Xuất bản thông tin

null Điểm báo ngày 11/4/2023

Tin tức sự kiện Điểm báo ngành

Điểm báo ngày 11/4/2023

I. Vấn đề nổi bật

1. Tạp chí Thời đại (11/4) đăng tải bài phỏng vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc với tiêu đề “Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Sẽ tiếp tục hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp vượt khó”. Trả lời phóng viên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã cung cấp thông tin về kết quả thu và cân đối ngân sách quý I/2023, cũng như những điểm nhấn chính sách được Bộ Tài chính triển khai trong năm 2023.

Bộ trưởng cho biết, năm 2023, dự báo bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế năm 2022, dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Do đó, ngay từ đầu năm, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế như: Gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN) và tiền thuê đất phải nộp để hỗ trợ thanh khoản, giúp doanh nghiệp, người dân giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh; Giảm tiền thuê đất phải nộp cho các đối tượng gặp khó khăn; tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2023…

II. Vấn đề về thuế, phí, lệ phí

2. Báo Sài Gòn giải phóng (11/4) có bài “Vì sao ông chủ Tân Hiệp Phát vướng lao lý?”; Baochinhphu.vn (10/3) có tin “Bộ Công an khởi tố 3 đối tượng thuộc Công ty Tân Hiệp Phát”; VTCnews (10/4) có tin “Vì sao Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị khởi tố?”; Đầu tư (10/4) có tin “Khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh và hai con gái”; Vietnamplus (10/4) có tin “Khởi tố Chủ tịch công ty Tân Hiệp Phát và hai con gái”; VnExpress (10/4) có tin “Ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị bắt”; Zingnews (10/4) có tin “Cảnh sát khám xét Tập đoàn Tân Hiệp Phát”; Nhân dân (10/4) có tin “Khởi tố 3 đối tượng thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát”  cho biết: Từ ngày 8/4 đến 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương.

Trước đó, Bộ Công an đã giao C01 điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai tố cáo ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cưỡng đoạt tài sản là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM từ tháng 11/2020.

3. Báo Tiền phong (10/4) có tin “Cảnh báo nạn giả mạo cán bộ thuế hướng dẫn cài app để chiếm đoạt tiền”; Nhân dân (10/4) có tin “Cảnh báo cài ứng dụng giả mạo từ đối tượng giả danh công chức ngành thuế”; Tuổi trẻ (10/4) có tin “Mạo danh công chức thuế dụ người dân cài app của Cục Thuế để lừa đảo”; Lao động (10/4) có tin “Lại rộ hiện tượng mạo danh cán bộ thuế để lừa đảo”; Hà Nội mới (11/4) có tin “Cảnh báo hiện tượng hướng dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo để lừa đảo”; Công lý (11/4) có tin “Cảnh báo giả mạo công chức thuế hướng dẫn cài app để lừa đảo” cho biết: Theo Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. HCM, vừa qua đã xuất hiện thông tin một số đối tượng giả danh công chức, viên chức nhà nước cung cấp đường dẫn và hướng dẫn người sử dụng cài đặt các ứng dụng giả mạo ứng dụng của cơ quan nhà nước nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoạị, thiết bị thông minh, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, cơ quan thuế khuyến nghị, người nộp thuế không tải hoặc cài đặt ứng dụng dành cho thiết bị thông minh qua các đường dẫn hoặc các hướng dẫn không chính thống.

Hiện nay, các Cục Thuế đã có hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đăng ký và sử dụng ứng dụng thuế điện tử được cài đặt trên thiết bị di động thông minh (eTax Mobile), do Tổng cục Thuế cung cấp. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại di động thông minh hệ điều hành iOS hoặc Android. Người nộp thuế khi truy cập và tải ứng dụng chính thức qua Google Play (hệ điều hành Android) và Apple Store (hệ điều hành iOS), cần kiểm tra thông tin tác giả, nhà phát triển.

4. Dangcongsan.vn (10/4) có tin “Đề xuất mới về mức phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm”; Baochinhphu.vn (11/4) có tin “Đề xuất mới về phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm”; VnEconomy (11/4) có tin “Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm”; Pháp luật Việt Nam (11/4) có tin “Đề xuất mới về phí lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm” cho biết: Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, thay thế Thông tư số 202/2016/TT-BTC.

