Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 28/03/2023

Tin tức sự kiện Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 28/03/2023

I. Vấn đề nổi bật

1. Chương trình Thời sự 19h ngày 27/3 (VTV1) đưa tin “Tổng kết 10 năm chiến lược bảo vệ Tổ quốc”, Vtv.vn (27/3) có bài “Bộ Tài chính tổng kết 10 năm chiến lược bảo vệ Tổ quốc”, baochinhphu.vn (27/3) có bài “Ngành tài chính đã nỗ lực khơi thông huyết mạch, thúc đẩy phát triển kinh tế”, Pháp luật Việt Nam (28/3) có bài “Nền tài chính quốc gia: Bảo đảm bền vững, hiện đại và hội nhập”; Thanh tra (27/3) có bài “Ngành Tài chính thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI”, mekongasean.vn (28/3) có bài “Ngành Tài chính đã 'khơi thông huyết mạch của nền kinh tế” cho biết: Ngày 27/3, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tình hình mới xuất hiện trên rất nhiều khía cạnh như: chiến tranh quân sự, dân tộc tôn giáo, dịch bệnh; lĩnh vực kinh tế tài chính xuất hiện những vấn đề phi truyền thống như tiền ảo, tiền số, công dân số; chính sách thuế sau khi ký các hiệp định FTA. Vì vậy, ngành tài chính phải chủ động đi trước; luôn đổi mới, sáng tạo, chủ động phục vụ cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đáp ứng trong tình hình mới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và thành quả to lớn mà ngành Tài chính đã đạt được trong thời gian qua. Ngành Tài chính đã khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính cần tập trung xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường. Cùng với đó, toàn ngành Tài chính tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội.

II. Vấn đề về thuế

2. Bản tin Tài chính kinh doanh tối 27/3 (VTV1) đưa tin “Cần xây dựng lộ trình áp thuế phù hợp với đồ uống có đường” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi về việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó, nội dung đáng lưu ý và còn nhiều băn khoăn của dự thảo luật này là bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân và giảm tình trạng thừa cân và béo phì. Điều đáng bàn là Bộ Tài chính cũng chưa nêu rõ “đồ uống có đường” là những sản phẩm nào. Do vậy, có thể được hiểu là tất cả các sản phẩm dùng để uống có chứa đường.

Mới đây, Hiệp hội sữa Việt Nam kiến nghị tới Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ sữa và các sản phẩm từ sữa giúp nâng cao sức khỏe cho toàn dân và giảm tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em. Chưa có cơ sở khoa học nào cho thấy có hệ quả giữa việc uống sữa và béo phì. Vì vậy, dự thảo Luật cần phân loại rõ ràng các đồ uống có đường để đánh thuế, tránh áp thuế các sản phẩm từ sữa.

Năm 2023, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ các phương án để miễn, giảm, gia hạn thuế phí cho người dân và doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Vì vậy, theo các chuyên gia thời điểm này chưa phải là phù hợp để mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB.

3. Lao Động (28/3) có bài “Xóa bỏ cào bằng khi sửa Luật Thuế Thu nhập cá nhân” cho biết: Những ngày cuối cùng trong đợt cao điểm quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cùng với đề xuất sửa đổi Luật thuế TNCN và việc Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, việc sửa đổi Luật thuế TNCN rất được người dân quan tâm. Theo Bộ Tư pháp, có nhiều ý kiến đề xuất về việc cần thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh vì mức giảm trừ gia cảnh hiện hành thấp; mức giảm trừ gia cảnh ở các đô thị, thành phố lớn cần phải cao hơn khu vực nông thôn, miền núi…Quy định giảm trừ trước khi tính thuế phải đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định để trang trải nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Vì thế, khi sửa luật, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải đảm bảo người dân có thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Đồng thời, không nên đánh thuế thu nhập chỉ đủ sống vì vậy Bộ Tư pháp đề xuất nghiên cứu cắt giảm số bậc từ 7 xuống còn 5 bậc thuế và nới rộng khoảng cách giữa các bậc thuế. Tuy nhiều, một số chuyên gia cho rằng, chỉ giảm 2 bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay vẫn chưa đủ vì việc giảm bậc này chỉ giải quyết quyền lợi cho nhóm thu nhập cao.

4. Báo Hà Nội mới (27/3) có bài “Đa dạng cách hỗ trợ quyết toán thuế năm 2022” cho biết: Tháng 3 và 4 hằng năm, cơ quan thuế tổ chức “Tháng đồng hành cùng người nộp thuế” nhằm hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Năm nay, ngành Thuế đa dạng cách hỗ trợ, bảo đảm người nộp thuế có thể tiếp cận thông tin và được hỗ trợ một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, việc hỗ trợ theo hình thức trực tuyến vẫn được ngành Thuế coi là phương thức chủ yếu, vì khả năng truyền tin nhanh và độ bao phủ rộng. Theo đó, Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và của 63 cục thuế là các kênh chính thức để người nộp thuế tra cứu thông tin, tham vấn các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, từng cơ quan thuế sẽ có các tài khoản, fanpage riêng mở trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube... để cung cấp thông tin chi tiết cho từng nhóm người nộp thuế.

