Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 10/4/2023

Điểm báo ngày 10/4/2023

I. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

1. Báo Sài Gòn giải phóng (10/4) có tin “Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân”; Thời báo Ngân hàng (10/4) có tin “Phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội”; Lao động (9/4) có tin “Chính phủ yêu cầu hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân” cho biết: Ngày 8/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với khung giá mới và theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu…

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023 (trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng); khẩn trương xử lý giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp; sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào thực tiễn.

2. Báo Tuổi trẻ (10/4) có bài “Cần tiếp tục giảm 2% thuế VAT” cho biết: Bộ Tài chính đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Tuy nhiên, cần tính toán thêm giải pháp giảm thuế, đặc biệt là thuế VAT.

Về thuế VAT, tại tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8 (thay vì gia hạn thời hạn nộp thuế VAT tháng 1 đến tháng 6). Tổng số thuế VAT gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8/2023 và quý 1, 2 là khoảng 64.000 - 65.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách số thuế giãn này trước ngày 31/12/2023.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, 2 kỳ tính thuế năm 2023. Thời gian gia hạn là ba tháng. Theo phương án này, số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, 2 được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỉ đồng, số thu ngân sách nhà nước năm 2023 cũng không giảm.

Riêng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2023. Ước tính, số thuế được gia hạn khoảng 272 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng đề nghị gia hạn thời hạn 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh... Thời gian gia hạn là sáu tháng. Dự kiến, tổng số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỉ đồng.

3. Báo Thanh niên (10/4) có tin “4.383 doanh nghiệp Hà Nội nợ thuế hơn 9.251 tỷ đồng” cho biết: Cục Thuế TP. Hà Nội thực hiện công khai thông tin 4.383 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước đến thời điểm khóa sổ 31/12/2022 với số tiền hơn 9.251 tỷ đồng.

II. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

4. Báo Đầu tư Chứng khoán (Số 15) có bài “Cảnh báo sớm chuyện mất niềm tin vào bảo hiểm” cho biết: Có nhiều ý kiến lo ngại những sự cố như đang diễn ra trên kênh báo bảo hiểm qua ngân hàng khiến niềm tin vào bảo hiểm sụt giảm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm, thậm chí là cả nền kinh tế. Quan điểm có thể nâng cao, nhưng cảnh báo là không thừa.

Dưới góc độ cơ quan chủ quản, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các quy định phù hợp vào dự thảo Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nhằm đảm bảo không để phát sinh bất cập trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

5. Báo Tiền phong (8/4) đưa tin“Vụ trực thăng rơi: Bộ Tài chính đề nghị PVI tạm ứng bồi thường ngay”, Vietnamplus (10/4) đưa tin “Bộ Tài chính đề nghị PVI tạm ứng bồi thường ngay vụ trực thăng rơi”, báo Lao động (8/4) đưa tin “Bộ Tài chính đề nghị PVI tạm ứng bồi thường ngay vụ trực thăng rơi”, báo Đầu tư (8/4) đưa tin “Sự cố trực thăng Bell 505: Bảo hiểm lên tiếng, Bộ Tài chính thúc sớm bồi thường” cho biết: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa đề nghị Tổng công ty Bảo hiểm PVI khẩn trương tạm ứng bồi thường bảo hiểm vụ trực thăng bị tai nạn ở Vịnh Hạ Long. Trong văn bản về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trực thăng gặp tai nạn ở vịnh Hạ Long, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Tổng công ty Bảo hiểm PVI khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn gây ra.

Theo đó, PVI và cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Đồng thời, báo cáo kết quả về Cục Quản lý giám sát bảo hiểm trước ngày 10/4/2023.

6. Báo Thanh niên (10/4) có bài ““Bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm” cho biết: Dư luận đang xôn xao quanh việc diễn viên Ngọc Lan cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Theo đó, nữ diễn viên đã mua 2 gói BH của Công ty TNHH BHNT Aviva VN cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.