Là cơ quan trực tiếp đề nghị, Bộ Tư pháp cho rằng cần phải sửa đổi Thông tư 202 để bảo đảm tính đồng bộ của quy định pháp luật. Theo đó, Bộ Tư pháp đề xuất tăng 25% mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay), tàu biển (từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/hồ sơ) phí đăng ký giao dịch bảo đảm lần đầu bằng động sản (trừ tàu bay, chứng khoán đã đăng ký tập trung), tàu biển.

III. Vấn đề về quản lý bảo hiểm

5. Ngay sau khi nắm được những thông tin phản ánh của báo chí về vụ việc diễn viên Ngọc Lan phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội cho rằng bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ, ngày 10/4, Cục QL&GSBH đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ trong việc cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí về các giải pháp của cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Sau khi các thông tin được phát đi, hàng loạt các báo đã có tin bài phản ánh, trong đó đáng chú ý là chương trình Tiêu điểm trên VTV1 phát sóng lúc 21h30 ngày 10/4 và nhiều cơ quan báo chí khác như:  Báo Tuổi trẻ (11/4) có bài ““Bẫy” trong hợp đồng bảo hiểm đến từ đâu?”; Zingnews (10/4) có tin “Bộ Tài chính yêu cầu chấn chỉnh thị trường bảo hiểm sau vụ Ngọc Lan”; VOV.vn (10/4) có tin “Bộ Tài chính chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ”; Vietnamplus (10/4) có tin “Bộ Tài chính: Chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ”; Lao động (10/4) có tin “Bộ Tài chính ra văn bản chấn chỉnh toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ”; Đại biểu nhân dân (10/4) có tin “Bộ Tài chính chấn chỉnh toàn bộ thị trường bảo hiểm nhân thọ”; Bnews - TTXVN (10/4) có tin “Bộ Tài chính: Chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ”; Vietnamnet (10/4) có bài “Lùm xùm bảo hiểm, Bộ Tài chính lại ra lệnh chấn chỉnh”; Giáo dục thời đại (11/4) có tin “Bộ Tài chính chấn chỉnh hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ” và nhiều báo khác cho biết: Ngày 10/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận được thông tin phản ánh về chất lượng tư vấn, hỗ trợ giao kết hợp đồng bảo hiểm của các đại lý bảo hiểm nhân thọ.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, yêu cầu đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đầy đủ, chính xác cho bên mua bảo hiểm.

Khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng; trường hợp khách hàng có phản ánh qua các cơ quan thông tấn báo chí về việc ký kết và thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn báo chí.

Cũng trong ngày 10/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có văn bản yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI (Công ty MVI) tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Tài chính yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm; việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong ngày 11/4/2023.

- Chương trình Tiêu điểm “Bảo hiểm hay rủi ro?” của Bản tin Tài chính kinh doanh – VTV1 dẫn lời Tổng Giám đốc MVI Life (công ty mà nữ diễn viên Ngọc Lan đang có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ) cho biết, 2 bên đã ngồi lại với nhau và sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp.

Ở góc nhìn khác, bài viết ““Bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm: Khách hàng dễ “ngậm đắng nuốt cay”” đăng trên Thanh niên (11/4); bài Bịt ngay lỗ hổng bảo hiểm nhân thọ” trên Người lao động (11/4) cho rằng sau vụ diễn viên Ngọc Lan nói về bảo hiểm nhân thọ,  nhiều khách hàng giật mình đọc lại các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã tham gia 5 - 7 năm trước và hoang mang vì "không hiểu gì". Thực tế khi xảy ra tranh chấp, hầu hết khách hàng đều thua kiện vì "bút sa gà chết".

Luật sư Lương Văn Trung, Công ty luật Lexcomm Vietnam LLC cho biết: Bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai. Nhưng nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi mà sự thất bại chủ yếu nằm ở người mua thiếu hiểu biết, có thể do quá tin tưởng vào đại lý.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, từ các vụ việc xảy ra, Bộ Tài chính cần phải có biện pháp bịt ngay những lỗ hổng bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể là rà soát lại hoạt động của tất cả công ty bảo hiểm trong việc phân phối sản phẩm; quy định chặt chẽ hơn trong thẩm định các sản phẩm của các công ty bảo hiểm trước khi cấp phép phát hành ra thị trường. Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ việc cấp chứng chỉ hành nghề cho đại lý bảo hiểm.