III. Vấn đề về hải quan

5. Vneconomy.vn (28/3) có bài “Hải quan siết các quy định chống buôn lậu hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan” thông tin: Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan. Theo đó về cửa khẩu xuất đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh và hàng hóa gửi kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu hàng hóa tái xuất, hàng hóa vận chuyển từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất để xuất đi nước ngoài qua cửa khẩu biên giới phải được tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo đúng quy định.

Về hàng hóa tái xuất, xuất khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu phải được vận chuyển trên các phương tiện đáp ứng điều kiện niêm phong, kiểm tra, giám sát hải quan. Theo đó, container không bị rách vỡ, thủng; tay khóa, chốt có lỗ gắn được seal của cơ quan hải quan; bản lề, tai container đúng theo tiêu chuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận…

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Lao Động (28/3) có bài “Sớm có kịch bản ứng phó khi biến động giá gia tăng” cho biết: Bộ Tài chính cho rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều áp lực gia tăng lên mặt bằng giá cả. Khung pháp lý về Luật Giá (sửa đổi) đang được cơ quan quản lý hoàn thiện, đồng thời những kịch bản ứng phó với biến động giá cũng được đặt ra.

Theo Bộ Tài chính, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình như giá điện, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh, giá sách giáo khoa… sẽ gây áp lực không nhỏ lên mặt bằng giá.

7. Báo Pháp luật Việt Nam (27/3) có bài “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết” cho biết: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa có Thông báo số 2112/TB-TTKQH về dự án Luật Giá sửa đổi. Trong đó, về Quỹ Bình ổn giá, UBTVQH thống nhất cần có quy định về bình ổn giá trong Luật. Tuy nhiên, đề nghị hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập quỹ, nguồn hình thành quỹ, thời hạn hoạt động của quỹ và giao cho Chính phủ quyết định; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hoà lợi ích trước khi giao Chính phủ quyết định thành lập quỹ. Đối với Quỹ BOG xăng dầu, cần đánh giá kỹ hiệu quả, sự cần thiết của quỹ; điều hành phải công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Trường hợp không phát huy hiệu quả thì nghiên cứu, đề xuất phương án đối với quỹ.

Về danh mục hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá, UBTVQH đề nghị rà soát kỹ, lấy ý kiến của các Bộ, ngành trực tiếp quản lý, bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật liên quan, đánh giá tác động của việc điều chỉnh danh mục, làm rõ thời điểm công bố định giá.

8. Báo Pháp luật Việt Nam (27/3) có bài “Cửa nào cho hệ thống bán lẻ xăng dầu tiếp tục kinh doanh?” cho biết: Hiện nay, trên nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu làm đơn xin giải thể, sang nhượng cây xăng vì kinh doanh thua lỗ. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần tự thoả thuận với đầu mối kinh doanh hoặc thương nhân phân phối phần chiết khấu cho đại lý, đưa khoản này vào hợp đồng cụ thể. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, họ từng đề nghị nhưng các công ty xăng dầu làm việc trực tiếp với họ đều cho rằng hợp đồng từ trên áp xuống, không thể sửa được. Hơn nữa, hiện nay, họ không đòi chiết khấu đại lý bán lẻ mà họ đang muốn nói đến phần chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận kinh doanh định mức bởi theo quy định, 2 khoản này được chia đủ cho 3 khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ nhưng do khoản này không quy định cụ thể nên họ đang bị “tước đoạt”.

9. VTV.vn (27/3) đưa tin “CPI quý I ước tăng 4,2 - 4,3%”, Truyền hình Thông tấn (27/3) đưa tin “CPI quý I ước tăng 4,2 - 4,3%”, báo Hà Nội mới (28/3) đưa tin “Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2023 ước tăng 4,2-4,3% so với cùng kỳ năm 2022”, báo Dân việt (27/3) đưa tin “CPI quý I/2023 ước tăng 4,2%”, báo Sài Gòn giải phóng (28/3) đưa tin “Quý I, CPI cả nước tăng 3,4-3,5% do nhiều mặt hàng tăng giá mạnh sau Tết” cho biết: Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2023 ước tăng khoảng 4,2-4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 3 tháng đầu năm 2023 là: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng khoảng 7,2%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng khoảng 4,5%; học phí giáo dục tăng khoảng 11%; giá điện sinh hoạt tăng 3,3%...

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

10. Báo Đại đoàn kết (28/3) có các bài “Minh bạch để “rã băng” thị trường trái phiếu”, “Chuẩn bị cho những tiêu chuẩn cao hơn” cho biết: Theo thông tin của HNX, nửa đầu tháng 3/2023, có 8 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng, trong đó, bất động sản chiếm áp đảo với 6/8 doanh nghiệp và 80% lượng trái phiếu phát hành (gần 19.000 tỷ đồng). Riêng ngày 16/3/2023 có 3 đợt phát hành riêng lẻ của 2 doanh nghiệp bất động sản.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP mới ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mắt cho thị trường. Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, chìa khóa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, từ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng đề nghị Bộ Tài chính, UBCKNN cần có giải pháp khuyến khích, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết phát triển song song.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00