Cụ thể, nhân viên tư vấn nói cô tham gia hợp đồng 10 năm, hết thời hạn sẽ lấy lại đủ 7 tỉ đồng cộng thêm tiền lời sẽ được xấp xỉ 10 tỉ đồng. Ngọc Lan đã tham gia BH được 3 năm qua với tổng số tiền 2,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây cô hoàn toàn bất ngờ khi biết tin Công ty Aviva VN đã không còn nữa sau khi được bán cho một đơn vị thuộc Tập đoàn tài chính Manulife rồi đổi tên thành Công ty TNHH BHNT MVI (MVI Life). Cô đến công ty làm việc thì mới biết trong hợp đồng BH của 2 mẹ con được chia ra rất nhiều phần, gồm sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Sản phẩm phụ là các sản phẩm về BH sức khỏe nên sau 10 năm số tiền cô nhận lại được sẽ không phải lên gần 10 tỉ đồng như được tư vấn ban đầu. Đặc biệt, Ngọc Lan còn phát hiện thời hạn hợp đồng BH ghi con số 74 năm, không phải 10 năm như tư vấn ban đầu.

Sau phản ánh của diễn viên Ngọc Lan, nhiều người khác cũng lên tiếng về việc bị tư vấn BH "dụ" vì không hề được nghe rõ về thông tin sản phẩm phụ đi kèm, về số tiền thật sự được hoàn lại theo thời gian đóng BH.

TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, thừa nhận bản thân ông đã mua, đọc hợp đồng BHNT và thấy quá phức tạp. Các điều khoản ràng buộc lẫn nhau. Đến khi đụng chuyện, mở hợp đồng ra thì "té ngửa" vì hợp đồng quá dài, đọc quá rối.

Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cũng nhận định hợp đồng BHNT có độ phức tạp cao, chỉ có thể hiểu được 70% hợp đồng là nhiều. Hợp đồng gần 100 trang nhưng nhiều khi dân tài chính, giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hết. Chỉ cần một từ "lắt léo" trong hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp ở tòa thì khách hàng cũng thua.

7. Báo Giao thông (6/4) có bài “Vụ ô tô đâm 17 xe máy: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ chi trả thế nào?”; Gia đình và Xã hội (8/4) có bài “Vai trò của bảo hiểm trong vụ ô tô tông 17 xe máy”; Zingnews (7/4) có bài “Vai trò của bảo hiểm trong vụ ô tô tông 17 xe máy” và nhiều báo khác cho biết: Sau vụ ôtô tông 17 xe máy xảy ra tại ngã tư Xuân La – Võ Chí Công thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội) ngày 5/4, nhiều người quan tâm liệu bảo hiểm có trách nhiệm chi trả không và sẽ bồi thường thế nào cho các bên liên quan.

Anh Xuân Đăng – chuyên viên của một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần đáng kể, cho biết trong trường hợp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu chiếc ôtô trong vụ việc còn hiệu lực, bảo hiểm sẽ tiến hành đền bù cho các nạn nhân. Nếu tài xế không có nồng độ cồn và âm tính với ma túy khi tai nạn xảy ra thì sẽ thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Mức bồi thường đối với thiệt hại về tài sản sẽ là không quá 100 triệu đồng/vụ. Đối với thiệt hại về người, mức bồi thường tối đa 150 triệu đồng/người/vụ và không giới hạn số người. Tất cả xe máy hư hỏng trong vụ va chạm với ôtô nói trên sẽ được tính thành một vụ. Do đó, công ty bảo hiểm sẽ chỉ chi trả khoản tiền tối đa 100 triệu đồng đối với thiệt hại tài sản trong trường hợp này, bất chấp thiệt hại thực tế của 17 xe máy.

Tuy nhiên, anh Xuân Đăng vẫn băn khoăn về tình hình chi trả hiện tại của loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Anh Đăng cho biết phần đông người dân vẫn còn lo ngại những thủ tục phức tạp liên quan đến quy trình đòi bồi thường khi có sự cố xảy ra….