IV. Vấn đề về quản lý giá

6. Báo Tuổi trẻ (11/4) có bài “Bán lẻ xăng dầu lại than lỗ”; Thanh niên (11/4) có bài “Bán lẻ xăng dầu yêu cầu minh bạch chi phí” cho biết: Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bày tỏ bức xúc khi chiết khấu giảm sâu, trong khi báo cáo mới đây của Bộ Tài chính lại kết luận chi phí kinh doanh xăng dầu không có biến động.

Sáng 10/4, ghi nhận từ các DN bán lẻ xăng dầu, chiết khấu tại nhiều kho ở khu vực phía bắc vẫn rất thấp, dầu diesel khoảng 400 đồng/lít, xăng từ 0 - 100 đồng/lít. Một số đại lý thuộc hệ thống của các đầu mối xăng dầu PVOil và Petrolimex cho biết có chiết khấu khoảng 300 đồng/lít. Ở phía nam, mức chiết khấu phổ biến vẫn là 300 - 400 đồng/lít, lấy hàng tại kho và chưa có phí vận chuyển.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Thu, chủ DN kinh doanh xăng dầu tại Tây Ninh, cho hay chiết khấu giảm mạnh khiến DN ôm lỗ. Trong khi đó, báo cáo về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu do Bộ Tài chính gửi Chính phủ lại cho rằng từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, chi phí không có nhiều biến động, Bộ cũng không nhận được ý kiến phản ánh bất thường về chi phí xăng dầu...

Dẫn Thông tư 104 của Bộ Tài chính quy định, chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ rất rõ ràng, nhưng không ghi rõ tỷ lệ cụ thể ở các khâu nên DN đầu mối đang "hưởng trọn" phần này, nhiều DN bán lẻ yêu cầu "Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quy định chi phí này cho khâu bán lẻ rõ ràng hơn".

PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng để khách quan, DN bán lẻ và đầu mối cần trao đổi với Bộ Công thương và Bộ Tài chính nhằm bảo đảm công bằng trong kinh doanh. Nếu Bộ Tài chính báo cáo chi phí không có biến động là đúng, thì việc "bóp" chiết khấu thời gian dài là do phía đầu mối. Nhưng nếu đầu mối và DN bán lẻ đều có cái khó riêng, đặc biệt liên quan chi phí kinh doanh thì do cơ quan quản lý. Xăng dầu là mặt hàng được Nhà nước quản lý, vai trò và trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Tài chính rất quan trọng và phải trả lời cho DN rõ.

7. Báo Tiền Phong (11/4) có bài “Có nên áp giá sàn vé máy bay” cho biết: Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu áp dụng giá sàn với vé máy bay trong khi doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay sẽ làm ảnh hưởng quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người dân.

Theo Vietravel Airlines, hiện tại cơ quan quản lý Việt Nam đã có quy định giá trần với đường bay. Theo đó, đường bay dưới 500 km có mức giá vé tối đa 1 chiều là 1,6 triệu đồng/vé cho đường bay kinh tế, xã hội và 1,7 triệu đồng/vé cho các đường bay khác…

Theo vị này, việc áp dụng giá sàn tại thị trường hàng không Việt Nam là chưa có tiền lệ. Trên thế giới, hiện không có quốc gia nào quản lý vé máy bay bằng giá trần hay giá sàn.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đây không phải lần đầu tiên có đề xuất giá sàn cho vé máy bay. Năm 2017 từng có đề xuất giá sàn với vé máy bay và bị bãi bỏ. Năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải cũng dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thị trường hàng không nội địa ở Việt Nam có 6 hãng hoạt động. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm gần 40%, thị phần VietJet Air chiếm trên 30%, Bamboo Airways chiếm hơn 10%. Con số này cho thấy, thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh và hàng không nội địa là bán dịch vụ bay. Do đó, Nhà nước buộc phải quy định giá trần mà không quy định giá sàn.

V. Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp

8. Báo Lao động (11/4) có bài “Kỳ vọng minh bạch từ hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp” cho biết: Theo giới chuyên gia, xây dựng sàn giao dịch TPDN có thể giải quyết bài toán niềm tin ở thời điểm hiện tại, hạn chế và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi mua phải các trái phiếu thiếu chất lượng.

Hữu Nghĩa

Theo Trang tin điện tử Bộ Tài chính

Follow

Văn bản mới

Văn bản mới

Thông báo

Thông báo

Thông báo đấu giá tài sản

01 thg 12 2023 - 14:12:00