “Giả mạo Tổng cục Thuế yêu cầu cập nhật Căn cước công dân” cho biết: Thời gian gần đây nhận được phản ánh có một Trung tâm/nhóm hỗ trợ của Tổng cục Thuế gửi thông báo “Chậm nhất ngày 31/3/2023, doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục cập nhật CCCD gắn chíp cho người đại diện theo pháp luật trên Đăng ký kinh doanh” và có thu phí từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.

Tổng cục Thuế khẳng định không có chủ trương, không gửi email hay bất kỳ thông báo nào cho người nộp thuế về việc nêu trên. Thông báo trên là thông báo mạo danh, giả danh Tổng cục Thuế. Đây là hành vi trái pháp luật, lợi dụng danh nghĩa cơ quan thuế để trục lợi cá nhân, lừa đảo doanh nghiệp, gây tổn hại tới uy tín, hình ảnh ngành Thuế.

II. Vấn đề về quản lý nợ công

7. Thời báo kinh tế Sài Gòn (16/3) có bài “Gỡ vướng cơ chế: Nói dễ làm khó” cho biết: Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc hàng trọng điểm quốc gia đang giậm châm tại chỗ từ năm 2019 đến nay vì “vướng cơ chế” tài chính. Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ GTVT đã có tờ trình trình Thủ tướng xin điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư, cơ chế tài chính và cho phép VEC sử dụng số vốn khoảng 5.116 tỷ đồng từ nguồn thu phí nhàn rỗ chưa đến kỳ trả nợ các khoản vay, vốn hợp pháp của VEC để thi công phần còn lại của cao tốc này. Trong khi các Bộ, cơ quan liên quan ủng hộ sự cần thiết phải điều chỉnh dự án này thì Bộ Tài chính cho rằng việc VEC tự bố trí nguồn vốn thu phí nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ để bố trí vốn đối ứng cho dự án là không phù hợp.

Theo bài báo, cơ chế vốn do con người chứ không phải do một thế lực siêu nhiên nào tạo ra. Liệu các cơ quan chức năng có liên quan trong vụ “vướng cơ chế” này đã tận lực tìm kiếm giải pháp tháo gỡ phù hợp nhất vì lợi ích chung, vì lợi ích phát triển vùng kinh tế phía Nam chưa. Vì sao không tìm ra những công thức tổng quát để gỡ vướng mà cứ phải nghiên cứu từng trường hợp cụ thể khiến nền kinh tế phải chịu những thiệt hại không đáng có như vậy?  

III. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Nhân dân (17/3) có bài “Công bằng quyền lợi trong kinh doanh xăng dầu” cho biết: Suốt thời gian dài vừa qua, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu liên tục phản ánh tình trạng phải bỏ tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ để chiết khấu cho DN. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên Bộ Tài chính – Công thương tính toán lại và tăng chi phí định mức, các DN bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp tục thua lỗ kéo dài, thậm chí một số DN đã ngừng hoạt động.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu đang gây ra sự đối đầu, xung đột lợi ích giữa DN đầu mối và DN phân phối – bán lẻ. Liên Bộ Công thương – Tài chính đang đưa ra mức trần giá bán lẻ xăng dầu với mong muốn các DN sẽ có sự điều chỉnh phù hợp để cạnh tranh với nhau, nhưng thực tế, những năm qua, không DN đầu mối nào cạnh tranh giá cả mà nghiễm nhiên đều bán với mức trần. Bên cạnh đó, cũng đã có quy định công khai, rõ ràng về công thức xác định giá cơ sở xăng dầu, chi phí định mức nhưng các quy định này dường như vẫn ưu ái cho DN đầu mối, chưa tính đến quyền lợi của bên phân phối hay bán lẻ.

Đại diện các DN bán lẻ xăng dầu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xác định rõ quyền và nghĩa vụ kinh doanh của các DN bán lẻ để đưa vào các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, quy định rõ mức lợi nhuận hay chiết khấu thấp nhất mà DN bán lẻ được hưởng. Đồng thời, đề xuất việc cho phép họ được lấy hàng từ nhiều nguồn.

IV. Vấn đề về hải quan

9. Thời báo ngân hàng (17/2) đưa tin “Hoạt động xuất nhập khẩu sẽ còn khó khăn” cho biết: Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 2/2023 đạt 23,16 tỷ USD, giảm 10,3% so với nửa đầu tháng 2/2023. Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 2/2023 đã đưa tổng giá trị xuất nhập khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 95,83 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ tháng 2/2023 đạt 13,47 tỷ USD, giảm 7,2% so với kỳ 1 tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 49,64 tỷ USD, giảm 10%. Về nhập khẩu: trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ hai tháng 2/2023 đạt 10,69 tỷ USD, giảm 13,7% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 2/2023. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 46,2 tỷ USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2023.

10. Báo Thanh niên (17/3) có bài “Soi chiếu trước hàng hóa XNK, nâng cao hiệu quả chống buôn lậu” cho biết: Theo Hải quan TPHCM, việc soi chiếu trước hàng hóa XNK của đơn vị đã kịp thời phát hiện nhiều vụ việc vi phạm, đồng thời giảm thời gian thông quan, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Để phát huy hiệu quả máy soi, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với hải quan cửa khẩu thực hiện tăng tỉ lệ soi chiếu nhằm đảm bảo vừa kiểm soát chặt chẽ hàng hóa XNK, vừa rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp – chứng khoán

11. Báo Lao động (17/3) có bài “Thực hiện Nghị định 08: Bộ Tài chính không làm trọng tài vì cơ chế tự vay, tự trả” cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/NĐ-CP, cho phép doanh nghiệp trả gốc, trả lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản. Quy định này được các chuyên gia kinh tế, bất động sản nhận định là phù hợp với thực tế hiện nay, giúp gỡ khó cho doanh nghiệp trước khoản nợ trái phiếu đến hạn của thị trường có giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, để thực sự tạo ra được chuyển biến tích cực, các tổ chức phát hành trái phiếu phải thực sự có thiện chí trong việc đàm phán với trái chủ để có phương án gia hạn nợ hợp lý hoặc hoán đổi tài sản với giá thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông cho rằng, Nghị định đã nới lỏng và tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, đơn vị phát hành TPDN, tuy nhiên, thực tế cho thấy, để huy động được nguồn vốn từ trái phiếu mới là rất khó. Bởi lẽ, niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân vào thị trường đang bị suy giảm nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo Nghị định 08, thoả thuận dựa trên sự đàm phán của hai bên và phải được trái chủ đồng ý. Bộ Tài chính không làm trọng tài vì cơ chế tự vay, tự trả. Nếu DN cố tình làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi không đàm phán được, đến kỳ hạn doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán như thoả thuận. DN không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì trái chủ có quyền khởi kiện.

12. Thời báo ngân hàng (17/3) đưa tin“VN-Index dao động trong biên độ hẹp” cho biết: Thị trường trong nước ngày 16/3 giảm điểm trong ngày đáo hạn phái sinh, thanh khoản xuống thấp khiến thị trường chìm trong sắc đỏ ở phần lớn thời gian giao dịch. Cũng do thanh khoản co lại nên khối ngoại phiên này cũng giảm giao dịch mặc dù vẫn duy trì mạch mua ròng. Chỉ số VN-Idex giảm 14,79 điểm (-1,39%) xuống 1.047.40 điểm, chỉ số VN30 cũng giảm 17,39 điểm (1,63%) còn 1.046,99 điểm. Toàn thị trường có 55 mã tăng/358 mã giảm. Ở rổ Vn30 chỉ có 2 mã tăng trong khi có tới 27 mã giảm.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00