III. Vấn đề về quản lý giá

8. Báo Tiền Phong (10/4) có bài “Doanh nghiệp xăng dầu lại bị cắt chiết khấu: Đề nghị đối thoại với Bộ Công Thương”; Thanh niên (8/4) có bài “Chiết khấu xăng dầu lại nóng”; Đại đoàn kết (10/4) có bài “Lại nóng chiết khấu giá xăng dầu” cho biết: Theo phản ánh của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, hơn một tuần trở lại đây, tình trạng chiết khấu thấp, chiết khấu 0 đồng đang trở lại khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “khó chồng khó”.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, mức chiết khấu như vậy doanh nghiệp không có lãi, thậm chí không đủ trả chi phí vận chuyển từ kho về cây xăng. Còn nếu tính đủ các chi phí bán hàng, điện, lương nhân viên, lãi suất ngân hàng, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp bị lỗ từ 400 đến 800 đồng/lít tùy khu vực.

Ông N.V.D. Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trong tuần qua đã gửi văn bản gửi đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ trưởng Công Thương, Tài chính kiến nghị xem xét điều chỉnh những bất cập hiện hành trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Ngày 7/4, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Bộ này khẳng định không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu.

9. Báo Thanh niên (10/4) có tin “Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định rà soát chi phí xăng dầu” cho biết: Sau khi lấy ý kiến thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bãi bỏ quy định tại Công điện số 1085 quy định: "Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công thương và DN đầu mối kinh doanh xăng dầu định kỳ trước ngày 20 hằng tháng rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét việc điều chỉnh theo quy định, bảo đảm sát với thực tiễn của thị trường và hoạt động của DN kinh doanh xăng dầu".

10. Báo Người lao động (8/4, 10/4) có bài “Loay hoay giá vé máy bay” và “Bất đồng với đề xuất áp giá sàn vé máy bay” cho biết: Gần đây, nhiều hãng bay lên tiếng đề nghị nới trần, hoặc bỏ trần giá vé máy bay. Lý do là “càng bay càng lỗ”. Điều này thực hư ra sao và khi các hãng bay lo cho lợi nhuận của mình thì có tính đến quyền lợi của hành khách hay không?

Riêng với việc giá trần vé máy bay (nâng trần, bỏ trần) hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng cần sớm bỏ trần giá vé máy bay để theo kịp biến động của thị trường, không để các hãng bay thiệt thòi và giảm thu ngân sách. “Trường phái” này cũng cho rằng quy định giá trần là không phù hợp thông lệ quốc tế, thiếu công bằng với các loại dịch vụ khác. Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng tàu hoả, vận tải hành khách tuyến cố định hay dịch vụ taxi đều tự quyết định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý.

Ở chiều ngược lại, “trường phái” khác lại cho rằng cần giữ trần vé máy bay nội địa bởi nhà nước phải nắm công cụ điều tiết, tránh tình trạng các hãng bay đưa ra giá vé quá cao, đặc biệt là trên một số tuyến bay độc quyền, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo vệ.

Điều đáng nói ở đây là dù chưa (hoặc có thể sẽ là không được) nâng trần giá vé máy bay, nhưng các hãng bay vẫn “vượt trần” như thường, nhất là vào những dịp đông khách đi lại.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng không nên quy định giá sàn vé máy bay bởi quy định giá sàn là một loại bảo hộ cho lợi ích ngành hàng không, loại giá phi thị trường và gây thiệt hại cho khách hàng bởi tước đi cơ hội được hưởng mức giá rẻ, hợp lý do cạnh tranh mang lại, không những thế còn tác động bất lợi lan sang ngành du lịch.

11. Báo Pháp luật Việt Nam (10/4) có bài “Cần hậu kiểm chặt chẽ trong thẩm định giá” thông tin: Thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra sáng 6/4, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá nhằm đảm bảo hậu kiểm đầy đủ, chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.

Góp ý về Quỹ bình ổn giá, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng trong Luật cần quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành những quỹ này để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

IV. Vấn đề về kho bạc nhà nước

12. Báo Hà Nội mới (10/4) có tin “Huy động 104.873 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong quý I-2023” cho biết: Quý I/2023, tổng khối lượng huy động là 104.873 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng) và 97,1% kế hoạch quý (108.000 tỷ đồng). Do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10-3-2023, mặt bằng lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm và nhu cầu mua 2023 trái phiếu Chính phủ tăng cao trở lại (tỷ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân tháng 3 đạt 3,39 lần, tỷ lệ này trong tháng 2 là 2,99 lần).

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

13. Báo Lao động (10/4) có bài “Sẽ có hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp từ giữa tháng 6”; Hà Nội mới (10/4) có tin “Quý I-2023, phát hành hơn 24.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp”; Quân đội nhân dân (10/4) có tin “Quý I/2023, phát hành hơn 24.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp”; “VTV.vn (10/4) có tin “Phát hành hơn 24.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong quý I”; Vietnamplus (9/4) có tin “Phát hành hơn 24.700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong quý 1”  cho biết: Theo Bộ Tài chính, trong quý I/2023, khối lượng TPDN đã phát hành được 24.708 tỉ đồng. Trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỉ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân tương ứng là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Đáng chú ý, về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỉ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với khối lượng khoảng 9.600 tỉ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán khẩn trương xây dựng và đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào hoạt động từ 16/6 tới đây để phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, tăng tính thanh khoản cho TPDN riêng lẻ.

VI. Vấn đề về hải quan

14. Báo Công an nhân dân (10/4) đưa tin “Số vi phạm qua đường hàng không tăng 185,7%” cho biết: Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2023, toàn ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.657 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.004,821 tỷ đồng; số tiền thu nộp ngân sách gần 179,2 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 5 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 18 vụ. So với cùng kỳ 2022, tổng số vụ vi phạm giảm 4,79%, tổng trị giá hàng vi phạm giảm 22,01%. Đáng chú ý, số vụ vi phạm được phát hiện, bắt giữ qua đường hàng không tăng mạnh, trong khi vi phạm trên tuyến biển giảm sâu và vi phạm trên tuyến đường bộ tăng nhẹ.

VII. Vấn đề về đầu tư công

15. Báo Thời báo Ngân hàng (10/4) có tin “Thu hồi vốn tạm ứng quá hạn”;  Dangcongsan.vn (7/4) có bài “Đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương thu hồi vốn tạm ứng quá hạn nguồn ngân sách nhà nước” cho biết: Để đảm bảo việc quản lý vốn tạm ứng đúng chế độ theo quy định, Bộ Tài chính vừa phát hành Công văn số 3203/BTC-ĐT gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đôn đốc kiểm tra, đánh giá thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách nhà nước.

Căn cứ tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, trên cơ sở theo dõi số dư tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước, thực hiện Điều 10 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, để đảm bảo việc quản lý vốn tạm ứng đúng chế độ theo quy định, Bộ Tài chính đôn đốc, kiến nghị các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai các biện pháp thu hồi vốn tạm ứng, đặc biệt là các khoản vốn tạm ứng quá hạn do đơn vị mình quản lý.

16. Báo Nhân dân (10/4) có bài “Khó khăn trong thu hồi vốn tạm ứng đầu tư công quá hạn” thông tin: Tính đến thời điểm cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, có 114 dự án chưa thu hồi được vốn tạm ứng quá hạn. Ðáng chú ý, có đến 103 tỷ đồng vốn tạm ứng tại 78 dự án nằm trong diện khó thu hồi, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Ðây là những dự án mà các doanh nghiệp đã nhận tạm ứng từ trước năm 2014.

Theo đại diện Kho bạc Nhà nước Hà Tĩnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương nghiệm thu, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để hoàn ứng tại các công trình đã có khối lượng. Riêng các dự án đã tạm ứng vốn nhưng chưa triển khai, yêu cầu các đơn vị phải nộp ngay vốn tạm ứng về ngân sách để giảm số dư…

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00